^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

THỎA THUẬN CÔNG NHẬN LẪN NHAU VỀ DỊCH VỤ KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN TRONG ASEAN TẠI VIỆT NAM

 

Cùng với hoạt động tự do hóa thương mại dịch vụ, các quốc gia luôn có nhu cầu hợp tác để tạo ra một cơ chế phù hợp cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có thể tiếp cận được với thị trường dịch vụ của quốc gia mình, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ngành nghề có điều kiện, chịu sự quản lý của nhà nước. Thừa nhận lẫn nhau là cơ chế được các quốc gia trên thế giới cũng như ASEAN xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu này. Chính phủ các quốc gia thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á cùng nhất trí về Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về dịch vụ kế toán, kiểm toán nhằm: Tạo thuận lợi cho việc di chuyển của các chuyên gia cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán giữa các nước thành viên ASEAN; Tăng cường các cơ chế hiện hành của từng nước thành viên ASEAN trong việc cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán và trao đổi thông tin để xúc tiến việc chấp thuận các thông lệ tốt nhất về các chuẩn mực và trình độ chuyên môn về kế toán, kiểm toán.

  1. Quy chế đánh giá đối với kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN

Quy chế đánh giá đối với kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN được xây dựng dựa trên các cam kết của Việt Nam tại thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN. Theo quy định tại Thỏa thuận: Một người có quốc tịch của một nước thành viên ASEAN có đủ tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn và đáp ứng các yêu cầu quy định có thể đăng ký để được ghi tên vào Đăng bạ Kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ACPAR) và nhận danh hiệu ASEAN CPA.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nghề nghiệp tại mỗi quốc gia thành viên ASEAN (ở Việt Nam là Bộ Tài chính) sẽ ủy quyền cho Ủy ban Giám sát của nước mình (ở Việt Nam là Ủy ban Giám sát của Việt Nam) tiếp nhận hồ sơ, thực hiện quy trình đăng ký của các ASEAN CPA để trình Ủy ban điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN xem xét phê duyệt và duy trì Đăng bạ ASEAN CPA của quốc gia mình theo quy định của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN.

  1. Yêu cầu và tiêu chuẩn để được đăng ký công nhận là kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN

Một ASEAN CPA đến từ một nước thành viên ASEAN tham gia Thỏa thuận phải đăng ký với Bộ Tài chính Việt Nam để được làm việc với tư cách là Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký tại Việt Nam. Sau khi được chấp thuận, Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký không được hành nghề độc lập mà phải làm việc trong doanh nghiệp dịch vụ kế toán; doanh nghiệp kiểm toán; chi nhánh doanh nghiệp kế toán, kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam hoặc các doanh nghiệp, tổ chức khác có chấp nhận RFPA; không được ký báo cáo kiểm toán, báo cáo về dịch vụ đảm bảo khác và các dịch vụ liên quan (dịch vụ phi đảm bảo) và các dịch vụ kế toán đòi hỏi phải có Giấy phép hành nghề trừ khi người đó đã được cấp Giấy phép hành nghề bởi Bộ Tài chính Việt Nam theo quy định của Luật Kế toán hoặc Luật Kiểm toán độc lập. Bộ Tài chính Việt Nam sẽ giám sát và đánh giá hoạt động thực tiễn chuyên môn của Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký để đảm bảo tuân thủ Thỏa thuận. Bộ Tài chính Việt Nam có thể ban hành những quy định mà không đi ngược lại hoặc làm thay đổi bất cứ điều khoản nào của Thỏa thuận nhằm mục tiêu duy trì các tiêu chuẩn cao về hành nghề và đạo đức trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán.

  • Các tiêu chuẩn

Ứng viên đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn sau đây có thể đăng ký công nhận là ASEAN CPA:

- Có chứng chỉ kiểm toán viên Việt Nam hoặc chứng chỉ kế toán viên Việt Nam;

- Có thời gian công tác thực tế về kế toán, kiểm toán, tài chính ít nhất ba (3) năm trong giai đoạn năm (5) năm liên tục kể từ khi được cấp bằng tốt nghiệp đại học tới thời điểm nộp đơn đăng ký công nhận là ASEAN CPA

- Tuân thủ và đảm bảo chương trình cập nhật kiến thức (CPD) (Chậm nhất ngày 31/8 hằng năm, để duy trì chức danh ASEAN CPA thì mỗi ASEAN CPA phải đảm bảo quy định hiện hành về giờ cập nhật kiến thức tương tự như áp dụng đối với kế toán viên hành nghề, kiểm toán viên hành nghề tại Việt Nam)

- Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về chuyên môn và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam và quốc tế.

2.2. Yêu cầu về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp

- Tất cả các ứng viên đăng ký công nhận là ASEAN CPA và các ASEAN CPA đều phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam và quốc tế; tuân thủ các quy định về đạo đức, hành vi do Việt Nam và các nước khác nơi ASEAN CPA hành nghề đã lập ra và có hiệu lực.

- ASEAN CPA sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các hoạt động trong quá trình hành nghề kế toán, kiểm toán. Trong quá trình hành nghề kế toán, kiểm toán, ứng viên không được vi phạm nghiêm trọng các quy định về chuyên môn và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán ở Việt Nam hoặc ở nước khác.

Trên đây là một số quy định Quy chế đánh giá đối với kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN được xây dựng dựa trên các cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán ASEAN. Việc thực hiện các thỏa thuận này sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và chất lượng lao động có kỹ năng nghề nói riêng mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia, đặc biệt trong nền kinh tế tri thức hiện nay. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo đà cho sự phát triển của toàn khối, ASEAN chủ trương hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ năng, năng lực giữa các quốc gia thành viên, tiến tới công nhận lẫn nhau về trình độ, chứng chỉ, văn bằng, kinh nghiệm… nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề, tạo thuận lợi cho việc tự do di chuyển lao động khu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ Tài Chính (2021), Quyết định 1529/QĐ-BTC về Quy chế đánh giá đối với kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN;

 [2].https://lsvn.vn/cong-nhan-lan-nhau-trong-asean-ve-dich-vu-ke-toan-kiem-toan-va-co-che-thuc-hien-tai-viet-nam1648650506.html

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube