^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO HÀ TĨNH

 

Tóm tắt

Nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò rất quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang là một kênh bổ sung vốn rất quan trọng cho phát triển kinh tế Hà Tĩnh. Tuy vậy, các nhà đầu tư khi đầu tư vào Hà Tĩnh vẫn còn gặp những khó  khăn, thách thức, điều này đã làm giảm hiệu quả thu hút vốn vào Hà Tĩnh. Bài viết sẽ nghiên cứu các khó khăn thách thức đối với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoàii vào Hà Tĩnh, từ đó đề xuất một số giải pháp khắc phục các khó khăn thách thức đó.

Từ khóa: đầu tư, thách thức, doanh nghiệp, Hà Tĩnh.

  1. Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Tĩnh trong thời gian qua

Tính đến hết tháng 10/2023, Hà Tĩnh có 69 dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến hơn 16 tỷ USD chủ yếu đến từ các quốc gia: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Brunei, Singapore… Các lĩnh vực đầu tư tập trung vào sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí, xây dựng, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, bận tải, kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động kinh doanh bất động sản và hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ. Một số lĩnh vực chưa thu hút được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiệu quả như: nông nghiệp, lâm sản, thủy sản, giáo dục và đào tạo, y tế và hoạt động giúp đỡ xã hội…

Về thu hút theo nhà đầu tư nước ngoài, lũy kế đến hết tháng 12/2022, Hà Tĩnh có các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các đối tác chủ yếu là: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Mỹ, Lào, Brunei… (Xem Bảng 1)

Bảng 1. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Hà Tĩnh được cấp phép phân theo đối tác đầu tư chủ yếu

Quốc gia

Số dự án được cấp phép

(Dự án)

Vốn đăng ký

(Triệu đô la Mỹ)

Brunei

5

233

Đài Loan

39

12.927

Hàn Quốc

7

152

Lào

1

50

Nhật Bản

1

5

Seychelles

5

27

Singapore

2

99

Samoa

1

31

Trung Quốc

5

7

Đức

3

49

Mỹ

3

280

(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2022)

Các nhà đầu tư Đài Loan chiếm số lượng nhiều nhất với 39 dự án, tương đương vốn đăng ký là gần 13 tỷ đô là Mỹ. Đứng thứ hai về mặt số dự án là Hàn Quốc với 7 dự án, tương đương số vốn đăng ký là 152 triệu USD. Đứng thứ ba về số dự án là ba quốc gia Brunei, Seychelles và Trung Quốc. Như vậy, có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài vào Hà Tĩnh chủ yếu là các nhà đầu tư châu Á, chưa có nhiều dự án của các nhà đầu tư đến từ các châu lục khác. Điều này chưa đáp ứng được tiềm năng hiện có của Hà Tĩnh.

  1. Khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Tĩnh

Thứ nhất, một số quy định của pháp luật còn thiếu tính đồng bộ. Hệ thống pháp luật liên quan đến thu hút đầu tư còn gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện, trong khi công tác quản lý nhà nước được siết chặt đã dẫn đến tình trạng vướng mắc trong quá trình thực thi, áp dụng pháp luật trong giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về thủ tục, hồ sơ, giấy tờ còn phức tạp; một số quy định chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau, gây khó khăn trong việc tìm hiểu và thực hiện của nhà đầu tư.

Thứ hai, nhiều quy hoạch còn chồng chéo, gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư. Công tác quy hoạch còn bất cập, phải sửa đổi bổ sung nhiều lần; việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như chưa theo kịp tốc độ phát triển của khu vực. Việc công bố và cung cấp thông tin về các quy hoạch của tỉnh trên trang thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ngành còn hạn chế.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng các cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế làm giảm hiệu quả của dự án, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Hà Tĩnh đã có đầy đủ các loại hình cơ sở hạ tầng như giao thông, cảng biển, điện, nước, bưu chính viễn thông, khu kinh tế và các khu công nghiệp… nhưng chất lượng của từng loại hình vẫn chưa đồng bộ, hoàn chỉnh, đặc biệt Hà Tĩnh chưa có sân bay; chưa xây dựng được các cụm công nghiệp chuyên ngành có công nghệ và kỹ thuật cao để thu hút các nhà đầu tư đến từ các quốc gia có công nghệ nguồn, công nghệ kỹ thuật cao.

Thứ ba, Hà Tĩnh chưa có chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và logistics. Nguồn nguyên liệu, phụ kiện và các thiết bị phụ trợ khác còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu linh kiện, phụ tùng hay nguyên phụ liệu phục vụ cho các hoạt động sản xuất công nghiệp công nghệ cao của các tập đoàn, công ty đa quốc gia.

  1. Một số đề xuất khắc phục khó khăn của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Tĩnh

Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất giữa các luật có liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài, để khắc phục sự chồng chéo và không nhất quán giữa các bộ luật, một số điều luật xung khắc với nhau, luật chờ nghị định, thông tư nên chậm được thi hành. Cần quy định rõ ràng và chi tiết, dễ dàng áp dụng các thủ tục và điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư đồng thời đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư.

Thứ hai, rà soát tổng thể toàn bộ các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch liên quan để tiến hành điều chỉnh, bổ sung đảm bảo sự thống nhất giữa các quy hoạch và phù hợp với Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh công khai minh bạch hóa thông tin cho doanh nghiệp về các thông tin liên quan đến: Quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; các cơ chế, chính sách của tỉnh và các thủ tục hành chính trên website/trang thông tin điện tử của đơn vị; thông tin về giá đất để các nhà đầu tư quan tâm có cơ sở tiếp cận, nghiên cứu tham gia thị trường…

Thứ ba, đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng tốt hơn, cải tạo và nâng cấp hệ thống giao thông nội tỉnh. Tỉnh cần tiến hành rà soát, đánh giá lại phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn, trong đó lưu ý đến vị trí, quy mô, ngành nghề của từng cụm, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và phát huy hiệu quả các cụm công nghiệp khi được thành lập, mở rộng nhằm tạo thu nhập, việc làm cho lao động địa phương. Tỉnh cần tăng cường phối hợp giữa các ngành, địa phương, nhất là tỉnh có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn, đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp như đường nội bộ, đường gom trong cụm công nghiệp, các công trình xử lý nước thải tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh cần nhanh chóng đầu tư về hạ tầng cơ sở bên trong và bên ngoài.

Thứ tư, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Tỉnh cần có kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ theo lộ trình và kế hoạch rõ ràng, hiệu quả. Bên cạnh đó, thành lập cơ quan đầu mối đủ mạnh để có chính sách, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách nhất quán, hiệu quả. Lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp phụ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn. Dành quỹ đất cho các khu công nghiệp phụ trợ ngay tại các khu kinh tế trọng điểm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tổng cục thống kê, Cục Thống kê Hà Tĩnh (2023), Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2022, Nhà xuất bản Thống kê
  2. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội.
  3. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh (2019-2022), Chương trình xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh năm 2019-2022.

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube