^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

KINH NGHIỆM THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI CỦA MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG VÀ BÀI HỌC CHO HÀ TĨNH

Tóm tắt

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng chứng minh vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển cho các quốc gia/vùng lãnh thổ và các địa phương. Hiện nay, nhiều địa phương của Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bài viết sẽ nghiên cứu kinh nghiệm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số địa phương miền Trung Việt Nam như Nghệ An và Quảng Nam, từ đó rút ra một số bài học cho Hà Tĩnh.

Từ khóa: kinh nghiệm, địa phương, thu hút đầu tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài.

  1. Kinh nghiệm thu hút FDI của Nghệ An và Quảng Nam

1.1. Kinh nghiệm của tỉnh Nghệ An

Trong thời gian qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều thành tự đáng kể, đưa Nghệ An trở thành một địa phương đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2022, Nghệ An lần đầu tiên đứng vào nhóm 10 địa phương có nguồn vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất cả nước. Năm 2023, theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Nghệ An đã đạt gần 1,6 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và lọt vào tốp 10 các tỉnh, thành phố có vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước [2]. Để đạt được kết quả này, Nghệ An đã tập trung vào thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, Nghệ An đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc xúc tiến cải thiện môi trường đầu tư tại Nghệ An luôn được tỉnh và các cơ quan, sở, ban, ngành quan tâm. Nghệ An đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025. Nhiều giải pháp đã được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả, khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính. Kết quả đạt được là năm 2022, chỉ số PCI của tỉnh Nghệ An đạt 66,60 điểm, đứng vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước, và tăng 7 bậc so với năm 2021 [1].

Thứ hai, tiến hành đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư và thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Nghệ An đã chủ động tiếp cận, kết nối các nhà đầu tư lớn, đứng đầu các chuỗi cung ứng để kịp thời thu hút dòng vốn đầu tư mới. Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu; đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp. Đáng nói, mặc dù tập trung thu hút đầu tư mạnh mẽ, nhưng Nghệ An vẫn kiên định con đường phát triển bền vững, không nóng vội thu hút đầu tư bằng mọi giá, chủ trương tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo. Quan điểm xúc tiến đầu tư của Nghệ An là tuy cần thu hút nhiều nhà đầu tư, nhưng không tập trung vào số đông, mà cần tập trung vào từng đối tác cụ thể. 

Thứ ba, chú trọng nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin (ICT). Chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin tốt là một trong những điểm hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, trong thời gian qua Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng ICT. Trong giai đoạn 2017-2022, mức xếp hạng trung bình về ICT của Nghệ An đạt mức trung bình là 24 của cả nước, cao hơn mức 30 của Thanh Hóa, 28 của Hà Tĩnh và 46 của Quảng Bình.

1.2. Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam

Quảng Nam là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung, có địa lý thuận lợi để kết nối các địa phương khác của Việt Nam và thế giới, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và có các điều kiện để phát triển du lịch. Đặc biệt Quảng Nam có khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực theo thông lệ quốc tế. Trong những năm qua, tỉnh được đánh giá về năng lực cạnh tranh tốt. Do vậy, tỉnh đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài khá tốt. Những điều mà tỉnh đã làm được để tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa phương có thể kể đến đó là:

Thứ nhất, bằng nhiều giải pháp, quyết tâm tỉnh đã tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch bằng cách ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp điển hình như: Kế hoạch số 2479/KH-UBND ngày 01/7/2014 của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2014-2015; Quyết định số 2707/QĐ-UBND ngày 05/9/2014 của UBND tỉnh về Quy định tiếp doanh nghiệp định kỳ vào ngày 05 hằng tháng; Chỉ thị 16/CT-UBND ngày 06/8/2015 về tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Nam; Chỉ thị 10/CT-UBND về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; ban hành và triển khai QĐ 3766/QĐ-UBND về thực hiện Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông” trong việc giải quyết thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…

Thứ hai, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp đặc biệt là những người đứng đầu. Nhờ đó, sự phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết thủ tục đầu tư kinh doanh có nhiều chuyển biến; thực hiện Quy chế “Một cửa liên thông” để trách nhiệm của cán bộ công chức được nâng lên. Các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện MTKD, đầu tư như quy định trình tự, thủ tục giải quyết thủ tục đầu tư, thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư, giao 01 cơ quan đầu mối giải quyết thủ tục. Chính quyền tỉnh luôn cầu thị và lắng nghe ý kiến từ các tổ chức, Hiệp hội, doanh nghiệp… nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả, đóng góp nhiều của cải vật chất cho tỉnh.

Thứ ba, thực hiện quy hoạch, xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, xem đây là nhân tố chủ đạo đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, tỉnh quan tâm đến việc thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp giúp tiêu thụ, trao đổi sản phẩm, đóng góp ý kiến vào các chủ trương chính sách của Nhà nước và đặc biệt cung cấp đầy đủ, thường xuyên, kịp thời các thông tin về tình hình KT-XH của tỉnh; các quy định, chính sách, thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước.

  1. Bài học kinh nghiệm rút ra cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Tĩnh

Từ kinh nghiệm của Nghệ An và Quảng Nam, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho tỉnh Hà Tĩnh trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài như sau:

Thứ nhất, cải cách thủ tục hành chính, chính quyền vận hành minh bạch với tính chất phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này là động lực quan trọng và tác động lan tỏa góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương trong đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài. Đơn giản hoá thủ tục đầu tư theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài không chỉ là yêu cầu của các tổ chức kinh tế và khu vực mà còn là yêu cầu cấp bách đối với tiệc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI. Đơn giản hoá thủ tục, quy trình đầu tư: thủ tục đầu tư nước ngoài ở các nước, cũng như các tỉnh thu hút thành công nguồn vốn FDI đều là thủ tục một cửa đơn giản, với những hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Thứ hai, chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương, nhất là cơ sở hạ tầng trong khu kinh tế, khu công nghiệp cho đến đường xá, giao thông nội ô và cả mỹ quan đô thị. Cơ sở hạ tầng chính là điều kiện thúc đẩy FDI tăng lên, tạo ra những kích thích ban đầu đối với nhà đầu tư. Cơ sở hạ tầng hiện đại, thuận tiện cho việc buôn bán và giao lưu quốc tế luôn là yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tăng cường chất lượng cơ sở hạ tầng giúp giảm chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư là yêu cầu cấp bách, không chỉ có tác dụng thu hút thêm các dự án FDI mà còn giữ chân những dự án đang hiện hữu. 

Thứ ba, thực hiện xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cần tập trung xúc tiến đầu tư và ưu tiên lựa chọn các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực cụ thể. Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp, như: đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng mới. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược, chú trọng vận động và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn và doanh nghiệp tại các nước phát triển. Công tác xúc tiến đầu tư cần gắn chặt với quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành và khu vực của tỉnh. Bảo đảm đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư; nâng cao chất lượng và hiệu quả, tránh hình thức, dàn trải; thu hút đầu tư có chọn lọc phù hợp với mục tiêu, yêu cầu trong tình hình mới. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cần được chú trọng, thông qua các hình thức hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án hiệu quả ở các cấp, các ngành. Tập trung hỗ trợ các dự án lớn, cụm dự án trọng điểm, có sức lan tỏa để hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư, hệ thống các dự án phụ trợ và làm cầu nối thu hút các nhà đầu tư mới. Ngoài ra, phục vụ tốt các nhà đầu tư hiện tại đang ngày trở nên hiệu quả hơn trong những phương thức nhằm kêu gọi đầu tư mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. PCI các năm của tỉnh Nghệ An, truy cập tại https://pcivietnam.vn/ho-so-tinh/nghe-an
  2. Thành Châu (2023), Tổng vốn đầu tư FDI năm 2023 vào tỉnh Nghệ An, truy cập tại https://nhandan.vn/tong-von-dau-tu-fdi-nam-2023-vao-tinh-nghe-an-dat-gan-16-ty-usd-post788660.html
  3. Lê Trí Thanh (2022), Một số kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam trong thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, truy cập tại https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/825466/mot-so-kinh-nghiem-cua-tinh-quang-nam-trong-thu-hut-dau-tu-va-nang-cao-nang-luc-canh-tranh.aspx
Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube