^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ KẾ TOÁN MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM

Khái niệm kế toán môi trường đã được xuất hiện và phát triển từ những năm của thập niên 90 của thế kỷ trước ở nhiều quốc gia trong bối cảnh vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề kế toán môi trường chưa được các doanh nghiệp ở Việt Nam quan tâm thực hiện. Bài viết nhăm giới thiệu một số vấn đề về kế toán môi trường và thực tiễn áp dụng ở Việt Nam từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả kế toán môi trường ở Việt Nam thời gian tới.

Từ khóa: Kế toán, Môi trường, Kế toán Môi trường

  1. Một số vấn đề lý luận cơ bản về kế toán môi trường trong doanh nghiệp

            Khái niệm kế toán môi trường

Kế toán môi trường xuất hiện tại Mỹ năm 1972 trong Hội nghị thượng đỉnh về môi trường tại Stockhom. Năm 1992, Ủy ban Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ tiến hành dự án về Kế toán môi trường với nhiệm vụ khuyến kích, thúc đẩy các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ các khía cạnh về chi phí môi trường. Theo đó, kế toán môi trường được xây dựng trên cơ sở hệ thống Luật về môi trường quốc gia như: Luật làm sạch môi trường, Luật làm sạch nước, Luật về các loài nguy hiểm, Luật Sarbanes – Oxley (Mỹ)  Luật tái chế và rác thải, Luật các khoản nợ môi trường… Trong quá trình phát triển của kế toán môi trường, đã có nhiều khái niệm về kế toán môi trường được đưa ra.

Theo Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), kế toán quản trị môi trường “là quá trình quản lý hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường thông qua sự phát triển và ứng dụng hệ thống kế toán phù hợp với các vấn đề môi trường…”. Kế toán quản trị môi trường là một bộ phận của kế toán quản trị DN, nhằm thu thập, xử lý, phân tích và sử dụng các thông tin tiền tệ và hiện vật liên quan tới các tác động của DN đến môi trường, từ đó cải thiện hoạt động của doanh nghiệp ở cả khía cạnh tài chính và môi trường.

Theo tài liệu hướng dẫn thực hành kế toán môi trường của Nhật Bản, kế toán môi trường có mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng và theo đuổi các hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động bình thường, xác định lợi ích từ các hoạt động, cung cấp cách thức định lượng và hỗ trợ phương thức công bố thông tin.

Cơ quan Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (UNDSD) thống nhất giữa các nhóm chuyên gia đến từ 30 quốc gia đã đưa ra định nghĩa như sau: “Hạch toán quản lý môi trường là việc nhận dạng, thu thập, phân tích và sử dụng loại thông tin cho việc ra quyết định nội bộ. Thông tin vật chất (phi tiền tệ) về sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và nguyên vật liệu (bao gồm chất thải) và thông tin tiền tệ về các chi phí, lợi nhuận và tiết kiệm liên quan đến môi trường”.

Theo Phạm Đức Hiếu, Nguyễn Thị Kim Thái 2012, kế toán môi trường trong doanh nghiệp là một bộ phận cấu thành của kế toán liên quan đến các thông tin về hoạt động môi trường trong phạm vi doanh nghiệp nhằm thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về môi trường cho các đối tượng trong và ngoài doanh nghiệp sử dụng để ra quyết định [2].

Từ các khái niệm trên có thể hiểu kế toán môi trường là một bộ phận cấu thành của hệ thống kế toán trong doanh nghiệp nhằm thu nhận, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về hoạt động có liên quan đến môi trường trong phạm vi doanh nghiệp cho người sử dụng ra quyết định.

Đối tượng của kế toán môi trường

Đối tượng của kế toán MT về cơ bản cũng bao gồm tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập phát sinh trong quá trình hoạt động của DN có liên quan tới môi trường và bảo vệ môi trường. 

Kế toán môi trường theo dõi các tài sản môi trường- là các tài sản thuộc sở hữu của DN do DN nắm giữ để sử dụng cho hoạt động bảo vệ môi trường, như các thiết bị xử lý ô nhiễm, hạn ngạch về ô nhiễm… bao gồm các tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình hoặc các tài sản ngắn hạn.

Kế toán môi trường theo dõi các khoản nợ phải trả về bảo vệ môi trường- là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp phát sinh từ sự kiện liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường đã qua và việc thanh toán khoản phải trả này dẫn đến sự giảm sút về lợi ích kinh tế của doanh nghiệp hoặc phát sinh các nghĩa vụ pháp lý về môi trường. Những khoản nợ phải trả về môi trường mà số tiền hoặc thời gian thanh toán chưa được xác định chính xác sẽ được ghi nhận là khoản dự phòng phải trả môi trường.

Kế toán môi trường theo dõi chi phí bảo vệ môi trường – là các chi phí của các bước thực hiện, hoặc yêu cầu phải được thực hiện để quản lý các tác động môi trường của DN một cách có trách nhiệm với môi trường, cũng như các chi phí khác phát sinh cho các mục tiêu và yêu cầu bảo vệ môi trường. Các chi phí môi trường được phân bổ cho các tài khoản chung, sau đó tính toán và ghi nhận cho các đối tượng chịu chi phí riêng.

Kế toán môi trường theo dõi các khoản thu nhập về bảo vệ môi trường- là kết quả thu được từ quá trình thực hiện các hoạt động BVMT trong DN tạo ra như: thu nhập từ trợ giá tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động BVMT, thu nhập từ nhượng bán chứng chỉ phát thải (CERs), thu nhập từ bán phế liệu, phế phẩm còn giá trị sử dụng tạo ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh... Thu nhập môi trường phát sinh trong kỳ được ghi nhận ngay vào báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ. 

Vai trò của kế toán môi trường

Kế toán môi trường đóng vai trò quan trọng trong doanh nghiệp. Kế toán môi trường nhận diện, quản trị, nghiên cứu và cắt giảm chi phí liên quan đến môi trường trong DN. Thông qua tập hợp thông tin về chi phí môi trường, kế toán môi trường đề xuất các phương án cắt giảm chi phí như sử dụng các vật liệu, hệ thống xử lý rác thải, nguồn tái chế, đảm bảo tính hiệu quả và tiết kiệm trong hoạt động chung toàn DN. Kế toán môi trường giúp doanh nghiệp nhận diện các rủi ro tiềm ẩn như chi phí như tiền phạt, chi phí rủi ro khắc phục về môi trường... từ đó có phương án phòng tránh.

Thực hiện tốt KTMT giúp nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định quan trọng như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất tốt hơn, sạch hơn, đem lại những sản phẩm có chất lượng, dẫn đến giảm giá thành, giúp DN có lợi thế cạnh tranh về giá bán và lợi nhuận cao hơn, giảm được các vấn đề về mặt pháp lý và nâng cao hình ảnh thương hiệu đối với đối tác cũng như người tiêu dung. Việc áp dụng tốt KTMT vào DN sẽ làm hài lòng và củng cố lòng tin với các bên có liên quan như các cơ quan nhà nước, các tổ chức môi trường, đối tác… từ đó doanh nghiệp sẽ được nhiều ưu đãi cho các hoạt động bảo vệ môi trường.

  1. Một số gợi ý nhằm đẩy mạnh kế toán môi trường ở Việt Nam

2.1. Thực tiễn áp dụng kế toán môi trường ở Việt Nam

Vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã được Việt Nam quan tâm và chú trọng triển khai thông qua việc Quốc hội ban hành Luật Môi trường lần đầu vào năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005, Luật Thuế bảo vệ môi trường (Luật số 57/2010/QH12); Nghị định 67/2011/NĐ-CP quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường của Chính phủ; các thông tư của Bộ Tài chính: Thông tư 152/2011/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 67/2011; Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định 67/2011/NĐ-CP; Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28/09/2012, sửa đổi, bổ sung Thông tư 152/2011/TT-BTC; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ.

Mặc dù vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế đã được các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp quan tâm song vấn đề kế toán môi trường chưa được các doanh nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện do nhiều nguyên nhân.

Một là, Hệ thống văn bản pháp lý cho các hoạt động kế toán môi trường còn chưa đầy đủ.

Việt Nam hiện chưa ban hành chế độ kế toán có liên quan đến việc tổ chức KTMT trong DN. Các yếu tố chi phí môi trường và lợi ích môi trường chưa có tài khoản riêng để theo dõi và hạch toán. Rất nhiều chi phí môi trường đang được phản ánh chung trong các tài khoản liên quan đến chi phí quản lý. Trong các tài khoản kế toán chưa ghi nhận các chi phí đáng kể liên quan đến môi trường như chi phí sửa chữa, đền bù, chi phí khắc phục sự cố và chi phí dọn dẹp, xử lý trong các tai nạn, huỷ hoại môi trường sinh thái, môi trường sống.

Hai là, Nhận thức của doanh nghiệp về vấn đề bảo vệ môi trường và vai trò của kế toán môi trường còn thấp. Nhân tố môi trường hầu như chưa được tính đến trong các phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ba là, Nội dung kế toán môi trường chưa được chú trọng trong công tác đào tạo các chuyên gia hoặc kế toán viên. Trên thực tế, nhiều cơ sở đào tạo đại học cũng đã tổ chức xuất bản sách và giáo trình giảng dạy về kế toán môi trường, tuy nhiên việc đưa vào giảng dạy hiện còn khá sơ sài, dẫn đến việc nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong kế toán về lĩnh vực môi trường còn thiếu.

2.2.  Một số giải pháp triển khai và thực hiện hiệu quả kế toán môi trường trong doanh nghiệp

Để triển khai và thực hiện hiệu quả kế toán môi trường trong doanh nghiệp, phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế, Việt Nam cần xem xét thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, Hoàn chỉnh và đồng bộ hệ thống pháp luật về kế toán và môi trường.

Nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế về các chuẩn mực kế toán môi trường nhằm kiến nghị cơ quan chức năng sớm bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách về nội dung kế toán môi trường.

Ban hành những chuẩn mực về KTMT dựa trên kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã triển khai thực hiện trước và đạt hiệu quả cao.

Ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể nội dung và phương pháp thực hiện nhằm tạo nền tảng cơ sở và hành lang pháp lý cho việc phát triển hạch toán quản lý môi trường một cách rõ ràng và cụ thể. Trong đó, chú trọng đưa ra khái niệm và tiêu thức phân loại chi phí môi trường, làm căn cứ ghi nhận, đo lường, hạch toán và quản lý các chi phí này.

Có chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Có chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu và áp dụng kế toán môi trường trong các hoạt động của họ nhằm đảm bảo đồng thời lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích cho môi trường.

Hai là, Nâng cao nhận thức và trình độ của các nhà quản lý trong doanh nghiệp về kế toán môi trường. Tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ quản lý và kế toán các doanh nghiệp về vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và kế toán môi trường nói riêng; kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn có tính đến các tác động của các tiêu chuẩn và quy định môi trường của sản phẩm.

Ba là, Cập nhật nội dung về kế toán môi trường trong chương trình giảng dạy kế toán ở các cơ sở đào tạo. Nội dung giảng dạy về kế toán môi trường  cần gắn với các nội dung mới liên quan đến các chủ trương mới của Đảng và Nhà nước về phát triển xanh bền vững, về thuế bảo vệ môi trường, về hạch toán các khoản doanh thu, chi phí về bảo về môi trường … và tổ chức thành các chuyên đề, các tình huống thực tế để sinh viên trao đổi, thảo luận, từ đó tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về công tác kế toán phục vụ cho các doanh nghiệp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, mang đến sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tóm lại, kế toán môi trường là một công cụ cần thiết giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường một cách tiết kiệm, hiệu quả và nâng cao hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp. Việc vận dụng và phát triển kế toán môi trường ở Việt Nam sẽ góp phần quản lý chi phí, gia tăng lợi nhuận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ở cấp doanh nghiệp và quốc gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Tài chính (2007), Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, NXB Tài chính
  2. , TS. Phạm Đức Hiếu, PGS., TS. Nguyễn Thị Kim Thái (2012), Kế toán môi trường trong DN, NXB Giáo dục, 2012
  3. Kỷ yếu hội thảo khoa học (2014), Kế toán quản trị trong môi trường kinh doanh hiện nay, Đại học Kinh tế TP. Hồ chí Minh
Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube