^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Kết quả phát triển kinh tế hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, Hà Tĩnh đề ra nhiều chương trình nhằm phát huy vai trò kinh tế hợp tác xã (HTX) trong phát triển kinh tế thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhờ đó các hợp tác xã đã có sự phát triển mạnh và đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh nhà. Thời gian tới, Hà Tĩnh cần thực hiện nhiều giải phát để phát triển kinh tế hợp tác xã và khẳng định vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế. 

Từ khóa: Hợp tác xã, Hà Tĩnh, Liên minh HTX

 

Thực hiện nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 - khóa IX “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả Kinh tế tập thể” (KTTT), Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều biện pháp phát triển kinh tế hợp tác xã. Mười lăm năm qua, tình hình kinh tế tập thể của tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết có nhiều tiến bộ, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển; sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các huyện, thành phố, thị xã và cơ sở có nhiều chuyển biến, tiến bộ. 

Số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân trang trại mới thành lập trong các ngành, lĩnh vực, tiếp tục tăng nhanh, đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động, đã xuất hiện nhiều hợp tác xã điển hình tiên tiến, nhiều mô hình mới sản xuất hiệu quả. Từng bước đáp ứng với yêu cầu của nền kinh tế thị trường, phù hợp với các quy định của Luật hợp tác xã. Đến tháng 12/2022, toàn tỉnh có tổng cộng 3.980 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trên các lĩnh vực (trong đó 1039 hợp tác xã, 3 liên hiệp hợp tác xã và 2.938 tổ hợp tác), giải quyết việc làm cho gần 90.000 lao động. Doanh thu bình quân: Hợp tác xã đạt 992 triệu đồng; Liên hiệp hợp tác xã đạt 21.900 triệu đồng; Tổ hợp tác đạt 392 triệu đồng. Lãi bình quân của hợp tác xã 121 triệu đồng/hợp tác xã/năm, liên hiệp Hợp tác xã 250 triệu đồng/liên hiệp hợp tác xã/năm, tổ hợp tác 60 triệu đồng/tổ hợp tác/năm. Qua 03 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, đã có 249 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, trong đó có 105 sản phẩm/84 hợp tác xã; 23 sản phẩm /22 tổ hợp tác đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. 

Ứng dụng khoa học công nghệ trong HTX ngày càng nhiều, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế sang sản xuất hàng hóa quy mô vừa và lớn mang lại hiệu quả kinh tế. HTX nông nghiệp chiếm số đông, hoạt động mang tính chất phục vụ lợi ích cho một số lượng lớn thành viên. Tuy nhiên, mức độ cung cấp một số dịch vụ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thành viên, chưa cạnh tranh được với các tổ chức kinh tế khác. HTX nông nghiệp đa dịch vụ như HTX nông nghiệp Quỳnh Lương Hồng Lĩnh; Nhiều HTX đã xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt kết hợp với dịch vụ thương mại, du lịch trải nghiệm, đã trở thành mô hình để các đơn vị đến tham quan, học tập (HTX Nga Hải Nghi Xuân, HTX Gia Phúc Can Lộc…). Phần lớn các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của tỉnh là sản phẩm của các HTX, THT, nhiều sản phẩm đạt chất lượng khá tốt và được người tiêu dùng lựa chọn.

Các HTX chợ, thương mại dịch vụ từng bước hoạt động hiệu quả, kinh doanh DV chợ, sản xuất hàng hóa có chất lượng, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. HTX môi trường mặc dù hiệu quả kinh tế còn thấp nhưng hoạt động của HTX mang tính xã hội cao, chủ yếu phục vụ cộng đồng.Các HTX CN-TTCN đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ để duy trì ổn định sản xuất; bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động (HTX Văn Minh xã Yên Hồ...). Hiện tại có 32 Quỹ tín dụng hoạt động tại 12 huyện, thị xã, thành phố. Nhìn chung, hoạt động của cácv QTDND ổn định và ngày càng phát triển đem lại mức thu nhập khá cao cho cán bộ làm việc tại Quỹ. Góp phần giúp các HTX, thành viên vay vốn sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống và xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động hiệu quả của các HTX đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên. Hầu hết các hợp tác xã thuộc các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tổng hợp, xây dựng, vận tải, quỹ tín dụng nhân dân đã thực hiện phân phối theo quy định của Luật hợp tác xã. Ngoài khoản đóng góp vào ngân sách của nhà nước, các hợp tác xã đã trích nộp quỹ phát triển sản xuất, quỹ dự phòng và chia lãi cho thành viên theo vốn góp và mức độ sử dụng dịch vụ. Theo báo cáo thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã nông nghiệp 8 -12 triệu đ/năm; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 10-13 triệu đ/năm, xây dựng là 15 -16 triệu đ/năm, sản xuất vật liêu xây dựng, dịch vụ thuơng mại tổng hợp 17 - 20 triệu đ/năm; dịch vụ vận tải 22 -25 triệu đ/năm; quỹ tín dụng nhân dân 20 - 35 triệu đ/năm. Nói chung các loại hình hợp tác xã phi nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh khá ổn định, thu nhập của thành viên ngày càng tăng; ngoài lương và bảo hiểm xã hội một số hợp tác xã còn chăm lo đến đời sống tinh thần cho thành viên như tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm, hỗ trợ các gia đình nghèo, gia đình chính sách, hỗ trợ người già khi hết tuổi lao động. Đã có 162/496 hợp tác xã tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Các HTX đã tiến hành liên doanh, liên kết mở rộng quy mô hoạt động.  Toàn tỉnh thành lập 5 Liên hiệp HTX trong đó (4 Liên hiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 01 Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực TTCN) tổng số thành viên 20 và 2.200 triệu đồng vốn điều lệ. Đến nay 02 liên hiệp HTX đã giải thể do suy thái kinh tế, việc sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu bị ngưng trệ; thị trường tiêu thụ trong nước khó khăn; giá cả không ổn định;  năng lực điều hành của bộ máy liên hiệp hạn chế, một số HTX thành viên chưa nắm vững nguyên tắc hoạt động Liên hiệp HTX, nên thiếu thống nhất; lao động không đủ việc làm, sau 02 năm hoạt động hiệu quả thấp, buộc liên hiệp phải tự giải thể hoạt động.

 Nhìn chung, kinh tế HTX Hà Tĩnh đã đóng góp một phần quan trọng, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị - xã hội ở địa phương, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt hiện nay chúng ta đang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì kinh tế tập thể (nòng cốt là hợp tác xã) là nhân tố vô cùng quan trọng, trong việc thực hiện bộ tiêu chí quốc gia; để người dân có điều kiện hợp tác, phát triển, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo cáo số 82/BC-LMHTX-BC của Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh về tình hình phát triển kinh tế tập thể.
  2. Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 - khóa IX “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả Kinh tế tập thể”
  3. Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn Hà Tĩnh đến năm 2025.
  4. 4. Quyết định số 340/QĐ-TTg Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030
Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube