Tóm tắt:
Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp ở Việt Nam đang trong quá trình thực hiện nhưng còn gặp nhiều khó khan, đặc biệt về vấn đề tài chính của các doanh nghiệp. Bài viết tổng hợp kinh nghiệm của Hàn Quốc về chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, trên cơ sở đó đề xuất một số kiến nghị cho Việt Nam.
Từ khóa: đổi mới sáng tạo, kinh nghiệm quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Luật Khoa học và Công nghệ (Luật số: 29/2013/QH13, ngày 18 tháng 6 năm 2013): “Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”.
Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là: “Việc phát triển hay cải tiến một sản phẩm hay một quy trình (hoặc cả hai) làm thay đổi đáng kể so với sản phẩm hay quy trình trước đây và được đưa vào cung cấp cho người tiêu dùng tiềm năng (đối với sản phẩm) hay được sử dụng trong các đơn vị (đối với quy trình)”.
Theo lộ trình đã xây dựng, Hàn Quốc đặt mục tiêu để tất cả các doanh nghiệp truyền thống đều sẽ trở thành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững. Tuy nhiên trong đó có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp những khó khăn về vốn, vì vậy nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có nguồn tài chính đảm bảo phục vụ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, Chính phủ cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp và gián tiếp cho các doanh nghiệp, thúc đẩy liên doanh nhằm huy động nguồn vốn trực tiếp từ thị trường để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường bị hạn chế do không có tài sản thế chấp, lịch sử tín dụng ngắn và thiếu chuyên môn cần thiết để đưa ra các báo cáo tài chính [10]. Hàn Quốc đã thiết lập một hệ thống hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hệ thống bảo lãnh tín dụng. Hệ thống bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc được chia thành ba quỹ: Quỹ bảo lãnh tính dụng Hàn Quốc (KODIT), Quỹ bảo lãnh tín dụng công nghệ Hàn Quốc (KOTEC) và 16 quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. KODIT là một tổ chức tài chính công được thành lập ngày 01/06/1976 theo quy định của Đạo luật Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc. Mục tiêu của KODIT là dẫn dắt sự phát triển cân bằng của nền kinh tế quốc gia bằng cách mở rộng bảo lãnh tín dụng cho các khoản nợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản thế chấp hữu hình. Chính phủ Hàn Quốc cho thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm. Chính phủ đã tạo ra khoản đầu tư mạo hiểm trị giá 500 triệu đô la từ tháng 6/2006.
Ngoài ra, Hàn Quốc đã gia tăng tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển
Hàn quốc có tỷ lệ đầu tư cho R&D rất cao và có tốc độ tăng chi tiêu cho R&D nhanh nhất thế giới. Hoạt động đầu tư R&D trong doanh nghiệp cho phép tạo sản phẩm mới, quy trình mới có khả năng thương mại hóa các kết quả R&D, từ đó tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh toàn cầu. Nếu năm 2000, tỷ lệ chi tiêu cho R&D của Hàn Quốc xấp xỉ so với với trung bình của nhóm OECD là 2% thì tới năm 2021, tỷ lệ này của Hàn Quốc là 4,8%, đứng thứ hai thế giới[4]. Kết quả là trong giai đoạn này, số lượng các bài báo công nghệ và khoa học của nước này tăng hơn 4 lần, số đăng ký nhãn hiệu tăng hơn 2 lần, góp phần giúp quốc gia này trở thành một trong những quốc gia ĐMST nhất thế giới hiện nay.
Thời gian qua, với nỗ lực của Đảng, Chính phủ, Việt Nam đã và đang đạt được nhiều kết quả tích cực trong đổi mới sáng tạo. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 42 trên 131 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) (cải thiện từ vị trí 59 năm 2016). Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam tăng hạng và vị trí 42 cũng là vị trí cao nhất mà Việt Nam đạt được cho tới năm 2020, đến năm 2022 Việt Nam đứng thứ 48 trên 132 nền kinh tế được xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022. Tuy giảm 4 bậc so với 2021 (xếp thứ 44), Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43) [5].
Mặc dù đổi mới sáng tạo mang lại nhiều cơ hội, song không phải doanh nghiệp nào cũng nắm bắt được. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về Đổi mới sáng tạo công bố vào cuối năm 2021 cho thấy, 90% số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực hạn chế, nên việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo còn gặp nhiều khó khăn, rào cản, đặc biệt là khả năng tiếp cận nguồn tài chính, do đó, từ việc nghiên cứu chính sách đởi mới sáng tạo của doanh nghiệp Hàn Quốc, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam như sau:
3.1. Tăng cường tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng giúp đưa các sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường và tạo sự phát triển đột phá cho nền kinh tế. Từ đó, tạo nên đóng góp quan trọng đối với các nền kinh tế quốc gia thông qua tăng trưởng GDP.
Hiện tại, nguồn đầu tư cho khoa học và công nghệ và ĐMST ở Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Theo đó, tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam chỉ đạt 0,52% GDP năm 2017, tương đương với tỷ lệ này của Trung Quốc năm 1996 (0,56%). Bên cạnh đó, đầu tư cho R&D của doanh nghiệp hiện khoảng 64% tổng đầu tư cho R&D quốc gia, dù đã tăng nhiều so với những năm trước, nhưng để doanh nghiệp thực sự là nhân tố quan trọng cho ĐMST, thì tỷ lệ phải đạt từ 75%-80% (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2019) [1] Việt Nam cần tăng tổng chi tiêu trong nước cho R&D, đặt mục tiêu tỷ lệ chi tiêu cho R&D so với GDP bằng các nhóm nước ĐMST nhanh trong khu vực, xác định đây là một trong những căn cứ quan trọng nhất đánh giá các nền tảng khoa học và công nghệ, là chỉ tiêu hàng đầu trong mục tiêu các chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.
3.2. Hỗ trợ tài chính, tín dụng
Hiện nay ở Việt Nam, các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng đa phần còn thiếu vốn hoạt động, tài sản thế chấp có giá trị thấp, vậy nên nguồn vốn cho hoạt động còn nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ những vướng mắc này cho các doanh nghiệp, chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, cần đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, phát triển hệ thống bảo lãnh tín dụng như Hàn Quốc như: mở rộng bảo lãnh tín dụng cho các khoản nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản thế chấp hữu hình, trong đó ưu tiên dành cho các doanh nghiệp có mục đích đổi mới và thương mại hóa công nghệ. Để đảm bảo hiệu quả của các khoản tín dụng được bảo lãnh, quỹ bảo lãnh tín dụng cần tham gia vào giám sát hoạt động của doanh nghiệp trước, trong và sau khi vay. Trên cơ sở đó quyết định gia hạn thời gian bảo lãnh hoặc hủy bỏ bảo lãnh tùy vào hoạt động của doanh nghiệp.
Hàn Quốc là một nước có điểm xuất phát không cao, Nhà báo Euny Hong trong cuốn sách của mình đã viết: “năm 1960 Hàn Quốc là một quốc gia không có gì, điểm duy nhất khiến người ta nhớ đến quốc gia này là quân đội lính đánh thuê Park Chung Hee, lạnh lùng, bạo tàn”. Nhưng chỉ trong vòng hơn 30 năm, Hàn Quốc đã làm cho cả thế giới phải thán phục vì sự phát triển nhanh chóng của mình, mà một trong những nguyên nhân đó là nhờ Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện thành công công cuộc đổi mới sáng tạo trong hệ thống doanh nghiệp. 50 – 60 năm trước, những đế chế như Samsung, Hyundai hay LG chỉ là những công ty nhỏ, không có chút danh tiếng, nhờ sự đổi mới về phát triển đúng đắn, các công ty này đã đã trở thành những tập đoàn lớn, đa quốc gia với doanh thu hàng trăm tỷ USD, là những con thuyền đưa nền kinh tế Hàn Quốc ra với thế giới. Việt Nam có nhiều điều iđiểm tương đồng với Hàn Quốc về điểm xuất phát và các điều kiện kinh tế khác, lại đang là một trong những địa điểm đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến phát triển kinh doanh, mở rộng đầu tư. Do đó, với những kinh nghiệm học hỏi được qua chính sách hỗ trợ phát triển của Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh để có thể hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc, góp phần vào sự phát triển và vững mạnh của đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
[2]. Bộ Khoa học và Công nghệ (2019). Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2019, Nxb Khoa học và Kỹ thuật
[3] Brassell và Boschmans (2018), Tlđd
[4]. OECD (2021). Số liệu Tổng chi tiêu cho R&D năm 2021, <https://data.oecd.org/rd/gross-domestic-spending-on-r-d.htm
[5]. https://vnexpress.net/viet-nam-xep-thu-48-chi-so-doi-moi-sang-tao-toan-cau-2022-4517535.html