Người gửi tiền được trả tối đa bao nhiêu tiền bảo hiểm nếu ngân hàng phá sản?
Theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì nếu tổ chức tín dụng bị phá sản, người gửi tiền tiết kiệm sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng thay vì mức 50 triệu đồng áp dụng từ năm 2005.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký ban hành quy định về mức trả tiền bảo hiểm đối với tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng bị phá sản.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 24 Luật bảo hiểm tiền gửi quy định đối tượng áp dụng của Quyết định bao gồm những người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liê quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Quy định nêu rõ, kể từ ngày 5/8, số tiền bảo hiểm được thanh toán cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi cho vay của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.
Trước đó, hạn mức bảo hiểm tiền gửi này áp dụng từ năm 1999 là 30 triệu đồng và đến 2005 tăng lên 50 triệu đồng.
Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện hành, bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Tiền gửi được bảo hiểm là tiền đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Như vậy, trong tương lai, nếu một tổ chức tín dụng tuyên bố phá sản, người dân có khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng đó sẽ nhận được tối đa 75 triệu đồng từ khoản bảo hiểm tiền gửi.
Nói cách khác, dù số tiền người dân gửi vào tổ chức tín dụng là 100 triệu đồng, 500 triệu đồng hay nhiều hơn thì số tiền bảo hiểm tiền gửi chi trả cho người dân sẽ chỉ không quá 75 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngoài khoản đền bù của bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam, người gửi tiền sẽ nhận được tiền từ hoạt động thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng đó khi bị phá sản.
Theo Luật định hiện hành, nếu một ngân hàng phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng đó sẽ được ưu tiên tiến hành chi trả cho chủ nợ là các khoản vay đặc biệt đầu tiên, tiếp đến chính là những người gửi tiền, thứ ba là các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, đối tượng tiếp theo được xét duyệt chi trả là người sở hữu trái phiếu ngân hàng, thứ năm là các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ cuối cùng là các cổ đông của nhà bang đó.
Tuy nhiên, việc tiến hành phá sản một tổ chức tín dụng và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng đó sẽ mất 1 khoảng thời gian rất dài, và khoản tiền người dân nhận được sớm nhất chính là khoản bảo hiểm tiền gửi.
3 ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng.
Cuốinăm 2016, xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, mua lại ngân hàng với giá 0 đồng hay cho các ngân hàng yếu thêm thời gian để xử lý nợ, tránh đổ vỡ hệ thống là cần thiết. Tuy nhiên, với những ngân hàng đặc biệt “độc hại” mà không có hướng xử lý, Ngân hàng Nhà nước nên cho phá sản, đồng thời xử lý trách nhiệm cá nhân.
Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội ngày 22/10/2016, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hang, doanh nghiệp yếu kém.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém.Chính phủ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xẩy ra hiệu ứng domino.
Với tổ chức ngân hàng nào còn có thể phục hồi được thì tiến hành tái cơ cấu, còn với những ngân hàng yếu kém không phục hồi được thì cần phải xử lý.
Vì sao bảo hiểm tiền gửi chỉ trả hạn mức đó?
Với hạn mức này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đủ khả năng chi trả và bảo vệ quyền lợi cho hơn 87% người gửi tiền.
Trả lời cho câu hỏi này; Thống đốc Lê Minh Hưng đã lý giải chi tiết về cơ sở đưa ra con số hạnmức 75 triệu đồng bảo hiểm tiền gửi có thể chi trả cho người gửi tiền.
Cụ thể, theo người đứng đầu ngành ngân hàng, 4 cơ sở để đưa ra con số này là: Năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt nam; quy mô tiền gửi; thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Ông cũng cho biết thêm, theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền (bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền). Tuy nhiên, phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theokỷ luật thị trường (nghĩa là chịu rủi ro theo biến động thị trường).
"Do đó, số tiền được bảo hiểm tiền gửi không tính theo tỷ lệ giá trị tiền gửi của người gửi tiền, mà tính theo số tiền cụ thể. Với hạn mức 75 triệu đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền (theo số liệu tính toán tại tháng 6/2016). Hạn mức này khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế", Thống đốc nói.
Để nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên trên mức 75 triệu đồng thì cần phải nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thông qua tăng phí bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng phí, theo ông Lê Minh Hưng, vẫn còn không ít khó khăn, tăng thêm gánh nặng cho tổ chức tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. "Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét trình Thủ tướng điều chỉnh tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi khi điều kiện cho phép", Thống đốc khẳng định.
Ngoài việc được nhận bảo hiểm tiền gửi chi trả theo hạn mức quy định, khi phá sản người gửi tiền còn có thể được nhận lại tiền gửi theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật phá sản, văn bản trả lời của Thống đốc giải thích thêm.
Một lần nữa, Thống đốc nhấn mạnh, quan điểm, mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng, nhà nước là phải đảm bảo quyền và lợi ích người gửi tiền. "Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, phương án xử lý các tổ chức tín dụng đều phải đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, không gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. Quan điểm này cũng đã được thể hiện rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua".