^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Dự báo về triển vọng kinh tế việt nam trong năm 2021

Kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2020 đã có những tín hiệu phục hồi khả quan sau đại dịch Covid-19. Với kỳ vọng dịch bệnh sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt và lộ trình phân phối vaccine trở nên rõ ràng hơn trong năm 2021, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực. Trong đó, có 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế là sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước, tác động từ các hiệp định thương mại và làn sóng đầu tư FDI. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế trong năm 2021 vẫn tiếp tục là dịch Covid-19 và khả năng phân phối của vắc-xin; cùng với ảnh hưởng từ cáo buộc thao túng tiền tệ có thể dẫn đến khả năng áp thuế toàn diện đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ và rủi ro bị hạ bậc tín nhiệm.

Từ khóa: Tăng trưởng, lạm phát, dự báo, GDP

  1. Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam 2021

Trong năm 2020, Việt Nam đã tương đối thành công trong việc khống chế dịch Covid. Vắc-xin hiện tại đã bắt đầu được phân phối tại tại Việt Nam và được kỳ vọng phân bố diện rộng vào nửa sau của 2021. Do vậy, hoạt động dịch vụ, du lịch, lưu trú chưa thể hồi phục như thời điểm trước dịch và việc mở cửa cho các đường bay quốc tế cũng sẽ giới hạn trọng nhóm các quốc gia kiểm soát tốt dịch. Với kịch bản cơ sở như trên, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam được dự đoán ở mức tương đối khả quan. Trên cơ sở các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm tiêu dùng nội địa, hồi phục hoạt động sản xuất chế biến chế tạo, các hiệp định FTAs, và sự quay lại của dòng vốn FDI, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2021 ở mức 6,5%..

Cùng với đó, quỹ tiền tệ quốc tế IMF cũng đưa ra nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có khả năng sẽ đạt mức 6.5% năm 2021 nhờ nền tảng vững vàng và những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ. Trong khi đó, Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng nhận định mặc dù tình hình hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố bất định nhưng năm 2021, Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh mẽ . World Bank kỳ vọng, với nhiều tín hiệu tích cực như việc nghiên cứu vaccine đã có bước tiến triển rõ rệt, các hoạt động thương mại đang dần trở lại, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng tốt vào năm 2021 với triển vọng ở mức 6,8%. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) căn cứ vào 4 yếu tố:(1) nhu cầu bên ngoài đã và sẽ dần phục hồi vào năm 2021, có lợi cho một nền kinh tế có độ mở rộng như Việt Nam; (2) các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã và đang thích nghi dần trong sống chung với đại dịch, trong khi đang chờ đợi sự đột phá trong việc nghiên cứu và tìm kiếm vaccine; (3) Việc đóng cửa toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ không xảy ra như ở những tháng đầu năm 2020, do vậy, nhu cầu bên ngoài sẽ dần phục hồi, tạo điều kiện cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu nhiều hơn nữa; (4) giải ngân đầu tư công đang được đẩy mạnh, sự cơ cấu lại dòng vốn và thương mại quốc tế sẽ tiếp tục tác động tích cực đến tăng trưởng trong năm 2021. Từ đó, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,3% trong năm 2021.

Biểu đồ 1: Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021

  1. Dự báo tỷ lệ lạm phát của Việt Nam 2021

Trong năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 trên thế giới dần được khống chế, các loại vắcxin COVID-19 được tiêm chủng trên diện rộng và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục như kỳ vọng nên giá cả nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới khó tăng mạnh. Ngoài ra, với việc dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam đang được khống chế và việc tái đàn đang được khôi phục với nhiều tín hiệu khả quan, cho thấy cung - cầu thịt lợn ở Việt Nam năm 2021 sẽ bớt căng thẳng, giá thịt lợn sẽ dần ổn định. Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra. Từ những biểu hiện trên cho thấy, nhiều tổ chức kinh tế - tài chính, trong đó có IMF đều đưa ra nhận định, lạm phát của Việt Nam năm 2021 dự kiến sẽ kiểm soát tốt và đạt được mục tiêu dưới 4% do Quốc hội đề ra.

Bảng 1: Ước tính chỉ số CPI bình quân năm 2021

STT

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ

Quyền số

+/- (%YoY)

CPI 2021 (%)

1

Hàng ăn và dịch vụ ăn uống

 

 

 

 

Lương thực

4.46

6

0.27

 

Thực phẩm

22.60

3

0.68

 

Ăn uống ngoài gia đình

9.06

7

0.63

2

Đồ uống và thuốc lá

3.59

2

0.07

3

May mặc, mũ nón, giày dép

6.37

1.5

0.10

4

Nhà ở, điện nước, chất đốt, VLXD

15.73

5

0.79

5

Thiết bị và đồ dùng gia đình

7.31

1.5

0.11

6

Thuốc và dịch vụ y tế

5.04

3

0.15

7

Giao thông

9.37

5

0.47

8

Bưu chính viễn thông

2.89

-0.5

-0.01

9

Giáo dục

5.99

3

0.18

10

Văn hóa, giải trí và du lịch

4.29

1

0.04

11

Khác

3.30

3

0.10

Tổng

3.57

(Nguồn: Báo cáo của IMF, 2021)

  1. Dự báo lãi suất và tỷ giá hối đoái năm 2021

Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì trạng thái nới lỏng trong năm 2021 nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn. Nhiều khả năng khi giá tiêu dùng vẫn chưa gây quá nhiều áp lực cho nền kinh tế, NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa trong nửa đầu năm 2021. Tăng trưởng M2 sẽ tăng nhẹ so với năm 2020, dự kiến đạt 14% và nằm trong biên độ NHNN duy trì từ năm 2018. Mức tăng trưởng này được đánh giá là vừa đủ để có thể cung cấp một lượng tiền lớn vào nền kinh tế (khoảng 1.5 triệu tỷ đồng) và không tạo áp lực lên bong bóng giá tài sản. Tuy nhiên, điểm bất lợi trong năm 2021 là công cụ bơm tiền đồng thông qua việc mua ngoại tệ bị hạn chế. Trong trường hợp thanh khoản thiếu hụt tạm thời, nhiều khả năng NHNN sẽ phải nới thời gian đáo hạn trên thị trường OMO (hiện tại là 7 ngày).

 Tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lợi suất Trái phiếu Chính phủ đã giảm đến mức thấp nhất từ trước đến nay trong khi lãi suất huy động cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Dự báo mặt bằng lãi suất có thể sẽ chạm đáy vào nửa đầu năm 2021, khi NHNN hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2021 khi: 1) Kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 tăng; 2) Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh; và 3) Lộ trình siết tỉ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.

Kịch bản của đồng VND trong năm 2021 sẽ tăng giá khoảng 0.5 – 1% – trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tích cực và đồng USD giảm giá cũng với những nỗ lực của NHNN nhằm gỡ bỏ mác thao túng tiền tệ. Nguồn cung ngoại tệ được đánh giá vẫn duy trì trạng thái dồi dào 2021, khi hoạt động xuất nhập khẩu và kỳ vọng dòng vốn FDI chảy mạnh về Việt Nam. IMF đã dự báo khối lượng thương mại toàn cầu sẽ tăng khoảng 8% vào năm 2021 và với tỷ trọng đóng góp ngày càng cao trong xuất khẩu toàn cầu, Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi thương mại toàn cầu. Dòng vốn FDI giải ngân cũng kỳ vọng tích cực nhờ sự dịch chuyển sản xuất và hiệu quả của vắc-xin Covid-19.

Xu hướng của đồng USD nghiêng nhiều về phía giảm giá trong năm 2021 nhờ các tín hiệu như sau: 1) Sự lạc quan về vắc-xin Covid-19 giúp các nhà đầu tư chuyển hướng chú ý hơn sang các tài sản rủi ro, thay vì đồng tiền trú ẩn như USD và khiến cho cầu USD giảm; 2) Sự chuyển giao chính quyền của Mỹ vào đầu năm 2021 với việc chính quyền Dân chủ lên nắm quyền sẽ tăng khả năng duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng tại Mỹ; 3) Lập trường ôn hòa của Fed, ít nhất cho đến hết năm 2021 và việc Fed chuyển sang mục tiêu lạm phát trung bình có nghĩa là: (1) lãi suất thực duy trì âm; (2) đường cong lợi suất dốc hơn; và (3) đồng đô la yếu hơn.

Kết luận

Với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn rất phức tạp, gây ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, tuy nhiên, theo đánh giá của các tổ chức uy tín thì các chỉ số kinh tế của Việt Nam năm 2021 vẫn đạt được kỳ vọng khả quan và tích cực. Đây là một tiêu chí đáng khích lệ, cũng như mục tiêu cần cố gắng cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tổng cục thống kê – “Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và tháng 2 năm 2021”;
  2. Ngân hàng thế giới Worldbank – “Từ covid 19 đến biến đổi khí hậu, làm thế nào để Việt Nam trở thành tiên phong trong phục hồi xanh”;
  3. Bộ Kế hoạch và đầu tư – Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia – “Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021”;
  4. Trường Đại học Kinh tế quốc dân – “Báo cáo đánh giá tác động của Covid 19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách”;
  5. imf.org
  6. adb.org

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube