^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

HỆ THỐNG ĐÀO TẠO NGHỀ KÉP CỦA CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC

  1. Đặt vấn đề

Song hành việc đào tạo nghề với nhu cầu xã hội đang trở thành nhu cầu cấp thiết. Thực tiễn đã chứng minh, việc gắn kết đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, rút ngắn khoảng cách lý thuyết và thực hành tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Mô hình đào tạo nghề kép của cộng hoà liên bang (CHLB) Đức ra đời nhằm làm cầu nối giữa việc đào tạo nghề của nhà trường và nhu cầu lao động của doanh nghiệp.

  1. Nội dung nghiên cứu

2.1. Giới thiệu tổng quát về hệ thống đào tạo nghề kép

Sinh viên Đức sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông có 3 lựa chọn: (1) học chương trình dạy nghề toàn thời gian 2-3 năm tại các trường nghề; (2) học trường nghềtheochương trình đào tạo kép từ 2-3,5 năm; (3) học đại học (3-5 năm). Trong đó, hệ thống đào tạo nghề kép thu hút được nhiều học viên và được công nhận trên toàn thế giới do sự kết hợp giữa lý thuyết và môi trường làm việc thực tế.

Hệ thống đào tào nghềnày được gọi là hệ thống đào tạo nghề kép vì có sự kết hợp giữa các công ty và các trường dạy nghề.Đào tạo kép thường kéo dài hai đến 3,5 năm.Trong khoảng thời gian này, người học việc dành một vài ngày một tuần, hoặc thậm chí là vài tuần một lần, tại một trường dạy nghề nơi họ có được kiến thức lý thuyết cho nghề nghiệp của mình. Các lớp học cũng bao gồm tiếng Đức, tiếng Anh, kỹ năng mềm, giáo dục thể chất. Đồng thời, người học cũng sẽ tham gia học việc ở một công ty để có được kiến thức thực tế và kinh nghiệm thực tiễn. Chương trình đào tạo nghề kép bao gồm70 phần trăm thời gian ở doanh nghiệp đào tạo nghề và 30 phần trăm tại trường nghề(Hockenos, 2018).

Bộ luật Đào tạo nghề năm 1969 áp dụng ở CHLB Đức được coi là nền tảng cơ bản của sự phát triển hệ thống đào tạo nghề kép. Bộ luật này đã đưa ra các điều lệ chi tiết, nhấn mạnh trách nhiệm của xã hội đối với việc đào tạo nghề. Đồng thời có các quy định bảo đảm cho các bên liên quan đến đào tạo nghề, chủ yếu giới chủ sử dụng lao động và người lao động, có ảnh hưởng mang tính quyết định đến hệ thống đào tạo nghề và khả năng tổ chức đào tạo trên toàn quốc. Ngoài ra, Bộ luật này còn là cơ sở pháp lý cho hệ thống đào tạo kép thành hệ thống tiêu chuẩn chất lượng nghề chủ chốt ở Cộng hoà Liên bang (CHLB) Đức (Thanh Minh, 2019).

Theo số liệu thống kê, hơn một phần ba số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở Đức tham gia một chương trình đào tạo nghề, trong đó một phần ba học theo chương trình nghề toàn thời gian và hai phần ba theo học chương trình kép. Chương trình đào tạo nghề kép có khoảng 330 chương trình đào tạo được công nhận chính thức, tất cả được liệt kê trên Planet-Beruf.net, trang web của Viện Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB). Trang web này cũng công bố danh sách các ngành nghề và mức lương tương ứng mà người học nghề nhận được, cũng như Hướng dẫn về “Đào tạo nghề tại Đức”.

Theo Báo cáo đào tạo nghề năm 2017 của Đức, phần lớn những người tham gia chương trình đào tạo kép tuổi từ 15 đến 24, 90% học viên hoàn thành khoá đào tạo kép, 68% học viên được công ty đào tạo của họ tuyển dụng sau khi hoàn thành chương trình và 95,3% sinh viên đào tạo nghề có việc làm(BIBB, 2017). Theo số liệu năm 2018 của BIBB, khoảng 52% dân số Đức trong độ tuổi 16 đến 24 tham gia hệ thống đào tạo nghề kép(Công đoàn, 2019). Số tiền phụ cấp đào tạo trung bình cho học viên được doanh nghiệp sử dụng lao độngtrả là 876 euro/tháng. Quy mô của hệ thống đào tạo kép ở Đức rơi vào khoảng 1,3 triệu người/năm với độ tuổi trung bình của học viên tham gia các khóa học là 19,5 tuổi.(Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, 2019).

Theo báo cáo về hệ thống đào tạo kép của Bộ Giáo dục và Khoa học CHLB Đức, sau 6 tháng học sinh tốt nghiệp từ hệ thống đào tạo nghề kép, khoảng 60% học sinh nhận được việc làm với hợp đồng không hạn chế, có nghĩa là hợp đồng trong thời gian 3 - 4 năm, rồi sau đó ký tiếp hoặc hợp đồng vĩnh viễn nếu cả hai bên mong muốn, 10% thất nghiệp, 17% tham gia quân ngũ hoặc nhận hợp đồng ngắn hạn (từ 6 tuần cho đến 5 năm) và 13% tham gia đào tạo tiếp. Trong số những học sinh có việc làm ngay, 78% học sinh được làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo. Thông thường, các học sinh theo học các khóa đào tạo nghề trong các công ty lớn có cơ hội việc làm lớn hơn so với học sinh theo học các khóa đào tạo trong các công ty nhỏ. Theo số liệu thống kê, có khoảng 80% học sinh tốt nghiệp học nghề trong các công ty lớn được ở lại làm việc tại công ty đã đào tạo. Chỉ số này khiêm tốn hơn nhiều đối với đào tạo trong các công ty nhỏ, sử dụng chưa đến 1/2 số học sinh họ đã đào tạo.Song, nhờ chất lượng đào tạo của hệ thống đào tạo nghề kép, nên cơ hội việc làm của các học sinh tốt nghiệp không được công ty đào tạo thuê vẫn cao. Hơn nữa, thường xuyên diễn ra quá trình trao đổi giữa hãng tổ chức đào tạo và hãng không tổ chức đào tạo, nên việc điều chỉnh về các quyết định đào tạo và sử dụng được diễn ra theo điều kiện thị trường lao động (Thanh Minh, 2019).

2.2. Cách thứcức hoạt động của hệ thống đào tạo nghề kép

Hệ thống đào tạo kép của Đức bao gồm nhiều cơ sở giáo dục tham gia, tính hợp pháp của chúng được xác định bởi Luật Giáo dục Liên bang Đức, Luật Bảo vệ Lao động Thanh niên, Quy định về Thương mại điều chỉnh hoạt động của hệ thống ở cấp liên bang(BIBB, 2018). Các cơ chế kinh tế xã hội đã góp phần vào hoạt động hiệu quả của hệ thống đào tạo kép. Trong đó bao gồm các luật quy định sự tham gia của các doanh nghiệp, các nguồn vốn tài trợ của nhà nước hoặc khu vực, học bổng. Sự tham gia của công đoàn và phòng thương mại vào hệ thống đào tạo kép giáo dục giúp đảm bảo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp (Pleshakova, 2019).

Quá trình đào tạo bao gồm đào tạo tại trường nghề và đào tạo tại doanh nghiệp. Việc thi cử được tổ chức hoàn toàn độc lập bởi các phòng Thương mại. Hội đồng thi bao gồm đại diện của người sử dụng lao động, người lao động, giáo viên trường nghề (Chính phủ).

Sơ đồ 1: Tóm tắt về hệ thống đào tạo nghề kép của Đức

Nguồn: Tổng cục giáo dục nghề nghiệp Việt Nam

 

2.2.1. Đào tạo tại doanh nghiệp

Không phải tất cả các doanh nghiệp đều có thể tham gia vào hệ thống đào tạo nghề kép. Các công ty này sẽ phải đạt được một số tiêu chuẩn bởi Phòng Thương mại Đức trong đó liệu hệ thống hoạt động của doanh nghiệp có phù hợp với việc đào tạo các học viên trẻ hay không (Phòng Thương mại Đức).Hệ thống đào tạo nghề kép của Đức được hiểu là học ở trung tâm và thực hành ở doanh nghiệp trong suốt thời gian học nghề từ 3 năm đến 3 năm rưỡi tùy theo nghề học. Tất cả các lý thuyết và kỹ năng cơ bản đều được đào tạo tại trường còn ứng dụng vận hành tại doanh nghiệp.Tuy nhiên, ngay cả học lý thuyết ở trường hoặc trung tâm đào tạo thì lý thuyết đó cũng được thực hành trên các modul thật hoặc bài giảng 3D trên màn hình chứ không phải lý thuyết chay.Khi xuống doanh nghiệp, học sinh hoàn toàn thực hành các kiến thức, kỹ năng đã được học tại trung tâm.

Khi người học có nhu cầu học nghề, họ sẽ thực hiện các bước: (1) tìm các doanh nghiệp địa phương cung cấp đào tạo nghê; (2) tìm các chương trình đào tạo; (3)đăng ký tham gia đào tạo tại các doanh nghiệp; (4) lựa chọn doanh nghiệp. Như vậy, học viên sẽ trực tiếp tìm đến doanh nghiêp để đăng ký học, chứ không phải đăng ký học qua các trường nghề.Sau khi doanh nghiệp và học viên đạt được thống nhất, hai bên sẽ tiến hành ký hợp đồng đào tạo. Hợp đồng đào tạo là cơ sở pháp lý cần thiết cho việc đào tạo nghề tại doanh nghiệp, trong đó có quy định: Thời gian đào tạo, thời gian bắt đầu và kết thúc đào tạo, thời gian tập sự, thời gian nghỉ, nội dung đào tạo, trợ cấp đào tạo, kết thúc hợp đồng. Sau khi hợp đồng đào tạo được ký, các phòng Thương mại sẽ chịu trách nhiệm đăng ký các hợp đồng để đảm bảo tính hợp pháp.Tại doanh nghiệp, các học viên sẽ được thực hành với các máy móc, thiết bị tại nơi làm việc và được hướng dẫn bởi các giáo viên toàn thời gian hoặc bán thời gian trong doanh nghiệp.Mỗi doanh nghiệp sẽ có các chuẩn đào tạo để cơ sở cho quá trình đào tạo tại doanh nghiệp.Học viên cần từng bước thực hiện các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào hiệu suất công việc.

2.2.2. Đào tạo tại trường nghề

Nếu như việc đào tạo tại doanh nghiệp chịu các quy định của chính quyền liên bang thì việc đào tạo tại trường nghề lại chịu sự quản lý của chính quyền từng bang.Chính quyền địa phương tài trợ các cơ sở đào tạo công lập (cơ sở vật chất, giáo viên, v.v.) còn trường dạy nghề dạy các môn đào tạo nghề (2/3) và các môn giáo dục phổ thông (1/3).Để được dạy tại các trường nghề, giáo viên phải có bằng thạc sĩ tương đường bậc 7 trong Khung trình độ quốc gia.Nội dung đào tạo tại trường nghề sẽ bám sát chương trình khung bao gồm các môn cơ sở, lý thuyết các môn thực hành và các môn ngoại ngữ, giáo dục thể chất, kỹ năng mềm.

Trong suốt quá trình hoạt động, các phòng thương mại sẽ cung cấp các hỗ trợ cho học viên và công ty mà mình thực tập, như việc đăng ký hợp đồng đào tạo, việc tổ chức kỳ thi. Phòng Thương mại là đầu mối liên lạc giữa học viên và công ty mà mình thực tập trước thực tập, trong quá trình thực tập và sau thực tập.

