^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Tầm quan trọng của chuẩn mực kế toán công quốc tế và lộ trình ban hành, áp dụng chuẩn mực kế toán công Việt Nam

Tóm tắt

            Trước sự phát triển và phức tạp của các hoạt động Chính phủ, nhiều quốc gia trên thế giới đã gặp khó khăn trong việc giải thích và sử dụng báo cáo tài chính cho mục đích so sánh do các nguyên tắc, phương pháp và tài khoản khác nhau của hệ thống kế toán công. Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) nhận thấy sự cần thiết của một khuôn khổ kế toán toàn cầu thống nhất trong khu vực công. IPSASB thuộc Liên đoàn Kế toán quốc tế đã soạn thảo các chuẩn mực kế toán cho các đơn vị thuộc lĩnh vực công hay còn gọi là chuẩn mực kế toán công quốc tế. Chuẩn mực kế toán công quốc tế được xây dựng và áp dụng ở các quốc gia có nền kinh tế hội nhập, là một nhu cầu tất yếu khách quan. Hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc tế cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết áp dụng rộng rãi ở các quốc gia trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bài viết này đề cập đến tầm quan trọng của chuẩn mực kế toán công quốc tế và sự cần thiết của việc ban hành, áp dụng chuẩn mực kế toán công Việt Nam.

  1. Chuẩn mực kế toán công quốc tế

Chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS) là một hệ thống những quy định và hướng dẫn về những nguyên tắc, nội dung, phương pháp và thủ tục kế toán cơ bản, chung nhất và đầy đủ, làm cơ sở ghi chép kế toán và lập báo cáo tài chính nhằm đạt được sự đánh giá trung thực, hợp lý, khách quan về thực trạng tài chính và kết quả hoạt động của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công.

Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế về lĩnh vực công (IPSASB) thuộc Liên đoàn Kế toán quốc tế đã soạn thảo các chuẩn mực kế toán cho các đơn vị thuộc lĩnh vực công hay còn gọi là chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSASs). IPSASB ban hành các chuẩn mực kế toán công quốc tế trong đó đề cập đến việc báo cáo tài chính trên cơ sở kế toán dồn tích và cơ sở kế toán tiền mặt.

Việc áp dụng một ngôn ngữ kế toán toàn cầu duy nhất cho các báo cáo tài chính sẽ đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả, dễ hiểu, đáng tin cậy, kịp thời, khách quan, dễ so sánh, minh bạch và trách nhiệm giải trình, dẫn đến thông tin kế toán được thay đổi về chất lượng và báo cáo sẽ nâng cao độ tin cậy, ủy quyền của thông tin kế toán đối với các nhà đầu tư cùng những người dùng khác trên toàn thế giới (Ahmad & Khan, 2010).

Mục tiêu ban đầu của IPSAS là thúc đẩy trách nhiệm giải trình của chính phủ cao hơn ở tất cả các quốc gia, cải thiện chất lượng và độ tin cậy trong kế toán và báo cáo tài chính, hoạt động kinh tế và tài chính tốt hơn, quản lý và kỷ luật tài chính tốt hơn, sự hài hòa quốc tế về các yêu cầu báo cáo. IPSASB nhằm mục đích hỗ trợ lợi ích công bằng cách xây dựng các chuẩn mực kế toán chất lượng cao cho khu vực công và điều này sẽ cải thiện chất lượng và tiêu chuẩn hóa của báo cáo tài chính trên toàn thế giới. Do đó, khả năng so sánh tài chính giữa các quốc gia khác nhau dễ dàng hơn. IPSASPB phát triển các tiêu chuẩn này bằng cách tuân theo một quy trình rất có cấu trúc nhằm tạo cơ hội cho tất cả những người quan tâm đến báo cáo tài chính khu vực công cùng chia sẻ trong việc xây dựng các tiêu chuẩn này.

IPSAS sẽ cung cấp cái nhìn toàn diện và chính xác hơn về tình hình tài chính của Chính phủ. Từ đó, Chính phủ sẽ có thể xác định điểm mạnh và điểm yếu, xây dựng và thực hiện các chính sách mới giúp ích trong quá trình điều hành.

Tuy nhiên, khi áp dụng vào bất kỳ quốc gia nào, chắc chắn sẽ có một số thách thức cần được kiểm tra và chuẩn bị các yêu cầu cần thiết để vượt qua. Một số thách thức và yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IPSAS bao gồm thách thức về công nghệ, thách thức về tổ chức, thách thức về tài chính (Whitefield & Savvas, 2016). Việc áp dụng các chuẩn mực kế toán công quốc tế cũng có ảnh hưởng đối với việc thay đổi chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục khác nhau (Agyemang, 2017). Nhiều khía cạnh của việc lãng phí nguồn lực công và sự gia tăng khoảng cách tham nhũng giữa các nước phát triển và đang phát triển cũng là trở ngại không kém (Biraud, 2010).

  1. Chuẩn mực kế toán công Việt Nam

2.1. Bối cảnh ban hành chuẩn mực kế toán công Việt Nam

Nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN luôn đòi hỏi kế toán nói chung đặc biệt là kế toán trong lĩnh vực công nói riêng một mặt phải thừa nhận các nguyên tắc, thông lệ phổ biến của quốc tế, đồng thời phải phù hợp với đặc điểm mô hình quản lý và trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam diễn ra rất mạnh mẽ. Việc gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới và khu vực như WTO, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, cam kết với các tổ chức tài chính như ADB, WB, IMF... đòi hỏi Việt Nam phải cung cấp thông tin có tính chuẩn mực, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận, ngoài ra đòi hỏi Việt Nam phải tuân thủ theo lộ trình đã thỏa thuận có cam kết về minh bạch hóa thông tin kế toán, nhất là trong lĩnh vực kế toán công. Hiện nay Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc nghiên cứu xây dựng các quy định trong lĩnh vực kế toán công theo hướng hòa nhập với các thông lệ quốc tế, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách nhất định với thông lệ quốc tế về việc ghi nhận và trình bày các thông tin về thu chi NSNN, kế toán các quỹ tài chính, kế toán thuế và kế toán tại các đơn vị hành chính sự nghiệp.

Mặt khác, đòi hỏi về nhu cầu báo cáo tài chính của đất nước một cách đầy đủ, chính xác và minh bạch theo thông lệ quốc tế là điều mà rất nhiều đối tượng trong xã hội quan tâm, do đó vai trò của kế toán công được thể hiện ở việc thực hiện các chức năng thông tin và kiểm tra của nó đối với hoạt động kinh tế - tài chính của Nhà nước. Vai trò này ngày càng thể hiện rõ nét đối với các đối tượng sử dụng thông tin kế toán công, đặc biệt từ phía công chúng.

Như vậy, việc xây dựng và công bố các chuẩn mực kế toán công được đặt ra như là một nhu cầu tất yếu khách quan xuất phát từ các lý do cụ thể sau:

Thứ nhất, xuất phát từ nhu cầu quản lý thống nhất về tài chính Nhà nước, tổng hợp thông tin một cách đồng bộ, cung cấp các thông tin chính xác, đầy đủ minh bạch phục vụ cho việc điều hành quản lý tài chính công của Nhà nước.

Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam, làm cơ sở để Việt Nam được tăng hạng, đánh giá tín nhiệm cao hơn trong các quan hệ với các tổ chức quốc tế.

Thứ ba, xuất phát từ tình hình thực tế về việc xây dựng và ban hành các quy định có tính chất pháp lý để điều chỉnh và kiểm tra hoạt động kế toán trong lĩnh vực kế toán Nhà nước tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Thứ tư, xuất phát từ yêu cầu của công tác kế toán, kiểm toán và đào tạo phát triển nguồn cán bộ kế toán, kiểm toán.

2.2. Lộ trình ban hành chuẩn mực kế toán công Việt Nam

Trước đòi hỏi từ thực tiễn, ngày 31/7/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1299/QĐ-BTC phê duyệt “Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam”. Trong đó, Đề án đặt ra mục tiêu tổng quát đó là "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước và tại các đơn vị trong lĩnh vực công; nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị trong lĩnh vực công, kịp thời, đầy đủ và được quốc tế thừa nhận. Xác định các cơ sở để xây dựng báo cáo tài chính nhà nước, thực hiện chức năng Tổng kế toán nhà nước của Kho bạc nhà nước...". Theo Quyết định số 1299/QĐ-BTC, Hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam sau khi ban hành sẽ là cơ sở để các đơn vị trong lĩnh vực công thực hiện công tác kế toán, lập báo cáo tài chính, cung cấp thông tin hữu ích cho việc quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn lực thuộc Nhà nước đặc biệt là thống nhất tập trung dữ liệu của các đơn vị kế toán công và áp dụng các quy định của kế toán theo thông lệ quốc tế, hướng dẫn đến kế toán dồn tích đầy đủ đối với đối tượng là kế toán công, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế, thu hút nguồn lực bên ngoài, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị kế toán công.

Theo lộ trình đề ra tại Quyết định số 1299/QĐ-BTC, từ năm 2019 đến năm 2024, Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cần thiết thực hiện Đề án để đảm bảo ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam theo từng giai đoạn.

Trong giai đoạn 1 (năm 2019), Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam và thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập chuẩn mực kế toán công Việt Nam.

Trong giai đoạn 2 (2020 - 2024), nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố các chuẩn mực kế toán công Việt Nam theo lộ trình sau: Đợt 1 thực hiện từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2020; Đợt 2 thực hiện từ tháng 01/2021 đến tháng 12/2021; Đợt 3 thực hiện từ tháng 01/2022 đến tháng 12/2022; Đợt 4 thực hiện từ tháng 01/2023 đến tháng 12/2023; Các đợt còn lại thực hiện từ tháng 01/2024.

Theo kế hoạch triển khai Đề án công bố hệ thống Chuẩn mực kế toán công Việt Nam, năm 2021, Bộ Tài chính đã công bố 5 Chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1. Ngày 06/7/2022 Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Quyết định số 1366/QĐ-BTC công bố 6 Chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 2. Như vậy, cho đến nay Việt Nam đã công bố 11 Chuẩn mực kế toán công Việt Nam góp phần quan trọng vào việc cải cách quản lý tài chính, kế toán trong khu vực công ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

Bộ Tài chính (2019), Hội thảo “Đề án xây dựng và ban hành chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam”.

Lê Vũ Phương Thảo (2021), Tầm quan trọng của việc áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS), Tạp chí Công Thương, số 21, tháng 9.

https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/chuan-muc-ke-toan-cong-quoc-te-va-su-can-thiet-ap-dung-chuan-muc-ke-toan-cong-quoc-te-tai-viet-nam-89043.htm

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube