^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Phân tích tình hình sản xuất nếp của huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An

Trong những năm gần đây, giá nếp có xu hướng tăng cao so với giá lúa. Do đó, nhiều nông dân ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã chuyển từ trồng lúa sang trồng nếp. Tuy nhiên, hiệu quả của việc sản xuất nếp vẫn chưa được đánh giá cao. Cho nên, nghiên cứu “Phân tích tình hình sản xuất nếp của huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An” nhằm phân tích kết quả của việc xản xuất nếp và đề xuất giải pháp phát triển.

  1. Tình hình sản xuất nếp của huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An

Huyện Thủ Thừa có diện tích tự nhiên 29.901 ha, cách thành phố Tân An 10 km và cách thành phố Hồ Chí Minh 45 km. Thủ Thừa được chia thành 2 vùng: Vùng phía Bắc gồm 7 xã: Long Thạnh, Long Thuận, Tân Thành, Mỹ Lạc, Mỹ Thạnh, Tân Long thuộc vùng Đồng Tháp Mười, nằm trong vùng lũ (chiếm 75% diện tích toàn huyện); vùng phía Nam gồm Thị trấn Thủ Thừa và các xã Mỹ An, Mỹ Phú, Bình An, Nhị Thành, Bình Thạnh ít bị ảnh hưởng của lũ.

Khí hậu huyện Thủ Thừa mang tính chất đặc trưng nhiệt đới gió mùa với nền nhiệt cao đều quanh năm, ánh sáng dồi dào, lượng mưa khá lớn và phân bố theo mùa. Nhiệt độ bình quân năm là 27,1oC, tháng 4 là tháng nóng nhất với nhiệt độ trung bình 28,5oC và tháng 1 có nhiệt độ thấp nhất 25,3oC. Biên độ nhiệt trong năm dao động khoảng 3,3oC và biên độ nhiệt ngày và đêm dao động cao (từ 8oC đến 10oC). Đây là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, đặc biệt là cây lúa.

Cây lúa từ lâu được xác định là cây nông nghiệp chủ lực, có vai trò quan trọng đối với kinh tế, xã hội của tỉnh Long An và an ninh lương thực của quốc gia với diện tích canh tác hơn 235.622 ha tính đến đầu năm 2019. UBND tỉnh cũng ban hành chủ trương xây dựng các cánh đồng lúa lớn, áp dụng công nghệ cao nhằm ngày càng gia tăng giá trị kinh tế cho cây lúa. Đến nay toàn tỉnh xây dựng 45 mô hình, diện tích 2.844 ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Theo đó, trong cơ cấu giống lúa gieo sạ hàng năm, lúa nếp có vị trí chủ lực với tỷ lệ khoảng 33,4% tập trung chủ yếu ở huyện Thủ Thừa. Theo báo cáo, toàn huyện Thủ Thừa có khoảng hơn 17.702 diện tích canh tác lúa, trong đó lúa nếp chiếm khoảng 98% với hơn 17.359 ha và phần lớn là xuất khẩu và chủ yếu là xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, chiếm 80 – 90% sản lượng. Nhiều năm trước, lúa nếp Thủ Thừa chủ yếu được xuất bán qua Trung Quốc ở dạng không cần nhãn mác với giá trị kinh tế thấp; nhưng những năm gần đây, các nhà sản xuất, kinh doanh đã chú trọng tiềm năng sản phẩm của địa phương, tiến hành xây dựng các bước chuyển đổi sang những giống lúa nếp chất lượng cao như OM84 (nếp sáp), IR4625 nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu gạo nếp cao cấp, phục vụ thị trường trong nước và mở rộng sang các thị trường quốc tế.

Qua kết quả khảo sát về sản lượng nếp trong những năm gần đây, có 58% người được khảo sát cho kết quả sản lượng tăng, 33% cho kết quả sản lượng giảm, còn lại 9% cho kết quả sản lượng giữ nguyên, không có sự thay đổi.

Khi hỏi đến nguyên nhân của việc tăng sản lượng nếp Thủ Thừa thì đa số người được phỏng vấn cho rằng việc tăng sản lượng nếp là để đáp ứng nhu cầu của thị trường (chiếm 88% số người được khảo sát). Qua đó, ta có thể thấy các giống lúa nếp hiện đang trồng trên địa bàn huyện Thủ Thừa thích nghi ổn định với điều kiện tự nhiên và được thị trường biết đến. Đây cũng là điều cần để phát triển ổn định, bền vững với những sản phẩm nếp chất lượng cao, hiệu quả kinh tế lớn.

Trong các giống chủ lực, giống IR4625 cho năng suất lúa 6 - 8 tấn/ha, giá bán dao động từ 5.000 - 7.000đ/kg, giống OM84 cho năng suất từ 7 - 8 tấn và giá bán từ 6.000 - 8.000 đ/kg. Giá trên được thương lái thu mua ngay tại thời điểm thu hoạch.Giá bán lúa nếp tươi của 2 giống IR4625 và OM84 có sự khác nhau, giống OM84 có giá bán cao hơn giống IR4625 khoảng từ 1.000 - 1.200 đồng/kg, sở dĩ giống OM84 có giá bán cao hơn so với giống IR4625 vì chất lượng nếp OM84 dẻo hơn, mềm, hạt to hơn thích hợp với thị trường nội địa (theo kết quả phỏng vấn sâu).

  1. Gợi ý 1 số giải phát phát triển sản xuất nếp Thủ Thừa, tỉnh Long An

- Cần nghiên cứu giống lúa nếp mới có phẩm chất tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, hoàn thiện quy trình sản xuất lúa nếp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

- Xây dựng vùng nếp nguyên liệu chất lượng cao, khuyến khích nông dân tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn.

-  Tăng cường nhận thức về thông tin thị trường và tập huấn kỹ thuật canh tác hiệu quả cho nông dân.

- Các tác nhân kinh doanh cần đầu tư về hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển và máy móc đảm bảo giảm thất thoát, đảm bảo chất lượng.

Tài liệu tham khảo

  1. Căn cứ Quyết định số 2356/QĐ-UBND ngày 02/7/2019 của UBND tỉnh Long An về việc phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ bổ sung vào kế hoạch năm 2019 và kế hoạch năm 2020;
  2. Văn bản số 3612/UBND-KT ngày 14/8/2017 của UBND tỉnh về việc uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
  3. Quyết định số 718/QĐ-UBND ngày 05/3/2020 của UBND tỉnh Long An về việc phân bố kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2020.
  4. Lưu Thanh Đức Hải, Nguyễn Phạm Thanh Nam và Trương Chí Tiến, 2004. Phân tích cấu trúc thị trường và kênh tiêu thụ sản phẩm cam ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cơ sở cho phát triển doanh nghiệp vừa & nhỏ và nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long (Mai Văn Nam), NXB Giáo Dục, trang 79 - 107. 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube