Việc chuyển dịch mô hình phát triển từ kinh tế tuyến tính truyền thống sang kinh tế tuần hoàn đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới. Phát triển kinh tế tuần hoàn được coi là cách tốt nhất để phá vỡ sự ràng buộc lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Kinh tế tuần hoàn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, trong khi giảm khai thác tài nguyên và hướng đến một nền kinh tế phát thải bằng không.
Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là mô hình kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình mà quan điểm tái sử dụng những gì có thể, tái chế những gì không thể tái sử dụng, sửa chữa những gì hỏng hóc, tái sản xuất những gì không thể sửa chữa.
Những lợi ích của KTTH
Phát triển KTTH là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
KTTH giúp tận dụng nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường; bảo vệ sức khoẻ người dân.
KTTH góp phần giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được; tạo ra cơ hội việc làm và đầu tư mới, giảm chi phí sản xuất từ đó giải quyết mối quan hệ lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.
Các nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn
Bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc kiểm soát, nhằm sử dụng hợp lý các tài nguyên và tái tạo các hệ thống tự nhiên; đặc biệt là đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo.
Tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kỹ thuật và sinh học.
Nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách tối thiểu hóa các ngoại ứng tiêu cực, nhờ thiết kế chất thải, thiết kế ô nhiễm ngay từ đầu của quá trình sản xuất.
Ở Việt Nam có thể nhận thấy, những manh nha hình thành và những mô hình tiếp cận với kinh tế tuần hoàn đã có khá sớm.
Đối với ngành nông nghiệp
Mô hình thu gom phân ủ tưới hoa màu và rau ngoại thành Hà Nội.Thời chiến tranh rơm rạ là nguyên liệu chế ra các trang bị tránh mảnh bom, mảnh đạn.
Mô hình vườn – ao – chuồng (VAC), vườn – rừng – ao – chuồng (VRAC). Những mô hình này là sự kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi theo dạng chuỗi thức ăn, sau nàybổ sung thêm thu hồi khí từ vật nuôi dạng hầm Biogas.
Hiện nay, mô hình chăn nuôi hộ trang trại thu hồi phân, khí Biogas mang lại hiệu quả kinh tế tăng thu nhập cùng với bán sản phẩm đầu ra, điển hình mô hình nuôi bò Mộc Châu của một số hộ gia đình.
Mô hình sử dụng rơm rạ sau thu hoạch lúa dùng để cho trâu bò ăn, sản xuất nấm rơm, vật liệu xây dựng ở một số địa phương nhưng chưa phổ biến. Thu hoạch tận dụng bẹ ngô làm hàng thủ công mỹ nghệ.
Đối với ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Hiện nay, tại các làng nghề truyền thống ở Việt Nam sử dụng các phế liệu, phụ phẩm, chất thải từ chất thải sản xuất công nghiệp: Sản xuất thép tái chế-Đa Hội Bắc Ninh, sản xuất giấy tái chế Dương Ổ-Bắc Ninh, sản xuất đồ nhựa, nilon tái chế Minh Khai-Hưng Yên, Làng nghề đúc đồng từ phế liệu đồng ở Ý Yên-Nam Định, thủy tinh tái chế …xuất hiện sớm và nay vẫn tồn tại và phát triển.
Sản xuất sạch hơn đã được triển khai trong các doanh nghiệp và đem lại hiệu quả nhất định dựa trên cơ sở cải tiến các công đoạn sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và thu hồi chất thải. Điển hình như công ty sàng tuyển than Cửa Ông, Quảng Ninh thay vì nước rửa than trược đây thải ra biển Bái Tử Long, sau đó chuyển sang thu hồi nước, lắng đọng cặn dạng than bùn, sử dụng lại nước rửa than, hạch toàn kinh tế tăng lợi nhuận cho công ty và không xả thải ra môi trường.
Một số doanh nghiệp đã có những biểu hiện tái sử dụng, tái chế chất thải như công ty thuốc là Thăng long trước đây (bán cuộng thuốc lá cho nông hộ trồng hoa Vĩnh phúc làm phân bón, bán lại phần loại thải bìa Caton), công ty bia Hà Nội (sử dụng lại chai theo hình thức đặt cọc), công ty bia Heniken (sử dụng lại chai và tái chế nắp chai)…và nhiều công ty khác không để lãng phí chất thải có thể tái sử dụng, tái chế mang lại hiệu quả kinh tế. Đã xuất hiện đầu ra chất thải của doanh nghiệp này là đầu vào sản xuất của doanh nghiệp khác.
Đối với ngành dịch vụ, du lịch
Dịch vụ thu gom phế liệu, phế thải có giá trị đầu vào cho tái sử dụng, tái chế như sắt thép và kim loại, thu gom tóc rối lông gà lông vịtđã có từ rất sớm.
Dịch vụ xử lý rác thải theo công nghệ mới như công nghệ chân không để tạo ra các nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp tư nhân-Quảng Bình, công nghệ đốt phát điện-TP.Hồ Chí Minh, công nghệ ủ rác thu hồi khí Mê Tan và phát điện-Hà Nội.
Trong lĩnh vực thương mại, xuất hiện giảm thiểu chất thải nhựa, túi nilon thay thế sản phẩm dễ phân hủy và sử dụng nhiều lần.
Trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng việc thu gom chất thải thức ăn dư thừa để bán lại cho cơ sở chăn nuôi hoặc chế biến phân bón hữu cơ có thể được xem tiếp cận kinh tế tuần hoàn.
Các mô hình thuộc kể trêncho thấy, mới dừng lại ở tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng, ít mang lại lợi ích kinh tế vàhoạt động của các mô hình đó vẫn gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường. Tuy nhiên thời gian gần đâyđãcómột số mô hìnhmớihướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn được thực hiện, đem lại hiệu quả nhất địnhnhư:
Dự án Hương Sơn farm về trồng dưa lưới hữu cơ vi sinh, các giá thể nuôi cây là các nguyên liệu từ Việt Nam như xơ dừa, trùn quế. Đây là những nguyên liệu được coi là tái chế từ các phế thải của nguồn sản phẩm nông nghiệp khác. Việc sản xuất sạch, khép kín tận dụng các nguồn lực tự nhiên có sẵn, phát huy được các nguồn tái chế trong trồng trọt và bảo vệ được nguồn tài nguyên.
Khu công nghiệp sinh thái tại Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm, một số sáng kiến tái chế đã được các doanh nghiệp áp dụng, như sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên (Zero Waste to Nature) do Phòng Thường mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI khởi xướng; sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu tại Tiền Giang (giúp thu hồi sắt); ống hút làm từ cỏ và gạo thay thế cho ống hút nhựa (giúp giảm phát thải nhựa), mô hình tái chế rác thải nhựa làm vật liệu xây dựng của công ty Upp!; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm,…) tạo ra Chitosan và SSE, đặc biệt là sự xuất hiện của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (Pro Việt Nam) gồm 9 công ty: Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina, La Vie, Nestlé Việt Nam, NutiFood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak Việt Nam, TH Group và URC Việt Nam.
Để thực hiện KTTH phù hợp với xu hướng chung của thế giới, Việt Nam cần có những chính sách toàn diện và hệ thống.
Thể chế hóa KTTH và hướng tới thực hiện KTTH trong mọi hoạt động
Trong KTTH, nhà nước đóng vai trò kiến tạo và doanh nghiệp là động lực trung tâm. Để thúc đẩy động lực trung tâm đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc thể chế hóa KTTH là giải pháp được nhiều quốc gia lựa chọn, tiêu biểu là tại Đức, Nhật Bản và Trung Quốc. Trước hết, luật và các chính sách rõ ràng sẽ giúp thực hiện KTTH một cách hệ thống và đồng bộ, cùng với các hình thức khuyến khích (ưu đãi về cơ chế và thủ tục hành chính, về tài chính, về tiếp cận các nguồn lực) và chế tài rõ ràng, minh bạch. Từ đó, các mô hình KTTH tốt được khuyến khích và tạo hiệu ứng thực hiện KTTH trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Việt Nam có thể xem xét việc xây dựng luật riêng về KTTHhoặc hoàn thiện, bổ sung các luật đã có theo hướng hệ thống và cụ thể hơn.
Xây dựng lộ trình KTTH
Các lộ trình này thường kéo dài từ 15-20 năm, nêu rõ các mục tiêu và các quy định cụ thể cho từng giai đoạn nhỏ, gắn với vai trò của các bên liên quan. Lộ trình KTTH cũng cần gắn với các cơ chế tài chính để thực hiện các mục tiêu đặt ra, như cơ chế hợp tác công tư, các cơ chế tài chính xanh… Quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa, túi nilong) bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.
Đẩy mạnh thu hồi vật liệu và hạn chế rác thải khó tái chế
Thu hồi vật liệu đóng vai trò quan trọng trong KTTH. Có 3 nhóm giải pháp chính để thúc đẩy việc này, đó là: phân loại rác tại nguồn, mở rộng trách nghiệm của nhà sản xuất (EPR) và thúc đẩy các thị trường mới phát triển (gồm thị trường thu hồi và tái chế nhựa, giấy, kim loại… và thị trường cung cấp các sản phẩm tái chế). Đối với việc phát triển các thị trường, vai trò của chi tiêu công xanh thường có tác động rất lớn, thậm chí tiêu dùng của chính phủ trong nhiều trường hợp có thể định hướng sản xuất và tiêu dùng của thị trường. Ngoài việc đẩy mạnh thu hồi vật liệu, việc hạn chế sử dụng vật liệu khó tái chế cũng rất quan trọng để thúc đẩy KTTH. Vật liệu khó tái chế có thể hiểu là khó tái chế về mặt kỹ thuật hay kinh tế (như các loại hóa chất…), hoặc khó thu hồi để tái chế (như túi nhựa mỏng, bọc bảo vệ nắp chai, các hạt vi nhựa…). Điều này lý giải vì sao hầu hết các nước tại châu Âu và Mỹ, Canada, Nhật Bản… đều coi việc hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần là một nội dung quan trọng khi thực hiện KTTH.
Chuyển đổi mô hình kinh tế gắn với chuyển dịch nhu cầu các tài nguyên
Sự chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang KTTH có thể dẫn tới các chuyển dịch nhu cầu với các tài nguyên.Điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải. Chọn một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn như công nghiệp giấy, sản xuất sắt, thép, nhiệt điện, quản lý nước theo chu trình trọng nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.Phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện theo mô hình tuần hoàn, không phát thải.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về KTTH
Các dữ liệu về KTTH không chỉ là tập hợp thông tin về các điển hình hoặc sáng kiến tuần hoàn tốt để xem xét và nhân rộng, mà còn bao gồm các dữ liệu quan trọng, giúp theo dõi mức độ tuần hoàn của nền kinh tế (như tỷ lệ tái chế chất thải rắn, tỷ lệ tái sử dụng chất thải, hiệu suất tuần hoàn tài nguyên…). Đây là các dữ liệu quan trọng để phục vụ cho việc quản lý và điều chỉnh việc thực hiện KTTH. Thực tế là tất cả các nước hàng đầu về KTTH trên thế giới đều có hệ thống cơ sở dữ liệu rất tốt về KTTH, trong khi đó ngay cả những dữ liệu cơ bản như tỷ lệ tái chế chất thải rắn qua các năm thì Việt Nam vẫn chưa thống kê được.
Thực hiện KTTH gắn với phát triển công nghệvà cách mạng công nghiệp 4.0
Tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công mô hình kinh tế tuần hoàn (nhưHoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan), từ đó chuyển giao và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Các mô hình KTTH gắn với công nghệ cao và cách mạng công nghiệp 4.0nhưđẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (Internet kết nối vạn vật, Dữ liệu lớn), trong quản lý nguồn thải và công nghệ sinh học xử lý rác thải; ứng dụng công nghệ thiết kế hiện đại giảm tiêu hao vật liệu và tài nguyên. Do vậy cần có cơ chế chính sách cho phát triển công nghệ sạch, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, chất thải phải là nguồn tài nguyên trong nền kinh tế xét cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng.
Huy động sự tham gia của cộng đồng vào phát triển nền KTTH
Doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm của mô hình kinh tế tuần hoàn cần thay đổi về tư duy, thiết kế mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng: tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; tăng cường phục hồi tài nguyên từ trong các sản phẩm đã qua sử dụng, kéo dài tuổi đời của sản phẩm thông qua cung cấp các dịch vụ nâng cấp, làm mới và thiết kế lại sản phẩm; tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, phát triển kết nối người tiêu dùng thông qua hình thức tiêu dùng chung để nâng cao hiệu quả sử dụng sản phẩm.
Chuyển dịch từ Kinh tế tuyến tính sang Kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường. Đó cũng là cách để không còn phải đánh đổi giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thực hiện được đồng thời nhiều mục tiêu của phát triển bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
http://tiasang.com.vn/-khoi-nghiep/nen-kinh-te-tuan-hoan-cua-trung-quoc-9874
https://vnexpress.net/kinh-doanh/buoc-dau-cua-kinh-te-tuan-hoan-o-viet-nam-3957467.html