Chất lượng đào tạo là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với các trường đại học nói chung và trường đại học Hà Tĩnh nói riêng.Trong những năm qua giáo dục nước ta đã đạt được những thành tựu như: quy mô phát triển nhanh, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo, cung cấp cho xã hội một nguồn lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề từng bước đáp ứng nguồn lực cho đất nước. Tuy nhiên, giáo dục đại học đang đối mặt với những thách thức lớn như chất lượng đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội,…trong đó trường đại học Hà Tĩnh không phải là trường hợp ngoại lệ. Trong những năm vừa qua trường đại học Hà Tĩnh cũng đã nỗ lực hết mình để đạt được các kết quả đào tạo tốt nhất, cơ bản thỏa mãn tốt các tiêu chí kiểm định giáo dục đại học trong năm 2018 vừa qua.
Trong nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo, những năm vừa qua các cán bộ giảng viên nhà trường đã tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ: cơ bản 100% giảng viên đứng lớp có bằng thạc sỹ, số lượng giảng viên làm nghiên cứu sinh trong nước và ngoài nước ngày càng tăng, nhiều cuộc hội thảo cấp khoa, cấp trường, trong nước và quốc tế được mở ra, tạo tiền đề cho năng lực nghiên cứu của các giảng viên ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã thực hiện quy định chương trình đào tạo đều được rà soát, định kỳ 2 năm 1 lần tiến hành điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng nghề nghiệp để phù hợp với nhu cầu của các cơ quan tuyển dụng, đáp ứng đa dạng các yêu cầu của nguồn nhân lực xã hội.
Một trong những điểm nổi bật của công tác đào tao của trường đại học Hà Tĩnh nữa là việc rèn nghề, thực hành, thực tập, của sinh viên ngày càng được đổi mới và quan tâm đúng đắn hơn. Điển hình như trong 2 những năm vừa qua, trường đã cho sinh viên ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đi thực tập tai Thái Lan, Đi thực tập có hưởng lương tại Đài Loan, Israel,… Đây là những mô hình rèn nghề, thực hành thực tập vừa mang lại cơ hội học tập tốt cho sinh viên, vừa phù hợp với xu hướng hội nhập trong giai đoạn hiện nay và đã mang về rất nhiều lợi ích.
Bên cạnh những ưu điểm đã nêu ở trên, trường đại học Hà Tĩnh cũng bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo như:Hiện nay cán bộ giảng dạy thiếu cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng giảng viên không đồng đều và đặc biệt là giáo viên có trình độ cao, giỏi ngoại ngữ, giỏi thực hành, tâm huyết, làm việc có trách nhiệm vẫn chưa nhiều.Đổi mới phương pháp giảng dạy đã đang được thực hiện, nhưng chưa thường xuyên ở các Khoa, Bộ môn. Một số giáo viên còn thiên về lý luận, thiếu thực tiễn, chưa tìm ra và áp dụng những phương pháp giúp sinh viên chủ động hơn trong tiếp thu kiến thức. Khả năng phân tích, luận giải các vấn đề của giáo viên có lúc chưa sâu, nặng về trình bày theo giáo trình; thiếu ví dụ thực tiễn. Những điều đó đã làm cho sinh viên thiếu sự hăng say trong học tập, ít quan tâm đến môn học, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và kết quả giảng dạy.
Còn về phía người học,phần nhiều ý thức học tập của sinh viên hạn chế, mục tiêu học tập của sinh viên còn mang nặng tính thi cử, trả nợ cho xong môn học…Ngoài ra, đầu vào sinh viên của trường có xu hướng ngày càng thấp và điều này ảnh hưởng nhiều đến việc tổ chức dạy và học. Chương trình đào tạo đã được cải tiến, nhưng nội dung lý thuyết còn nhiều, nặng về dạy kiến thức, thiếu về dạy kỹ năng.
Cơ sở vật chất đã được đầu tư khá lớn về trang thiết bị phòng thí nghiệm, thư viện điện tử, phương tiện giảng dạy.., nhưng vẫn chưa sử dụng hiệu quả trong đào tạo.
Từ những khó khăn, bấp cập ở trên, trong giai đoạn tới, trường đại học Hà Tĩnh cần thực hiện một số biện pháp sau để nâng cao chất lượng đào tạo như sau:
Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tâm đức, trách nhiệm người thầy như khuyến khích và bắt buộc giảng viên đi học tiến sỹ, sử dụng ngoại ngữ và các phương tiện giảng dạy nghiên cứu thành thạo. Mỗi giảng viên cũng cần nâng cao nhận thức về vị trí vai trò, đạo đức của mình, trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, thông qua cung cấp và yêu cầu giáo viên thường xuyên cập nhật chính sách trong quản lý đào tạo để từng bước thay đổi nhận thức và hành động.
Thứ hai, nhà trường cần thực tiễn định kỳ đánh giá chương trình đào tạo để có những thiết kế bổ sung, sao cho chương trình đảm bảo tính hội nhập và tiên tiến hướng tới đào tạo những gì xã hội cần. Chương trình phải hướng đến đào tạo hợp lý 03 vấn đề (kiến thức, kỹ năng, thái độ, tùy theo từng ngành khác nhau và tỷ lệ, kiến thức, kỹ năng khác nhau) và cần giải quyết đồng bộ các bướcnhư: Thiết kế lại chương trình đào tạo theo định hướng hướng nghiệp; phát triển tài liệu giảng dạy,tổ chức đánh giá quá trình đào tạo, đảm bảo tính liên thông và mềm dẻo. Nhà trường cần có lộ trình và nguồn lực thỏa đáng để thực hiện cho được vấn đề này.
Thứ ba, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện, website của nhà trường, trang bị các dụng cụ, máy móc vật tư cho các phòng thí nghiệm.
Thứ tư,luôn đảm bảo chất lượng trong đánh giá kết quả học tập.Hàng năm nhà trường cần rà soát, hoàn thiện ngân hàng đề thi với các hình thức đánh giá theo yêu cầu tính chất của môn học, công khai điểm rèn luyện và điểm thi giữa kì trước khi kết thúc học phần. Bên cạnh đó, nhà trường cần phối hợp với nhà tuyển dụng đánh giá năng lực của sinh viên ra trường theo cam kết với xã hội, liên hệ với các nhà tuyển dụng để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên có thể có được việc làm sau khi ra trường.
Như vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo là sứ mạng của các trường đại học Hà Tĩnh hiện nay, và để thực hiện được điều đó chúng ta cần nỗ lực và thực hiện đồng bộ các biện pháp nêu trên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ GD&ĐT, Đổi mới quản lý hệ thống GDĐH giai đoạn 2010-2012, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
[2] Bộ GD&ĐT, Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học (Ban hành theo Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT).
[3] Phạm Quang Huân, Đổi mới quản lý chất lượng trong nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, Vietnamnet, 31/5/2010.