Kinh tế tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, đặc biệt lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi“diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, Nhà nước cần có thêm nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực, tạo đà cho kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển lâu dài, hoạt động bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh. Dưới đây là một số biện pháp nhằm tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Thứ nhất, cần tiếp tục cải cách cơ cấu và pháp luật mạnh mẽ hơn nữa để tạo nền tảng vững chắc hơn cho cạnh tranh và đổi mới trong nền kinh tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của khu vực tư nhân. VNhà nước cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển và dẫn dắt nền kinh tế dịch chuyển sang lộ trình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, chất lượng cao, bền vững. Chương trình cải cách cần tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu như tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa tất cả các doanh nghiệp, thúc đẩy cơ hội tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng nguồn vốn dài hạn, tăng cường và xanh hóa dịch vụ hạ tầng và bảo đảm lực lượng lao động có kỹ năng để đạt được mô hình tăng trưởng giá trị cao, đổi mới sáng tạo, và có năng suất cao.
Thứ hai, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Bao gồm các biện pháp như bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường, mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động
Thứ ba, cần hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Hoàn thiện và bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ. Ưu tiên phát triển các khu công nghệ cao, các vườn ươm công nghệ cao và các DN khoa học - công nghệ. Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực. Đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng đủ nhu cầu số lượng và chất lượng nhân lực cho phát triển kinh tế tư nhân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại, đạo đức kinh doanh và tinh thần trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc.
Thứ tư, thực hiện phân bổ nguồn lực phát triển hiệu quả, đảm bảo cho kinh tế tư nhân được tiếp cận bình đẳng đến các nguồn lực phát triển; phát triển các thị trường nhân tố sản xuất; thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không cần duy trì vốn nhà nước nhằm tạo nhiều hơn nữa cơ hội kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân.
Thứ năm, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tài liệu tham khảo
3.https://nhandan.vn/nhan-dinh/cai-thien-nang-suat-lao-dong-qua-kinh-te-so-455525/
4.https://vnbusiness.vn/viet-nam/nang-suat-lao-dong-khu-vuc-kinh-te-ngoai-nha-nuoc-thap-nhat-1067200.html