Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói chung, các loại hình diễn xướng dân gian nói riêng và phát triển du lịch cần có sự phối hợp đồng bộ của cộng đồng xã hội và của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đóng vai trò quan trọng. Có thể nói nếu du lịch phát triển sẽ tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với các giá trị văn hoá ở mỗi vùng đất. Nhưng nếu du lịch chỉ khai thác mà không chú trọng đến việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hoá thì các giá trị văn hoá dễ dàng xuống cấp hoặc biến dạng. Do đó, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch phải quan tâm đầu tư về nhân lực, tài lực, vật lực góp phần bảo tồn, tôn tạo, phát huy tốt các di sản văn hoá phục vụ cho hoạt động du lịch nói riêng, cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung.
Do chịu tác động của nhiều yếu tố lịch sử, xã hội và quy luật của sự hội nhập, đổi mới của nền kinh tế thị trường, các loại hình diễn xướng dân gian ở Hà Tĩnh đang đứng trước những vấn đề lớn, đó là: Một số làn điệu cổ, âm nhạc đang bị lãng quên hoặc “cải biên” thành các làn điệu mới để phù hợp với sự phát triển chung của thời đại; đã/đang bị mai một và tách dần khỏi môi trường diễn xướng, không gian sinh hoạt văn hóa; hệ thống di sản văn hóa phi vật thể chưa được tư liệu hóa đầy đủ thành một kho tàng di sản để lưu giữ và quảng bá rộng rãi; các hoạt động sưu tầm và lưu giữ còn mang tính đơn lẻ của một số cá nhân, các nhà nghiên cứu hay các cán bộ chuyên trách, một số các đơn vị quản lý; số lượng các nghệ nhân dân gian hiện nay cũng ngày một ít đi theo thời gian.
Từ thực trạng trên có thể thấy các loại hình diễn xướng dân gian ở Hà Tĩnh cấp thiết cần phải: Thực hiện công tác điều tra, sưu tầm, khảo sát về các làn điệu, về không gian văn hóa xưa và nay; vai trò của nghệ nhân dân gian; ảnh hưởng của các loại hình diễn xướng dân gian đến đời sống tinh thần của nhân dân; nghiên cứu và đánh giá khoa học về các đặc điểm, giá trị, về thực trạng của các loại hình diễn xướng dân gian hiện nay; đề xuất các giải pháp bảo tồn những giá trị các loại hình diễn xướng dân gian. Đồng thời phát huy giá trị các của nó để không bị dị hóa trước xu thế đổi mới và hội nhập hiện nay của đất nước.
Để làm tốt những nội dung trên, cần thực hiện 3 nhóm giải pháp cơ bản sau đây:
Trước hết, cần tăng cường công tác giáo dục về truyền thống văn hoá, lịch sử cho cộng đồng, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức trân trọng các giá trị văn hoá dân tộc cho mỗi người dân. Đưa vấn đề giáo dục ý thức vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giúp cho những người chủ tương lai của đất nước nhận thức được tâm quan trọng của vấn đề, khi ra trường học sử dụng được các kiến thức của mình đã được học để bảo vệ tổ quốc, giữ gìn các giá trị nghệ thuật, khai thác bản sắc văn hoá dân tộc phục vụ cho sự phát triển đất nước.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xúc tiến quảng bá và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo khả năng tăng nhanh nguồn khách du lịch trong và ngoài nước; đưa hình ảnh, đất nước con người Hà Tĩnh với các giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc đến với du khách. Ngoài các trang web chung về Văn hóa - Du lịch, Hà Tĩnh phải nhanh chóng lập trang web riêng để giới thiệu và phổ biến rộng rãi về các loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc như Ca trù, Trò Kiều, Ví Giặm, Hò chèo cạn Cẩm Nhượng, Sắc bùa Kỳ Anh… với tư cách là những sản phẩm du lịch độc đáo tới đông đảo nhân dân trong và ngoài nước.
Hà Tĩnh phải xây dựng được thương hiệu “điểm đến” và có nhiệm vụ “bán sản phẩm điểm đến du lịch quốc gia” trong liên kết vùng và khu vực, việc này có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Ngành Du lịch trực tiếp đến du khách cũng như gián tiếp qua các đối tác là các nhà điều hành tour và các cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đó là nền tảng định hướng cho các hoạt động xúc tiến du lịch.
Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch và các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần tham mưu cho lãnh đạo tỉnh xây dựng một hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển du lịch nhưng vẫn đảm bảo việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy và làm giàu bản sắc văn hoá dân tộc, tránh tình trạng khai thác bừa bãi, phá vỡ không gian văn hóa truyền thống, dẫn đến sự biến dạng lai tạp, mất bản sắc văn hóa dân tộc; kịp thời ban hành các quy định, thể chế hoạt động văn hoá, sinh hoạt xã hội theo hướng tạo được môi trường tự nhiên - xã hội lành mạnh cho du lịch phát triển, giữ gìn thuần phong mỹ tục, phòng chống các tệ nạn xã hội trong hoạt động du lịch; cần có sự phân công và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, các ban ngành hữu quan gồm: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Xuất Nhập cảnh, ...để phân định rõ chức năng mỗi ngành, cùng liên kết hợp tác chặt chẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch phát triển.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch; Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an toàn, an ninh cho khách du lịch”; Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ về “Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới”; tăng cường việc kiểm tra kiểm soát, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các vi phạm.
Ngoài ra, muốn phát triển được du lịch, phải có một môi trường du lịch tốt (bao gồm cả môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường xã hội nhân văn), trong đó môi trường xã hội nhân văn thuận lợi, môi trường pháp lý rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ có tác dụng tích cực trong việc khuyến khích du lịch phát triển.
- Về nhân lực: Ngành Du lịch Hà Tĩnh đang còn non trẻ và yếu kém so với các tỉnh, thành phố khác, do vậy tỉnh cần có chiến lược đào tạo để bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực cho các hoạt động du lịch, đảm bảo chất lượng và văn minh trong phục vụ. Chú trọng nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp đào tạo nghệ nhân, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, trang bị những kiến thức văn hoá, chuyên môn kỹ thuật và cách thức quản lý kinh doanh trong cơ chế thị truờng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ đón tiếp khách du lịch. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển làng nghề và du lịch làng nghề.
Mặt khác, cần có những đầu tư thích đáng trong việc hoàn thiện tổ chức bộ máy đủ chức năng, đủ khả năng đảm nhận công tác quản lý, bảo tồn cũng như phát huy di sản văn hóa, du lịch cho các phòng Quản lý Di sản, phòng Nghiệp vụ Văn hóa, phòng Nghiệp vụ Du lịch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phòng, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch các huyện, thị trên địa bàn tỉnh.
- Nhóm giải pháp về đầu tư: Để tạo động lực phát triển du lịch bền vững, Nhà nước cần kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các sản phẩm du lịch nổi trội tại các địa phương, vùng du lịch trọng điểm. Chú trọng phát triển những thương hiệu du lịch có vị thế cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Trong cơ chế đầu tư, cần đảm bảo sự hợp lý, tối ưu trong đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hạ tầng du lịch, ngoài thông lệ quốc tế, còn phải có tính đặc thù của địa phương. Theo các tuyến, điểm du lịch đã được quy hoạch chi tiết, phải từng bước xây dựng hệ thống đường xá, phương tiện vận chuyển, cơ sở lưu trú: khách sạn, nhà hàng, nơi mua sắm; phương tiện thông tin liên lạc...càng hiện đại, càng thuận lợi càng dễ thu hút khách. Một đòi hỏi khắt khe của các di tích, các tài nguyên du lịch là phải giữ được tính nguyên thể của nó. Nếu tôn tạo không đúng quy trình kỹ thuật và nguyên tắc thì sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn mà nhiều khi còn phản tác dụng. Bởi vậy công việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học, sử học, các nhà nghệ nhân, nhà kiến trúc xây dung, nhà quy hoạch,…có như vậy mới hấp dẫn du khách và phát huy được ý nghĩa của chính nó. Cùng với việc trùng tu, tôn tạo di tích thì việc thổi hồn vào các di sản vật thể là một nội dung hết sức quan trọng.
- Nhóm giải pháp về tài chính: Trong bối cảnh quá trình toàn cầu hoá ngày càng gia tăng, kinh tế và văn hoá có thể được xem là hai nguồn lực lớn nhất quy định hành vi của con người. Để thực hiện thành công các giải pháp bảo tồn và phát các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian rõ ràng phải gắn xử lý hài hoà lợi ích của các thành phần cộng đồng dân cư nơi khai thác các giá trị văn hoá truyền thống. Và cũng nhờ phương thức đó mà các nguồn lực xã hội được huy động tối đa cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, đưa văn hoá trở thành một nhịp cầu thân thiện giữa khách thể và chủ thể. Từ doanh thu du lịch hàng năm, nên có những cơ chế tái đầu tư trở lại hoặc hỗ trợ các địa chỉ và hoạt động bảo vệ tôn tạo, chống xuống cấp một số di tích Lịch sử Văn hoá và các loại hình diễn xướng văn nghệ dân gian. Đây chính là những giá trị vật thể và phi vật thể có ý nghĩa trong hoạt động du lịch.
Ngân sách Tài chính phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy các loại hình văn nghệ dân gian vào phát triển du lịch được huy động từ các nguồn sau: Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hoá và ngân sách tỉnh đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa (kể cả vật thể và phi vật thể) hàng năm; ngân sách của các ngành dành cho hoạt động văn hoá, thông tin; đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ tài chính theo hướng xã hội hóa từ sự đóng góp của nhân dân, các nhà hảo tâm, của các tổ chức chính trị - xã hội; tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài; huy động kinh phí dưới hình thức vay với lãi suất thấp hoặc kêu gọi viện trợ từ các tổ chức quốc tế, phi chính phủ.
Kết luận: Như vậy, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các địa phương vùng Bắc – Nam Trung bộ cần nhận thức sâu về lợi thế tĩnh và động của từng địa phương, hiểu rõ thực trạng phát triển du lịch của vùng trên các phương diện môi trường du lịch, hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch. Học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch của các nước bạn, xác định động lực liên kết rõ ràng và đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên kết với các vùng khác trong nước và liên kết quốc tế dựa trên lợi thế cạnh tranh. Hà Tĩnh chúng ta cũng cần phải tạo được những tour du lịch đến các lễ hội dân gian, về các làng quê để khách du lịch tìm hiểu các phong tục tập quán cổ truyền, chúng ta cũng phải khai thác lòng mến khách và lịch sử của con người địa phương. Và bên cạnh việc du khách được thưởng thức các món ăn truyền thống mang tính bản địa, những người làm du lịch Hà Tĩnh đừng quên cho khách được thưởng thức các loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của quê nhà như Dân ca Ví, Giặm, Ca trù, Trò Kiều, Hò, Vè, Sắc bùa,…Đó mới chính là sản phẩm du lịch đặc sắc của Hà Tĩnh.