^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trong những hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa các quốc gia thành viên với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tham gia vào Hiệp định TPP với tư cách thành viên, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mới cũng như sẽ gặp phải một số thách thức trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Ngày nay, toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới. Hội nhập khu vực đang nổi lên đóng vai trò chủ đạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước thực tiễn đó, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, sẵn sàng là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển. Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Hiệp định TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, đây không chỉ là môt hiệp định thương mại tự do khu vực siêu lớn, bao trùm gần 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, mà còn được xem là khuôn mẫu liên kết kinh tế của thế kỷ XXI. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định TPP đã mở ra những cơ hội mới cũng như có những thách thức trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Với cam kết là một liên kết khu vực mở, TPP là một hiệp định loại bỏ các rào cản thông thường trong một thời gian xác định tại tất cả các thành viên; TPP phải xử lý những vấn đề chính sách mới, liên quan đến thương mại điện tử, phân khúc của quá trình sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng hiện đại. TPP tìm cách duy trì sự liên kết giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển. Không chỉ vậy, TPP né tránh các biện pháp đối xử đặc biệt nhưng tạo điều kiện để các nền kinh tế thu nhập thấp tham gia. Ngoài ra, TPP đề cập nhiều vấn đề sau đường biên giới, đảm bảo chính sách, quy chế minh bạch và có khả năng dự báo.

Hiệp định TPP có phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ (chưa bao gồm dịch vụ tài chính do được đàm phán sau), vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT), chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ và minh bạch hóa. Tham gia vào Hiệp định TPP, một cấu trúc quan trọng của khu vực, sẽ giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực cũng như xu thế hội nhập kinh tế khu vực đem lại. Đồng thời, giúp Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

TPP kỳ vọng có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam đặc biệt là hoạt động xuất khẩu . Thông qua Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội đàm phán để Hoa Kỳ mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, tạo cú hích mạnh để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Bên cạnh Hoa Kỳ, TPP gồm nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam, như Mỹ, Nhật Bản, Úc..., những thị trường mà các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Nhiều mặt hàng có khả năng mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu do thuế suất giảm sâu. Dòng vốn FDI từ nhiều nước thành viên TPP tăng với sự phát triển về công nghệ, kỹ năng quản lý. Sự gia tăng vai trò của nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể góp phần đối với sự phát triển các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Quan trọng nhất xét về dài hạn, việc thực thi cam kết cùng cải cách sẽ tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và cạnh tranh, qua đó không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư mà còn tạo nền tảng phân bổ các nguồn đầu tư hiệu quả, dù đó là vốn trong nước hay nước ngoài.

Bên cạnh những thuận lợi, việc cam kết và thực hiện các cam kết sâu và rộng trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định TPP sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt là sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam vốn còn yếu, khả năng quản lý còn nhiều bất cập. Thách thức lớn nhất và dễ thấy nhất là sức ép cạnh tranh khi thuế suất nhập khẩu từ TPP hạ về 0%. Những ngành sản xuất chịu nhiều sức ép cạnh tranh do giảm thuế suất thuế nhập khẩu về 0% là ô tô, thịt lợn, thịt bò và đường; những ngành thực phẩm chế biến, rượu và hoá phẩm tiêu dùng; những mặt hàng còn được bảo hộ cao như muối, lá thuốc lá, trứng gia cầm, thép, giấy… Các ngành dịch vụ chịu sức ép cạnh tranh lớn làngân hàng, thương mại bán lẻ, viễn thông, vận tải, bảo hiểm, tài chính với nước ngoài.Một thách thức quan trọng khác là nguồn thu thuế nhập khẩu giảm sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước.  Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây là con đường mà sớm hay muộn Việt Nam cũng phải đi qua để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.

Tham gia TPP tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam, song nó cũng đòi hỏi nước ta phải tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính thị trường, đẩy mạnh công cuộc tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới thể chế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. http://www.hoinhap.org.vn/

2. http://tapchitaichinh.vn/

3. http://www.trungtamwto.vn/

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube