^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA VIỆT NAM VÀ LIÊN MINH CHÂU ÂU – EVFTA VÀ SỰ TÁC ĐỘNG ĐẾN NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

 

  1. Giới thiệu chung về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)

1.1. Đối tác

EU là một liên minh gồm 28 quốc gia ở khu vực châu Âu và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tính đến thời điểm này, Việt Nam chưa có FTA nào với các quốc gia trong khu vực này. Năm 2018, EU là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (chỉ xếp sau Hoa Kỳ).

1.2. Quá trình đàm phán và ký kết hiệp định

Theo Tóm lược chung về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) của Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, quá trình đàm phán và ký kết hiệp định EVFTA diễn ra như sau:

- 06/2012: EU và Việt Nam tuyên bố khởi động đàm phán

- 10/2012 – 8/2012: hai bên đã tiến hành 14 vòng đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán giữa kỳ.

- 04/8/2015: hai bên tuyên bố Kết thúc cơ bản đàm phán EVFTA

- 01/12/2015: hai bên tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán EVFTA

- 01/02/2016: hai bên công bố văn bản chính thức của EVFTA

- 26/6/2018: hai bên thống nhất tách EVFTA thành hai Hiệp định: Hiệp định Thương mại (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA)

- 17/10/ 2018: Ủy ban châu Âu chính thức thông qua EVFTA và EVIPA

- 30/6/2019: hai bên chính thức ký kết EVFTA và EVIPA

Sau khi ký kết, hai Hiệp định sẽ phải trải qua quá trình phê chuẩn nội bộ ở EU và Việt Nam trước khi chính thức của hiệu lực đối với hai bên.

1.3. Tóm lược một số nội dung chính trong EVFTA

EVFTA là một FTA thế hệ mới, với phạm vi cam kết rộng, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế. Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai Bên. Trong đó, Hiệp định có một số nội dung nổi bật như sau:

- Về Thương mại hàng hóa

EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong vòng 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Có thể thấy, xuất khẩu Việt Nam được hưởng ưu đãi lớn khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực, nhất là trong bối cảnh EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Về phía Việt Nam, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa của EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, trong vòng 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Trong vòng 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Về thuế xuất khẩu, Việt Nam và EU cam kết không áp dụng bất kỳ loại thuế, phí nào trừ trường hợp được bảo lưu rõ. Theo nguyên tác này, trừ các trường hợp có bảo lưu (của Việt Nam), Việt Nam và EU sẽ không áp dụng cho hàng hóa tiêu thụ nội địa, không áp dụng mức thuế, phí đối với hàng xuất khẩu cao hơn mức áp dụng cho hàng tiêu thụ nội địa.

Việt Nam và EU cũng thống nhất các nội dung liên quan tới thủ tục hải quan, SPS, TBT, phụ lục riêng về dược phẩm (sản phẩm xuất khẩu quan trọng của EU, chiếm 9% tổng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam) nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên hợp tác, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp.

- Về Thương mại dịch vụ và đầu tư:

Cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Trong các ngành dịch vụ, cam kết của Việt Nam có đi xa hơn cam kết của Việt Nam trong WTO và ít nhất là ngang bằng với mức mở cửa cao nhất mà Việt Nam cho các đối tác khác trong các đàm phán FTA hiện tại của Việt Nam (bao gồm cả CPTPP). Cam kết của EUcho  Việt Nam cho EU cao hơn trong cam kết của EU trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của EU trong những Hiệp định thương mại tự do gần đây của EU. Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.

- Về Mua sắm của Chính phủ

Cam kết trong lĩnh vực Mua sắm của Chính phủ mà Việt Nam và EU thống nhất nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả của mua sắm công, đảm bảo chi tiêu hiệu quả ngân sách Nhà nước. Theo đó, Chương Mua sắm của Chính phủ trong Hiệp định EVFTA gồm 2 phần chính:

+ Các quy định chung về quy tắc, thủ tục áp dụng trong quá trình lựa chọn nhà thầu;

+ Cam kết mở cửa thị trường mua sắm của Chính phủ của Việt Nam và EU: bao gồm 2 Phụ lục là cam kết của Việt Nam mở cửa cho nhà thầu EU và 01 Phụ lục là cam kết của EU mở cửa cho nhà thầu Việt Nam.

- Về Sở hữu trí tuệ

Cam kết về sở hữu trí tuệ của Hiệp định EVFTA gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý. Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, do các Thành viên EU có truyền thống sản xuất hàng loạt nông sản, thực phẩm có chất lượng đặc trưng theo vùng như rượu vang Bordeaux, pho-mát Mozzarella, giăm bông Parmanên EU có chế độ bảo hộ cao đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng nội dung trong đàm phán các FTA. Khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 169 chỉ dẫn địa lý của EU (chủ yếu là rượu và thực phẩm). EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.

  1. Tác động của Hiệp định EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam

2.1. Cơ hội

Thứ nhất, cam kết về thương mại hàng hóa trong Hiệp định EVFTA giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU, mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu của Việt Nam.Ngành mũi nhọn của Việt Nam như: gạo, cà phê, mật ong, chăn nuôi, hoa quả, thủy sản... đều hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên. Tiếp đó là ngành dệt may, giày da, đồ gỗ, tin học, ô tô, hóa dầu… đều được hưởng nhiều ưu đãi theo lộ trình.Có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (trong vòng 7 năm). Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho nước ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định;đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18%-3,25% (năm 2019-2023); 4,57%-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07%-7,72% (năm 2029-2033) [3].

Thứ hai, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ, kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình. Mặt khác, hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.

Thứ ba, những cam kết về quản trị nhà nước về vấn đề thể chế, chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh sẽ đảm bảo một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, minh bạch hơn, thông thoáng hơn thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ EU vào thị trường Việt Nam.

2.2. Thách thức

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc thực hiện quy tắc xuất xứ của EVFTA. Để được hưởng mức thuế quan ưu đãi, hàng hóa Việt Nam phải thỏa mãn các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, thông thường nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu phải có xuất xứ tại EU và/hoặc Việt Nam). Trong khi đó, hiện này hàng xuất khẩu của Việt nam có nguồn nguyên liệu chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước ASEAN. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc, chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.

Thứ hai,các rào cản kỹ thuật đối với thương mại và các biện pháp vệ sinh dịch tễ từ phía EU được quy định khá chặt chẽ. EU là thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Trong khi đó đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế, do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt. Do vậy, hàng hóa của Việt Nam cần phải được hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể đạt đủ tiêu chuẩn hưởng lợi về thuế quan.

Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU.Với các cam kết về mở cửa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, Việt Nam sẽ mở rộng cửa cho các doanh nghiệp, nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, nhà đầu tư của EU. Điều này là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh các doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường, cũng như khả năng tận dụng các FTA. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để có thể cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (2019), Tóm lược chung về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA)
  2. ThS. Phan Thị Hà My (2019), Cơ hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam khi tham gia EVFTA, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2019

3. Tác động của Hiệp định EVFTA và IPA đối với nền kinh tế Việt Nam, đường link truy cập: http://evfta.moit.gov.vn/

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube