Ngành dịch vụ Logistics là một trong những ngành dịch vụ khá đặc biệt, nó gắn liền từ khâu đầu tiên của quá trình sản xuất đến khâu cuối cùng của quá trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ. Do đặc thù này nên khi đại dịch tác động lên ngành dịch vụ Logistics sẽ tạo ra ảnh hưởng dây chuyền lên cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ. Nhưng một điều đặc biệt nữa phải nói đến là tầm quan trọng của Logistics, kể cả trong giãn cách hay phong tỏa thì dịch vụ Logistics vẫn phải hoạt động để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của người dân, phát triển kinh tế và phục vụ dịch vụ y tế cộng đồng. Điều này đã tạo ra cơ hội phát triển cho ngành kể cả khi các ngành dịch vụ khác bị chững lại. Đồng thời khả năng biến đổi, thích ứng nhanh của ngành cũng là một điểm mạnh để dịch vụ Logistics tìm thấy cơ hội phát triển trong chuỗi những thách thức đang gặp phải.
Tỉnh Hà Tĩnh là một tỉnh ở miền trung của Việt Nam, hằng năm đều hứng chịu nhiều thiên tai khắc nghiệt. Cùng với sự tác động của đại dịch dẫn đến các tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất, tiêu thụ toàn tỉnh.. Song song với những thách thức như vậy thì việc thích ứng nhanh với hoạt động thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, hệ thống nối dài cánh tay phân phối, giao hàng, dịch vụ kho bãi phù hợp (trừ dịch vụ vận tải hành khách)… đã giúp cho ngành dịch vụ Logitics Hà Tĩnh bắt kịp sự phát triển của nền kinh tế số từ đó phát huy được điểm mạnh của ngành trong đại dịch.
Tỉnh Hà Tĩnh so với cùng kì năm 2020 thì đến cuối năm 2021 ngành dịch vụ Logistics ước đạt 3639.32 tỷ đồng, giảm 12.58%, cụ thể vận tải hành khách giảm 37.03%, vận tải hàng hóa giảm 7.63%, dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tăng 16.36% (Cục Thống kê Hà Tĩnh tháng 10/2021). Để thúc đẩy kinh tế, tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có, giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong tỉnh thì việc phát triển ngành dịch vụ logistics là hết sức cần thiết. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều nội dung nhằm phát triển logistics và tạo thuận lợi thương mại, cụ thể như sau:
UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều Văn bản nhằm phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn, cụ thể: Quyết định số 144/QĐ-UBND ngày 12/01/2015 về việc phê duyệt Đề án Phát triển dịch vụ Logistics tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và Dự toán lập Quy hoạch tổng thể phát triển dịch vụ Logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040, Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 26/2/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ, dự toán lập quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm Logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỷ lệ 1/500. Đến nay, Quy hoạch phát triển tổng thể dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 đang hoàn thiện và sẽ tích hợp vào quy hoạch tỉnh; Quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm logistics tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỷ lệ 1/500 với quy mô 106,9ha, 07 phân khu chức năng đang hoàn thiện và sẽ phê duyệt trong thời gian tới.
Thời gian qua đã có một số doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh dịch vụ vận tải, kho bãi hàng hóa, hoạt động khá hiệu quả, như: Công ty CP xây lắp thương mại dịch vụ du lịch Thương Phú, Công ty TNHH thương mại vận tải Bình Nguyên, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải Viết Hải, kho tập kết hàng hóa của Công ty TNHH Bình Hà… và hàng trăm kho hàng hóa thương mại được phân phối tương đối đồng đều trên địa bàn tỉnh. Không những vậy, tỉnh đã chủ động kêu gọi một số công ty, tập đoàn lớn vào tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư dịch vụ logistics như: Tổng công ty CP bưu chính Viettel - Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel; Công ty CP tập đoàn Hoành Sơn tìm hiểu, đầu tư các dự án logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng. Hiện nay, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 12 dự án lớn có hoạt động liên quan đến logistics, bao gồm: các dịch vụ bốc xếp hàng hóa, dịch vụ kho bãi và lưu kho hàng, dịch vụ vận tải…
Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải Viết Hải
Mặc dù có nhiều tiềm năng lợi thế và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như vậy song hiện tại ngành dịch vụ logistics ở Hà Tĩnh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; chi phí dịch vụ cao; hoạt động thương mại, bán buôn bán lẻ chủ yếu hình thành tự phát, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại ít, quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, kinh doanh dịch vụ logistics là một lĩnh vực khá mới, do đó, một số địa phương trong tỉnh có lợi thế về phát triển dịch vụ logistics chưa cập nhật kịp thời các thông tin, quy định pháp luật liên quan về kinh doanh dịch vụ logistics để giới thiệu, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng logistics. Đầu tư xây dựng kinh doanh dịch vụ logistics đòi hỏi vốn đầu tư lớn; hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ tham gia được một vài công đoạn nhỏ trong kinh doanh dịch vụ logistics. Quy hoạch hạ tầng thương mại, hệ thống bán buôn bán lẻ đã được ban hành nhưng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án quy mô lớn. Dịch vụ ủy thác giao nhận, thanh toán quốc tế chuyên nghiệp tại các cảng, cửa khẩu hạn chế; chưa có doanh nghiệp lớn, chuyên nghiệp hoạt động nhận ủy thác giao nhận hàng hóa hoặc thanh toán tiền hàng. Các loại hình kho chứa, kho vận ngoại thương đạt tiêu chuẩn chưa hình thành tại các cảng, cửa khẩu, các cổng kiểm soát giữa nội địa và các khu kinh tế. Công nghệ, kinh nghiệm vận hành trung tâm logistics lớn còn hạn chế.
Trong sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thì doanh nghiệp logistics Hà Tĩnh cần có những kế hoạch hành động và chiến lược phù hợp, hiệu quả và nhanh chóng. Nhằm thúc đẩy kinh tế, tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có, giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong tỉnh thì việc phát triển ngành dịch vụ logistics là hết sức cần thiết.