^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH KINH TẾ VIỆT NAM VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2020

Năm 2020 là một năm đầy biến động và khó khăn đối với nền kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, bước vào những tháng cuối năm này, kinh tế Việt Nam đang  có dấu hiệu ổn định trở lại và dần chuyển biến tích cực về nhiều mặt từ sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, cán cân thương mại. Sản xuất công nghiệp đang mở rộng đà tăng, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng tốc; tổng FDI đăng ký đạt mức cao trở lại vào cuối năm; tiêu dùng trong nước tiếp tục xu hướng phục hồi, số DN quay trở lại hoạt động tăng. Ổn định vĩ mô được củng cố với lạm phát giảm tốc và tỷ giá duy trì ổn định. Dù vậy, một số lĩnh vực vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19 như số doanh nghiệp ngừng hoạt động tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng đang dần chậm lại.

  1. Tình hình kinh tế 11 tháng đầu năm 2020
  2. Các chỉ tiêu có sự tăng trưởng triển vọng

Bảng 1: Một số chỉ tiêu kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm từ  2020

(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo của TCTK)

Sản xuất công nghiệp: Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tiếp tục đà phục hồi với mức tăng 9,2% (cao hơn nhiều so với +5,4% trong tháng10). Trong đó, IIP ngành Chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ, tăng 11,9% (so với +8,3%  trong tháng 10); Cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải (+5,3% YoY và +1,1% MoM), Sản xuất và phân phối điện (+4,0% YoY và -2,7% MoM) cũng duy trì đà tăng dù chịu ảnh hưởng bởi bão lụt ở khu vực miền Trung. Ở chiều ngược lại, Khai khoáng thu hẹp xu thế giảm với mức giảm 6,2% YoY (so với -14,5% YoY trong T10). Lũy kế 11 tháng của năm 2020, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 3,1% YoY, tiếp tục cải thiện so với mức +2,7% YoY trong 10 tháng năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,3% YoY của 11 tháng năm 2019. Sản xuất công nghiệp, dẫn đầu là Công nghiệp Chế biến, chế tạo đang trên đà hồi phục tốt sau khi VN kiểm soát dịch thành công lần hai và các hoạt động kinh tế bước vào trạng thái bình thường mới.

Biểu đồ 1: Tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp IIP theo tháng

(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo của TCTK)

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) và tổng mức bán lẻ: Động lực chính đến từ nhu cầu cải thiện trong các tháng trước Tết, thúc đẩy sản lượng sản xuất gia tăng. PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 11 giảm nhẹ xuống 49,9 điểm trong tháng 11, đây là lần đầu tiên rơi xuống dưới 50 điểm trong ba tháng, một phần do ảnh hưởng của bão lũ đã cản trở sản xuất, số lượng đơn hàng mới và việc nhận hàng trong tháng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 ước đạt 464,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do các địa phương, DN triển khai tốt các chương trình kích cầu tiêu dùng và trong nước vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Lũy kế 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.590,7 nghìn tỷ đồng, tăng  2%  (tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố giá, vẫn giảm  -2%) so với cùng kỳ năm trước, do sự sụt giảm trong nửa đầu năm 2020 gây ra bởi dịch Covid-19.Doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tuy tăng nhẹ so với tháng trước, nhưng doanh thu lũy kế 11 tháng vẫn giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống (chiếm 10% tổng mức) 11 tháng ước đạt 461,2 nghìn tỷ đồng, giảm  -13,7%; doanh thu du lịch lữ hành (chiếm 0,4% tổng mức) ước đạt 16,6 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh -58,6% (năm 2019, hai chỉ số này tăng lần lượt 9,6% và 9,9%), do Việt Nam tiếp tục dừng các đường bay quốc tế khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước và du lịch nội địa vẫn còn nhiều khó khăn do cả người tiêu dùng lẫn DN đều giảm sút thu nhập/doanh thu do ảnh hưởng của Covid-19.

Biểu đồ 2: Tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ

(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo của TCTK)

Cán cân thương mại: XK tháng 11 đạt 24,8  tỷ USD, giảm  9% so với tháng 10. Mặc dù vậy, lũy kế kim ngạch XK 11 tháng đầu năm ước đạt ở mức 254,6  tỷ USD, tăng  5,3%  so với cùng kỳ. Nhóm mặt hàng chế biến, chế tạo tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu XK (90,1%), đồng thời cũng là nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất(tăng 5,6%), góp phần cải thiện kim ngạch XK 11 tháng.   Các mặt hàng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng XK 11  tháng là máy vi tính, SPĐT, linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (kim ngạch XK lần lượt là  40,2  tỷ USD  và 23,9  tỷ USD) trong khi hàng dệt may; giày dép; điện thoại và linh kiện các loại là các mặt hàng có sự sụt giảm mạnh về kim ngạch XK (giảm lần lượt  10,5%; 9,8% và 3,4%). Các thị trường xuất khẩu chủ lực có  mức tăng trưởng tích cực bao gồm Hoa Kỳ  và  Trung Quốc  (tăng lần lượt 25,7% và 16%) trong khi xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt khác như EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản sụt giảm (giảm lần lượt là 2,4%; 10,6%; 2,7% và 6,5%).Nhập khẩu tháng 11 cũng giảm nhẹ 0,5% so với tháng 10 song kim ngạch NK lũy kế ước đạt 234,5 tỷ USD, tăng nhẹ 1,5 %  so cùng kỳ. Nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất đã tăng trở  lại  khi nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất 11 tháng ước đạt 218,8 tỷ USD, tăng 1,6% so cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại (CCTM) hàng hoá tiếp tục lập kỷ lục mới, ở mức 20,1 tỷ USD, đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp CCTM thặng dư, là một kết quả đáng ghi nhận của hoạt động xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều nước tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại. Theo thị trường, đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng trưởng mạnh ở một số mặt hàng: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; gỗ và sản phẩm gỗ; và máy vi tính, SPĐT và linh kiện làm cán cân thương mại giữa hai nước tiếp tục nới rộng (ở mức 57,3 tỷ USD so cùng kỳ năm 2019).

Bảng 2: Tình hình XNK tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2020

(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo của TCTK)

            Tỷ giá ổn định, lãi suất duy trì ở mức thấp: Trong tháng 11,  lãi suất huy động tiếp tục  duy trì ở mức thấp. Lãi suất 1 tháng phổ biến ở mức 3,3-3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,8-6,9%/năm.  Trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản hệ thống tiếp tục dồi dào khi tăng trưởng tín dụng vẫn phục hồi chậm.  Lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tạithời điểm cuối tháng 11 lần lượt là 0,1%/năm, 0,25%/năm và 1%/năm.Dự kiến lãi suất tiếp tục ổn định ở mức thấp trong tháng cuối năm 2020 nhờ: (i) thanh khoản cho hệ thống tương đối dồi dào khi NHNN tiếp tục chính sách hỗ trợ thanh  khoản cho các TCTD; (ii) nhu cầu tín dụng dù có khả năng phục hồi song mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ không quá lớn (dự kiến 8 -9%). Trong năm 2021, lãi suất sẽ chịu nhiều sức ép tăng khi nhu cầu tín dụng phục hồi, áp lực lạm phát cao hơn, song dự kiến chỉ tăng nhẹ khi NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

            Biểu đồ 3: Tỷ giá USD/VND

(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo của TCTK)

      Lạm phát được duy trì ổn định: Chỉ số CPI tháng 11  giảm nhẹ 0,01% so với tháng trước. Giá xăng dầu giảm theo giá nhiên liệu thế giới, giá điện nước sinh hoạt giảm là những yếu tố chính góp phần giảm chỉ số CPI chung. Giảm mạnh nhất là 3 nhóm hàng hóa, nhóm giao thông giảm 0,47%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,17%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06%; nhóm giáo dục ổn định sau hai tháng tăng mạnh. Tuy nhiên, nhóm hàng hóa thiết yếu tăng trở lại phản ánh những ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt và sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng mang tính mùa vụ cuối năm, tăng cao nhất là 3 nhóm may mặc, mũ nón và giày dép  -  tăng 0,14%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,07%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05%.Lũy kế 11 tháng, CPI bình quân và lạm phát cơ bản bình quân tiếp tục xu hướng giảm dần khi CPI bình quân 11T/2020 tăng  3,51%  so với cùng kỳ năm 2019  (thấp hơn mức tăng +3,71% của 10 tháng); lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng tăng  2,43%  so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức tăng +2,52% của 10 tháng). Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 khả thi (dự báo sẽ chỉ tăng khoảng 3,4-3,5%, thấp hơn dự báo trước đó).

Biểu đồ 4: Chỉ số giá tiêu dùng CPI

      (Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo của TCTK)

  1. Một số chỉ tiêu vẫn chưa có khả năng hồi phục

Thu hút vốn FDI dù có  cải thiện song vẫn giảm khá mạnh so với năm trước: Lũy kế đến hết ngày 20/11, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ước đạt  26,4tỷ USD, giảm  16,9%  so cùng kỳ năm 2019, mức giảm mạnh nhất vẫn thuộc về vốn góp và mua cổ phần (giảm 41,8%). Mặc dù vậy, thu hút FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 11 tiếp  tục có sự  cải thiện so với tháng trước đó (ước  đạt 2,9 tỷ USD, tăng 28% so với tháng 10). Trong khi đó, khảo sát của Eurocham cũng ghi nhận chỉ số Môi trường Kinh doanh Việt Nam quý 3 đạt mức cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, góp phần khẳng định cảm nhận tích cực của các nhà đầu tư về môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam. Tình hình giải ngân vốn FDI trong tháng gần cuối năm có dấu hiệu chững lại, theo đó, lũy kế 11 tháng, vốn thực hiện ước đạt 17,2 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước; theo tháng, vốn FDI thực hiện tháng 11 cũng chỉ đạt khoảng 1,4 tỷ USD, giảm 30% so với tháng 10.

Biểu đồ 5: Tình hình đăng ký và giải ngân FDI 11 tháng qua các năm

(Nguồn: Bộ Kế hoạch & đầu tư)

Hoạt động doanh nghiệp dù khởi sắc song còn gặp nhiều khó khăn: Trong 11 tháng năm 2020, tình hình hoạt động của DN gặp rất nhiều khó khăn mặc dù ghi nhận sự khởi sắc trong tháng 11. Số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 11 tăng 7,3% so với tháng trước, nhưng lũy kế 11 tháng vẫn  giảm 1,9%  so với cùng kỳ 2019. Số DN quay trở lại hoạt động tiếp tục tăng trong tháng 11 (+5,4% so với tháng trước) và lũy kế 11 tháng tăng 10,7% so với cùng kỳ 2019  -là mức thấp trong 11 tháng đầu năm giai đoạn 2016-2020 (chỉ cao hơn năm 2017). Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 11 giảm 15,9% so với tháng trước, nhưng lũy kế 11 tháng vẫn tăng  59,7% so với cùng kỳ năm trước - là mức cao nhất trong 11 tháng đầu năm giai đoạn 2016-2020. Điều đó cho thấy dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của các DN.

Biểu đồ 6: Số DN tạm ngừng hoạt động ở mức cao trong 11 tháng năm 2020

(Nguồn: Bộ Kế hoạch & đầu tư)

  1. Triển vọng kinh tế 2020 và khuyến nghị chính sách
  2. Triển vọng kinh tế 2020

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Những yếu tố có thể hỗ trợcho tăng trưởng trong phần còn lại của năm bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh như mong đợi; chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Tuy vậy, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinhtế thế giới bất trắc. Sự tái bùng phát của COVID-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa có thể kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ. Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, bị chững lại; sức khỏe hệ thống ngân hàng – tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụthuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp; hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộmáy công quyền còn nặng nề; tiến trình cổphần hóa DNNN bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh chất lượng còn thấp.

Với điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6 - 2,8% trong cả năm 2020. Mức dự báo này thấp hơn so với ước tính trước đây, do việc dịch bệnh 2020 quay trở lại tại một số thành phố lớn ở Miền Trung trong tháng Bảy làm gián đoạn quá trình hồi phục của ngành du lịch. Trong trường hợp bất lợi hơn khi các nước đối tác của Việt Nam phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa, kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng trong khoảng 1,8 - 2,0%.

  1. Thực trạng hiệu quả chính sách và khuyến nghị cải thiện

Tính từ đầu năm tới hết tháng Chín năm 2020, Ngân hàng nhà nước đã ba lần hạ các công cụ lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ VND vẫn đang được các ngân hàng thương mại triển khai.

Về chính sách tài khóa, từ đầu năm cho tới nay, bên cạnh gói hỗ trợ trị giá 62 nghìn tỷ VND hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn vì dịch COVID-19, các biện pháp hỗ trợ về mặt pháp lý cũng được ban hành để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và kinh doanh như gia hạn nợ, giảm lãi vay, không phân loại lại nhóm nợ, giảm phí, cụ thể, giảm 30% thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ ; kéo dài thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, đồng thời giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dù vậy, do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thếgiới, ví dụ như nới lỏng tiền tệ quy mô lớn. Thêm vào đó, việc phòng chống dịch COVID-19 và trợ cấp an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang tạo áp lực lớn lên cán cân ngân sách. Ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.

Với công tác an sinh xã hội, vào tháng Tám, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đềxuất gói hỗ trợ lần hai ước tính trị giá 15 nghìn tỷ VND cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn; đề xuất gói hỗ trợ 3,6 nghìn tỷ VND trợ cấp trực tiếp cho các cá nhân đến hết năm 2020, đồng thời kiến nghị xem xét giảm lãi suất với các khoản vay từ ngân hàng chính sách xã hội. Cuối tháng Chín, Bộ kiến nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng gói 62 nghìn tỷ VND, hỗ trợ người lao động trong ngành giáo dục và hỗ trợ chi phí chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động cũng chưa cho thấy hiệu quả trong thực tế. Tính đến giữa tháng 08/2020, chỉ hơn 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng lao động nhận được hỗ trợ, với tốc độ giải ngân chỉ đạt hơn 17.000 tỷ đồng (chiếm 19%). Trong đó, nhóm được hỗ trợ đa phần là nhóm lao động thuộc khối bảo trợ, lao động là người có công, hộ nghèo. Trong khi đó, lao động chịu tác động mạnh nhất là người lao động tự do, lao động yếu thếthuộc khối phi chính thức lại không tiếp cận được với hỗ trợ này. Việc thực thi các chính sách hỗ trợ trực tiếp gặp rào cản lớn do chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý thông tin về người được hưởng hỗ trợ, dẫn đến việc thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ được thiết kết quá phức tạp, gây bất tiện cho người dân. Ví dụ, việc yêu cầu xác nhận cả địa chỉ thường trú và tạm trú để hưởng hỗ trợ trực tiếp là yếu tố cản trở rất lớn đến khả năng tiếp cận của người lao động tự do trong khu vực phi chính thức, do nhóm đối tượng này thường là di dân. Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có. Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang cho thấy nhiều bất cập trong việc thực thi, khi doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn hỗ trợ này phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn, như lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ sau khi được cơ cấu lại nợ, v.v. Với các thủ tục nói trên, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm cần hỗ trợ nhất, có thể lại là nhóm khó tiếp cận chính sách nhất. Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho đến giữa tháng Chín, chỉ có khoảng 3% DN nhận được hỗ trợ từ gói 250 nghìn tỷ. Nguyên nhân của tình trạng này là có sự đùn đẩy, sợ trách nhiệm của bộ phận triển khai, khiến tiến độ hỗ trợ bị chậm trễ. Để cải thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương,tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai, bên cạnh đó, cần rà soát để cắt giảm mọi gánh nặng có thể cho doanh nghiệp. Trong các phương án có thể, thì cần ưu tiên cắt giảm kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) để giảm chi phí cho doanh nghiệp giảm thuế TNDN chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Từ đó, việc giảm thuế TNDN còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Điều quan trọng nhất hiện nay là khả năng giải ngân các gói cứu trợ xã hội, do mạng lưới thực thi kém hiệu quả và thủ tục hành chính phức tạp, khó tiếp cận. Việc thiết kếlại kế hoạch thực thi chính sách là vô cùng cần thiết để các gói cứu trợ thực sự có hiệu quả. Gói cứu trợ lần hai ở thời điểm này là không cần thiết, bởi khigói cứu trợ lần một còn chưa được giải ngân một cách hiệu quả thì việc đưa ra gói cứu trợ lần hai chỉ mang tính dân túy, đồng thờinhiều khả năng chỉ gây thêm gánh nặng cho ngân sách thay vì thực sự tạo được ảnh hưởng tích cực trong nền kinh tế và xã hội.

Chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất trong thời điểm hiện nay sẽ ít hiệu quả. Khi dịch bệnh còn tồn tại thì nhu cầu cho một sốngành đặc thù sẽ biến mất, dù lãi suất có giảm cũng không tạo được động lực đểdoanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Dư địa chính sách tiền tệ có thể còn, tuy nhiên việc tính toán dùng vào thời điểm vào và mức độ ra sao cần phải cân nhắc kỹ, vì chính sách tiền tệ còn đối mặt với ràng buộc về lạm phát và tỷ giá. Gần đây, việc Mỹ chính thức điều tra Việt Nam thao túng tỷgiá cũng yêu cầu NHNN cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Với các diễn biến địa chính trị phức tạp đang xảy ra trong khu vực, cần thận trọng với khả năng các cáo buộc thao túng tiền tệ (và kèm theo đó có thể là các đòn trừng phạt thương mại) của Mỹ gây ảnh hưởng đến các quyết định mang tính chiến lược khác của quốc gia.Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bịcho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.

Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn. Trong khó khăn, nhiều bất cập trong việc điều hành chính sách kinh tế cũng đã bộc lộ nên các nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu COVID–19, hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này, trong những năm tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tổng cục thống kê – Báo cáo kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020
  2. VEPR – Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam 2020
  3. Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV – Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 11/2020
  4. Trường Đại học Kinh tế quốc dân - Báo cáo tác động của Covid 19 đến nền kinh tế và khuyến nghị chính sách
  5. Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia – Tình hình kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube