^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Một số kết quả triển khai chương trình OCOP tại tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018-2020

Chương trình OCOP (One Commune, One Product - mỗi xã một sản phẩm) là một chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế nông thôn Việt Nam, được triển khai tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước ở giai đoạn đầu tiên 2018-2020. Trong đó, Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu trong thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Bài viết tóm tắt một số kết quả của chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2018-2020.

Từ khoá: sản phẩm, nông thôn, OCOP, sản xuất.

  1. Đặt vấn đề

Sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Tĩnh ban hành theo Quyết định số 3292/QĐ-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2018 về phê duyệt đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018-2020, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần tạo chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế vùng nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, mô hình sản xuất nhỏ lẻ và việc thiếu kiến thức trong sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến quảng bá sản phẩm đã khiến cho nhiều sản phẩm nông thôn chưa phát huy được thế mạnh và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

  1. Nội dung

2 .1. Giới thiệu chung về chương trình OCOP tại tỉnh Hà Tĩnh

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhằm với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng cộng đồng với sự tự nguyện tham gia của tổ chức kinh tế và người dân để khai thác tiềm năng; góp phàn hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Đối tượng cụ thể tham gia chương trình OCOP là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có sản xuất, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP và sử dụng ít nhất 50% lao động địa phương. Các sản phẩm được quản lý chất lượng thông qua xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và sau đó được phân hạng từ 1 sao đến 5 sao. Bênh cạnh vấn đề quản lý chất lượng, Đề án cũng chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại và đào tạo nguồn nhân lực.

2.2. Một số kết quả thực hiện chương trình OCOP tại Hà Tĩnh giai đoạn 2018-2020

2.2.1. Về phát triển sản phẩm

Trước khi thực hiện Chương trình OCOP, phần lớn các sản phẩm có chất lượng chưa cao, thiếu đồng đều, chưa có nhãn mác thương hiệu, chủ yếu xuất bán dưới dạng sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp; một số sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa được chú trọng và thiếu chiến lược... Sau khi triển khai thực hiện Chương trình, đã có 277 ý tưởng sản phẩm do các cơ sở đăng ký tham gia chương trình OCOP được UBND cấp huyện xét chọn và lập Phương án sản xuất kinh doanh.

Một số cơ sở đã mở rộng kinh doanh sau khi tham gia Chương trình như: Hợp tác xã thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương đầu tư hệ thống ứng dụng năng lượng mặt trời, dây chuyền đóng chai trong sản phẩm nước mắm; Doanh nghiệp tư nhân Thuận Hà đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, xây dựng tiêu chuẩn GMP trong chế biến nhung hươu; HTX mật ong Cường Nga đầu tư máy móc, thiết bị trong sản xuất mật ong; THT Hoa Linh Chi đầu tư nhà xưởng, nhà màng phơi tôm, cá ngần… Nhờ đầu tư máy móc, trang thiết bị, mở rộng nhà xưởng nên quy mô và năng lực sản xuất cũng đã tăng cao so với trước khi tham gia Chương trình OCOP, như: Nước mắm Phú Khương trước khi tham gia quy mô sản xuất chỉ đạt 80 nghìn lít/năm nay quy mô đạt 150 nghìn lít/ năm; Giò me Tiến Giáp trước đây sản xuất chỉ đạt dưới 10 tấn/năm nay đã đạt 22 tấn/năm; Nem Chua Ý Bình trước đây sản xuất chỉ đạt 600.000 cái/năm nay đã đạt 1.000.000 cái/năm.

Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thông qua phần mềm chấm điểm hoạt động trên máy tính hoặc điện thoại thông minh dễ sử dụng và bảo đảm độ chính xác cao. Trong 2 năm thực hiện Chương trình, Tỉnh đã hình thành trên 300 ý tưởng sản phẩm. Năm 2019, tinh Hà Tĩnh có 72 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 3 sản phẩm 4 sao, 69 sản phẩm 3 sao. Sang năm 2020 Hà Tĩnh đã có thêm 87 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó 04 sản phẩm đạt 4 sao (2 sản phẩm nâng hạng sao và 83 sản phẩm đạt 3 sao; nâng tổng số sản phẩm OCOP của Tỉnh lên 157 sản phẩm (7 sản phẩm 4 sao và 150 sản phẩm 3 sao) (Trần Hằng, 2020).

Phần lớn sản phẩm đạt chuẩn OCOP đều tăng về doanh số bán hàng, bình quân tăng gần 40% so với trước khi tham gia Chương trình. Một số sản phẩm có doanh số tăng tăng 3-4 lần như: Nước mắm Luận Nghiệp; nước Mắm Phú Khương; Giò me Tiến Giáp, Rượu nhung hươu Thuận Hà. Thị trường bán sản phẩm trước đây chủ yếu là trong huyện, xã và bán cho các thương lái nhưng sau khi tham gia Chương trình thị trường đã được mở rộng, đưa vào đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước, như: Nem chua Ý Bình, nước mắm Luận Nghiệp, nước mắm Nhất Ninh... Tổng doanh số bán hàng các cơ sở có sản phẩm OCOP năm 2020 là 477.843 triệu đồng (trước khi tham gia Chương trình là 341.548 triệu đồng).

2.2.2. Phát triển tổ chức sản xuất

Sau khi tham gia Chương trình OCOP, các hình thức tổ chức sản phẩm đã trở nên chuyên nghiệp hơn. Nhiều hộ kinh doanh cá thể trước đây đã phát triển thành các hợp tác xã. Nhiều cơ sở sau khi tham gia Chương trình OCOP đã nâng cao năng lực tổ chức sản xuất và hoạt động ngày càng hiệu quả, như: THT chế biến và kinh doanh hải sản Hoa Linh Chi (xã Cương Gián), Cơ sở sản xuất chả cá Mậu Nguyễn (xã Xuân Giang); HTX sản xuất dầu lạc, dầu vừng Thiện Hóa (xã Sơn Bình); Cơ sở sản xuất miến Hương Tâm (xã Việt Tiến). Đến năm 2020, đã có 103 tổ chức kinh tế (21 Doanh nghiệp, 54 Hợp tác xã, 28 Tổ hợp tác) và 70 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được chấp thuận phương án sản xuất kinh doanh.  

Số lượng lao động tham gia Chương trình ngày càng tăng lên. Trước khi tham gia Chương trình OCOP tổng số lao động sử dụng là 1.812 người. Đến năm 2020, sau khi tham gia Chương trình, nhiều cơ sở đã mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, tổng số lao động sử dụng tại các cơ sở tham gia OCOP đến năm 2020 là 2.227 người (tăng 415 người so với năm 2018). Thu nhập bình quân của người lao động được tăng lên đáng kể từ 3-4 triệu đồng/tháng sau khi tham gia Chương trình tăng lên 4-6 triệu đồng/tháng.

  1. Kết luận

Việc thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn Hà Tĩnh đã giúp các vùng miền phát huy được các lợi thế sản phẩm đặc trưng của mình, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn và đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh vẫn tiếp tục xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, là giải pháp quan trọng để xây dựng thành công tỉnh nông thôn mới. Do vậy, trong thời gian tới tỉnh cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển Chương trình OCOP, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm chất lượng, nâng tầm giá trị, góp phần tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Nguyễn Thị Kim Nhung (2021), Kinh nghiệm triển khai chương trình một xã một sản phẩm tại tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018 -2020.

Mộc Miên (2021), Thời của sản phẩm OCOP, Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2021 từ https://congthuong.vn/thoi-cua-san-pham-ocop-156422.html

Thủ tướng chính phủ (2018), Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng chính phủ về Phê duyệt chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020.

Tỉnh Uỷ Hà Tĩnh (2021), Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018-2020, nhiệm vụ giải pháp thực hiện thời gian tới.

Trần Hằng (2020), Chương trình OCOP Hà Tĩnh: Thành quả ngày một lớn hơn, Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2021, https://vietnamhoinhap.vn/article/chuong-trinh-ocop-ha-tinh-thanh-qua-ngay-mot-lon-hon---n-35554

Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh (2018), Quyết định số 3292/QĐ-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2018 về phê duyệt đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018-2020, hướng tới năm 2030.

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube