^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Nghiên Cứu Các Nhân Tố Tác Động Đến Tăng Trưởng Kinh tế Việt Nam Giai Đoạn 2016-2019

  1. Đánh giá chung về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2016-2019

Trong giai đoạn 2016-2019,  mặc dù có những thách thức từ môi trường kinh tế toàn cầu, nhưng nền kinh tế Việt Nam đạt được một số kết quả nhất định.

Bảng 1: Tăng trưởng kinh tế và tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người (2016-2019)

Năm

2016

2017

2018

2019

Tăng trưởng kinh tế (%)

6,21

6,81

7,08

7,02

GDP bình quân đầu người ( USD)

2215

2385

2587

2698

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê.

Qua bảng 1 có thể thấy, từ 2016-2019,  kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng cao, GPD bình quân đầu người có sự gia tăng qua các năm, đạt mức 2698 USD năm 2019. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế còn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Tỉ trọng trong GDP của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ mức 16,32% của năm 2016 xuống 13,96% vào năm 2019, trong khi đó, tỉ trọng của khu vực dịch vụ tăng từ mức 40,92% của năm 2016 lên 41,17% vào năm 2018 và 41,64 % trong năm 2019; tỉ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng duy trì ổn định ở mức 33-34,5% từ năm 2016 đến năm 2019. Tăng trưởng kinh tế dần chuyển dịch theo chiều sâu, tỉ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016- 2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011- 2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4791 USD/lao động), tăng 6,2% so với năm trước theo giá so sánh.

 Năm 2019, mặc dù tăng trưởng kinh tế các quý đều thấp hơn 7% (ngoại trừ quý III tăng 7,48%), tăng trưởng của cả năm 2019 vẫn đạt ở mức trên 7% cho cả năm (7,02%). Tuy thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng kỷ lục của năm 2018 nhưng đây là tín hiệu tích cực, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn tương đối ảm đạm. Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với các nước khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Tuy nhiên, tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2019 cũng mới chỉ đạt 2.698 đô la Mỹ (USD)/người/năm, tương đương mức trung bình nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực

Bên cạnh đó, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019 có sự biến động không đáng kể. Năng suất lao động năm 2019, theo Tổng cục Thống kê, tính theo giá so sánh năm 2010, chỉ tăng 6,2% (so với mức tăng 6,36%), đạt mức 110,4 triệu đồng/lao động theo giá hiện hành (tương đương  4.791 USD/lao động (Hình 3). Tuy nhiên, cần lưu ý, có 4 ngành có năng suất lao động cao hơn mức bình quân chung của cả nền kinh tế nhiều lần như ngành khai khoáng (cao hơn khoảng 20 lần); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt (cao hơn khoảng 17 lần); ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (cao hơn khoảng 9 lần); hoạt động kinh doanh bất động sản (cao hơn khoảng 13 lần). Năng suất lao động của những ngành này cao khiến năng suất chung của nền kinh tế tăng lên không hoàn toàn phản ánh chất lượng năng suất lao động, đặc biệt là ở khu vực sản xuất sản phẩm hang hóa tốt hơn.

 
   





Hình 1: Tốc độ tăng năng suất lao động tính theo giá so sánh 2010 (%)

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê.

 

 

2.  Các điều kiện kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam

2.1  Các điều kiện kinh tế - xã hội trong nước

Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt có trọng tâm. Chính sách tài khóa được thực hiện quyết liệt, vượt thu ngân sách Trung ương. Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống Kê, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.  Mặt bằng lãi suất trong những năm qua được giữ ổn định. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6% - 9%/năm đối với ngắn hạn, 9% - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đây là những điều kiện quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Gia tăng hội nhập kinh tế với các hiệp định thương mại

Hiện nay chính phủ Việt Nam đã ký kết và đang tiếp tục đàm phán nhiều hiệp định thương mại được coi là sẽ làm gia tăng mạnh mẽ sự hội nhập của nền kinh tế Việt Nam.

Trong thời gian qua, hàng loạt hiệp định được ký kết như: hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); FTA với Liên minh châu Âu, FTA Việt Nam - Nhật Bản; FTA Việt Nam - Chi Lê; FTA Việt Nam - Hàn Quốc; FTA Việt Nam - Liên minh Á-Âu; Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans- Pacific Partnership Agreement - TPP) giữa 12 nước trong đó có Việt Nam đã được ký kết chính thức vào ngày 4 tháng 2 năm 2016.  Dù sau đó Hoa Kỳ đã rút khỏi hiệp định này. Sau khi Hoa Kỳ rút lui, 11 nước còn lại vẫn tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của hiệp định TPP là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP) được ký kết ngày 8/3/2018. Các hiệp định thương mại thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển tới.

Nguồn nhân lực dồi dào nhưng trình độ không cao, năng suất lao động thấp

Theo kết quả điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, năm 2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 55,7 triệu người, lao động từ 15 đến 59 tuổi đạt 49,1 triệu người, chiếm 88,2% lực lượng lao động. Từ kết quả này cùng với nhiều phân tích khác, Qũy Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đánh giá, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, mà nếu tận dụng tốt họ có thể đóng góp vào việc tăng trưởng kinh tế, mở rộng đầu tư vào xã hội. Mặc dù vậy, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay vẫn đang là thách thức. Tuy có một lực lượng lao động trẻ dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật thấp, chưa đáp ứng cho định hướng phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục đào tạo, đặc biệt đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tình trạng thất nghiệp cao trong thanh niên, đặc biệt là những người tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng là vấn đề đáng báo động.

Trình độ công nghệ còn thấp

Trình  độ phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam còn thấp, mặc dù gần đây đã được cải thiện. Theo bảng xếp hạng Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) xác định trình độ khoa học và công nghệ của các quốc gia do Viện Quản trị kinh doanh châu Âu (INSEAD), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Đại học Cornell (Mỹ) công bố hằng năm, xếp hạng của Việt Nam đã có tiến bộ. Năm 2018, Việt Nam đã tăng 2 bậc, đứng thứ 45/126 quốc gia và nền kinh tế (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2018). Trước đó, năm 2013 Việt Nam đứng thứ 76, năm

 

2014 đứng thứ 71, năm 2015 đứng thứ 52 . Qua đó cho thấy, trình độ phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam đã có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, nhìn chung theo bảng xếp hạng, Việt Nam vẫn còn đứng ở mức thấp. Tiềm lực khoa học và công nghệ Việt Nam phát triển còn chậm, cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng khoa học và công nghệ còn thiếu, lạc hậu, hoạt động chưa hiệu quả. Hạ tầng thông tin khoa học và công nghệ tuy có bước phát triển mạnh trong thời gian gần đây nhưng chưa đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của cộng đồng khoa học công nghệ và doanh nghiệp. Thị trường khoa học và công nghệ còn chậm phát triển. Doanh nghiệp chậm đầu tư đổi mới công nghệ và thúc đẩy hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhận thức về vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của doanh nghiệp còn hạn chế

Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển

Hệ thống giao thông, thông tin liên lạc của Việt Nam cũng không được đánh giá cao. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam có năng lực cạnh tranh xếp thứ 55/137 nền kinh tế được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá. Với thứ hạng này, Việt Nam xếp trên một số nước ASEAN như Philippines (xếp thứ 56), Campuchia (94), Lào (98), nhưng xếp dưới Indonesia (36), Thái Lan (32), Malaysia (23), Singapore (3), và hai nền kinh tế lớn của châu Á là Trung Quốc (27) và Ấn Độ (40). Việc đánh giá của WEF dựa trên nhiều tiêu chí trong đó có tiêu chí về cơ sở hạ tầng (chất lượng hạ tầng giao thông, chất lượng dịch vụ vận chuyển, sử dụng công nghệ thông tin). Tiêu chí về cơ sở hạ tầng được xếp ở nhóm thứ nhất là nhóm yếu tố điều kiện cơ bản (bao gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục phổ thông). Năm 2017, nhóm yếu tố điều kiện cơ bản của Việt Nam chỉ được xếp hạng thứ 75

2.2  Bối cảnh quốc tế

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng với tốc độ khả quan hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

Có thể thấy, sau hơn 10 năm diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, kinh tế thế giới hiện tại đã tăng trưởng với tốc độ khả quan hơn nhưng vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng như trước đó. Các nền kinh tế chủ chốt đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước mình nhưng kết quả đạt được còn hạn chế. Kinh tế Mỹ và khu vực châu Âu đều tăng trưởng thấp, kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại (số liệu của WorldBank cho thấy kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 6,7% năm 2016 và 6,8% năm 2017 là mức thấp nhất từ năm 1990) với những vấn đề lớn như tỷ lệ nợ tăng cao, đồng nhân dân tệ yếu, bong bóng bất động sản... Theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IFF), tỷ lệ nợ so với GDP của Trung Quốc đã vượt 300% vào thời điểm tháng 6/2018 . Nguy cơ bong bóng bất động sản tại nước này cũng ngày càng hiện hữu.

Bên cạnh đó, châu Âu còn phải giải quyết các vấn đề kinh tế liên quan đến việc Anh rời khỏi EU. Hậu BREXIT, các mối quan hệ thương mại và đầu tư ở châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, kinh tế thế giới cũng sẽ phải chịu thêm nhiều khó khăn. Theo nhận định của Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vấn đề này sẽ ảnh hưởng không tốt tới cả Anh, châu Âu và toàn thế giới (Thông tấn xã Việt Nam, 2016).

Thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế có nhiều  biến động

Thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế có nhiều biến động. Đồng USD sau thời gian dài mất giá từ 2016, 2017 đến đầu năm 2018 đã có thay đổi, phục hồi và tăng giá sau các thông tin khả quan của nền kinh tế Mỹ và đặc biệt là do tác động tăng lãi suất của FED lên 1,75% vào tháng 3/2018 và tiếp tục tăng lên 2% vào tháng 6/2018,. Các nước phát triển khác cũng thay đổi điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, theo đó chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng hơn, ngoại trừ Nhật Bản duy trì chính sách nới lỏng. Bên cạnh đó, năm 2018, Mỹ thực hiện Chương trình cải cách thuế với nội dung chính là giảm mạnh thuế thu nhập cho doanh nghiệp và cá nhân trong nội bộ nước Mỹ. Chương trình có thể tác động trái chiều theo hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhưng cũng gây ra những tác động không mong muốn lên kinh tế và thương mại toàn cầu do dòng vốn sẽ có xu hướng quay về đầu tư tại Mỹ nhiều hơn

Bên cạnh đó, một mối đe dọa khác đối với hệ thống tài chính toàn cầu là nguy cơ tài sản bong  bóng. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, việc đánh giá các tài sản mạo hiểm đang trong biên độ lớn và đã xuất hiện động thái của chu kỳ tín dụng giai đoạn cuối – giống như giai đoạn trước khủng hoảng, khi đó, nhiều tài sản có giá bong bóng. Giá cổ phiếu được đánh giá cao hơn so với thực tế, đặc biệt là tại Mỹ, trái phiếu công ty cũng có giá cao hơn. Giá các tài sản tài chính cao hơn cả những thời điểm khủng hoảng tài chính trước đây tạo ra khả năng về tình trạng “bong bóng” tài sản tài chính, từ đó dẫn đến rủi ro cao đối với kinh tế toàn cầu, không loại trừ khả năng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính ở cấp độ toàn thế giới.

Xu hướng bảo hộ và đối đầu thương mại gia tăng

Xu hướng bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện ngày càng rõ ràng hơn qua việc nước Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu, Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hàng loạt biện pháp bảo hộ hàng hóa của các nước. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện rõ xu hướng đi ngược lại chủ nghĩa toàn cầu và bảo hộ thương mại trong nước. Ông tập trung vào việc mang lại việc làm cho người dân Mỹ, chủ trương giảm thuế thu nhập để khuyến khích các công ty quay lại Mỹ kinh doanh. Một động thái nữa thể hiện rất rõ xu hướng này là ngay sau khi nhậm chức, ngày 23/1/2017, ông đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông cũng đề xuất đàm phán lại các điều khoản của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ và xem xét lại các hiệp định thương mại khác. Xu hướng bảo hộ cũng thể hiện qua việc nhiều nước tăng cường hàng rào bảo hộ thuế quan như gần đây Mỹ, Trung Quốc và một số nước mới nổi đã áp thuế chống phá giá đối với hàng nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm thép từ Hàn Quốc (Tạp chí Tài chính điện tử, 2018b).

Hệ quả của xu hướng bảo hộ thương mại là đối đầu thương mại gia tăng, trong đó đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc. Ngày 6/7/2018 Mỹ đã chính thức thông báo áp thuế nhập khẩu 25% đối với 34 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc kèm theo lời đe dọa trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng sẽ áp

 

thuế lên số hàng hóa có tổng giá trị lên tới 500 tỷ USD nếu Bắc Kinh trả đũa. Tuy nhiên, ngay sau đó, Trung Quốc đã tuyên bố áp thuế đối với hàng Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc với trị giá tương đương số hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế. Bắc Kinh gọi những gì Washington làm là khởi động cuộc chiến tranh thương mại có quy mô lớn nhất trong lịch sử  Cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn này không chỉ gây thiệt hại cho hai quốc gia mà còn ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới.

Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng 4.0 được cho là có sự khác biệt về quy mô và mức độ ảnh hưởng lớn hơn tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Với đặc trưng kết hợp các công nghệ lại với nhau, sự phát triển của cách mạng 4.0 sẽ ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, mọi nền kinh tế và mọi chính phủ. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phương Tây không còn giữ ưu thế độc quyền nữa do nhiều nước châu Á cũng phát triển rất mạnh mẽ trong cuộc chiến sáng tạo này. Trung Quốc đã phát triển bùng nổ trong thập kỷ qua với bước tiến lớn về công nghệ. Thậm chí trong mảng hạ tầng vật lý, Trung Quốc còn chiếm ưu thế hơn so với phương Tây về hạ tầng băng thông tốc độ cao 5G. Đông Nam Á gần đây được coi là có thể trở thành thung lũng Silicon thứ hai với nền kinh tế Internet đã đạt giá trị 50 tỷ USD trong năm 2017 và dự báo sẽ tăng lên 200 tỷ USD trong năm 2025

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Khoa học và Công nghệ (2019), Việt Nam tăng 2 bậc trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, truy cập lần cuối ngày 25/7/2019, từ https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/14519/viet-nam-tang-2-bac-trong-xep-hang-chi-so- doi-moi-sang-tao-toan-cau.aspx

Tổng cục Thống Kê (2020), Tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, Hà Nội

Việt Nga (2018), ‘IMF cảnh báo nguy cơ tài sản bong bóng ở nhiều thị trường’, Báo Đầu tư online, truy cập lần cuối ngày 26/7/2018 từ https://baodautu.vn/imf-canh-bao-nguy-co-tai-san-bong-bong-o-nhieu-thi-truong-d80270.html

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube