Hợp tác quốc tế là sự liên kết của nhiều chủ thể có sự khác nhau về quốc tịch, cùng hướng tới một mục tiêu, không chống phá, chiến tranh với nhau. Hợp tác quốc tế về đào tạo hiện nay được hiểu là sự hợp tác về các hoạt động đào tạo giữa các cá nhân, chủ thể tại Việt Nam với các cá nhân, chủ thể người nước ngoài nhằm một mục đích phát triển giáo dục, đào tạo của cả hai bên. Mô hình hợp tác này sẽ thúc đẩy sự phát triển về cả chất và lượng của hoạt động giáo dục đào tạo.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ khiến cho nguồn nhân lực được đào tạo, bồi dưỡng ra không chỉ là nhân lực phục vụ cho địa phương, đất nước mà là nhân lực phục vụ được cho cả thế giới. Do vậy, vai trò của hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực là hết sức quan trọng, là tất yếu để tạo ra được một nguồn nhân lực mang tính quốc tế cao.
Hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo đã và đang chứng minh được vai trò của mình trong việc góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này vừa là yêu cầu, vừa là sự tất yếu đối với chúng ta.Vì vậy, việc nắm bắt được thực trạng hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo sẽ là cơ sở để đề xuất các các giải pháp phát triển hợp tác quốc tế phục vụ đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng một cách hợp lí nhất.
Nguồn nhân lực là nhân tố hàng đầu quyết định sự phát triển của nền kinh tế. Xét trên cả nước nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực của Hà Tĩnh cũng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, cơ cấu của nguồn nhân lực còn nhiều bất hợp lý. Bậc đào tạo càng cao, càng có xu hướng phát triển thiên về các ngành sản xuất phi vật chất. Ngoài ra, nguồn nhân lực có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ số, có trình độ ngoại ngữ tốt, chịu được sự tác động về ngoại cảnh của dịch bệnh ở Hà Tĩnh còn hạn chế, hiện tại chỉ chiếm tầm 15% lực lượng lao động tỉnh nhà.
Mô hình hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực ở Hà Tĩnh hiện nay được thực hiện trên nhiều phương diện và bằng nhiều hình thức đa dạng. Có thể kể đến như hợp tác trao đổi sinh viên quốc tế giữa các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong nước với nước ngoài, kí các thỏa thuận gửi lao động ra nước ngoài đào tạo để nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, mở các hội thảo, diễn đàn, chuyên đề quốc tế trao đổi chuyên môn, phương pháp đào tạo… Công tác ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế của tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, quy định theo Pháp lệnh số 33/2007/PL-UBTVQH11 ngày 24/4/2007 về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Các cơ sở giáo dục và đào tạo đóng trên địa bàn tỉnh cũng có những kết quả nhất định của mô hình hợp tác quốc tế về đào tạo nguần nhân lực. Cụ thể như Trường đại học Hà Tĩnh từ năm 2018 đến nay đã đạt được một số kết quả khả quan trong hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ đào tạo nhân lực như: Đón 69 đoàn công tác đến thăm và làm việc với Trường Đại học Hà Tĩnh; tổ chức 06 đoàn ra đi quảng bá tuyển sinh, làm việc với các đối tác nước ngoài. Phối hợp với các đối tác Hoa Kỳ, Thái Lan đã tổ chức 03 Hội thảo khoa học quốc tế, 01 diễn đàn và 04 chuyên đề quốc tế tại Trường. Có 26 thỏa thuận hợp tác về giáo dục Trường ký với các đối tại nước ngoài đang còn hiệu lực, được thực hiện đúng quy trình và thủ tục pháp luật Việt Nam và quy định của tỉnh Hà Tĩnh. Tuyển sinh được 776 Lưu học sinh của 11 tỉnh và 01 thành phố của Lào sang học tập tiếng việt và chuyên ngành tại Trường; Trường đã cử 34 sinh viên đi thực tập tại Thái Lan, 24 sinh viên đi thực tập tại Đài Loan và 10 sinh viên đi thực tập tại Israel.
Văn phòng tiếng Anh khu vực Đại sứ quán Hoa Kỳ làm việc với Trường đại học Hà Tĩnh
Hợp tác đào tạo quốc tế cũng đang là xu hướng được các cơ sở đào tạo nghề lựa chọn nhằm đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong thời kỳ mới, đồng thời mở ra cơ hội lựa chọn nghề nghiệp tại các nước phát triển cho học sinh, sinh viên, người lao động Hà Tĩnh. Chương trình hợp tác đào tạo với Tập đoàn Avestos (Đức) của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh được đánh giá cao về chất lượng và đề xuất triển khai đào tạo thêm ở các lĩnh vực phù hợp với xu thế mới. Trường cũng đã cử 4 giáo viên tham gia khóa đào tạo chuyên môn tại Đức.. Ngoài ra, chương trình hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”, được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), đồng thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam (MoLISA) thực hiện các khóa đào tạo ngắn hạn cho lao động bị mất việc, cần được đào tạo lại để chuyển đổi việc làm hoặc người trong độ tuổi lao động nhưng chưa có việc làm. Hoặc như Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh với các chương trình: Liên kết đào tạo với Học viện Chisholm (Australia), Học viện HWK Leipzig và Tập đoàn Avestos (Đức); liên kết đào tạo song hành với Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (Tập đoàn Vingroup).
Hội nghị trực tuyến về hợp tác đào tạo giữa Trường Cao đẳng kĩ thuật Việt Đức Hà Tĩnh và các đối tác tại CHLB Đức
Đồng thời với sự chủ động từ các trường trong tỉnh thì UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng xúc tiến kí kết các chương trình giao lưu, hợp tác với một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan- Trung Quốc, Đức, Australia, các nước trong khối ASEAN… Gần đây nhất là Chương trình giao lưu đào tạo nguồn nhân lực giữa Hà Tĩnh và Tổ chức pháp nhân công ích quản lý lao động quốc tế (I.P.M) nhằm củng cố và nâng cao trình độ tiếng Nhật cho người lao động, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để tham gia chương trình thực tập sinh đúng quy định.
Hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo là một phương cách hữu hiệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy Hà Tĩnh cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp để phát huy tối đa nội lực, đồng thời tranh thủ được sự giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong vấn đề này như sau:
Thứ nhất là, Tỉnh nên kiến nghị ban hành bổ sung nhằm hướng tới việc hoàn chỉnh hệ thống chính sách của Nhà nước về vấn đề hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính; nâng cao tính công bằng, khách quan trong tuyển chọn, đào tạo và sử dụng theo đúng yêu cầu thực tế của Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai là, đồng thời với việc cử đi đào tạo ở nước ngoài, cần xây dựng chiến lược và lộ trình đầy đủ cho việc hội nhập quốc tế ngay trong từng tổ chức khoa học, thông qua liên kết đào tạo, hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế và chuyên gia nước ngoài. Nâng cao khả năng hội nhập cho các nhà khoa học bằng việc tham gia các hội thảo và chương trình hợp tác nghiên cứu ở tầm quốc tế, đồng thời chuẩn bị đủ năng lực và trình độ để thu hút, tổ chức các diễn đàn trao đổi ý kiến với các nhà khoa học, viện nghiên cứu hàng đầu của các nước.
Thứ ba là, đổi mới theo hướng hội nhập hệ thống chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục với chương trình đào tạo hiện đại của thế giới. Tiếp cận các chương trình đào tạo mới theo tiêu chuẩn quốc tế bằng việc cải cách các chương trình sẵn có sao cho phù hợp với đặc thù của tỉnh nhà. Mở rộng các hình thức liên kết đào tạo quốc tế tại Hà Tĩnh, để vừa giảm gánh nặng kinh phí, vừa đạt được hiệu quả trong điều kiện thực tế.
Thứ tư là, tổ chức các lớp chuyên đề, hội thảo mời các chuyên gia nước ngoài tới giảng bài cũng như giới thiệu các công nghệ mới cho các nhà khoa học. Tạo mối quan hệ hợp tác hữu hiệu với các trường đại học, viện nghiên cứu của các nước có nền khoa học mạnh hoặc những nơi có công nghệ mà chúng ta cần, để từ đó có thể phát triển khoa học, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo từng hướng trọng điểm mà đất nước, tỉnh nhà đang cần.
Thứ năm là, thực hiện các chính sách thu hút người tài thông qua kêu gọi các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng đất nước, hoặc có những đóng góp về khoa học cho đất nước. Họ sẽ là đầu mối liên hệ giữa các nhà khoa học trong nước với các nhà khoa học quốc tế, giúp chúng ta có thể nắm bắt được các trào lưu khoa học mới, bắt kịp trình độ quốc tế. Ðây là nguồn nhân lực đáng kể, cần có chính sách thỏa đáng để thu hút nhằm phục vụ đắc lực cho công cuộc hội nhập quốc tế.
Thứ sáu là, có chính sách động viên mạnh mẽ các doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng mô hình đào tạo có liên kết với yếu tố nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng lao động. Tăng cường việc hợp tác kí kết các chương trình thực tập kĩ năng để đưa lao động ra nước ngoài học tập kĩ năng mang về nước vận dụng.
Trong bối cảnh mới như hiện nay, để có được nguồn nhân lực vừa có chất lượng vừa mang tính quốc tế cao thì việc phát triển mô hình hợp tác quốc tế về đào tạo chính là hướng đi đúng đắn của Hà Tĩnh trước những cơ hội và thách thức của chuyển đổi số nền kinh tế.