 

Sơ đồ 2: Tiêu chuẩn đào tạo nghề kép của Đức

Nguồn: Phòng Thương mại và công nghiệp Đức tại Việt Nam

2.2.3. Kiểm tra, đánh giá

Thời gian học nghề kép từ 2 đến 3,5 năm tùy vào từng lĩnh vực ngành nghề và bậc đào tạo trong khung trình độ quốc gia. Khung trình độ quốc gia của CHLB Đức (ban hành năm 2013) quy định 8 bậc trình độ, đảm bảo tham chiếu với 8 bậc trình độ trong khung trình độ châu Âu, trong đó bậc đào tạo nghề gồm bậc 3, bậc 4 và bậc 6. Người tốt nghiệp học nghề kép được xếp bậc 3 hoặc bậc 4 tùy vào khóa đào tạo đăng ký (bậc 3 với thời gian đào tạo thời gian 2 năm, bậc 4 với thời gian đào tạo từ 3-3,5 năm)

Để tốt nghiệp, người học phải đỗ kỳ thi theo chuẩn quốc gia. Nội dung lý thuyết và thực hành trong các bài thi tốt nghiệp ở toàn bộ 16 bang đảm bảo theo chuẩn như nhau. Riêng thi lý thuyết được tổ chức thi chung, cùng một thời gian trên toàn quốc. Như vậy, dù nội dung đào tạo tại các trường nghề có thể không hoàn toàn giống nhau do được quy định bởi các chính quyền bang khác nhau, nhưng kỳ thi tốt nghiệp phải đảm bảo sự thống nhất cấp quốc gia và bằng cấp được cấp theo khung trình độ quốc gia. Kỳ thi tốt nghiệp do các Phòng thương mại tổ chức. Phòng Thương mại có trách nhiệm lựa chọn những người có đủ năng lực, tư cách để tham gia Hội đồng kiểm tra gồm đại diện người sử dụng lao động, người lao động (do Hiệp hội doanh nghiệp đề cử) và giáo viên các trường nghề (do các Chính quyền từng bang quản lý). Các thành viên Hội đồng kiểm tra phải đảm bảo có mặt trong các ngày kiểm tra đánh giá và Hội đồng có trách nhiệm ghi chép các thủ tục trong quá trình kiểm tra và ghi bằng, chứng chỉ cho người tốt nghiệp.

Sau khi kết thúc học nghề, học viên có nhiều lựa chọn: (1) tiếp tục thăng tiến trong công ty mình đã thực tập; (2) học cao lên để lấy bằng cấp (bao gồm có thể học tiếp đại học dù không có bằng tốt nghiệp cấp 3); (3) tìm việc tại các công ty khác.

2.2.4. Cơ chế quản lý kép

Mô hình đào tạo nghề kép còn gắn liền với cơ chế quản lý hệ thống đào tạo nghề ở Đức. Chẳng hạn, chính quyền bang chịu trách nhiệm quản lý trường nghề và Chính phủ Liên bang chịu trách nhiệm quản lý đào tạo nghề tại công ty. Việc dạy nghề tại công ty đều do các công ty trực tiếp tổ chức, song việc kiểm soát lại do công đoàn cùng với sự tham gia của các quan sát viên và hội đồng công nhân tại công ty thực hiện.

Trên thực tế, công đoàn tham gia vào mọi công đoạn của hệ thống đào tạo kép trong công ty, từ quá trình lựa chọn học sinh cho đến duy trì một chương trình học hiện đại, kiểm soát chất lượng và bảo vệ công nhân khỏi nguy cơ như bị trả lương thấp hoặc không được đào tạo đầy đủ.

2.2.5. Lợi ích của hệ thống đào tạo nghề kép

Hệ thống đào tạo kép mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan.

- Đối với học viên: Có cơ hội nâng cao tay nghề đồng thời được nhận trợ cấp đào tạo (hưởng lương trong quá trình đào tạo); có cơ hội thực hành với máy móc thiết bị hiện đại và sát với môi trường làm việc thực tế; Có cơ hội tiếp cận để lựa chọn ngành nghề và nơi làm việc; cung cấp nền tảng để học lên trình độ cao hơn hoặc tìm kiếm cơ hôi việc làm khác

- Đối với doanh nghiệp: So với việc tuyển dụng lao động từ bên ngoài, việc tuyển dụng lao động qua hình thức đào tạ kép giúp doanh nghiệp tìm được lao động chất lượng cao, sát với nhu cầu của doanh nghiệp; tiết kiệm được chi phí tuyển dụng và đào tạo lại; hỗ trợ trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình đào tạo kép coi đây là hình thức tuyển dụng nhân sự tốt nhất.Việc trực tiếp đào tạo nhân viên giúp họ tiết kiệm chi phí tuyển dụng và tránh trường hợp tuyển người không phù hợp.Đầu tư vào đào tạo là yếu tố quan trọng để thành công trong môi trường ngày càng cạnh tranh.Hơn nữa, nó cũng giúp nhà tuyển dụng tin tưởng hơn vào trình độ của người lao động, dù họ không học việc tại công ty mình.

- Đối với chính phủ: Chính phủ thu được lợi ích chính trị từ tác động tích cực của đào tạo nghề kép đến nền kinh tế và xã hội, có được hệ thống đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động

2.2.6. Yếu tố tạo nên sự thành công của hệ thống đào tạo nghề kép của Đức

Có nhiều yếu tố tạo nên sự thành công của hệ thống đào tạo nghề kép của Đức, trong đó có một số yếu tố chính:

- Gắn kết chặt chẽ giữa Chính phủ và ngành công nghiệp/doanh nghiệp

Trong hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức, sự gắn kết giữa Chính phủ và ngành/doanh nghiệp thể hiện qua việc 2 bên cùng đầu tư vào hệ thống đào tạo nghề kép, cùng phối hợp với tổ chức công đoàn phát triển các ngành nghề đào tạo, xây dựng chuẩn đào tạo và việc tổ chức kiểm tra đánh giá người học. Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đào tạo, Chính phủ còn đầu tư vào các trung tâm đào tạo do các Phòng Thương mại quản lý để đào tạo bổ sung cho các nội dung doanh nghiệp không đủ năng lực để đào tạo trong doanh nghiệp theo chuẩn đào tạo tại doanh nghiệp. Sự gắn kết này đảm bảo đào tạo sát thực tiễn cũng như sự đồng thuận giữa các bên và cộng đồng về các quyết định trong đào tạo nghề.Rõ ràng, sự gắn kết này mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Chính phủ muốn doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nhằm đáp ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động và giảm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nghề. Doanh nghiệp tham gia đào tạo để có nguồn lao động chất lượng, lại tiết kiệm chi phí tuyển dụng, và không phải đào tạo lại. Mặt khác, doanh nghiệp lại thu được lợi từ sự đóng góp của người học trong quá trình đào tạo và cũng là thực hiện trách nhiệm với xã hội.

- Đào tạo thực hành ngay tại nơi làm việc:

Trong mô hình đào tạo kép, với 70% thời lượng đào tạo tại doanh nghiệp có nghĩa là người học được học thực hành rất nhiều trong môi trường làm việc thực tế. Điều này khuyến khích người học phấn đấu để đảm nhận được các công việc của doanh nghiệp, giúp học sinh có động lực học tập, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và thúc đẩy hòa nhập xã hội của người học. Phần lớn học sinh tại các trường nghề của Việt Nam hiện nay phải đợi đến kỳ học cuối mới được trải nghiệm và thực tập tại doanh nghiệp, như vậy thời lượng đào tạo tại môi trường làm việc thực tế chỉ chiếm khoảng 20% chương trình đào tạo. Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cần tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm nhiều hơn, sớm hơn tại doanh nghiệp ngoài đợt thực tập cuối khóa theo quy định. Các trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thời gian thực tập, đào tạo tại doanh nghiệp đạt hiệu quả tối đa.Khi việc bố trí cho các em được trải nghiệm tại doanh nghiệp còn khó khăn thì việc nâng cao hiệu quả đào tạo thực hành tại trường nghề cũng là một giải pháp cần chú trọng. Cần tạo môi trường thực hành tại trường như môi trường làm việc tại doanh nghiệp, từ việc bố trí nhà xưởng, thiết bị, các yêu cầu về vệ sinh an toàn lao động, tác phong công nghiệp đến việc hướng dẫn, giảm sát, đánh giá kết quả thực hành đối với người học.

- Chất lượng của giáo viên đào tạo nghề

Giáo viên tại trường nghề hay người dạy tại doanh nghiệp(dạy toàn thời gian) phải đáp ứng các yêu cầu rất cao về bằng cấp, chuyên môn nghề, kỹ năng sư phạm và kinh nghiệm thực tế tại nơi làm việc. Còn người dạy bán thời gian trong doanh nghiệp không phải đáp ứng yêu cầu về bằng cấp nhưng phải giỏi kỹ năng nghề.Bài học với chúng ra ở đây là năng lực của đội ngũ nhà giáo luôn là một trong các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo quan trọng nhất. Khi yêu cầu đối với giáo viên dạy nghề của Việt Nam chưa cao như CHLB Đức, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt về kỹ năng sư phạm, kỹ năng thực hành và trải nghiệm thực tế tại nơi làm việc. Riêng đối với kỹ năng sư phạm, các cơ sở đào tạo cần triển khai hiệu quả đào tạo đồng cấp, tăng cường dự giờ góp ý chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên...

  1. Kết luận

Lợi ích chính từ chương trình học việc là người học được đào tạo phù hợp thị trường.Thời đại kỹ thuật số, mọi thứ phát triển không ngừng, nếu không học hỏi những thứ mới nhất, phù hợp thực tế, người học sẽ khó tìm việc làm.Chương trình học việc ở Đức giải quyết vấn đề này.Đây là một mô hình đào tạo hiệu quả để các quốc gia học tập.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

BIBB. (2017). Datasheet on dual VET. Truy xuất từhttps://www.bibb.de/govet/en/54886.php

BIBB. (2018). Online documentation.   Truy xuất từ https://kongress2018.bibb.de/en/congress/online-documentation/index.html

Công đoàn. (2019). Độc đáo mô hình đào tạo kép Retrieved from https://nld.com.vn/cong-doan/doc-dao-mo-hinh-dao-tao-kep-20191209213150569.htm

Hockenos, P. (2018). How Germany’s Vocational Education and Training system works.   Truy xuất từhttps://www.cleanenergywire.org/factsheets/how-germanys-vocational-education-and-training-system-works

Phòng Thương mại Đức. Vocational Training in Germany - The Dual System.   Truy xuất từhttps://www.hk24.de/en/produktmarken/training/vocational-training-dual-system/1147578

Pleshakova, A. (2019). Germany’s dual education system: The assessment by its subjects. The Education and science journal, 21, 130-156. doi:10.17853/1994-5639-2019-5-131-157

Thanh Minh. (2019). Đào tạo kép, lợi ích kép.   Retrieved from http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=77&NewsId=426362

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. (2019). Hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức và giá trị tham khảo với Việt Nam (Bài 1: Hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức).   Truy xuất từhttp://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/37108/seo/He-thong-dao-tao-nghe-kep-cua-CHLB-Duc-va-gia-tri-tham-khao-voi-Viet-Nam-Bai-1-He-thong-dao-tao-nghe-kep-cua-CHLB-Duc-/Default.aspx

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube