^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Vì sao Việt Nam cần phải tăng cường hỗ trợ cho ngành nông nghiệp trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay?

Lý thuyết lợi thế so sánh được phát triển dựa trên quan điểm lơi thế tuyệt đối của Adam Smith. Theo đó, Ricardo đã nhấn mạnh: Những nước có lợi thế tuyệt đối hoàn toàn hơn hẳn các nước khác, hoặc bị kém lợi thế tuyệt đối so với các nước khác trong sản xuất mọi sản phẩm, thì vẫn có thể và vẫn có lợi khi tham gia vào phân công lao động và thương mại quốc tế bởi vì mỗi nước có một lợi thế so sánh nhất định về sản xuất một số sản phẩm và kém lợi thế so sánh nhất định về sản xuất các sản phẩm khác. Bằng việc chuyên môn hoá sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mà nước đó có lợi thế so sánh, mức sản lượng và tiêu dùng trên thế giới sẽ tăng lên, kết quả là mỗi nước đều có lợi ích từ thương mại. Như vậy lợi thế so sánh là cơ sở để các nước buôn bán với nhau và là cơ sở để thực hiện phân công lao động quốc tế.

Từ việc nghiên cứu lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo, Việt Nam đã xác định được lợi thế của mình là trong sản xuất nông nghiệp và sản xuất những mặt hàng sử dụng nhiều lao động. Việt Nam chủ yếu tâp trung xuất khẩu những mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, cao su, những mặt hàng thô sơ chưa qua sơ chế (dầu thô, than đá..) và sau này là những mặt hàng sử dụng nhiều lao động như dệt may, giầy dép… Xuất phát từ những lợi thế rất rõ mà Việt Nam đang có là vị trí địa lý thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp với trên 9 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có hai vùng đồng bằng phì nhiêu là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, là những vùng trồng lúa được xếp vào loại tốt nhất của thế giới; có vùng đất đồi núi bao la có thể phát triển cây công nghiệp và rừng; có bờ biển dài tới 3.200 km, cùng với diện tích mặt nước lớn khác có thể phát triển thuỷ sản.

Song, có thể thấy, nền nông nghiệp Việt Nam cách đây vài năm và nền nông nghiệp ở thời điểm hiện tại, một người bình thường sẽ không nhận ra được sự khác nhau ẩn giấu bên trong. Thực tế là sản lượng các ngành nông nghiệp chủ đạo như lúa gạo, cà phê hay hồ tiêu ít suy suyển so với cách đây vài năm, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu gạo và cà phê nằm trong top dẫn đầu thế giới. So với giai đoạn được xem là hoàng kim, là bệ đỡ cho nền kinh tế đất nước, thì nền nông nghiệp không có dấu hiệu suy giảm trầm trọng.

Nhưng điểm yếu chí tử của nông nghiệp Việt Nam lại nằm chính ở chỗ không chịu thay đổi. Sự hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới đã che khuất đi những điểm yếu cố hữu vốn đầy rẫy trong nền nông nghiệp Việt Nam; để giờ đây khi hào quang ấy sắp tắt, thì một nền nông nghiệp chứa đầy những khuyết tật mới lộ ra.

Đọc những con số thống kê về thực trạng nông nghiệp Việt Nam, dù là một người không am hiểu về nông nghiệp cũng phải ngỡ ngàng. Gần 60% nguồn lực xã hội đổ vào nông nghiệp nhưng số doanh nghiệp chịu đầu tư vào lĩnh vực này chỉ chiếm 1%, không chỉ có quá ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mà phần lớn khả năng sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đều ở mức manh mún và cực kỳ lạc hậu. Có tới 80% nông dân có diện tích canh tác dưới 1ha và trên 4 thửa 1 hộ.

Nói cách khác, ngoại trừ một số ứng dụng khoa học kỹ thuật ở mức tối thiểu như phân bón và thuốc trừ sâu, đa phần nông dân Việt Nam vẫn đang canh tác theo đúng mô hình manh mún trên các mảnh ruộng nhỏ hẹp như thời phong kiến; dấu hiệu của cơ khí hóa và hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp là cực ít. Sự lạc hậu ấy đang khiến cho những nỗ lực cải cách nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nông sản khó tiếp cận với thị trường và giá thành quá rẻ mạt, khiến cho ngày càng nhiều trường hợp nông dân bỏ ruộng xuất hiện.

Cho đến trước khi Việt Nam gia nhập AEC và TPP, sự yếu kém ấy của nông nghiệp được xem như một câu chuyện theo kiểu khép cửa bảo nhau; nhưng khi các hiệp định kinh tế trên đã đi vào thực thi và buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài, thì câu chuyện đã rẽ sang một hướng khác. Số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp quá ít và quá yếu cả về quy mô lẫn sức cạnh tranh để có thể đối đầu với doanh nghiệp nước ngoài.

Nói về sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp ngoại thì các doanh nghiệp nông nghiệp là yếu kém nhất. Nó sẽ dẫn đến khả năng rất lớn là các doanh nghiệp ngoại sẽ thâu tóm các doanh nghiệp nội, và bắt đầu đầu tư vào nền nông nghiệp Việt Nam, trong đó người nông dân Việt Nam sẽ chỉ là những người làm thuê ngay trên mảnh đất của mình. Thậm chí các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, tiêu cũng sẽ dần bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm.

Sự yếu kém cao độ của nền nông nghiệp Việt Nam và đi cùng với đó là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, chủ yếu đến từ 3 nguyên nhân: giảm tỷ trọng đầu tư, những khuyết tật về cơ chế chính sách, và thiếu chiến lược dài hạn. Tỷ trọng đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam ngày càng có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng, điển hình như từ mức 15% trong năm 2005 đến nay chỉ còn có 9% - một mức đầu tư quá thấp trong khi mức đầu tư của nền kinh tế là trên 30%.

Nhưng vẫn chưa đáng lo ngại bằng những khuyết tật về chính sách, việc hạn chế tích tụ ruộng đất quy mô tạo nên một rào cản cực lớn đối với việc hình thành các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, rất ít có những chính sách hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp hay khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Chính vì vậy, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế, Nhà nước cần phải tăng cường chính sách hỗ trợ cho ngành nông nghiệp như chính sách  hỗ trợ DN xây dựng và thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường; Chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp; Chính sách miễn giảm thủy lợi phí; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua đầu tư các dự án...

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ không đồng nghĩa với trợ cấp. Sai lầm cốt lõi của chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn hiện nay đang là trợ cấp bằng đủ hình thức khác nhau đến người dân. Chính sách kiểu “hỗ trợ” tất yếu tạo ra cơ chế xin cho. Cơ chế xin cho, đến lượt nó là điều kiện cần, kết hợp với điều kiện đủ là sự yếu kém trong việc giám sát từ cơ quan dân cử, truyền thông và tổ chức xã hội độc lập, tạo ra mảnh đất không thể màu mỡ hơn cho vòi vĩnh, tham nhũng, thất thoát và sử dụng “tiền cho” sai mục đích, sai đối tượng. Từ chính sách hỗ trợ dê, bò của Nhà nước, trâu, gà từ dự án dễ dàng đi lạc vào trang trại của quan xã và người thân. Cũng từ chính sách hỗ trợ, việc chạy dự án, đưa phong bì, chia phần trăm cho “bên cho” trở thành thông lệ.

Ở chiều ngược lại, những người làm chính sách trở nên ngày càng “nghiện” cách thiết kế chính sách kiểu này, bởi vì nó vừa là cách dễ dàng nhất trong thực thi, giải ngân, và báo cáo thành tích, một mặt khác quan trọng hơn, cũng là thứ dễ dàng mang lại lợi ích cho họ dựa trên vị thế của người đi “cho”.

Hệ quả thứ hai, nguy hiểm hơn rất nhiều, của chính sách hỗ trợ là tạo ra tâm lý phụ thuộc và dựa dẫm của bên nhận vào Nhà nước. Chúng ta đã có quá nhiều bài học thất bại về việc doanh nghiệp nhà nước không thể lớn cũng như không chịu lớn vì bảo hộ, trợ cấp nặng nề. Chúng ta cũng đang có hàng chục triệu nông dân sản xuất nhỏ đang rơi vào vòng xoáy “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” và trông chờ, dù âm thầm hơn, sự hỗ trợ từ Nhà nước.

 Theo tài liệu nghiên cứu, 80% thu nhập của nông dân tại các nước Châu Âu từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ để người nông dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo quy hoạch và vệ sinh an toàn thực phẩm, … Mức hỗ trợ của nước ta cũng rất lớn. Tuy nhiên, cách hỗ trợ của chúng ta chưa gắn với trách nhiệm của nông dân, hoặc chính sách chưa rõ ràng, người nông dân chưa được hưởng lợi, gây thiệt hại kinh tế, sức khỏe cho xã hội. Nông sản sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap được hỗ trợ như trên, sẽ giúp nông dân hoàn toàn có thể cạnh tranh với các loại nông sản thông thường, thu nhập cao hơn vì ngoài tiền bán hàng, người nông dân còn được miễn giảm 100% thuế nông nghiệp, 100% thủy lợi phí và được hỗ trợ tài chính. Thiết nghĩ, đây là chính sách rất nhiều nước đã áp dụng, vì vậy, chúng ta cần phải có nghiên cứu tổng thể, đánh giá các chính sách hỗ trợ (kinh phí đã chi, ưu, nhược điểm) để đưa ra giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả sản xuất của nông dân và giảm thiệt hại cho xã hội.

Tài liệu tham khảo:

  1. TS. Tạ Thị Đoàn (2017), Phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí Tài chính.
  2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016), Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tháng 12/2016 ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn;
  3. Phạm Tất Thắng (2017), Biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế, truy cập từ http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2017/42846/Bien-doi-khi-hau-va-tang-truong-kinh-te.aspx.

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube