Từ xưa, uống rượu là một nét văn hóa ẩm thực tao nhã, rượu được dùng trong các cuộc hội ngộ, đàm đạo tri kỉ… chúc rượu thể hiện tính tôn trọng nhau,chén rượu như là lời chào, lời mời đối với khách, chủ nhân của cuộc gặp chỉ uống tối đa ba chém rượu là dừng. Tuy nhiên, nét đẹp khi uống rượu của người xưa hầu như đã không còn được lưu giữ, thay vào đó là một văn hóa uống rượu bia thái quá, xô bồ, gây ra nhiều tác hại, tổn thất cho bản thân người uống, gia đình, tổ chức và toàn xã hội.
Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men (có hoặc không chưng cất) từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu: tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm; Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men hỗn hợp các nguyên liệu chủ yếu gồm: mạch nha (malt), đại mạch, ngũ cốc, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.
Qua các nghiên cứu cho thấy hiện nay Việt Nam là nước có lượng bia rượu tiêu thụ ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh qua các năm, được thể hiện thông qua 3 tiêu chí: (1) mức tiêu thụ lít cồn nguyên chất bình quân đầu người và ở nam giới, (2) tỷ lệ người dân có uống rượu, bia và (3) tỷ lệ người uống rượu, bia ở mức nguy hại.
1.1. Về mức tiêu thụ lít cồn nguyên chất bình quân đầu người và ở nam giới
Nếu quy đổi tiêu thụ rượu, bia ra lít cồn nguyên chất thì mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người Việt Nam (kẻ cả nam và nữ trên 15 tuổi) đã tăng từ 3,8 lít cồn/người/năm trong giai đoạn 2003 - 2005 lên tới 6,6 lít cồn/người/năm giai đoạn 2008 -2010, tức là đã tăng tới 74%, tuy nhiên ở Việt Nam sử dụng đồ uống có cồn chủ yếu là ở nam giới nên tính riêng trong số nam giới trên 15 tuổi có sử dụng rượu, bia thì một người nam của Việt Nam tiêu thụ trung bình tới 27,4 lít cồn nguyên chất (năm 2010). Mức tiêu thụ này là rất cao, xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á/Tây Thái Bình Dương, xếp thứ 10 Châu Á và thứ 29 thế giới. Mức độ này sẽ còn gia tăng trong những năm tới nếu không có các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ để điều chỉnh kịp thời.
1.2. Tỷ lệ người dân có uống rượu, bia
Về mức độ phổ biến của việc uống rượu, bia, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ở cả hai giới đang ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới và có xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu bia.
1.3. Tỷ lệ người uống rượu, bia ở mức nguy hại.(trong 30 ngày có ít nhất 1 lần uống từ 60 gam cồn trở lên)
Tình trạng sử dụng rượu bia ở mức nguy hại tại Việt Nam đang rất cao và có xu hướng tăng mạnh. Nếu năm 2010 có 25,1% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại thì đên năm 2015 con số này đã là 44,2% (tăng gần gấp đôi sau 5 năm). Hầu hết các hộ gia đình đều có người uống rượu bia trong 12 tháng qua và trong đó có 40% hộ gia đình có ít nhất một người uống ở mức nguy hại, tình trạng này phổ biến hơn ở các hộ gia đình người dân tộc thiểu số, miền núi và ở nông thôn.
2.1. Tác hại của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe:
Rượu bia là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong trên toàn thế giới. Khi sử dụng rượu bia quá mức gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe của người uống, gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như: gây rối loạn tâm thần kinh (loạn thần, trầm cảm, rối loạn lo âu, giảm khả năng tư duy); bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); bệnh tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); ảnh hưởng tới phát triển bào thai; suy giảm miễn dịch…. rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10 (tức là trong tên bệnh đã có từ rượu, ví dụ như “loạn thần do rượu”).
Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thì chất cồn trong rượu bia có thể gây ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại - trực tràng, gan và ở nữ còn thêm ung thư vú...
Theo nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu, rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 05 trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam, là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần và hành vi, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư, một số bệnh truyền nhiễm. Số liệu thống kê chưa đầy đủ ở Việt Nam cho thấy, rượu, bia là yếu tố gây ra 2,9% số trường hợp tử vong và 2,2% gánh nặng bệnh tật quốc gia trong năm 2008. Năm 2012, 8,3% số trường hợp tử vong cả nước có liên quan đến việc sử dụng rượu bia .
2.2. Tác hại của sử dụng rượu, bia đối với kinh tế
Tình trạng uống rượu bia quá đà ở mức nguy hại gây ra nhiều tổn thất kinh tế cho bản than, gia đình và xã hội. trước hết là chi phí chi trả cho lượng rượu bia tiêu thụ, sau đó là các khoản phí do sự nguy hại của bia rượu dẫn đến phải chăm sóc sức khỏe, làm giảm năng suất lao động và phí để giải quyết các vấn đề khác do hậu quả của bia rượu như tai nạn lao động, …, và thường chi phí để giải quyết hậu quả do bia rượu gây ra lớn hơn rất nhiều so với chi phí trực tiếp chi trả cho tiêu thụ bia rượu. Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% -12% GDP của mỗi quốc gia, đây là một khoản phí tổn rất lớn của nền kinh tế, nếu không tiêu thụ vào bia rượu thì nó có thể sử dụng vào nhiều mục đích có ý nghĩa cho xã hội.
Theo thống kê, năm 2015 ở Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp (chưa kể lượng lớn rượu thủ công), chi phí kinh tế trực tiếp cho tiêu thụ chỉ riêng bia gần 3,4 tỷ USD, ước tính chiếm gần 3% số thu ngân sách của cả nước. Đến 2016 thiệt hại do rượu bia của nước ta tăng lên đến 60 nghìn tỷ đồng. Mặc dù con số chi phí trực tiếp cho bia rượu làm chúng ta kinh ngạc nhưng so với chi phí gián tiếp để khắc phục, giải quyết các hậu quả của bia rượu như điều trị bệnh tật do bia rượu gây ra (rượu bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính các bệnh ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung) và chi phí nuôi dưỡng và chăm sóc để điều trị các rối loạn tâm thần do rượu (hoang tưởng, ảo giác, rối loạn nhận thức, rối loạn hành vi) rất lớn là gánh nặng kinh tế rất lớn cho xã hội.
2.3. Tác hại của sử dụng rượu, bia đối với xã hội
Rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông, theo số liệu thống kê mới nhất, trung bình mỗi năm Việt Nam có 15.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến rượu, bia… chính người sử dụng rượu bia tham gia giao thông cũng là người gây ra những hiểm họa khó lường đối và ảnh hưởng đến sự an toàn, tính mạng với những người khác khi tham gia giao thông.
Sử dụng rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người uống mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ của những người xung quanh, gia đình và cộng đồng. Khi uống rượu bia, do không làm chủ được hành vi bản thân có thể dẫn đến tình trạng đánh đập người trong và ngoài gia đình, gây tổn thương cho những người xung quanh, để lại tổn thương tình cảm cho con trẻ, gây rối trật tự trị an trong xã hội, người uống rượu bia nguy hại lâu dài sẽ giảm sút sức khỏe nên họ có thể không muốn hoặc không thể làm việc, không có thu nhập và là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn gia đình cũng như nạn trộm cắp, cướp giật… và nó tất yếu dẫn đến sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức và chất lượng giống nòi.
Việc sử dụng bia rượu ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là nam giới, vì vậy khi sử dụng rượu bia dẫn đến phái nam thường có những hành vi tổn thương phái nữ trong gia đình như đánh đập, gây bất lợi trong cuộc sống và sinh hoạt, gây nên tình trạng bất bình đẳng giới. Mặt khác, việc uống rượu bia ở mức nguy hại tập trung phần lớn ở các dân tộc thiểu số, vùng cao vùng xa, dẫn đến chi phí từ sử dụng bia rượu ở các vùng này cao lên, năng suất, chất lượng lao động lại giảm xuống, nên những vùng nghèo lại càng nghèo them, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, các tầng lợp người trong xã hội càng xa.
Qua nghiên cứu cho thấy,hiện nay Việt Nam chúng ta là một trong những nước có mức tiêu thụ rất lớn và có xu hướng ngày càng tăng về số lượng và trẻ hóa về độ tuổi của người sử dụng cũng như tăng nhanh về lượng tiêu thụ trên một người, do tác hại của bia rượu nên gây ra những ảnh hưởng lớn về sức khỏe và kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng. Nhà nước, các tổ chức xã hội cần xây dựng và đưa ra hệ thống chính sách, quy định pháp luật để nhằm hạn chế việc tiêu thụ bia rượu đối với người dân nhằm ngăn chặn, hạn chế những tổn thất quá lớn do sử dụng bia rượu như hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
3.http://www.baogiaothong.vn/lech-lac-van-hoa-uong-ruou-bia-d276456.html, Chuyên gia XHH Trịnh Hòa Bình,Phó Chủ tịch Viện Thông tin kinh tế - phát triển.