^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Cho phép phá sản ngân hàng - Điểm mới trong Luật sửa đổi bổ sung Luật TCTD

 

         Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng Số 17/2017/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 20/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 18/01/2018 đã cho phép Tổ chức tín dụng được phép phá sản.  Luật TCTD sửa đổi được thông qua tập trung vào 5 phương án để cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Trong đó bao gồm các phương án như phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; giải thể; chuyển giao bắt buộc và phá sản. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên xuất hiện phương án phá sản một TCTD.

            Với những quy định mới trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Luật này khi TCTD đó lâm vào tình trạng phá sản. Luật TCTD sửa đổi cũng nêu rõ trong trường hợp xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện

.

            Theo đó, tại mục 1e. Phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có quy định như sau:

“Điều 152. Phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

  1. Ngân hàng Nhà nước xem xét, trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 147a hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 148, khoản 4 Điều 148c, khoản 2 Điều 149a, khoản 4 Điều 149d, khoản 7 Điều 151a hoặc khoản 7 Điều 151d của Luật này khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản.
  2. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương phá sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 148, khoản 4 Điều 148c, khoản 2 Điều 149a, khoản 4 Điều 149d, khoản 7 Điều 151a, khoản 7 Điều 151d của Luật này được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 147a của Luật này.

Điều 152a. Xây dựng và phê duyệt phương án phá sản

  1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trình Ngân hàng Nhà nước xem xét.

Trường hợp xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện.

  1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án phá sản, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính khả thi của phương án, trình Chính phủ phê duyệt phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Điều 152b. Nội dung phương án phá sản

Phương án phá sản bao gồm các nội dung tối thiểu sau đây:

  1. Đánh giá thực trạng và quá trình xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được quyết định chủ trương phá sản;
  2. Đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đối với sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng;
  3. Phương án chi trả tiền gửi của khách hàng là cá nhân;
  4. Lộ trình thực hiện và trách nhiệm triển khai phương án phá sản.

Điều 152c. Tổ chức thực hiện phương án phá sản

  1. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện phương án phá sản đã được phê duyệt, bao gồm cả việc yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
  2. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung phương án phá sản.
  3. Việc thực hiện phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được áp dụng theo quy định của pháp luật về phá sản tổ chức tín dụng.”

Bổ sung khoản 3 vào Điều 155 như sau:

“3. Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép của tổ chức tín dụng”

Bổ sung cụm từ chi nhánh ngân hàng nước ngoài” vào sau cụm từ “tổ chức tín dụng” tại tên Điều 156, khoản 2 và khoản 4 Điều 156.

Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 156 như sau:

“3. Trong quá trình giám sát thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng bị giải thể, nếu phát hiện tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định chấm dứt thanh lý và thực hiện phương án phá sản tổ chức tín dụng theo quy định tại Mục 1e Chương VIII của Luật này”

            Trường hợp ngân hàng phá sản, các mức đền bù mà người gửi tiền có thể được nhận nếu ngân hàng phá sản. Theo quy định có hiệu lực áp dụng từ ngày 5/8/2017, mức trả tiền bảo hiểm đối với tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng bị phá sản bao gồm cả gốc và lãi cho vay của một cá nhân tối đa là 75 triệu đồng. Tuy nhiên, người gửi tiền bên cạnh việc nhận khoản đền bù của bảo hiểm tiền gửi, thì sẽ được nhận tiền từ hoạt động thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng phá sản. Theo quy định, khi ngân hàng phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng đó sẽ được ưu tiên chi trả cho chủ nợ là các khoản vay đặc biệt đầu tiên, tiếp đến là những người gửi tiền, thứ ba là các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, tiếp theo là người sở hữu trái phiếu ngân hàng, thứ năm là các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và thứ 6 là trả cho cổ đông của ngân hàng phá sản.

            Giải pháp phá sản TCTD theo quy định của pháp luật chỉ được thực hiện khi không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD, đến quyền và lợi ích hợp pháp cũng như niềm tin của người gửi tiền. Ở góc độ người gửi tiền, với hàng loạt những cơ chế, quy trình đó có thể thấy NHNN sẽ có những động thái can thiệp, quản lý sát sao hơn hệ thống ngân hàng khiến người tiêu dùng yên tâm hơn và tin tưởng hơn về hoạt động an toàn của hệ thống. Hay nói một cách khác, nhìn một cách tích cực, những cơ chế này cũng giống như "lá chắn" để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tài liệu tham khảo

  1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng Số 17/2017/QH14
  2. Website: Cafef.vn, Vietbao.vn
Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube