^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Thực trạng quyền tự chủ của các trường đại học công lập ở Việt nam hiện nay

Thực trạng quyền tự chủ của các trường đại học công lập ở Việt nam hiện nay

Ths.Nguyễn Thị Phước

Trường Đại Học Hà Tĩnh

 

Tự chủ đại học (university autonomy)  được quy định tại Khoản 1, Điều 32 của Luật Giáo dục đại học năm 2012 như sau: “ Cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục”.Tuy nhiên tự chủ của cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn không có nghĩa là nó nằm ngoài sự chi phối của luật pháp. Nó là tự chủ có điều kiện và các điều kiện này được xác định bởi mối quan hệ giữa Nhà nước, xã hội và cơ sở giáo dục đại học.

Những năm qua, giáo dục đại học (GDĐH) nước ta đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kinh tế- xã hội. Theo báo cáo tổng kết năm học 2016 – 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước có 235 trường đại học, học viện (bao gồm 170 trường công lập, chiếm 72,4%, 60 trường tư thục và dân lập, chiếm 25,5%, 5 trường có 100% vốn nước ngoài chiếm 2,1 %), 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sỹ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện có 72.792 người, trong đó giảng viên có trình độ tiến sỹ là 16.514 người và thạc sỹ là 43.065 người và hiện đang đào tạo cho khoảng 1,76 triệu sinh viên đại học, cao đẳng trên cả nước. Nhưng đến năm 2018, mới chỉ có 23 cơ sở giáo dục đại học công lập được Chính phủ cho thí điểm tự chủ đều là những trường có thể tự chủ 100% kinh phí, từ chi thường xuyên đến đầu tư phát triển. Thực tế cho thấy, những trường tự chủ được kinh phí hiện nay chủ yếu là giảng dạy các ngành kinh tế, xã hội, nhân văn, kỹ thuật, công nghệ.Hầu hết trường trong số đó không phải đầu tư nhiều máy móc, phòng thí nghiệm và có nhiều ngành đào tạo có nhu cầu xã hội cao. Ngược lại, nhu cầu đối với ngành thuộc trường khối sư phạm hay khoa học cơ bản không cao, xã hội không thực sự mặn mà trong khi Nhà nước, nền kinh tế, xã hội lại cần. Vì vậy, nếu đặt nặng vấn đề kinh phí, những trường này khó có thể tự chủ cao.

Tự chủ về đào tạo

Công tác tuyển sinh là một khâu quan trọng của quá trình đào tạo cũng như hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập . Theo kết quả điều tra khảo sát, quyền tự chủ trong lĩnh vực kế hoạch tuyển sinh vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chỉ có 28% các trường đại học thực sự thực hiện tự chủ về vấn đề tuyển sinh và khoảng 44% trường đại học có quyền tự chủ về vấn đề đào tạo. Trên thực tế hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang là cấp quản lý quyết định chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trườn trong khi đó Bộ Giáo dục và Đào tạo lại khó có thể nắm bắt được các cơ sở xác định chỉ tiêu của từng cơ sở giáo dục đại học  Vì vậy, các trường đại học đang bị phụ thuộc ở nhiều khâu như: ngày tổ chức kỳ thi tuyển sinh trong cả nước, việc phát hành hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh và việc nhận hồ sơ. Chương trình khung này chiếm 70% khối lượng nội dung chương trình và các trường chỉ tự chủ có 30% khối lượng nội dung còn lại.

Tự chủ về tài chính

Theo báo cáo khảo sát 40 trường đại học công lập giai đoạn 2011 – 2015 được đăng tải trong Tạp chí tài chính ( 4/2017) cho thấy các trường nhận nguồn thu từ ngân sách nhà nước chiếm từ 30% - 40% tổng thu của các trường đại học công lập hàng năm. Bên cạnh đó, nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp, bao gồm nguồn thu từ sinh viên và các nguồn thu khác chiếm khoảng 60% - 70% tổng nguồn thu của các trường . Bình quân các trường đại học tự bảo đảm cân đối chi thường xuyên khoảng 75% từ nguồn thu sự nghiệp. Tuy nhiên, với tỷ lệ chi thường xuyên này vẫn chưa thể bảo đảm đủ nguồn lực để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm thu nhập tăng thêm cho cán bộ, giảng viên hằng năm. Trước thực trạng này, các trường phải tự cân đối bù đắp chi thường xuyên đối với khối đào tạo chính quy tập trung từ các khoản thu của các hệ đào tạo liên kết trong và ngoài nước, đào tạo bằng đại học thứ hai, đào tạo thường xuyên.

Tự chủ về tổ chức, nhân sự

Theo Báo cáo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp với lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên) tăng lên trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên và nhân viên) giảm xuống trong đó chú trọng hơn đến việc sử dụng công nghệ thông tin hoặc thuê ngoài nhằm tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy. Tính đến tháng 7/2017, cơ cấu nhân lực tại các trường như sau: số lượng giảng viên chiếm tỷ lệ là 62,52% - lớn nhất trong cơ cấu nhân lực của nhà trường, gấp đôi số lượng nhân viên. Đội ngũ lãnh đạo và quản lý chiếm gần 10% tổng số nhân lực tại các trường tự chủ.

Theo cáo của các trường, số lượng cán bộ/giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và học vị từ thạc sĩ trở lên tại các trường đã tự chủ tăng lên đáng kể, số lượng cử nhân giảm xuống so với giai đoạn trước tự chủ. Về phát triển đội ngũ giảng viên, năm học 2016-2017, tổng số giảng viên trong các trường đại học là 72.792 người , tăng 4,6% so với năm học 2015-2016, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 (tăng 21,4%) và thạc sĩ là 43.065 (tăng 6,6%).Kết quả tích cực này đến từ việc các trường chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng viên, tuyển dụng đội ngũ giảng viên có học vị từ tiến sĩ trở lên, kéo dài thời gian công tác đối với giảng viên có chức danh, học vị cao.

Hình 1. Sự thay đổi về chất lượng nhân sự của các trường tự chủ (2015-2017)

Nguồn: Báo cáo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tự chủ đại học hiện nay là xu hướng mang tính toàn cầu trong quản trị giáo dục đại học, là xu thế tất yếu của các quốc gia trong quản trị đại học, đó là xu hướng cắt giảm sự can thiệp của nhà nước trong quản lý nhà trường, tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường. Tuy nhiên, Tự chủ đại học ở các quốc gia khác nhau sẽ có mức độ và cách thức thực hiện khác nhau phụ thuộc vào thể chế Nhà nước, pháp luật, kinh tế, văn hóa.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Báo cáo tổng kết thực hiện nghị quyết
  2. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

  3. Huỳnh Thành Đạt, Cơ chế hoạt động và các mối quan hệ trong nội bộ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đề tài Nghiên cứu cấp Đại học quốc gia, 2010

  4. Nguyễn Trường Giang, Đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện mục tiêu công bằng và hiệu quả, Bộ Tài chính, 2013

  5. 77/2014/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017, Hà Nội.
  6. [http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/giai-phap-tu-chu-tai-chinh-tai-cac-truong-dai-hoc-cong-lap- 100786.html
  7. [http://m.vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/nhung-con-so-biet-noi-ve-giao- duc-dai-hoc-viet-nam-389870.html]
Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube