^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH HÀ TĨNH SAU ĐẠI DỊCH COVID-19

Cũng giống như các địa phương khác trong cả nước, ngành du lịch Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid - 19. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã được quan tâm đầu tư để tái khôi phục ngành du lịch, nhưng di chứng nặng nề do các tác động của đại dịch gây ra vẫn đang là bài toán chưa có đáp án chính xác cho những người làm du lịch cả nước nói chung và tại Hà Tĩnh nói riêng.

TIỀM NĂNG DU LỊCH HÀ TĨNH

Hà Tĩnh có nguồn tài nguyên du lịch khá đa dạng, có bờ biển dài 137 km với nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn, như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Cửa Sót, Kỳ Xuân…; là vùng đất có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, như: núi Hồng - sông La, hồ Kẻ Gỗ, hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang, rừng Vũ Quang, suối Nước Sốt - Sơn Kim, quần thể khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông, Hoành Sơn Quan, thác Vũ Môn…

Bên cạnh đó, vùng đất này còn là quê hương của nhiều danh nhân gắn với di tích lịch sử - văn hóa, như: di tích Đại thi hào Nguyễn Du, di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đền thờ Vua Mai Hắc Đế, đền thờ Chiêu trưng Đại Vương - Lê Khôi, chùa Hương Tích, đền Chợ Củi, đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, thành Sơn phòng Hàm Nghi, Khu lưu niệm Bác Hồ, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Khu lưu niệm anh hùng Lý Tự Trọng, Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc... Toàn Tỉnh hiện có 452 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 77 di tích cấp quốc gia và 2 di tích quốc gia đặc biệt.

Không chỉ có vậy, Hà Tĩnh cũng là vùng đất nổi danh với đời sống văn hóa dân gian hết sức phong phú được phản ánh qua các làn điệu dân ca, ví dặm, qua lễ hội, làng nghề thủ công…, như: Hát Ví, hát Giặm, hát phường vải Trường Lưu và Trường Nga, ca trù Cổ Đạm, múa Sắc bùa (ở Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Khê), hò Chèo cạn ở Cẩm Nhượng, hò Thạch Khê. Đặc biệt là dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh là văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; “Mộc bản Trường học Phúc Giang” và “Hoàng hoa sứ trình đồ” được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với những tiềm năng về danh thắng, lịch sử, văn hóa, Hà Tĩnh có vị trí thuận lợi kết nối giao thông với khu vực và cả nước qua Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc - Nam, cách sân bay Vinh 55 km; tiếp giáp biên giới với tỉnh Khăm Muôn và tỉnh Bolykhamxay của Lào, có tiềm năng kết nối du lịch với Lào và Thái Lan. Tất cả những yếu tố đó tạo nên những tiềm năng lớn để du lịch Hà Tĩnh phát triển.

THỰC TRẠNG DU LỊCH HÀ TĨNH

Về hoạt động kinh doanh du lịch

Trước đại dịch Covid-19, du lịch Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả khả quan. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh (Bảng 1), tổng lượt khách tham quan du lịch đến Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2019 đạt 17.898.560 lượt, trong đó khách lưu trú du lịch là 7.449.000 lượt, (khách lưu trú quốc tế là 117.950 lượt; khách lưu trú nội địa là 7.331.050 lượt). Tổng doanh thu xã hội về du lịch giai đoạn 2015-2019 đạt hơn 24.812 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào nhóm dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành. Riêng năm 2019, tổng lượt khách tham quan du lịch 3.850.000 lượt, trong đó khách lưu trú du lịch là 1.750.000 lượt khách, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018, (khách quốc tế là  30.000 lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018). Doanh thu xã hội về du lịch năm 2019 gần 5.600 tỷ đồng. Năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên tổng lượt khách đến Hà Tĩnh giảm mạnh, chỉ đạt lần lượt các năm là 800.000 và 515.000 lượt người.

Bảng 1: Các chỉ tiêu về du lịch giai đoạn 2015-2021

                                                                                                                                                                               Đơn vị: Triệu đồng

Chỉ tiêu

Năm

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Tổng lượt khách tham quan DL

3,509,560

3,257,000

3,500,000

3,700,000

3,850,000

800.000

515.000

Tổng lượt khách lưu trú DL

1,599,000

1,100,000

1,400,000

1,600,000

1,750,000

250.000

375.027

Khách nội địa

1,576,050

1,082,000

1,378,000

1,575,000

1,720,000

792.500

505.973

Khách quốc tế

22,950

18,000

22,000

25,000

30,000

7.500

9.027

Tổng doanh thu xã hội về DL

4,977,314

4,043,738

4,888,840

5,303,374

5,598,814

2.271.271

1.965.435

Doanh thu lưu trú

443,229

266,527

414,510

314,450

332,087

189.097

213.326

Doanh thu lữ hành

16,377

15,944

21,440

19,200

26,510

24.002

12.765

Doanh thu ăn uống

4,368,508

3,604,755

4,331,900

4,969,724

5,240,216

2.058.172

1.739.344

Dịch vụ vui chơi giải trí

149,200

156,512

120,984

 

 

 

 

                                                                                                                                                             Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh

 

Về sản phẩm du lịch

Hà Tĩnh là địa phương có tiềm năng về du lịch với nhiều loại hình, tuy nhiên trên thực tế mới chỉ khai thác được 3 loại hình sản phẩm phổ biến là: du lịch biển, du lịch lịch sử - văn hóa, tâm linh và du lịch sinh thái. Cụ thể:

(i) Du lịch biển, trong những năm qua đã tập trung phát triển tại các khu du lịch biển: Thiên Cầm, Xuân Thành, Cửa Sót, Thạch Hải, Kỳ Xuân… nhiều dịch vụ, như: tắm biển, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa lễ hội, thể thao, kết hợp mở rộng các dịch vụ: Sân golf, du thuyền, cắm trại, công viên nước Vinpearl và các hoạt động ẩm thực (các món ăn đặc sản biển địa phương, như: mực nháy, tôm, cua...).

(ii) Du lịch lịch sử - văn hóa, tâm linh, các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn Tỉnh được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến, như: Khu lưu niệm Nguyễn Du, Chùa Hương Tích, Khu di tích cách mạng: Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Lý Tự Trọng, Ngã ba Đồng Lộc, Khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông, đền Chợ Củi, đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, đền Lê Khôi,… Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví - Giặm, Ca trù, Trò Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa Sứ Trình đồ đã được phát huy đưa vào phục vụ du lịch. Củng cố, xây dựng nhiều câu lạc bộ văn nghệ dân gian ở Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh vừa để bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, tạo không gian diễn xướng phục vụ khách du lịch.

(iii) Du lịch sinh thái. Khảo sát, xây dựng các hoạt động tham quan danh lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng gắn với du lịch thể thao mạo hiểm tại các khu bảo tồn, vườn quốc gia, các dãy núi cao phía Tây như hồ Kẽ Gỗ, hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang, thác Vũ Môn. Phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh tại khu du lịch nước sốt Sơn Kim gắn với quần thể khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông. Hình thành một số loại hình du thuyền nghe hát Dân ca Ví - Giặm trên sông La, sông Lam, sông Phủ nhằm phát triển các tuyến du lịch đường sông.

Tỉnh cũng đã phát triển sản phẩm du lịch bổ sung: (i) Du lịch công vụ, đăng cai tổ chức các hội nghị, hội thảo, văn hóa, thể   thao tại trung tâm thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh và các khu du lịch biển; (ii) Du lịch cộng đồng, bước đầu đã có một số địa phương hình thành khai thác phát triển sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng của từng địa phương: làng nghề du lịch, du lịch cộng đồng homestay, du lịch trải nghiệm nông thôn mới ở Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Hương Sơn.

Về công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết hợp tác phát triển du lịch

Hàng năm, Tỉnh đã tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước; Ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch; liên kết, hợp tác kết nối tour đón khách du lịch từ các tỉnh, thành phố trong nước, các quốc gia, vùng lãnh thổ đến tỉnh Hà Tĩnh và ngược lại; phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ du lịch cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch và tham gia các sự kiện du lịch hàng năm của mỗi bên.

Tổ chức liên kết, hợp tác phát triển du lịch với Lào và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, mở rộng hợp tác và tìm kiếm đối tác nhằm khai thác có hiệu quả thị trường du lịch Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Tuyến du lịch trong nước và quốc tế đã được liên kết; phối hợp với các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ xây dựng bản đồ liên kết, khai thác lợi thế về hành lang kinh tế Đông - Tây trên tuyến Quốc lộ 8A và đường 12, tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh; hợp tác với các tỉnh trong khu vực theo chủ đề “4 địa phương một điểm đến”.

Thông qua các chương trình hợp tác 9 tỉnh của 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sử dụng chung Quốc lộ 8A và đường 12, Hà Tĩnh đã kết nối các khu du lịch: Thiên Cầm, Xuân Thành..., các khu di tích (Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc) với suối nước nóng Lacxao, du lịch bản Nacoi, hang đá núi Thenchau của Bolykhamxay và khu bảo tồn Đa dạng sinh học Quốc gia Nakai - Nam Theun của tỉnh Khăm Muộn (Lào) để tạo thành tour du lịch theo Quốc lộ 8 qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) và Cha Lo (Quảng Bình).

MỘT SỐ HẠN CHẾ, VƯỚNG MẮC TRONG DU LỊCH TỈNH HÀ TĨNH

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH SAU ĐẠI DỊCH COVID-19

Thứ nhất, nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ du lịch địa phương nhằm thu hút du khách và kéo dài thời gian lưu trú, thời gian sử dụng dịch vụ của khách du lịch.

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thêm các lựa chọn cho khách du lịch sau đại dịch. Hình thành các tuyến điểm du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch lịch sử, tâm linh nhằm tạo sự phong phú cho chương trình du lịch. Nắm bắt nhu cầu thị hiếu của khách du lịch để khai thác thêm các loại hình du lịch đang chiếm xu thế như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Thứ hai, cần phát triển một số mô hình du lịch mới theo thị hiếu du khách sau đại dịch Covid - 19 như du lịch vì sức khỏe. Bên cạnh các trải nghiệm về văn hóa, xã hội và thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh, các tài nguyên du lịch sẵn có, thì du khách sau đại dịch vẫn lựa chọn ưu tiên sự an toàn và sức khỏe của bản thân cũng như của những người xung quanh. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nên có những phương án mới để du khách cảm thấy tin tưởng và có cảm giác an toàn khi lựa chọn các dịch vụ du lịch.

Thứ ba, khôi phục, tôn tạo và tái đầu tư các tài nguyên du lịch sau thời gian dài không sử dụng. Các tài nguyên du lịch không được sử dụng thường xuyên, các khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển và các địa chỉ cung cấp dịch vụ cho ngành du lịch sau thời gian dài không được sử dụng thường xuyên sẽ cần được cải tạo, nâng cấp, bảo dưỡng, trùng tu để vừa đảm bảo tính an toàn, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, tiện nghi và vệ sinh khi quay trở lại đón khách. Đây cũng là một trong những yếu tố mang lại sự hài lòng và sự thoải mái cho du khách sau một thời gian dài không có những hoạt động, những trải nghiệm du lịch.

Thứ tư, tổ chức quảng bá du lịch địa phương thông qua hội nghị, hội thảo, các đoàn farm trip. Tạo hình ảnh thân thiện, hiếu khách cho du lịch Hà Tĩnh thông qua các dịch vụ trải nghiệm và kết nối.

Thứ năm, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và lao động hoạt động trong ngành du lịch thông qua việc mở các lớp tập huấn, đưa ra các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp và người lao động có thể sớm vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, từng bước khôi phục và phát triển ngành du lịch Hà Tĩnh.

Đặc biệt, cần có chính sách đặc thù trong việc thu hút du khách quốc tế vì đây là nhóm du khách tiềm năng mang lại lợi ích về kinh tế cũng như dịch chuyển dòng ngoại tệ lớn nhất trong du lịch. Việc đón khách quốc tế ngoài cơ chế đặc thù còn đòi hỏi về chất lượng dịch vụ cao hơn, năng lực tiếp cận và nền tảng tài nguyên có chiều sâu, đa dạng, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền, các doanh nghiệp du lịch cũng như cộng đồng địa phương trong việc thu hút và tạo ấn tượng tốt đối với du khách quốc tế. Tạo môi trường thân thiện, chất lượng dịch vụ cao, giá thành dịch vụ thấp là một trong những lợi thế để Hà Tĩnh có thể cạnh tranh với du lịch của một số địa phương khác trong vùng.

Thứ sáu, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ liên quan đến du lịch Hà Tĩnh. Tích cực khai thác cổng thông tin điện tử của ngành du lịch trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh, cung cấp thông tin các tuyến điểm du lịch cũng như các dịch vụ du lịch trên địa bản tỉnh cho du khách./.

 

Tài liệu tham khảo

Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh (2022). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh năm 2021

Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh (2016-2021). Niên giám Thống kê tỉnh Hà Tĩnh các năm, từ năm 2015 đến 2021, Nxb Thống kê

 Đề án phát triển du lịch Hà Tĩnh đến 2020, định hướng đến 2030, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

  1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh (2012), Quy hoạch phát triển ngành du lịch Hà Tĩnh giai đoạn đến 2020, định hướng 2030.
  2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh (2022), Website du lịch Hà Tĩnh http://dulichhatinh.com.vn
  3. Peter P. Felkai (2021), Làm thế nào để đi du lịch sau đại dịch Covid -19, International Journal of Travel Medicine and Global Health.

 

 

 

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube