Năm 2020, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, thiên tai mưa lũ và dịch bệnh chăn nuôi gây thiệt hại lớn, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các tầng lớn nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình Kinh tế - Xã hội năm 2020 của Hà Tĩnh tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với cùng kỳ.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 0,53%; trong đó: nông nghiệp tăng 3,76%, công nghiệp và xây dựng tăng 0,48%, khu vực dịch vụ giảm 0,43%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 63 triệu đồng, tương đương 2.700 USD. Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 15,82%, công nghiệp - xây dựng 41,95%, khu vực dịch vụ 42,23%. Tuy nhiên, giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng thu ngân sách cả năm ước đạt 12.210 tỷ đồng, đạt 87,2% dự toán, bằng 90,6% so với năm 2019. Trong đó: Thu nội địa đạt 7.500 tỷ đồng (bằng 104,2% dự toán, bằng 103,7% so với năm 2019, đây là năm đầu tiên kể từ năm 2016 thu ngân sách nội địa vượt kế hoạch Bộ Tài chính giao); thu xuất nhập khẩu 4.710 tỷ đồng (bằng 69,3% dự toán, giảm 28,2% so với năm 2019), nguồn thu chủ yếu từ nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất dự án Formosa.
Chi ngân sách cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán và các nhiệm vụ đột xuất quan trọng về phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh phòng của địa phương.
Năm 2020, Hà Tĩnh thành lập mới 950 doanh nghiệp (giảm 8,4% so với năm 2019); 2.617 hộ kinh doanh (tăng 9,68%) và 38 hợp tác xã (tăng 15,15%). Chấp thuận chủ trương 62 dự án, trong đó 61 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10.500 tỷ đồng và 01 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 triệu USD; ngoài ra, điều chỉnh vốn đầu tư 01 dự án FDI từ 1,2 triệu USD lên 32 triệu USD. Mặc dù tổng số dự án chấp thuận chủ trương đầu tư giảm mạnh so với năm 2019 nhưng số vốn đăng ký tăng cao hơn; vốn đầu tư trong nước tăng 2,7%, vốn đầu tư FDI tăng gấp 2,6 lần.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 26.393 tỷ đồng, đạt 72,13% kế hoạch; trong đó: vốn đầu tư khu vực nhà nước đạt 108,3% kế hoạch; vốn ngoài nhà nước đạt 85,7% kế hoạch; vốn FDI chỉ đạt 30,5% kế hoạch. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội không đạt kế hoạch.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh trên địa bàn ước đạt 1.352 triệu USD, bằng71% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 440,54 triệu USD (giảm 9,26% so với cùng kỳ); xuất khẩu mặt hàng thép từ Formosa ước đạt 388,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 88,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nhập khẩu ước đạt 765,9triệu USD (giảm 35,82% so với cùng kỳ), chủ yếu từ nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất dự án FHS.
Giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30/11/2020 đạt 6.606 tỷ đồng, bằng 74,8% kế hoạch, tăng 26,3% so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước ước đạt 71,4% kế hoạch).
Đến nay, các chỉ tiêu về xây dựng NTM đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020. Theo đó, bình quân mỗi xã đạt 18,3 tiêu chí (tăng 14,8 tiêu chí so với năm 2010); có 173 xã đạt chuẩn (chiếm 75,5% tổng số xã); không còn xã dưới 12 tiêu chí; có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã Hồng Lĩnh và TP Hà Tĩnh có 100% số xã đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,82%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,5 triệu đồng.
Tính tới cuối tháng 8/2020, KKT Vũng Áng đã có 141 dự án, trong đó, 84 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đăng ký 48.472,9 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đăng ký 13.586,3 triệu USD. Các dự án đầu tư vào KKT Vũng Áng đã tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện nhân lực cho Hà Tĩnh. Hiện có 18.631 người (17.268 lao động Việt Nam và 1.363 lao động nước ngoài) đang làm việc tại đây.Là “bến đỗ” đầy triển vọng này, thời gian gần đây, có nhiều doanh nghiệp từ các nước như Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Séc, Mỹ… đã tới KKT Vũng Áng để khảo sát, nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Việc thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án đầu tư nước ngoài góp phần tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ và cơ cấu lao động, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp. Đáng chú ý, tổng số vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư vào KKT Vũng Áng từ năm 2010 đến nay đạt khoảng 317.960 tỷ đồng, chiếm trên 78% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả tỉnh.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ 14 - 17/10/2020. Đại hội có sự tham dự của 347 đại biểu chính thức. Trong đó có 51 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (đương nhiệm) và 296 đại biểu được bầu tại đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh cũng sẽ vinh dự đón gần 100 đại biểu khách mời là các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các ban, bộ, ngành; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ...
Đại hội có nhiệm vụ tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tại Đại hội, đại biểu cũng sẽ thảo luận, đóng góp ý kiến dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và văn kiện trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong tháng 10.2020, các tỉnh miền Trung trong đó có Hà Tĩnh chịu thiên tai liên tiếp; mưa bão, lũ lụt nhiều nơi vượt mốc lịch sử, gây hậu quả nặng nề. Mưa lũ đã làm 6 người chết; trên 3.700 nhà ở bị hư hỏng; phần lớn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 7 ngàn ha diện tích lúa mùa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, rau màu bị hư hại, mất trắng; hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh bị hư hỏng nặng; tổng thiệt hại gần 5.500 tỷ đồng.
Liên tục các sự kiện văn hóa - chính trị được tổ chức thành công trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp là thành quả từ những nỗ lực của ngành văn hóa Hà Tĩnh trong năm 2020. Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (tháng 9); Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ VII (tháng 10); Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (tháng 10)…”.
Cùng với việc chăm lo phát triển thể thao phong trào, thể thao thành tích cao (TTTTC) Hà Tĩnh thời gian qua đã được đầu tư đúng hướng, không ngừng vươn xa trên các đấu trường trong nước và thế giới. Thời gian qua, nhờ được đầu tư phát triển đúng hướng, các môn thể thao thế mạnh như: karatedo, pencak silat, điền kinh, đua thuyền rowing đã trở thành trụ cột của thể thao Hà Tĩnh; luôn khẳng định được vị thế trong làng thể thao Việt Nam, khu vực và thế giới. Trong đó, nhiều thế hệ vận động viên (VĐV) Hà Tĩnh giành nhiều huy chương cấp quốc gia và khu vực như: Trần Thị Thêm, Võ Thị Thắm, Nguyễn Thị Hiền, Hồ Thị Thu Hiền, Trần Đình Sơn, Nguyễn Trung Cường. Trung bình mỗi năm, trung tâm cử các đoàn VĐV tham gia 50 giải quốc gia và quốc tế, giành 100-150 huy chương các loại. Đặc biệt, tại SEA Games 30 ở Philippines (2019), Hà Tĩnh có 7 VĐV tham gia, xuất sắc giành 3 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Bình quân, mỗi kỳ SEA Games, đoàn Hà Tĩnh có 3-5 VĐV tham gia.
CLB Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vô địch Giải hạng Nhất quốc gia năm 2019, giành quyền lên chơi tại Giải Vô địch quốc gia năm 2020. Đội bóng chuyền Hà Tĩnh 5 năm liên tục thi đấu tại Giải Vô địch các đội mạnh toàn quốc.