^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGHỀ NUÔI ONG BỀN VỮNG TẠI HUYỆN HƯƠNG SƠN, TỈNH HÀ TĨNH

TÓM TẮT

Trong những năm qua kinh tế Hương Sơn đã có bước phát triển nhanh, bền vững, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 12,38%; Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành chuyển dịch đúng hướng: Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản 29,39%; Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 30,15%; Thương mại, dịch vụ 40,46%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 39,5 triệu đồng/người. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hàng năm trên 1.200 tỷ đồng; Kết cấu hạ tầng kỹ thuật được tăng cường khá đồng bộ. Việc nuôi ong lấy mật đã góp một phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại Hương Sơn. Vào những năm gần đây, để hỗ trợ phát triển bền vững ngành ong trên địa bàn, huyện Hương Sơn đã phối hợp với các ban ngành liên quan thực hiện nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho người dân nuôi ong. Hiện nay, trên địa bàn huyện Hương Sơn có hơn 7435 đàn ong, sản lượng gần 50 tấn/năm. Bài viết nhằm phân tích về thực trạng đề xuất giải pháp về phát triển chăn nuôi ong bền vững tại Hương Sơn.

Từ khoá: Giải pháp phát triển, ong mật, sản lượng, thực trạng.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Vùng đất Hương Sơn là một miền quê trù phú nằm sát dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi có nhiều rừng rậm, đồi núi, ruộng đồng và thung lũng đan xen. Đặc điểm nổi bật của vùng đất Hương Sơn là thảm thực vật phong phú với rừng tự nhiên, rừng trồng, cây trồng nông nghiệp và cây công nghiệp, do vậy vùng đất này có nguồn hoa đa dạng, phong phú, rất thuận lợi cho nghề nuôi ong. Từ rất lâu đời, nghề nuôi ong lấy mật ở Hương Sơn đã phát triển theo kiểu tự phát ở các hộ gia đình, gắn bó bền bỉ với vùng đất này.Ong mật cho con người những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như: mật ong, phấn hoa, sáp ong... Các sản phẩm này được sử dụng làm thực phẩm, đồ uống, bài thuốc cổ truyền và là nguyên liệu của nhiều sản phẩm mỹ phẩm của các ngành công nghiệp khác. Nuôi ong là một nghề đặc biệt, không bóc lột tài nguyên thiên nhiên, tạo công ăn việc làm cho nhiều lứa tuổi. Nghề nuôi ong Hương Sơn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tạo việc làm cho hàng ngàn lao động xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân. Vì vậy nghiên cứu “Thực trạng và giải pháp phát triển nghề chăn nuôi ong mật bền vững tại huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh” cho thấy cái nhìn toàn diện, cập nhật hơn về nghề nuôi ong mật như thành phần loài ong mật, tập tính ong, tình hình chăn nuôi ong tại Hương Sơn hiện nay và từ đó đưa ra các giải pháp nhằm tạo đà tiếp tục phát triển nghề này một cách sâu rộng, có hiệu quả, bền vững, duy trì uy tín và thương hiệu ong Hương Sơn.

  1. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI ONG TẠI HƯƠNG SƠN

2.1. Sản lượng nuôi đàn ong tại Hương Sơn

              Theo thông tin được Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cung cấp, năm 2017 toàn huyện Hương Sơn có 6.788 đàn ong, sản lượng đạt 47,5 tấn/năm. Tính đến 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn huyện có 7435 đàn ong lấy mật, sản lượng gần 50 tấn/năm, tập trung lớn ở một số địa bàn như: xã Sơn Kim 2 (1200 đàn), xã Quang Diệm (1250 đàn), xã Sơn Tây (800 đàn), thị trấn Tây Sơn (1000 đàn). Đến năm 2020: toàn huyện đã có đến 8223 đàn, sản lượng 59 tấn và đến năm 2021: huyện Hương Sơn có tổng cộng 16.413 đàn, sản lượng 137 tấn; năm 2022: có 18.286 đàn, đạt được sản lượng 63 tấn.

Biểu đồ 3.1. Kết quả khảo sát tình hình nuôi ong tại huyện Hương Sơn

Qua kết quả điều tra khảo sát được biết, trong những năm gần đây có khoảng 63% hộ tăng số lượng đàn ong, 34% hộ vẫn giữ nguyên số lượng đàn và 3%  hộ giảm số lượng đàn ong.

Khi hỏi đến nguyên nhân của việc tăng số lượng đàn ong thì đa số người được phỏng vấn cho rằng việc tăng số lượng đàn là để tăng sản lượng mật, tăng thêm thu nhập. Qua đó, ta có thể thấy việc nuôi ong lấy mật đã đem lại thu nhập cao cho người dân, nên số lượng hộ nuôi ong và số đàn ong ngày càng tăng.

Do số lượng hộ nuôi ong và số đàn ong ngày càng tăng, sản lượng của sản phẩm mật ong Hương Sơn cũng tăng dần theo các năm.

Ngoài ra, nguyên nhân của việc một số hộ nuôi giảm số lượng đàn ong là do những có năm gần đây thời tiết khác nghiệt gây ra khó khăn cho việc chăm sóc đàn ong, thị trường tiêu thụ mật ong cũng gặp nhiều khó khăn do số hộ nuôi ong, số lượng đàn ong và ngày càng tăng nhưng thị trường chưa được mở rộng.

2.2. Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mật ong Hương Sơn

Theo kết quả điều tra khảo sát cho thấy, chất lượng sản phẩm mật ong Hương Sơn được thị trường đánh giá cao, chất lượng mật ong Hương Sơn được đánh giá thể hiện qua các yếu tố như màu sắc, hương thơm, độ ngọt. So với mật ong vùng khác, mật ong Hương Sơn được đánh giá là có màu sắc vàng hơn, độ ngọt đậm hơn, mùi hương thơm hơn và có độ đồng đều hơn, khi sử dụng có hàm lượng dinh dưỡng cao. Theo kết quả điều tra khảo sát cho thấy, mật ong Hương Sơn được đánh giá là có chất lượng cao do nguồn giống chất lượng ̣(ong rừng tự nhiên thuần hóa), nguồn thức ăn cho ong là nguồn hoa rừng tự nhiên đa dạng phong phú.  

Sản phẩm mật ong Hương Sơn được bán trên thị trường là mật ong loại đẹp, được hộ nuôi ong tự phân loại theo phương pháp thủ công dựa trên màu sắc, hương thơm, độ ngọt, trạng thái. Tiêu chuẩn của mật ong loại đẹp là có màu vàng, vị ngọt, mùi thơm, mật đều sóng sánh. Sản phẩm mật ong không đạt chất lượng (loại xấu) sẽ được hộ nuôi ong hủy bỏ hoặc cất giữ làm thức ăn bổ sung cho ong vào thời điểm mưa rét kéo dài.

2.3. Kênh thương mại của sản phẩm mật ong Hương Sơn

Qua khảo sát cho thấy, phần lớn kênh thương mại của sản phẩm mật ong Hương Sơn chủ yếu người nuôi ong trực tiếp tự kinh doanh bán lẻ cho người tiêu dùng, đóng gói thủ công. Một số ít thông qua thương lái thu gom tại khu nuôi ong.

Kết quả trên cho thấy rằng, thị trường cho sản phẩm mật ong Hương Sơn vẫn còn nhiều hạn chế vì với hình thức trực tiếp kinh doanh bán lẻ, người dân chưa thể chủ động và giới thiệu rộng rãi sản phẩm ra thị trường để bán, chưa mang lại một quy mô thương mại cho sản phẩm. Vấn đề đặt ra là cần một đầu mối liên kết để chịu trách nhiệm đầu ra cho sản phẩm nhằm ổn định nguồn thu và lợi nhuận của người nuôi ong.

2.4. Thị trường tiêu thụ

Kết quả điều tra khảo sát: thị trường chủ yếu của mật ong Hương Sơn là Hà Tĩnh, Vinh, Hà Nội, Đà Nẵng, Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số địa phương khác. Hiện một số đơn vị đã thiết lập được các hệ thống bán hàng sử dụng các kênh thương mại điện tử như sendo, shopee hoặc tự bán hàng online qua trang web, fanpage và bán hàng tại các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP Hà Tĩnh,…

  1. 3. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI ONG BỀN VỮNG

3.1. Công tác quản lý

- Quy hoạch vùng nuôi ong nội và ong ngoại, duy trì và bảo tồn giống ong nội trong tỉnh để tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào;

 - Cần sớm có kế hoạch quản lý và tổ chức khai thác vùng hoa là tài nguyên thiên nhiên của tỉnh;

 - Sớm đưa quy trình, quy chế quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vừa đảm bảo cho cây trồng vừa đảm bảo chất lượng cho đàn ong và sản phẩm của ong khi tham gia vào thực tiễn đảm bảo sức khỏe cộng đồng;

 - Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm ong tiến tới tương đương với bộ tiêu chuẩn của EU (Liên minh Châu Âu), giám sát chặt chẽ hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.

3.2. Tăng cường vai trò hoạt động của các HTX, doanh nghiệp

Hiện nay, ở Hương Sơn mới chỉ có một số hợp tác xã dạng như HTX Cường Nga. Qua thực tế, các HTX này đã phát huy khá tốt trong chuỗi giá trị từ nuôi, lấy mật và thương mại sản phẩm mật ong. Tuy nhiên, tính liên kết giữa các HTX và các hộ nuôi, kinh doanh mật ong chưa thể hiện được nhiều. Các hộ nuôi và kinh doanh mật ong chưa sẵn sàng kết nối với HTX để cùng hợp lực thúc đẩy sản xuất. Về cơ bản nhiều hộ gia đình chỉ xem việc sản xuất mật ong là nghề phụ, kinh tế phụ góp phần cải thiện phần nào của kinh tế gia đình. Do đó, các hộ nuôi ong thiếu tính liên kết, đoàn kết để cùng thống nhất trong sản xuất. Chính vì vậy, rất cần thiết các HTX, các hộ nuôi ong liên kết với nhau theo chuỗi giá trị, nhất là khâu tiêu thụ mật ong, bảo đảm chất lượng đồng đều và an toàn vệ sinh tuyệt đối, nhất là khâu vận hành và kiểm soát sử dụng các hoạt chất hóa học và đồng thời quản lý và kiểm soát khâu đóng gói, bao bì của sản phẩm và cũng như giá bán

3.3. Giải pháp về thị trường

              - Tăng cường kênh phân phối:Như đã đề cập ở trên, kênh phân phối của mật ong Hương Sơn đơn thuần chỉ là một số tiểu thương trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh đóng vai trò trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Chính vì lực lượng phân phối hàng hóa tồn tại mang tính chất tự phát và nhỏ lẻ nên không đóng góp nhiều vào quá trình khuyếch trương và phát triển sản phẩm. Cách khả thi là không ngừng gia tăng thị trường phân phối, sau khi đồng bộ các khâu trong quá trình sản xuất, đóng gói sản phẩm (bao gói, mã số mã mạch, tem truy suất nguồn gốc…) sẽ xâm nhập vào thị trường mục tiêu như đề cập ở trên. Tiếp đến hướng tới thị trường bản lẻ thông qua các chuỗi siêu thị của Vinmart, Circle K, 24/7, Family, hệ thống Bách hóa xanh là những hệ thống bán lẻ uy tín giúp cho quá trình thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm khá thuận lợi, ngoài ra có thể cân nhắc phương án lựa chọn làm việc với các hệ thống phân phối lớn như các kênh siêu thị như: Big C, Coopmart …

          - Đẩy mạnh tiêu thụ mật ong nội địa;

- Nâng cao chất lượng sản phẩm để giới thiệu quảng bá trên các thị trường không chỉ trong nước mà còn trên thế giới;

          - Ngăn chặn các sản phẩm của ong kém chất lượng từ nước ngoài đưa vào Việt Nam để tái xuất;

 - Chủ yếu đánh bắt trong tự nhiên và khai thác tự nhiên. Chú trọng khâu khai thác, đóng gói để đưa sản phẩm ong nội trở thành hàng hóa;

- Các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư xây dựng cải tiến đa dạng hóa sản phẩm, tuyên truyền về lợi ích của mật ong đối với sức khỏe cộng đồng.

3.4. Giải pháp về phương thức kinh doanh

Phương thức kinh doanh theo kiểu truyền thống đã bộc lộ nhiều yếu kém trong quá trình sản xuất kinh doanh và cạnh tranh. Với mô hình kinh doanh cũ, người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm luôn là người gặp nhiều thiệt thòi và dẫn đến nguy cơ bị lỗ và có xu hướng bỏ đàn, bỏ nghề nuôi ong. Giữa kênh phân phối mua bán truyền thống không có ràng buộc về mặt pháp lý, thương lái chủ động trong cán cân điều chỉnh giá và người nuôi ong không có cơ sở đề bảo vệ quyền lợi trong cuộc đấu tranh về quyền lợi.

Kể cả các doanh nghiệp, HTX, nhất là các hộ nuôi ong nhỏ lẻ cần liên liên kết thành mô hình liên kết dưới hình thức “chuỗi giá trị”. Hương Sơn: “Liên kết nuôi ong, thong dong đếm tiền”. Từ đó, đảm bảo chất lượng sản phẩm như cam kết, chứng minh năng lực cung cấp cho kênh phân phối. Có thể hình thành nhiều hợp tác xã nhằm đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, khách quan trong quá trình cạnh tranh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hội ngành nghề nông nghiệp nông thôn Hương Sơn (2021), Báo cáo thực trạng nghề nuôi ong Hương Sơn.
  2. Lê Quang Trung (2013), Phân biệt Ong khoái Apis dorsata và Ong đá Apis laboriosa, nghiên cứu tập tính di cư của chúng dựa vào đa hình trình tự gen COII trên DNA ty thể, Hội nghi khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 5.

3.http://www.fsi.org.vn/cate/1000_6083/tim-giai-phap-phat-trien-ben-vung-nghe-nuoi-ong.html

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube