^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

NHẬN DIỆN NÈN KINH TẾ TRI THỨC Ở VIỆT NAM

 

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt xây dựng và phát triển Việt Nam có nền kinh tế tri thức. Vậy nền kinh tế tri thức là gì? Hiểu như thế nào đúng về một nền kinh tế tri thức? Trong khuôn khổ hạn chế, bài viết giản lược tối đa khái niệm về nền kinh tế tri thức và đưa ra một khung phân tích cho các trụ cột của nền kinh tế tri thức.

  1. Nền kinh tế tri thức (Knowledge Economy)

Trong nền kinh tế tri thức, việc tạo ra và sử dụng tri thức chiếm ưu thế trong quá trình tạo ra của cải vật chất. Đó không chỉ đơn giản là sự thúc đẩy vượt qua các giới hạn của tri thức, mà còn là sử dụng hiệu quả tất cả các dạng tri thức trong các hoạt động của nền kinh tế. 

Nền kinh tế tri thức cần dựa trên những hoạt động có hàm lượng tri thức cao, từ đó thúc đẩy các tiến bộ  về khoa học và công nghệ, vì vậy những tri thức hiện hữu cũng trở nên lỗi thời nhanh chóng tương ứng. Đặc điểm chính của một nền kinh tế tri thức là tăng trưởng sẽ phụ thuộc nhiều vào năng lực trí thức của con người nhiều hơn là các yếu tố đầu vào vật chất hay tài nguyên thiên nhiên.

Có thể hiểu nền kinh tế tri thức là nền kinh tế sử dụng tri thức như là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, trong đó tri thức được hấp thu, tạo ra, phổ biến và sử dụng hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế tri thức không nhất thiết phải xoay quanh công nghệ cao và công nghệ thông tin. Ví dụ, việc áp dụng những kỹ thuật mới trong canh tác nông nghiệp có thể nâng cao sản lượng đáng kể, hay việc sử dụng những dịch vụ logistic hiện đại có thể cho phép những ngành nghề thủ công truyền thống mở rộng thị trường tiêu thụ hơn so với trước đây.

Tóm lại, có thể định nghĩa rằng tri thức là nguồn lực chính của nền kinh tế tri thức so với các nguồn lực vật chất khác. Nó cũng quan trọng như đất đai và lao động trong nền kinh tế nông nghiệp, hay tài nguyên thiên nhiên và máy móc trong nền kinh tế công nghiệp, thậm chí còn quan trọng hơn do tính không ngừng đổi mới và sáng tạo của nó nhằm tăng năng suất lao động và đóng góp mạnh mẽ vào quá trình tăng trưởng và chất lượng của quá trình này.

  1. Khung phân tích bước tiến đến nền kinh tế tri thức

Theo WB (2007), nền kinh tế này cần được xây dựng dựa trên 4 trụ cột: (1) Cơ chế kinh tế và thể chế (Economic and institutional regime); (2) Giáo dục (Education); (3) Hệ thống đổi mới sáng tạo (Inovation system); (4) Cơ sở hạ tầng về thông tin và truyền thông (Information and communication infrastructure).

Cơ chế kinh tế và thể chế: bao gồm các chính sách về kinh tế và thể chế cho phép việc huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả, khuyến khích tinh thần doanh nghiệp, thúc đẩy sự sáng tạo phổ biến, và sử dụng hiệu quả tri thức. Trụ cột này bao trùm nhiều lĩnh vực chính sách khác nhau: kinh tế vĩ mô, tài chính ngân hàng, thuơng mại, thị trường lao động, quản trị…Một cơ chế kinh tế và thể chế yếu kém sẽ là trở lực lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, và nền kinh tế tri thức nói riêng.

Giáo dục: đào tạo những lao động có trình độ học vấn và tay nghề cao, có khả năng cập nhật kiến thức và kỹ năng liên tục để sáng tạo và sử dụng tri thức một cách hiệu quả. Hệ thống giáo dục đào tạo bao gồm trường tiểu học, trung học, trường nghề, cao đẳng, đại học và cơ chế học tập trọng đời (lifelong learning). Học tập trọn đời đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng tri thức hiện nay, khi tri thức mới liên tục được tạo ra, nó đòi hỏi con người luôn hoàn thiện theo tốc độ phát triển của tri thức nhân loại. Chỉ có học tập trọn đời mới có thể giúp bản thân mỗi người lao động không trở nên lạc hậu, theo kịp tiến bộ của khoa học công nghệ, đồng thời giúp các nước đang phát triển đuổi kịp các nước phát triển để duy trì năng lực cạnh tranh.

Hệ thống đổi mới sáng tạo: bao gồm các công ty, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khác mà có thể tiếp cận và theo kịp công nghệ, kỹ thuật, tri thức mới để tiếp thu và sử dụng nguồn tri thức này phục vụ cho nhu cầu cụ thể của tổ chức, doanh nghiệp. Hỗ trợ cho sự đổi mới, khoa học và công nghệ bao gồm một loạt các yếu tố từ cơ sở hạ tầng đến thể chế, từ sự phổ biến của công nghệ cơ bản đến các hoạt động nghiên cứu tiên tiến. Đối với các nước đang phát triển, hầu hết các tri thức và kĩ thuật thúc đẩy đổi mới sáng tạo có nguồn gốc từ nước ngoài thông qua các kênh như FDI, nhập khẩu thiết bị máy móc  từ những nước phát triển và thoả thuận mua bán bản quyền.

Cơ sở hạ tầng về thông tin và truyền thông: Cơ sở hạ tầng về thông tin và truyền thông hiện đại và hoàn chỉnh sẽ tạo điều kiện cho việc trao đổi, xử lý và phổ biến thông tin hiệu quả. Công nghệ thông tin và truyền thông (Information and communication technologies – ITCs) bao gồm mạng điện thoại, truyền hình, phát thanh, internet là cơ sở hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế toàn cầu dựa trên thông tin trong thế kỉ 21; những cơ sở hạ tầng này giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch bằng cách cung cấp sự tiếp cận thông tin mọi lúc mọi nơi.

 

Hình 1: Khung phân tích các trụ cột của nền kinh tế tri thức (nguồn: WB 2007)

Mối quan hệ giữa bốn trụ cột này được trình bày trong khung phân tích ở hình trên (Hình 1). Cơ chế kinh tế và thể chế đóng vai trò là nền tảng để ba trụ cột còn lại có điều kiện phát triển thích hợp. Chỉ khi nào có một cơ chế kinh tế thể chế mang tính động viên, nuôi dưỡng, hỗ trợ sự phát triển của tri thức, sự đổi mới và sáng tạo thì khi đó nền kinh tế tri thức mới có cơ hội phát triển.

Thêm vào đó, các trụ cột có mối quan hệ tác động qua lại mật thiết. Ví dụ, một xã hội phải có sự phát triển nhất định về giáo dục để có vốn con người nhất định trước khi xã hội đó có thể phát triển một hệ thống nghiên cứu và sáng tạo hiệu quả, hay tăng năng suất đầu tư vào các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại. Tương tự, nếu không có một cơ sở hạ tầng về thông tin và truyền thông tốt thì hệ thống đổi mới sáng tạo khó có thể thu được toàn bộ lợi ích từ tri thức toàn cầu. Do vậy, để phát triển nền kinh tế tri thức, cần có sự đồng bộ vào cả bốn trụ cột này. Đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trụ cột để nâng cao hiệu quả thu được.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. http://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/kinh-te-tri-thuc-o-viet-nam-3324
  2. https://petrotimes.vn/bai-1-kinh-te-tri-thuc-la-gi-512782.html
  3. https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nhan_dien_nen_kinh_te_tri_thuc.html

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube