^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

 

Nguồn nhân lực (NNL) nông thôn là một bộ phận cấu thành của nguồn nhân lực xã hội. Chất lượng NNL nông thôn hay NNL nói chung là khả năng về sức sản xuất của thể lực và trí lực của người lao động, là nhân tố có tính chất quyết định đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh. Vì vậy, việc chú trọng đầu tư vào nguồn vốn con người chính là nguồn đầu tư mang lại hiệu quả lớn nhất nhằm góp phần phát triển bền vững.

  1. Một số vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực nông thôn

Chất lượng nguồn nhân lực (NNL) nông thôn hay NNL nói chung là khả năng về sức sản xuất của thể lực, trí lực của người lao động. Khả năng này được phản ánh qua trình độ văn hóa, trình độ khoa học kỹ thuật, năng suất lao động, kinh nghiệm sản xuất, tình trạng sức khỏe, cũng như hành vi và giá trị của người lao động.

Chất lượng NNL là nhân tố có tính chất quyết định đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của một đất nước. Hầu hết các nước, đặc biệt là các nước công nghiệp mới - NICs đều chú trọng đầu tư vào nguồn vốn con người và coi đó là nguồn đầu tư mang lại hiệu quả lớn nhất. Chất lượng của NNL nông thôn nói riêng và NNL xã hội nói chung tất yếu sẽ biến đổi theo xu hướng không ngừng tăng lên do sự phát triển của khoa học kỹ thuật và vì vậy năng suất lao động ngày càng nâng cao. Mặt khác, khi nền kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn sức khỏe con người, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Chất lượng của nguồn nhân lực sẽ được nâng cao thông qua đầu tư và các chính sách phát triển của Nhà nước vào các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục.

Một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững cần dựa vào ba yếu tố cơ bản là: áp dụng công nghệ mới, phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Quá trình phát triển nguồn nhân lực con người là quá trình biến đổi về số lượng, chất lượng và cơ cấu để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế. Trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện nay chúng ta càng nhận thức rõ vai trò quyết định của nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao vốn là yếu tố vật chất quan trọng đối với sự phát triển lực lượng sản xuất.

Các yếu tố cấu thành chất lượng lao động nông thôn

Sức khỏe: sức khỏe con người đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi người, mỗi gia đình và xã hội. Mặt khác, sức khỏe mỗi con người là nền tảng tạo nên sự phát triển của cả xã hội. Khi có sức khỏe, con người có thể thực hiện được những hoạt động lao động có hiệu quả. Có sức khỏe là có khả năng đóng góp công sức trong việc phát triển đất nước. Chất lượng lao động của con người phụ thuộc trước tiên vào sức khỏe của con người đó. Qua sức khỏe giúp con người trực tiếp tác động lên công cụ lao động tạo ra giá trị của lao động đó.

Kiến thức: kiến thức của lao động được thể hiện qua trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm tích lũy.

Trình độ học vấn của một khu vực cho thấy thực trạng dân trí của khu vực đó, ngoài ra còn cho thấy khả năng sẵn sàng lao động của lực lượng lao động trong khu vực.

Trình độ chuyên môn kỹ thuật là tổng hợp tất cả các kiến thức chuyên môn nghề nghiệp và kỹ năng thực hành nghề nghiệp đó. Nói cách khác nó là sự kết hợp giữa hiểu biết về kỹ thuật và khả năng thực hiện sự hiểu biết đó thông qua hoạt động sản xuất của người lao động.

Kinh nghiệm tích lũy, đối với người lao động nông thôn, ngoài các trình độ được thể hiện bằng việc trải qua các lớp đào tạo, kiến thức của họ còn thể hiện ở kinh nghiệm và sự hiểu biết về các kỹ thuật liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, các kiến thức tự nhiên hay những hiểu biết về các nghề mà họ đã làm, đang làm và có thể làm.

Kỹ năng: là khả năng vận dụng những kiến thức đã thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó áp dụng vào thực tế.

Thái độ: là biểu hiện sức mạnh tâm lý của con người. Qua đó thể hiện ý thức trách nhiệm về động cơ làm việc, ý chí phấn đấu, tác phong làm việc, kỷ luật lao động, tính tự lập trong thực thi nhiệm vụ, tinh thần hợp tác tương trợ, khả năng làm việc tập thể và lòng trung thành với công việc.

  1. Chất lượng nguồn nhân lực nông thôn sau quá trình triển khai xây dựng NTM ở tỉnh Hà Tĩnh

Là một trong những tỉnh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn, văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế Hà Tĩnh đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây.

Năm 2018, Hà Tĩnh xếp thứ 33 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 27 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ nhất về tốc độ tăng trưởng GRDP (đạt 20,80%).

Năm 2019, GRDP đạt 47.740,21 tỷ đồng, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 9,44 % so với cùng kỳ năm 2018, là tỉnh có tốc độ tăng cao thứ 5 trên 63 tỉnh, thành phố.

Năm 2020, GRDP đạt 47.740,93 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 0,53% so với cùng kỳ năm 2019, là địa phương có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 2 trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Thu nhập bình quân/tháng trong năm 2020 theo giá hiện hành là 3,230 triệu đồng, đứng sau Thanh Hóa với 3,510 triệu đồng.

Đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 4,42%/năm giai đoạn 5 năm từ 2016-2020.

Biểu đồ 1. Tốc độ tăng trưởng GRDP theo giá so sánh 2010
giai đoạn 2016-2020 (%)

Nguồn: Báo cáo Kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh năm 2020

Trong những năm qua, quá trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn, văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Vấn đề sức khỏe và chăm sóc sức khỏe cho lao động nông thôn được nhà nước và địa phương tỉnh Hà Tĩnh tập trung đầu tư khá nhiều, công tác xây dựng, hoàn thiện mạng lưới y tế được quan tâm đầu tư có hiệu quả. Cơ sở vật chất tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh đến tuyến huyện và các trạm y tế xã được đầu tư đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 85% số trạm y tế được đầu tư khang trang; 100% các trạm y tế đã được đầu tư tương đối đầy đủ các trang thiết bị đơn giản phục vụ khám chữa bệnh thông thường, các trạm đều có bác sỹ thường trực, đảm bảo yêu cầu cho khu vực nông thôn.  Nhìn chung các đối tượng lao động nông thôn đủ sức khỏe để thực hiện các công việc hiện tại. Tuy nhiên, vẫn có một số lao động chỉ có thể đảm nhiệm các công việc ở mức nhẹ và trung bình và không thể đảm nhiệm các công việc nặng, hiệu suất làm việc cao. Hầu hết số lao động này thuộc nhóm cao tuổi hoặc trong tình trạng bệnh tật. Tỷ lệ lao động thuộc diện thấp còi ở khu vực nông thôn tỉnh Hà Tĩnh thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước. Mặt khác tình trạng bệnh tật cũng ảnh hưởng không ít tới chất lượng lao động, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm y tế khá cao so với trung bình cả nước. Tuy nhiên, việc khám sức khỏe định kỳ với các đối tượng lao động nông thôn còn hạn chế, còn nhiều lao động chưa đảm bảo được yêu cầu về thể chất và chăm sóc sức khỏe. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Cần thiết phải có sự tác động của các cấp, ngành trong việc nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe lao động nông thôn.

Về mức sống của người dân nhìn chung là ở mức trung bình so với cả nước. Các thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp đang có xu hướng tăng qua các năm, điều này phù hợp với việc giảm cơ cấu lao động nông nghiệp, chuyển dịch sang hướng hiện đại hóa nông thôn, tăng nhanh giá trị công nghiệp và dịch vụ trong khu vực theo định hướng và quy luật của phát triển kinh tế thị trường.

Hà Tĩnh hiện có một đội ngũ nhân lực khá dồi dào, đứng thứ 25 về số dân trong cả nước, dân số và lực lượng lao động ở Hà Tĩnh chủ yếu tập trung ở nông thôn.

Bảng 1. Dân số và lực lượng lao động ở Hà Tĩnh 2018-2020

Đơn vị tính: người

Năm

Dân số

Lao động

Tổng dân số

Thành thị

Nông thôn

Tổng lao động

Thành thị

Nông thôn

2018

1.277.530

239.643

1.037.887

719.203

138.909

580.294

2019

1.290.263

253.864

1.036.399

726.289

150.763

575.526

2020

1.296.622

287.766

1.008.856

715.476

158.262

552.174

Nguồn: Niên giám thống kê, Cục Thống kê Hà Tĩnh

Đối với lực lượng lao động nông thôn, tính chung giai đoạn 2018-2020, tỷ lệ lực lượng lao động ở nông thôn chiếm gần 80% tổng lực lượng lao động. Tuy nhiên năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19; thiên tai, lũ lụt và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài từ năm 2019 đến nay đã làm thay đổi xu hướng cơ cấu lao động theo ngành.

Ngoài ra, ở các nhóm tuổi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị đều thấp hơn nông thôn, trong đó chênh lệch nhiều nhất ở nhóm 15-24 tuổi và nhóm từ 50 tuổi trở lên. Những thông tin này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường này muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây cũng là đặc điểm điển hình của thị trường lao động Viêt Nam với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.

Công tác đào nghề lao động nông thôn đã thay đổi cơ cấu lao động, phần nào đáp ứng được sự thay đổi cơ cấu kinh tế. Tỷ lệ lực lượng qua đào tạo tăng lên theo từng năm: đạt 61% trong năm 2018, 65% trong năm 2019 và 70 % trong năm 2020. Nhìn chung, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Hà Tĩnh có hướng tăng lên qua các năm mặc dù tốc độ tăng còn chậm. Tuy nhiên, tại một số lớp học nghề, việc tham gia học của người lao động chưa thực sự nghiêm túc, chất lượng còn hạn chế; việc cân đối các ngành nghề đào tạo tại các địa phương chưa thực sự được chú trọng, đặc biệt là chính sách đào tạo cho lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Chưa chú trọng đào tạo theo định hướng giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo sự chuyển biến tích cực về cơ cấu lao động khu vực nông thôn; tại một số địa phương, việc đào tạo nghề nông nghiệp chưa gắn với quy hoạch sản phẩm chủ lực, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, chưa phản ánh đúng nhu cầu của người lao động và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang nặng về số lượng, chưa thực sự gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.

Xét về cơ cấu lao động theo ngành đã có sự chuyển dịch rõ nét, tỷ lệ lực lượng lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2019 chỉ chiếm 43,05% trong tổng lực lượng lao động có việc làm và có xu hướng giảm dần (năm 2017 là 54,81%), còn ngành công nghiệp xây dựng và thương mại, dịch vụ tương ứng chiếm 23,72% và 33,23%, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tỷ trọng. Đây là xu hướng chuyển dịch tất yếu do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn đáp ứng mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới trên cả nước.

Bảng 2. Cơ cấu Lao động đủ 15 tuổi trở lên đang làm việc theo ngành

Năm

Nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản

Công nghiệp - xây dựng

Thương mại - Dịch vụ

Tổng

(người)

Số người

Tỷ trọng

(%)

Số người

Tỷ trọng

(%)

Số người

Tỷ trọng

(%)

2018

320.460

45,04

157.693

22,17

233.297

32,79

711.450

2019

300.049

43,05

165.290

23,72

231.639

33,23

696.978

2020

351.376

50,63

130.246

18,77

212.428

30,61

694.050

Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo Kinh tế xã hội Hà Tĩnh qua các năm

Rõ ràng, NNL nông thôn là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy vậy, NNL nông thôn ở Hà Tĩnh hiện nay vẫn còn nhiều bất cập như trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn thấp, lao động chủ yếu bằng kinh nghiệm, chưa qua đào tạo, tổ chức lao động giản đơn, phân bố lao động không đồng đều… đã hạn chế tính chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh cũng như khả năng ứng dụng công nghệ và tiếp cận thị trường của người lao động. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức và thói quen sản xuất nhỏ cũng ảnh hưởng không kém đến chất lượng và cơ cấu lao động. Điều này dẫn đến năng suất lao động thấp và kéo tụt năng suất lao động của tỉnh, khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại, thị trường hẹp, sức cạnh tranh hàng hóa thấp.

Bên cạnh đó chất lượng đội ngũ lao động gián tiếp khu vực nông thôn cũng ảnh hưởng rất nhiều tới các hoạt động khu vực nông thôn. Một số cán bộ, công chức có trình độ chưa đạt chuẩn và năng lực quản lý điều hành chưa ngang tầm với nhiệm vụ, thiếu chủ động sáng tạo, vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng lĩnh vực.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020 đánh giá: “Tổng sản phẩm xã hội đạt cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế”, “quy mô sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp còn nhỏ, chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao”. Trong đó Đại hội cũng xác định rõ nguyên nhân tác động trực tiếp đến quy mô sản xuất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chính là: “chất lượng nguồn nhân lực nhất là nhân lực có trình độ, tay nghề chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh… chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn còn khó khăn”. Vì vậy, làm thế nào để giảm thiểu những tác động tiêu cực, những rào cản và sức ỳ của một nền kinh tế nông nghiệp truyền thống, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh nhằm góp phần đưa nền kinh tế Hà Tĩnh hội nhập và phát triển nhanh, bền vững thì vấn đề chất lượng nguồn nhân lực nông thôn đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra cần phải giải quyết.

  1. Đánh giá chung về chất lượng lao động nông thôn tỉnh Hà Tĩnh

Những ưu điểm

Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, mức sống của lao động nông thôn tăng lên trong những năm gần đây, môi trường sống của lao động nông thôn được cải thiện từ yếu tố y tế, sức khỏe được đảm bảo đến văn hóa, tinh thần được cải thiện góp phần kích thích lực lượng lao động nông thôn tăng năng suất lao động, ổn định kinh tế nông thôn.

Công tác đào nghề lao động nông thôn đã thay đổi cơ cấu lao động, phần nào đáp ứng được sự thay đổi cơ cấu kinh tế. Thể hiện ở tỷ trọng của ngành nông lâm ngư nghiệp ngày càng giảm, tỷ trọng của ngành công nghiệp dịch vụ ngày càng tăng; gia tăng chuỗi giá trị của sản phẩm, đặc biệt là sự gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, hướng tới nông nghiệp công nghệ cao.

Những hạn chế

Sức khỏe lao động nông thôn của tỉnh cũng như cả nước nhìn chung còn chưa đủ đáp ứng yêu cầu. Sức khỏe, mức sống và chăm sóc y tế đều chưa được người lao động quan tâm. Ở nông thôn thể lực NNL cũng thấp hơn khu vực thành thị do mức thu nhập thấp mà tốc độ tăng dân số cao, trình độ hiểu biết về dinh dưỡng và sức khỏe của nhân dân lại thấp, bên cạnh đó do phải đi làm công việc nặng nhọc trong độ tuổi còn phát triển nên NNL nông thôn có chiều cao, cân nặng thấp hơn khu vực thành thị trong khi đó tỷ lệ suy dinh dưỡng lại cao hơn.

Về trí lực NNL nông thôn cũng thấp hơn so với thành thị, ở nông thôn số lượng NNL chất lượng cao rất ít, việc đào tạo hiện tại tốn nhiều thời gian nhưng lại chưa mang lại kết quả như mong muốn. Chính vì vậy người lao động nông thôn còn có sự thờ ơ với việc học tập, họ cho rằng kinh nghiệm vốn là điều cần thiết nhất cho chính họ. Nếu như vậy việc tiếp xúc với các công nghệ sản x hiện đại sẽ ngày càng khó khăn hơn với chính những đối tượng lao động này.

Kỹ năng, đối với lao động nông thôn là một trong những yếu tố ít được quan tâm nhất nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đối với lao động nông thôn. Nhìn chung lao động đều đảm bảo được những kỹ năng cơ bản phục vụ công việc hàng ngày, tuy nhiên đối với các công việc cần tới chuyên môn, kỹ thuật hay sự phối hợp trong công việc thì hầu hết các lao động đều rất yếu về các kỹ năng thích ứng. Điều này cũng thể hiện phương thức làm việc của lao động nông thôn còn thiếu chuyên nghiệp và chuyên sâu. Sự manh mún trong công việc tao ra khả năng làm việc một cách tự phát, thiếu định hướng và thiếu sự cộng tác đối với các công việc nông thôn.

Thái độ, nhìn chung lao động nông thôn còn mang nặng phong cách truyền thống, khả năng tự chủ và sáng tạo thấp và phụ thuộc nhiều vào sự tác động của môi trường xung quanh.

  1. Một số giải pháp nâng cao chất lượng lao động nông thôn tỉnh Hà Tĩnh nhằm phát triển bền vững

Thúc đẩy nâng cao sức khỏe của bản thân người lao động nông thôn

Việc nâng cao sức khỏe cho lao động nông thôn phải được thực hiện một cách đồng bộ với nhiều yếu tố tác động đến sức khỏe như: tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu rõ về vai trò của dinh dưỡng và phương thức nâng cao dinh dưỡng một cách khoa học cho gia đình mình; làm tốt công tác vệ sinh y tế cơ sở, thiết thực cải thiện hiện trạng vệ sinh y tế, tăng cường vệ sinh phòng bệnh, xây dựng và kiện toàn dịch vụ vệ sinh và y tế; hướng dẫn người dân tạo thói quen vệ sinh và phương thức sống khoa học, tăng cường tuyên truyền, giúp đỡ người dân khu vực khó khăn từ bỏ những thói quen sinh sống không lành mạnh, học những thói quen, phương thức sống khỏe mạnh khoa học, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình; đẩy mạnh phong trào luyện tập thể dục, thể thao trên địa bàn toàn Tỉnh xuống tận thôn bản. Các ngày hội, lễ, tết tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động thể dục thể thao, nhằm tạo ra môi trường và điều kiện sống trong sạch, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Đào tạo nâng cao kiến thức lao động nông thôn, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo

Việc nâng cao kiến thức lao động nông thôn cần phù hợp với cơ cấu lao động nông thôn, từ đó phát huy tối đa được khả năng đáp ứng lao động của lao động nông thôn. Nâng cao chất lượng giáo dục và nâng cao ý thức học tập ở bậc phổ thông là yếu tố đảm bảo cơ bản cho sự phát triển bền vững của xã hội nói chung và nên tảng cho nâng cao khả năng tiếp cận tiến bộ của khoa học kỹ thuật nói riêng. Bản thân người lao động nông thôn cần chú trọng đến việc học hành của con cái, tạo môi trường học tập tốt cho trẻ, khuyến khích trẻ học tập chăm chỉ để học hỏi thêm về văn hoá và học vấn. Ngoài ra, người lao động nông thôn cũng nên học một số kiến thức luật pháp và nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền của mình để họ có thể bảo vệ quyền hợp pháp của mình và giảm tổn thất không cần thiết trong công việc của mình.

Để công tác đào tạo nghề ở nông thôn đạt hiệu quả, cần phân loại lao động và đào tạo theo hướng:

- Đào tạo nghề nông cho nông dân và các chủ trang trại giúp họ nâng cao kiến thức hiểu biết về khoa học - kỹ thuật hướng tới năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ,... Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức xây dựng NTM để giúp họ tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch phát triển làng, xã, tự giác đóng góp xây dựng và quản lý các công trình của cộng đồng.

- Đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ cho lao động nông thôn, chủ yếu là thanh niên, học sinh mới tốt nghiệp hệ phổ thông hoặc bổ túc văn hóa.

- Đào tạo nâng cao kiến thức và năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ xã và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở.Chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sẽ là động lực để thúc đẩy người lao động tham gia học nghề tích cực hơn, giúp họ có sự yên tâm trong học tập, phát huy khả năng, có ý thức, trách nhiệm trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho lao động nông thôn

Hầu hết lao động nông thôn đều yếu và thiếu về các kỹ năng trong hoạt động lao động, đặc biệt là các kỹ năng phản ánh phương pháp làm việc khoa học như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tư duy, sáng tạo... Người lao động nông thôn phải có ý thức, tích cực tham gia các hoạt động lao động mang tính tổ chức cao, các hoạt động tập huấn, đào đạo kỹ năng nghề nghiệp được triển khai tại khu vực nông thôn. Việc tiếp cận và nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp đối với lao động nông thôn hiện nay còn rất hạn chế bởi sự manh mún trong hoạt động sản xuất của họ. Do vậy muốn nâng cao kỹ năng cho lao động nông thôn thì cần phải tao ra nhiều hoạt động chuyên sâu, tổ chức nhiều cuộc hội họp, bồi dưỡng, tập huấn cho nhóm lao động này găn liền với các hoạt động sản xuất phổ biến tại khu vực. Ngoài ra, bản thân lao động nông thôn cần tăng cường sự cầu thị, tính tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ năng nghề. Nếu doanh nghiệp hoặc chính phủ cung cấp khóa đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, nên cố gắng tranh thủ cơ hội, tích cực tham gia. Bản thân hàng ngày cũng cần chú ý đến các thông tin trên truyền hình và đài phát thanh để biết các kênh nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, thậm trí có thể thông qua các chương trình đào tạo từ xa trên mạng để nắm bắt những kiến thức kỹ năng tương ứng để có thể từng bước đạt được một chỗ đứng trong thị trường lao động có sức cạnh tranh cao.

Nâng cao thái độ tích cực của lao động nông thôn

Yếu tố quan trọng để nâng cao thái độ tích cực của lao động là tạo động lực hấp dẫn và thấy được hiệu quả để lao động thực hiện nghiêm túc, đam mê công việc và có kỷ luật cao trong công việc của mình. Để nâng cao thái độ tích cực của người lao động cần: xây dựng môi trường, phong trào văn hóa làm việc lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục, rèn luyện người lao động tiếp cận và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, qua đó tạo động lực trong để tìm kiếm các công việc mới và hoạt động hiệu các công việc hiện tại của mình; các ban ngành, doanh nghiệp địa phương phải gương mẫu, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ người lao động hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của các phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người lao động để từ đó nâng cao trách nhiệm của lao động nông thôn với công việc. Bên cạnh đó cần tạo ra nhiều chương trình hợp tác, tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất để người lao động có cơ hội tiếp cận và tự nâng cao kỹ năng lao động của mình; người lao động phải rèn luyện tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, làm nhóm, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy lao động, công tác bảo hộ lao động và có các kiến thức cơ bản về pháp luật lao động để thực hiện và bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của mình, qua đó tự xây dựng được những nguyên tắc làm việc tập thể, nâng cao tinh thần hợp tác trong lao động.

  1. Kết luận

Trong thực tế lao động cho thấy, không có yếu tố nào có thể thay thế được hoàn toàn yếu tố con người. Con người với sức lao động của mình đã luôn biến đổi không ngừng để tìm ra những phương pháp cải tiến, tăng năng suất lao động và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mình. Muốn phát triển kinh tế nông thôn, trước hết phải phát triển được yếu tố con người cho chính khu vực này. Với hàng loạt các yêu cầu cấp bách phát triển nền kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại, đòi hỏi con người phải nhanh chóng thích ứng và đáp ứng được những sự thay đổi đó. Từ đó tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp nông thôn một cách toàn diện và bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Báo cáo kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh năm 2016-2020.

Cục Thống kê Hà Tĩnh, Niên giám thống kê Hà Tĩnh 2016-2020.

Trần Lê Duy (2018), Luận án tiến sĩ: Nâng cao chất lượng lao động nông thôn tại tỉnh Thái Nguyên.

Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 18/10/2015 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 của tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Ngọc Quân (2015), giáo trình quản trị nhân lưc, NXB Đại học kinh tế quốc dân, Hà Nội.

Dương Ngọc Thành & Nguyễn Minh Hiếu (2014), “Thực trạng lao động và việc làm nông thôn Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Số 30, tr 42-50.

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube