^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Một số điều cần biết về Hộ kinh doanh cá thế

Hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh với quy mô nhỏ, được tổ chức đơn giản và rất phổ biến tại Việt Nam. Bài viết này sẽ đề cập đến các quy định về quyền và nghĩa vụ, ưu, nhược điểm và các quy định về các loại thuế của hộ kinh doanh cá thể.

  1. Hộ kinh doanh cá thể là gì? Ưu, nhược điểm của hộ kinh doanh cá thể?

Khái niệm

Theo hướng dẫn tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP 14/9/2015 ngày thì: Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Ưu, nhược điểm của hộ kinh doanh cá thể

Hộ kinh doanh cá thể là một mô hình kinh doanh khá đơn giản từ tổ chức hoạt động đến việc vận hành kinh doanh. Chính vì vậy, thủ tục thành lập hộ kinh doanh không rườm rà, phức tạp như khi thành lập doanh nghiệp. Hơn thế nữa, với quy mô nhỏ gọn nên chế độ chứng từ, sổ sách kế tóa của Hộ kinh doanh rất đơn giản. Hộ kinh doanh được áp dụng chế độ thuế khoán thay vì phải kê khai thuế hàng tháng như công ty.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên thì hộ kinh doanh lại có một số những nhược điểm như: chỉ được dùng hóa đơn trực tiếp nên không được hoàn thuế, không được xuất hóa đơn VAT; chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm nhất định mà không được mở các đơn vị phụ thuộc; không có tư cách pháp nhân nên không có con dấu riêng, khó tạo được niềm tin cho đối tác, khách hàng; Chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chủ hộ kinh doanh cá thể đối với hoạt động kinh doanh.

Trước đây, với mô hình tổ chức đơn giản, gọn nhẹ nên hộ kinh doanh trở thành lựa chọn tối ưu của nhiều nhà khởi nghiệp. Tuy nhiên, trước sự phát triển ngày càng nhanh chóng của nền kinh tế, mô hình hộ kinh doanh cá thể đã trở lên không còn phù hợp với xu thế kinh doanh hiện nay. Nếu như trước đây, khi đã đăng ký hộ kinh doanh hộ cá thể thì không thể chuyển đổi lên thành doanh nghiệp được. Tuy nhiên, khi Nghị định 108/2018/NĐ-CP của chính phủ có hiệu lực từ 10/10/2018 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn thủ tục đăng ký doanh nghiệp đã cho phép hộ kinh được chuyển đổi lên thành Công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Việc pháp luật quy định mở như vậy đã tạo điều kiện rất lớn cho những hộ kinh doanh muốn chuyển đổi lên thành công ty.

  1. Quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cá thể

Quyền của hộ kinh doanh

- Hộ kinh doanh tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa điểm kinh doanh.

- Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.

- Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh và phù hợp với quy định về số lượng lao động tối đa mà hộ kinh doanh được sử dụng.

- Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

- Từ chối yêu cầu cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.

- Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

- Chủ hộ kinh doanh có quyền tạm ngừng hoạt động kinh doanh, chấm dứt hoạt động kinh doanh.

- Trường hơp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đầ đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Thời gian tạm ngừng kinh doanh không được quá 01 năm. Hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đã đăng ký ít nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ sau khi tiếp nhận thông báo tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đãng ký tạm ngừng kinh doanh cho hộ kinh doanh.

- Khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh phải gửi thông báo về việc chấm dứt hoạt động và nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký, đồng thời thanh toán đầy đủ các khoản nợ, gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện.

- Hộ kinh doanh có quyền tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

- Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

            Nghĩa vụ của hộ kinh doanh cá thể

- Không được kinh doanh những ngành, nghề bị cấm kinh doanh. Trường hợp hộ kinh doanh kinh doanh ngành, nghề bị cấm thì cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo về hành vi vi phạm và ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

- Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc hộ kinh doanh kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo yêu câu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

- Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

+ Hộ kinh doanh chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó. Hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh là giả mạo; hộ kinh doanh do những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh thành lập. Trường hợp nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh là giả mạo, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo về hành vi vi phạm của hộ kinh doanh và ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

+ Khi thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh thông báo nội dung thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký. Trường hợp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh là giả mạo thì cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo về hành vi vi phạm của hộ kinh doanh và hủy bỏ những thay đổi trong nội dung đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện trên cơ sở các thông tin giả mạo và khôi phục lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp trên cơ sở hồ sơ hợp lệ gần nhất, đồng thời thông báo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp hộ kinh doanh chuyển địa chỉ sang quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nơi hộ kinh doanh đã đăng ký, hộ kinh doanh gửi thông báo về việc chuyển địa chỉ đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi dự định đặt địa chỉ mới. Kèm theo thông báo phải có bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc đăng ký thay đổi địa chỉ đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập và bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình.

- Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh.

  1. Quy định về các loại thuế của hộ kinh doanh cá thể

Theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh thì hộ gia đình phải nộp thuế khoán, bao gồm thuế GTGT và thuế TNCN.

* Nguyên tắc áp dụng:

- Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ cá nhân kinh doanh hướng dẫn tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư 92/2015/TT-BTC này.

- Đối với cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm.

Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: cá nhân mới ra kinh doanh; cá nhân kinh doanh thường xuyên theo thời vụ; cá nhân ngừng/nghỉ kinh doanh thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh. Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp, nếu kinh doanh không trọn năm thì cá nhân được giảm thuế khoán phải nộp tương ứng với số tháng ngừng/nghỉ kinh doanh trong năm.

- Trường hợp cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất trong năm tính thuế.

            - Xác định số thuế phải nộp:

Số thuế GTGT phải nộp

=

Doanh thu tính thuế GTGT

x

Tỷ lệ thuế GTGT

Số thuế TNCN phải nộp

=

Doanh thu tính thuế TNCN

x

Tỷ lệ thuế TNCN

- Thời điểm xác định doanh thu tính thuế

+ Đối với doanh thu tính thuế khoán thì thời điểm cá nhân thực hiện việc xác định doanh thu là từ ngày 20/11 đến ngày 15/12 của năm trước năm tính thuế.

+ Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán mới ra kinh doanh (không hoạt động từ đầu năm) hoặc cá nhân thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh trong năm thì thời điểm thực hiện việc xác định doanh thu tính thuế khoán của năm là trong vòng 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh hoặc ngày thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh.

            Nội dung cung cấp trên đây giúp người đọc nắm rõ một số quy định, thông tin liên quan đến hộ kinh doanh cá thể, đặc biệt là các quy định về các loại thuế phải nộp cũng như cách tính thuế của hộ kinh doanh cá thể.

            Tài liệu tham khảo

Nghị định 78/2015/NĐ-CP 14/9/2015

Thông tư 92/2015/TT-BTC

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube