Vay tài chính là hình thức cho vay không cần tài sản đảm bảo, chủ yếu dựa vào uy tín của khách hàng khi họ có đủ năng lực tài chính có thể thanh toán được các khoản nợ theo đúng quy định đã đề ra. Một khoản vay tài chính thường giao động từ 10 triệu đồng đến 500 triệu đồng và thời hạn cho vay linh hoạt từ 12 tháng đến 60 tháng. Đối với hình thức vay tài chính qua các App online, hạn mức cho vay từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, thời hạn cho vay từ 1 tuần đến 6 tháng. Thủ tục để vay tài chính cũng khá đơn giản: Khách hàng chỉ cần các giấy tờ như căn cước công dân, cà vẹt xe ô tô, số điện thoại… và giấy tờ chứng minh năng lực tài chính như sao kê lương, thu nhập… Đặc biệt đối với hình thức vay qua các App online, khách hàng có thể ngồi tại nhà với các thao tác trên điện thoại là đã có tiền về tài khoản. Khách hàng đi vay tài chính được vay bằng tiền mặt và trả góp cả gốc và lãi hàng tháng.
Như vậy, có thể thấy, so với các hình thức vay tiền truyền thống tại các ngân hàng hay tổ chức tín dụng, vay tài chình có hạn mức cho vay nhỏ, thủ tục đơn giản và không cần tài sản đảm bảo. Chính vì thế, các khoản vay tài chính có lãi suất cao hơn so với lãi vay ngân hàng. Đối với hình thức vay online qua app, khách hàng còn chịu thêm nhiều khoản phí, khiến lãi suất thực tế phải trả cao hơn gấp nhiều lần so với vay tại ngân hàng hoặc các công ty tài chính.
Vay tài chính dựa trên uy tín của khách hàng mà không có tài sản đảm bảo, Vậy, khách hàng có thể bùng nợ được không?
Đây là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi thấy thủ tục đơn giản của hình thức vay vốn này. Tuy nhiên, chắc chắn một điều rằng các công ty tài chính, tổ chức cho vay cũng đã tính đến trường hợp này để dự phòng rủi ro cho họ. Thực tế cho thấy, khi khách hàng không trả được nợ, sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy và hậu quả đáng tiếc.
Thứ nhất, khi khách hàng không thanh toán nợ đúng hạn sẽ được xếp vào khách hàng có nợ xấu, điều này sẽ gây khó khăn để tiếp tục vay vốn ở các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác.
Thứ hai, công ty tài chính có thể tăng lãi suất và áp đặt phí phạt, làm tăng tổng số tiền mà người vay phải trả.
Thứ ba, không hoàn trả số tiền đã vay ở mức độ nghiêm trọng, công ty tài chính hoàn toàn có thể khởi kiện người vay ra tòa án nơi xảy ra hoạt động cho vay. Việc này khiến cho người vay phải đối mặt với rủi ro pháp lý và có thể mất các quyền lợi pháp lý liên quan đến tài sản và tài chính cá nhân.
Ngoài ra, đối với hình thức vay tiền qua các App, khách hàng có thể bị làm phiền, quấy nhiễu, thậm chí đe dọa khi không trả được nợ đúng hạn.
Tóm lại, vay tài chính đã được ký kết thỏa thuận giữa bên cho vay và bên đi vay. Người đi vay có trách nhiệm phải hoàn trả các khoản nợ và lãi theo hợp đồng. Trường hợp không trả nợ, sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì vậy, người đi vay cần cân nhắc cẩn thận trước các khoản vay tài chính, để đảm bảo khả năng chi trả đúng hạn. Bên cạnh đó, người vay cần giữ mức nợ hợp lý, tránh tích tụ quá nhiều nợ so với khả năng chi trả.