Từ ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực với những nội dung cam kết toàn diện và ở mức cao nhất trong số các FTA đã ký kết của Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do này được kỳ vọng sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Để có thể tận dụng các ưu đãi mà EVFTA mang lại, các doanh nghiệp Hà Tĩnh cần có các giải pháp thiết thực để có thể tận dụng các cơ hội và hạn chế các thách thức, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường lớn này.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán vào ngày 01/12/2015 và văn bản hiệp định đã được công bố vào ngày 01/2/2016. Sau khi thống nhất, ngày 26/6/2018, EVFTA được tách làm hai Hiệp định: Hiệp định Thương mại (EVFTA), vàHiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA). Hai Hiệp định được ký kết vào ngày 30/6/2019. Đối với EVFTA, sau khi hoàn tất thủ tục phê chuẩn, Hiệp định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đối với EVIPA, về phía EU, Hiệp định sẽ còn phải được sự phê chuẩn tiếp bởi Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit) mới có hiệu lực.
Hiệp định EVFTA bao gồm 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo.Các nội dung chính của hiệp định này là các quy định về: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), mua sắm của Chính phủ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.
2.1. Cơ hội
Thứ nhất, cam kết về thương mại hàng hóa trong EVFTA giúp thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia thuộc liên minh châu Âu, thông qua đó các doanh nghiệp Hà Tĩnh có thể tiếp cận với nhiều thị trường xuất khẩu lớn. Thị trường EU bao gồm 27 quốc gia, dân số 450 triệu người, GDP hằng năm đạt khoảng 16.000 tỷ USD cho thấy sự rộng lớn và sức hấp dẫn với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng tốc xuất khẩu qua thị trường này. Theo cam kết, sau khi được phê chuẩn và có hiệu lực, Hiệp định này sẽ loại bỏ gần như toàn bộ thuế quan, đồng thời mở ra các lĩnh vực mới cho đầu tư. Với lộ trình thực hiện kéo dài một thập kỷ, EVFTA sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Thứ hai, tham gia EVFTA giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn FDI từ các quốc gia thành viên EU. Hiện nay, quy mô của các doanh nghiệp Hà Tĩnh phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi EVFTA có hiệu lực là cơ hội giúp Hà Tĩnh có thể thu hút vốn đầu tư từ các nước châu Âu để mở rộng quy mô doanh nghiệp.
Thứ ba, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Hà Tĩnh nói riêng. Cụ thể, các doanh nghiệpsẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ, kỹ thuật cao từ các nước tiên tiến qua đó nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình. Mặt khác, hàng hóa, dịch vụ từ các nước tiên tiến nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.
2.2. Thách thức
Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Hà Tĩnh nói riêng gặp khó khăn trong việc thực hiện quy tắc xuất xứ của EVFTA. Để được hưởng mức thuế quan ưu đãi, hàng hóa Việt Nam phải thỏa mãn các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, thông thường nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu phải có xuất xứ tại các nước đối tác và/hoặc Việt Nam). Trong khi đó, hiện này hàng xuất khẩu của Việt nam có nguồn nguyên liệu chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước ASEAN. Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc, chứ không phải là mức thuế suất ưu đãi như trong cam kết của hiệp định.
Thứ hai, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại và các biện pháp vệ sinh dịch tễ từ phía các đối tác EVFTA được quy định khá chặt chẽ. EU là thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Trong khi đó các ngành hàng nông sản thế mạnh của Hà Tĩnh như chè, rau quả... vẫn còn những hạn chế, do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt. Do vậy, hàng hóa của doanh nghiệp Hà Tĩnh cần phải được hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể đạt đủ tiêu chuẩn hưởng lợi về thuế quan.
Thứ ba, các doanh nghiệp Hà Tĩnh sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của các đối tác FTA. Đây cũng là thách thức chung đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Với các cam kết về mở cửa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, Việt Nam sẽ mở rộng cửa cho các doanh nghiệp, nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, nhà đầu tư của các đối tác FTA. Điều này là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh các doanh nghiệp của một số đối tác có lợi thế hơn hẳn về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường, cũng như khả năng tận dụng các FTA. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để có thể cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.
Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Tĩnh như thép, thủy sản, dệt may, một số mặt hàng nông sản đềuđược hưởng các ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường EU theo cam kết quy định trong EVFTA.Tuy nhiên, hạn chế của các doanh nghiệp Hà Tĩnh đó là quy mô của các doanh nghiệp chủ yếu thuộc loại vừa và nhỏ, các sản phẩm khó đạt được các tiêu chuẩn mà thị trường xuất khẩu yêu cầu. Do đó, để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cũng như tận dụng được các ưu đãi mà EVFTA mang lại, doanh nghiệp Hà Tĩnh cần thực hiện các giải pháp đồng bộ.
Trước tiên, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và nắm rõ nội dung quy định trong EVFTA. Các doanh nghiệp cần phải nắm được khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ được hưởng các ưu đãi gì, các sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn như thế nào mới được hưởng các ưu đãi đó.
Thứ hai, thông qua các cam kết trong EVFTA, Hà Tĩnh có thể kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia thành viên EU để mở rộng quy mô sản xuất, thông qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm. Để khắc phục hạn chế về quy mô, các doanh nghiệp Hà Tĩnh có thể nghiên cứu các quy định trong EVTFA, từ đó kêu gọi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn trên thế giới.
Thứ ba, các doanh nghiệp Hà Tĩnh cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm hiểu thị trường đối tác trong EVFTA để biết cần sản xuất sản phẩm gì, sản phẩm như thế nào và giá cả bao nhiêu, áp dụng quy tắc xuất xứ ra làm sao… để đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định trong hiệp định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
4. Trung tâm WTO và hội nhập, Việt Nam – EU (EVFTA), đường link truy cập https://trungtamwto.vn/fta/199-viet-nam--eu-evfta/1