^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

“Cạm bẫy”mới của tín dụng đen

Tín dụng đen là vấn đề nhức nhối hiện nay. Với những khoản cho vay với lãi suất cắt cổ đã làm nhiều người “sống dở chết dở”. Tuy nhiên, gần đây tín dụng đen lại biến tướng với nhiều hình thức khác nhau để dụ những người không hiểu biết vay và cuối cùng mất luôn cả nhà đất.

            Tín dụng đen còn gọi là tín dụng nặng lãi, đây là loại hình tín dụng phi chính thức, với hoạt động cho vay mượn lẫn nhau giữa cá nhân và cá nhân, giữa cá nhân và tổ chức… không thông qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính được Nhà nước cấp phép. Tín dụng đen gồm có những đặc điểm chủ yếu như: Hoạt động của tín dụng đen không được pháp luật thừa nhận, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, lãi suất cho vay rất cao, thường trên 100%/năm, thậm chí lên đến 300%/năm; Điều kiện cho vay đơn giản, không dự án đầu tư, không tài sản thế chấp, không hợp đồng vay vốn, thậm chí chỉ hợp đồng bằng miệng; Việc chọn lựa đối tượng cho vay không căn cứ vào mục đích vay vốn, hiệu quả đầu tư… ít quan tâm về nhân thân của người vay vốn; thời gian giải ngân vốn nhanh; Việc thu hồi nợ khi người vay tiền chậm trả, hoặc mất khả năng thanh toán có thể bị trấn áp, uy hiếp, chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp.

            Thực trạng hoạt động tín dụng tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra nhận định, có khoảng 70% dân số Việt Nam chưa tiếp cận vốn ngân hàng, số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức mới chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp, đây là khoảng trống để tín dụng đen tồn tại và phát triển. Đến nay, tín dụng đen đã bùng phát và hoạt động ngầm hoặc công khai trên khắp 63 tỉnh thành trong cả nước.

            Bên cạnh hoạt động cho vay nặng lãi, hiện nay các đối tượng dùng mồi nhử là cho vay với lãi suất ngân hàng, với thủ tục đơn giản thời gian giải ngân nhanh. Các đối tượng cho vay đã yêu cầu người vay dùng sổ đỏ để đảm bảo cho khoản vay. Theo đó, các đối tượng này đã yêu cầu người vay cần phải ký vào một số giấy tờ trong đó có giấy chuyển nhượng nhà đất cho họ để làm tin. Các đối tượng ký cam kết đây không phải là giao dịch thật, chỉ là thủ tục để đảm bảo cho khoản vay và cam kết sẽ không bán nhà cho các bên khác. Tuy nhiên sau đó, những người này đã sang tên ngôi nhà và mang đi thế chấp vay ngân hàng với số tiền lớn. Cam kết với người vay chỉ là hợp đồng giả tạo để đảm bảo cho khoản vay, nhưng thực chất là để chiếm đoạt tài sản. Các tình tiết của vụ việ  c này cho thấy những bất thường trong quá trình công chứng mua bán và việc thẩm định cho vay của ngân hàng.

            Nhiều địa phương tại Hà Nội đã xuất hiện khoảng 50 hộ gia đình bị lừa cùng một cách thức này. Điểm chung của những người bị hại là đều không biết nhà mình đã được sang tên cho người khác, bị mang đi thế chấp ngân hàng, họ chỉ biết mình bị lừa khi ngân hàng đến phát mãi. Hiện các ngân hàng đang yêu cầu họ phải trả nợ thay cả gốc lẫn lãi cho các đối tượng lừa đảo, nếu không sẽ bị phát mãi nhà. Số tiền họ sẽ phải trả gấp 7 - 10 lần khoản tiền mà các đối tượng lừa đảo cho họ vay.

            Để tránh việc mất hết nhà cửa, còn gánh một khoản nợ lớn cho những kẻ lừa đảo. Người dân cần đặc biệt cảnh giác với những khoản cho vay tưởng chừng dễ dàng nhanh gọn mà nghe theo những lời hứa hẹn, cam kết của kẻ lừa đảo. Nếu có nhu cầu về vốn thì nên đến những nơi được pháp luật cho phép thực hiện cho vay như ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân ... Bên cạnh đó, để hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen, Nhà nước và các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh phát triển các loại hình tín dụng chính thống, tăng nguồn cung tín dụng, nới lỏng các điều kiện cho vay. Cùng với đó, nghiên cứu điều chỉnh khung pháp lý, ban hành các điều khoản,    chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng huy động và cho vay tín dụng đen. 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube