^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

VAI TRÒ CỦA LỄ HỘI TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH Ở VÙNG VEN BIỂN HÀ TĨNH

Trong di sản văn hoá của các thế hệ trước để lại, lễ hội dân tộc có tác dụng hữu hiệu với ngành Du lịch không chỉ hiện nay mà cả trong tương lai ở cả hai mặt: giới thiệu đất nước, con  người và kinh doanh du lịch. Khai thác, giới thiệu những lễ hội dân tộc biến nó thành người bạn đồng hành trong cuộc sống hôm nay là công việc của ngành Du lịch. Về cả phương diện giới thiệu bản sắc văn hoá dân tộc lẫn phương diện kinh doanh, Ngành rất cần một thái độ khoa học, đúng hướng, sự hỗ trợ của các nhà văn hoá.

Lễ hội dân tộc luôn có sức hấp dẫn và thu hút du khách, bởi đó là thế giới tâm linh của con người. Bên cạnh những loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch khám chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch giáo dục... gần đây du lịch văn hóa được xem là loại sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào những sản phẩm văn hóa, những lễ hội truyền thống dân tộc, kể cả những phong tục tín ngưỡng... để tạo sức hút đối với khách du lịch bản địa và từ khắp nơi trên thế giới. Đối với khách du lịch có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán bản địa, thì du lịch văn hóa là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu của họ. Phần lớn hoạt động du lịch văn hóa gắn liền với địa phương - nơi lưu giữ nhiều lễ hội văn hóa và cũng là dấu ấn bản sắc văn hóa tại quốc gia đó.

 Ở Hà Tĩnh có 28 lễ hội truyền thống thì có gần một nửa lễ hội của cư dân vùng ven biển, trong đó có 4 lễ hội cầu ngư, gồm: Lễ hội cầu ngư ở Hội Thống; Lễ hội cầu ngư ở Nhượng Bạn; Lễ hội cầu ngư ở Động Gián; Lễ tế lục ngoạt và trò đập cù ở Hải Khẩu.           

             Hầu hết, các lễ hội vùng ven biển Hà Tĩnh diễn ra vào mùa Xuân hoặc vào lễ Kỳ phúc lục ngoạt (tháng Sáu). Vào dịp lễ hội, các làng tổ chức tế thần và tổ chức các trò chơi, cuộc thi (trên bộ thì thi chạy, thi vật, kéo co, đánh cờ thẻ, thi nấu cơm, dưới sông thì thi bơi, cầu kiều, đua thuyền v.v…), năm nào các lễ hội cũng thu hút ngàng ngàn bà con nhân dân làng trên xã dưới tham gia.

Lễ hội truyền thống của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh có vai trò rất lớn trong đời sống cộng đồng dân cư cũng như trong phát triển du lịch. Đó là hoạt động để tôn vinh sức mạnh cộng đồng và cũng là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng, là tài nguyên nhân văn để phát triển du lịch. Ở Hà Tĩnh, trong những năm qua, vai trò của lễ hội đối với phát triển du lịch vùng biển ngày càng thể hiện rõ nét, từng bước tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Điều đó được minh chứng qua số lượng khách du lịch ngày càng tăng, thời gian lưu trú của du khách càng dài. Đồng thời, lễ hội góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch.

Trong những năm qua, Hà Tĩnh cũng đã rất chú trọng khai thác các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống, tại các di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh (trọng tâm là vùng biển), để xây dựng các sản phẩm du lịch như: du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, … nhằm làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Chính vì vậy, hiện nay Hà Tĩnh không còn là điểm dừng chân hay lưu trú trong chuyến hành trình của du khách mà đã và đang thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn với nhiều loại hình dịch vụ du lịch.

Tuy nhiên hiện nay, việc đưa các Lễ hội vào khai thác nhằm phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch ven biển vẫn chưa được các cấp quan tâm nhiều, chưa có nhiều sản phẩm đặc thù để phục vụ du khách. Chính vì vậy, để du lịch vùng ven biển ngày một phát triển hơn nữa trong tương lai, ngành du lịch cần dựa vào các yếu tố văn hóa, dựa vào các phong tục tập quán để xây dựng những sản phẩn phẩm du lịch đặc thù riêng có của tỉnh nhà. Cần nghiên cứu tính riêng trong văn hóa dân gian (trong đó có lễ hội) cùng với tài nguyên du lịch khác để “chưng cất” thành các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn mang tính vùng miền. Đó là những sản phẩm du lịch đặc trưng cho Hà Tĩnh từ lễ hội, là nền tảng để mở rộng các dịch vụ du lịch, tăng nguồn thu cho địa phương thông qua các dịch vụ đi kèm như dịch vụ tour, dịch vụ di chuyển, lưu trú, ẩm thực, mua sắm…đặc biệt là sự phát triển mạnh của dịch vụ lưu trú và các loại dịch vụ nhu cầu của khách. Theo các nhà du lịch nhận định, ở địa phương nào tài nguyên du lịch càng phong phú, độc đáo, có giá trị thì ở địa phương đó sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách. Như vậy có thể nói, lễ hội là một trong những nguồn tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, nó được coi là “hồn cốt” của một dân tộc hoặc của địa phương. Việc khai thác các lễ hội, kết hợp với các tài nguyên du lịch khác sẽ giúp địa phương có những sản phẩm du lịch đặc thù thu hút khách du lịch.

        Như vậy, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của lễ hội trong phát triển du lịch biển Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay, các ngành chức năng cần chú trọng đến việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch các lễ hội trọng điểm vùng ven biển để từng bước đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch. Tích cực quảng bá các lễ hội tiêu biểu mang tính chất “văn hóa biển” một cách rộng rãi trong và ngoài nước. Tích cực liên kết các doanh nghiệp trong tỉnh để thu hút du khách gần xa đến với Hà Tĩnh ngày càng đông./.

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube