Ngày 08/6/2020, Quốc hội đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA và đã có hiệu lực từ ngày 01/8. Cùng với Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - EU trong thập kỷ tới cũng như mở ra cánh cửa cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ trong năm 2019. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU (28 nước, bao gồm cả Vương quốc Anh) đạt 56,4 tỷ USD trong năm 2019, chiếm gần 11% tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU trong năm 2019 đạt 41,5 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ EU về Việt Nam đạt 14,9 tỷ USD, chiếm 5,9% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Việc giảm thuế đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các đối thủ khác như Trung Quốc và các nước ASEAN. Cụ thể, giày dép của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được hưởng thuế suất thấp hơn 3,5 - 4,2% so với hàng từ Trung Quốc khi khi thuế suất giảm về 0% sau 3 - 7 năm. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á sau Singapore có hiệp định thương mại tự do với EU.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, 84% các dòng thuế, chiếm 71% thuế xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm xuống mức 0%. Sau 7 năm, 99,2% các dòng thuế, chiếm 99,7% xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi 65% giá trị xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được loại bỏ theo các lộ trình cam kết 10 năm... Đúng vào thời điểm EVFTA đi vào thực thi sau hơn 9 năm hai bên nỗ lực đàm phán để ký kết và phê chuẩn hiệp định, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.
Nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng suy giảm mạnh, và châu Âu cũng như Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Thương mại quốc tế đang là một trong số những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất của đại dịch. Trong những tháng tới, thế giới có thể chứng kiến sự sụt giảm liên tục về khối lượng thương mại quốc tế. Cung và cầu của nền kinh tế toàn cầu đang bị gián đoạn nghiêm trọng do các cơ sở sản xuất đóng cửa, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng và nhu cầu đối với một số sản phẩm giảm. Người tiêu dùng trên toàn cầu đang có xu hướng tiết kiệm hơn là tiêu thụ. Theo đánh giá gần đây của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), dịch COVID-19 sẽ dẫn đến giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu từ 5 đến 15% vào năm 2020. Dù bối cảnh không thuận lợi, quan chức hai phía Việt Nam và EU tại địa bàn châu Âu cùng chung quan điểm cho rằng trước những thách thức của thời điểm đặc biệt khó khăn này, EVFTA là một cú hích quan trọng đối với nền kinh tế của cả hai bên.
Khác với việc triển khai các hiệp định thương mại trước đây, Chính phủ đã nhanh chóng có kế hoạch hành động, các bộ, ngành tùy theo nhiệm vụ của mình cũng có kế hoạch riêng. Đây là minh chứng rõ nét cho việc đồng hành cùng DN của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Ngày 5-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chương trình hành động của Chính phủ thực thi EVFTA với 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Tiếp đó, ngày 6-8, Thủ tướng triệu tập cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để bàn về việc triển khai hiệp định trong thực tế. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, EVFTA sẽ góp phần giúp GDP tăng thêm bình quân lên đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, lên đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72% trong 5 năm sau đó. Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19 phức tạp, Chính phủ yêu cầu các bộ, địa phương căn cứ vào kế hoạch chung để ban hành chương trình hành động của mình. Hiệp định đã có nhưng việc triển khai vào thực tế cần sự nỗ lực gấp nhiều lần và phải đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất. Ngành Công thương đang tiến hành khảo sát tình hình hợp tác thực tế của DN Việt tại địa phương với các thị trường trọng điểm châu Âu. Theo đó, khi tham gia khảo sát, các DN này sẽ được đưa vào dữ liệu doanh nghiệp Việt Nam để giới thiệu với các đối tác châu Âu, được ưu tiên hỗ trợ tham gia đoàn DN đi khảo sát thị trường, học tập kinh nghiệm và gặp gỡ các nhà nhập khẩu/phân phối tại các thị trường trọng điểm và cập nhật các thông tin mới nhất về các chương trình xúc tiến thương mại, các lớp học, hội thảo liên quan.
Thực tế, với việc tham gia Hiệp định EVFTA, Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường lớn, nhưng Việt Nam cũng cần phải mở cửa thị trường. Một điều thuận lợi là hàng hóa của Việt Nam và EU có tính bổ sung cho nhau. Tuy là nước đang phát triển đầu tiên có hiệp định thương mại tự do với EU nhưng từ sự kiện của Việt Nam, quốc gia khác cũng đã có những động thái tiến đến đàm phán để khai thác thị trường nhiều tiềm năng này. Do đó, cần sự tương tác kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị với cộng đồng DN trong việc tận dụng “giai đoạn vàng” ngay khi EVFTA có hiệu lực để đẩy mạnh xuất khẩu, củng cố vị thế của hàng Việt Nam ở thị trường EU. Thị trường EU là thị trường xuất khẩu lớn, các cơ quan, doanh nghiệp từng bước triển khai các nội dung của hiệp định qua các chương trình, hội nghị để phổ biến hiệp định tới cộng đồng DN. Đồng thời, bám sát chương trình, kế hoạch của Bộ Công thương, liên kết website, trang thông tin điện tử của Bộ Công thương để cung cấp các thông tin cần thiết về xuất xứ hàng hóa, hàng rào kỹ thuật, pháp lý… giúp DN có thể tận dụng được ưu thế một cách sớm nhất. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, yếu tố quyết định chính yếu vẫn là nỗ lực phấn đấu của bản thân mỗi DN, bởi EU là thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức cạnh tranh.
Tài liệu tham khảo