Hà Tĩnh là địa phương được trung ương chọn làm điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Ngay sau khi tiếp nhận chủ trương, Ban Chỉ đạo NTM Hà Tĩnh bắt tay xây dựng đề án, bộ tiêu chí xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, trên cơ sở chỉ đạo, góp ý của Ban Chỉ đạo NTM Trung ương. Các sở, ngành tham mưu, xây dựng đề án theo từng tiêu chí liên quan và tỉnh cũng làm việc với các bộ, ngành theo các tiêu chí, lĩnh vực phụ trách để xin ý kiến chỉ đạo, góp ý cho đề án.
Hà Tĩnh xác định: “Xây dựng NTM kết nối đồng bộ, có chiều sâu, có nâng tầm, nâng cấp, gắn phát triển đô thị. Cụ thể: Xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh bền vững, phát huy cao sức mạnh cộng đồng, đặt lợi ích người dân lên trên hết; nâng cao vai trò chủ thể, vị thế của người nông dân; gắn với phát triển đô thị; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh văn minh, thân thiện; xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM tạo ra sự phát triển đồng đều giữa các địa phương, đảm bảo sự liên kết, kết nối đồng bộ giữa các vùng, miền, dựa trên nền tảng cộng đồng (khu dân cư), người dân là chủ thể…”
Hà Tĩnh phấn đấu hoàn thành tỉnh nông thôn mới trước năm 2025
Để phấn đấu đạt được mục tiêu hoàn thành tỉnh nông thôn mới trước năm 2025, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, địa phương sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn lực, phấn đấu 100% huyện, xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới.
Với nhóm xã chưa đạt chuẩn NTM, Hà Tĩnh sẽ tập trung chỉ đạo, ưu tiên các xã trong nhóm này hoàn thành các nội dung, tiêu chí. Phấn đấu hoàn thành 100% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2023. Trong đó, quan tâm cao hoàn thành các nội dung, tiêu chí chủ yếu như: làm mới, nâng cấp đường giao thông nông thôn, trồng bổ sung cây xanh, nâng cấp sửa chữa hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp. Hoàn thiện cơ sở vật chất các trường học đạt chuẩn quốc gia, xây mới, nâng cấp các nhà văn hóa xã.
Về sản xuất, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành. Xây dựng các mô hình sản xuất sản phẩm chủ lực áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến; bảo tồn và phát triển các làng nghề, sản phẩm đặc sản gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Qua đó, nâng mức thu nhập bình quân của các xã bằng mức tối thiểu yêu cầu đạt chuẩn của từng năm. Đến năm 2025, phấn đấu đạt tối thiểu 60 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo đảm bảo mức tối thiểu theo yêu cầu đạt chuẩn từng năm.
Cùng với nhóm xã trên, Hà Tĩnh xác định phương hướng, nhiệm vụ cho các xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010-2020, cụ thể, cần củng cố, hoàn thiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 trước năm 2023, như về: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm và khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu. Đồng thời cập nhật các tiêu chí theo yêu cầu mới, tập trung cao nâng thu nhập bình quân đầu người của xã; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch thường xuyên, an toàn từ hệ thống cấp nước tập trung,…
Với kết quả sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 có 100 số xã đạt chuẩn nông thôn mới; cuối năm 2024 tất cả các huyện, thị đều đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, Hà Tĩnh tiếp tục quan điểm chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tổ chức thực hiện toàn diện trên tất cả tiêu chí, gắn với xây dựng đô thị văn minh, hướng tới xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu