^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

ẢNH HƯỞNG CỦA COVID-19 ĐẾN HOẠT ĐỘNG CHUỖI CUNG ỨNG

Tóm tắt

Đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm gián đoạn nhiều hoạt động và mối liên kết kinh tế, trong đó có các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ khóa: Chuỗi cung ứng, covid, tác động.

  1. Khái quát chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng bao gồm mọi công đoạn có liên quan trực tiếp hay gián tiếp, đến việc đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chuỗi cung ứng không chỉ gồm nhà sản xuất và nhà cung cấp, mà còn nhà vận chuyển, kho, người bán lẻ và khách hàng.

 

 

 

Thành phần cấu tạo chuỗi cung ứng

Một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh được cấu tạo từ 5 thành phần cơ bản.

Nhà cung cấp nguyên liệu thô: là một phần quan trọng trong một chuỗi cung ứng, vì có nguyên liệu thì mới có thể sản xuất (SX).

Nhà sản xuất: Nếu chỉ có nguyên liệu thô thì không thể nào bán được cho khách hàng, vì thế một nhà SX sẽ hoàn thiện những nguyên liệu thô thành một thành phẩm. Nhà cung cấp nguyên liệu thô và nhà SX có mối liên kết chặt chẽ với nhau, một trong 2 nhà gặp trục trặc sẽ ảnh hưởng đến một chuỗi cung ứng.

Nhà phân phối: Sau khi đã có được sản phẩm, một mình nhà SX sẽ không thể nào đưa sản phẩm đến tay từng khách hàng. Nhà phân phối sẽ làm việc này.

Một nhà phân phối cũng không thể nào đưa sản phẩm đến được tất cả khách hàng trên thị trường. Vì vậy, các nhà phân phối sẽ liên kết với đại lý bán lẻ (tạp hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi,…) phân phối hàng hóa đến tay người dùng.

Đại lý bán lẻ: có nhiệm vụ bán lẻ các hàng hóa đó cho người dùng.

Khách hàng: là người cuối cùng tiêu thụ hàng hóa.

Với 5 thành phần này, cứ xoay vòng sẽ tạo thành một chuỗi cung ứng như hiện nay.

  1. Những ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng do Covid-19

Trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện đầu năm 2020 dẫn đến những biến động sâu rộng trên nền kinh tế toàn cầu, kể cả thị trường hàng hóa, dịch vụ và tài chính toàn cầu; tác động tiêu cực từ các biện pháp ngăn chặn đại dịch.

Các biện pháp phong tỏa để phòng chống đại dịch Covid - 19 đã làm các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, rối loạn kéo theo sự giảm mạnh cả ở phía “cầu” và phía “cung”, trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Về nguyên vật liệu: Đại dịch làm gián đoạn việc cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho các nhà sản xuất, chế tạo và bán lẻ toàn cầu. Sự đình trệ sản xuất và thương mại làm cho tất cả các chủ thể sản xuất kinh doanh (từ các tập đoàn đa quốc gia, các công ty xuyên quốc gia, các doanh nghiệp nội địa, đến kinh tế tư nhân, cá thể, hộ gia đình..) đều bị thu hẹp sản xuất kinh doanh, đình chỉ, đóng cửa, hoặc phá sản vì thua lỗ nghiêm trọng.

Minh chứng dễ thấy, Trung Quốc là “đại công xưởng” của thế giới, là nguồn cung khổng lồ linh kiện, hàng hóa bán thành phẩm và thành phẩm cho thế giới. Các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa càng kéo dài thì nguồn cung linh kiện và bán thành phẩm cho các nhà sản xuất và bán lẻ trên phạm vi toàn cầu càng cạn kiệt nhanh chóng. Vì thế chừng nào đại dịch còn diễn tiến thì sẽ càng có nhiều nhà sản xuất và bán lẻ phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì không thể có được (ngay và đủ) hàng hóa, nguyên vật liệu thay thế.

Các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số nền kinh tế lớn ở châu Âu là những nước cảm nhận rất rõ tác động này. Ví dụ cụ thể nhất là trang thiết bị y tế và khẩu trang phục vụ cho phòng, chống dịch Covid-19, có 70% khẩu trang ở Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc bên cạnh một số lượng đáng kể các loại dược phẩm. Khi dịch bệnh bùng phát, các quốc gia đóng cửa biên giới, Mỹ đã bị thiếu hụt khẩu trang y tế nghiêm trọng.

Ở Campuchia, các nhà máy dệt phải ngừng hoạt động vì sự chậm trễ trong việc giao các nguyên liệu đầu vào cho dệt may như chỉ, khuy, đế giày... từ Trung Quốc.  

Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến Việt Nam, quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc để nhập khẩu nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp đồng thời xuất khẩu sang nước này.

Về lao động: Tình trạng thất nghiệp, thiếu hụt cả lao động tri thức lẫn chân tay do những hạn chế di chuyển, kiểm dịch hoặc bệnh tật.

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do dịch Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu, so với số lượng người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu trong năm 2019. Hàng trăm triệu lao động trên thế giới bị mất việc làm hoặc giảm việc làm, dẫn đến giảm hoặc không có thu nhập, bị rơi vào tình trạng không được đảm bảo tốt về an sinh xã hội, nghèo đói, cùng cực. Xã hội nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Khi nhiều thị trường quốc tế bước vào trạng thái tạm ngừng hoạt động, cơ hội chi tiêu tiền cũng bị giới hạn đáng kể. Ngành công nghiệp khách sạn và du lịch chịu ảnh hưởng đầu tiên, nhưng hầu hết tất cả các hoạt động kinh tế khác cũng đã nhanh chóng bị tác động. Niềm tin kinh doanh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi các công ty đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh ở mức ổn định trong khi nguồn doanh thu của họ sụt giảm đáng kể. Hậu quả gần như không thể tránh khỏi chính là việc cắt giảm nhân sự để duy trì sự tồn tại của công ty. Tốc độ lây nhiễm cao của virus Covid-19 đã đẩy phần lớn dân số trên thế giới vào tình cảnh nguy hiểm và những quy định khắt khe hơn đã khiến cho người dân thực hiện “giãn cách xã hội” nhằm hạn chế sự tiếp xúc. Hoạt động giảng dạy ngừng lại, trường học đóng cửa và càng ngày càng nhiều người làm việc tại nhà, tránh tụ tập đông người hay tham gia bất kì các hoạt động xã hội với quy mô lớn.

Về Logistics: Việc tìm các tuyến đường và phương tiện giao thông thay thế sẽ trở nên khó khăn. Các trung tâm và mạng lưới cung ứng có thể gặp phải hạn chế về năng lực và tính sẵn có.

Tác động ban đầu của đại dịch bộc lộ rõ nhất qua việc giảm và đình chỉ hoạt động của một số ngành dịch vụ quan trọng như giao thông (hàng không, hàng hải, giao thông công cộng…), du lịch, giải trí… Tình trạng hàng hóa không thể xuất khẩu được cho thấy bức tranh chung của thương mại thế giới khi mọi hoạt động thương mại, từ xuất nhập khẩu dầu, khí đốt đến nhiều mặt hàng đồ khô, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch cúm corona.

Các hãng vận tải hàng hóa đang tìm mọi cách để vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường biển hoặc đường hàng không. nhựa đang bị ách lại tại các cảng biển bởi sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19.

Khoảng 90% hoạt động thương mại thế giới diễn ra trên tuyến đường biển, và Trung Quốc là nguồn cung ứng hàng lớn của ngành hàng hải thế giới. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng Trung Quốc đã khiến cho nhiều công ty sản xuất lao đao. Các hãng sản xuất lớn như Hasbro, Michael Kors, Versace, Jimmy Choo,… hiện đang gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Hàng hóa từ châu Âu đang được định tuyến lại thông qua các địa điểm như Mexico và Canada để đến Hoa Kỳ, nhưng việc đó phải tốn thêm thời gian và chi phí. Chẳng hạn, chi phí cho các dịch vụ trực tiếp từ châu Âu đến Hoa Kỳ hiện nay trong khoảng từ 5 đến 10 euro mỗi kg so với dưới 1 euro trong điều kiện bình thường; chi phí rủi ro hàng hóa tăng thêm vì phải trả tiền công cao hơn cho tài xế để đảm bảo đủ năng lực vận tải. Về vận tải đường biển, có sự thiếu hụt container – thiếu đến hàng chục ngàn container ở châu Âu và Hoa Kỳ - khi các hãng tàu phải đối mặt với việc phải gửi đủ thiết bị sau khi bị gián đoạn do đóng cửa của Trung Quốc.

Việc thiếu thuyền viên cho tàu cũng đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hải. Các vấn đề từ việc tìm đủ tài xế xe tải đến hạn chế đối với người đi biển và thiếu khả năng đáp ứng của vận tải hàng không đang ảnh hưởng đến dòng luân chuyển bình thường của hàng hóa, các nhà điều hành logistics hàng hóa cho biết.

Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận tải đường biển, Covid-19 còn khiến cả vận chuyển hàng hóa đường hàng không bị gián đoạn. Dự trữ và thu gom hàng hóa trong hoảng loạn của người tiêu dùng cũng đang trở nên căng thẳng hơn. Các công ty liên quan đến vận chuyển hàng hóa đang trở nên khó khăn trong vận tải hàng không khi nhiều hãng hàng không đóng cửa dịch vụ, làm tăng thêm khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa quan trọng như thuốc men và thực phẩm dễ hỏng.

Về người tiêu dùng: 

Người tiêu dùng có những thời điểm không mua được những mặt hàng thiết yếu. Khi lệnh phong tỏa áp đặt sớm ở Trung Quốc đã tạo ra sự hỗn loạn chưa từng thấy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc dừng đột ngột hoặc trì hoãn khiến cho tình trạng thiếu hụt xảy ra và hàng tồn kho của các công ty cạn kiệt nhanh chóng.

Trên một bình diện khác, người tiêu dùng đang tỏ ra thận trọng hơn khi mua hàng vì những lo ngại khi tiếp xúc với người khác có thể dẫn tới nguy cơ lây nhiễm Corona. Nhiều đơn vị đã bắt đầu quan tâm, dịch chuyển sang bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, điều đó chỉ làm mạng lưới logistics đứng trước nhiều thách thức hơn.

Thêm vào đó, dịch Covid-19 xảy ra và nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới làm sức mua của nền kinh tế toàn cầu giảm, hoạt động giao thương hạn chế, dẫn đến việc giãn, huỷ, hoãn các đơn đặt hàng, gây sụt giảm kim ngạch xuất khẩu và làm giảm sản lượng, doanh thu của DN. Điều này ảnh hưởng đến nhiều DN ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.

  1. Kết luận

Tình trạng hỗn loạn kinh tế do đại dịch gây ra đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Song, cuộc khủng hoảng này đã tạo ra một cái nhìn mới về mạng lưới cung ứng và tạo sức ép để lấp chỗ trống, hàn gắn các "vết nứt" trên chuỗi cung ứng.

Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế là điều không tránh khỏi. Đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, gián đoạn, bộc lộ những điểm yếu ở một số mắt xích, và đây cũng chính là cơ hội để một số nền kinh tế tiềm năng chứng tỏ khả năng, lợi thế cho mình nhằm thay thế các mắt xích yếu. Đã đến lúc cần áp dụng một tầm nhìn mới phù hợp với thực tế của kỷ nguyên mới, vừa thúc đẩy các chuỗi liên kết nhưng cũng vừa cải thiện tính chủ động, khả năng phục hồi và giảm rủi ro từ những gián đoạn có thể xảy ra trong tương lai. Chẳng hạn như: tạo sự minh bạch trên các chuỗi cung ứng, thiết lập danh sách các yếu tố quan trọng, xác định nguồn gốc của nguồn cung và đa dạng hóa nguồn cung hay nguyên vật liệu, xác định các nguồn cung ứng thay thế; Ước tính hàng tồn kho có sẵn trong chuỗi giá trị, bao gồm nguyên vật liệu thay thế và tồn kho sau bán hàng để duy trì hoạt động sản xuất và sẵn sàng giao hàng; Đánh giá nhu cầu thực tế của khách hàng cuối cùng và đáp ứng các trường hợp mua nợ của khách hàng; Tối ưu hóa năng lực sản xuất và phân phối mở rộng các kênh phân phối, đặc biệt là các kênh phân phối trực tuyến.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thành Hiếu (2015), Quản trị chuỗi cung ứng, NXB ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
  2. Báo cáo đánh giá tác động của covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách, trường ĐH Kinh tế Quốc dân
  3. Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19: Phân tích các tác động tiềm ẩn của COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam, PwC Việt Nam.
  4. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2020.
  5. Tổ chức Lao động Quốc tế (2020), Báo cáo nhanh COVID-19 và Việc làm: Tác động và Ứng phó.

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube