^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN PHONG TRÀO KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH

Tóm tắt

Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh đã và đang được nhà trường hết sức quan tâm. Trong thời gian vừa qua, nhà trường đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển phong trào khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động hỗ trợ của nhà trường vẫn còn những hạn chế nhất định. Bài viết sẽ tập trung phân tích thực trạng của phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đưa ra các giải pháp phát triển phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh.

Từ khóa: đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, sinh viên, Trường Đại học Hà Tĩnh, giải pháp

  1. Đặt vấn đề

Với các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, phong trào khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên (HSSV) tại Việt Nam nói chung và trường Đại học Hà Tĩnh nói riêng ngày càng sôi nổi. Đây là cơ hội dành cho các đoàn viên thanh niên, HSSV có đam mê khởi nghiệp, tự thân lập nghiệp. Hoạt động này đã tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến cộng đồng xã hội và đạt được nhiều kết quả khả quan. Đối với sinh viên, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vừa giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn, vừa tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Trên cơ sở đó, hoạt động này góp phần tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh đang được nhà Trường hết sức quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, kết quả đạt được của phong trào khởi nghiệp vẫn còn hạn chế, các ý tưởng kinh doanh còn là các ý tưởng nhỏ, chưa có tính mới, khó có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn đầu tư. Vì vậy cần phải có những giải pháp hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng, nguồn vốn, tạo môi trường nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo mới để duy trì, phát triển phong trào đổi mới sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh.

2. Thực trạng các hoạt động hỗ trợ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại trường Đại học Hà Tĩnh tương đối sôi nổi, môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành, nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được tổ chức, bước đầu đã tạo ra được những hiệu ứng tích cực.

Tháng 3/2017, Đoàn trường Đại học Hà Tĩnh phối hợp cùng Tỉnh đoàn tổ chức Lễ phát động chương trình thanh niên khởi nghiệp và diễn đàn sinh viên khởi nghiệp 2017 với 450 đoàn viên thanh niên tham gia.

Trong 3 năm 2017 – 2019, trường Đại học Hà Tĩnh đã duy trì tổ chức khóa học “Ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp” và cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp cho đối tượng HSSV, năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 nên hoạt động này bị tạm dừng.

Năm 2017, Trường Đại học Hà Tĩnh tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp năm 2017” dưới sự bảo trợ chuyên môn của Trung tâm Hoa Kỳ và Đại sứ quán Mỹ. Cuộc thi được tổ chức trong vòng 3 tháng với 3 vòng thi đã thu hút trên 500 học sinh THPT trên địa bàn Hà Tĩnh tham gia. Trong khuôn khổ cuộc thi, Trường Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức khóa học “Ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp 2017” với sự tham gia của 80 học viên, bước đầu đã giúp khơi gợi, kích thích và định hướng cho HSSV các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Khóa đào tạo đã giúp các bạn HSSV được tiếp nhận các kiến thức về Mô hình kinh doanh Canvas và vận dụng để phát triển ý tưởng kinh doanh; gặp gỡ và trò chuyện cùng các mô hình khởi nghiệp thành công; cách đàm phán trong môi trường làm việc và kinh doanh để tự tin thể hiện kỹ năng, năng lực và đam mê của bản thân; khai thác nhu cầu thị trường; marketing sản phẩm…Khóa đào tạo đã cung cấp cho người học những khái niệm và kỹ năng cơ bản để biến những ý tưởng kinh doanh thành hiện thực. Khóa học được giảng dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên sẽ nhận được chứng nhận của Trường Đại học Hà Tĩnh và Trung tâm Hoa Kỳ.

Năm 2018, trường tổ chức khóa học khởi nghiệp và cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” dành cho học sinh THPT, cuộc thi thu hút hơn 2000 thí sinh đăng ký với 150 ý tưởng ở vòng sơ khảo, 06 ý tưởng xuất sắc vào chung kết. Năm 2019, Trường Đại học Hà Tĩnh tiếp tục tổ chức lớp “Ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp” với trên 50 thành viên tham gia, đồng thời tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” năm 2019 và có 06 ý tưởng lọt vào vòng chung kết.

Hàng năm, trường Đại học Hà Tĩnh đã phối hợp cùng một số đơn vị khác tổ chức tổ chức một số diễn đàn, hội thảo khởi nghiệp dành đối tượng học sinh, sinh viên. Các diễn đàn, hội thảo này đã tạo cơ hội tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm, định hướng khởi nghiệp từ các chuyên gia, các doanh nhân, các cố vấn cho các bạn trẻ là học sinh, sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh và đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh, đồng thời cũng là cơ hội để các bạn trẻ trình bày ý tưởng, được giải đáp các vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp của bản thân.

Tháng 1/2020, trường ra mắt câu lạc bộ “Sinh viên khởi nghiệp”. Dưới sự hỗ trợ của Đoàn thanh niên và Hội sinh viên, câu lạc bộ này là một môi trường năng động, kết nối các bạn sinh viên có cùng đam mê với hoạt động khởi nghiệp. Với lịch sinh hoạt thường xuyên, các bạn trong câu lạc bộ đã cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm. Thông qua các hoạt động này, các thành viên trong câu lạc bộ đã cùng nhau giúp đỡ để các ý tưởng của thành viên có thể được hoàn thiện.

Bên cạnh đó, các khoa, bộ môn đã tích cực cải tiến chương trình học, phối hợp tổ chức tư vấn việc làm cho sinh viên, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, trang bị, nâng cao những kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm để sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp. Hàng năm các khoa bộ môn đều tổ chức các cuộc thi rèn nghề, Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học. Đó là cơ sở rèn luyện các kiến thức và kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp cho sinh viên, đồng thời hình thành những ý tưởng khoa học, nuôi dưỡng những ý tưởng của sinh viên. Bên cạnh đó, Trường và các Khoa, Bộ môn thường xuyên khảo sát nhu cầu việc làm của cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cải tiến chương trình đào tạo, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

3. Đánh giá thực trạng các hoạt động hỗ trợ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh

            3.1. Những kết quả đạt được

Các hoạt động hỗ trợ phong trào khởi nghiệp cho sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh được tổ chức khá phong phú: phối hợp với các tổ chức uy tín mở các khóa học ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp tạo nền tảng kiến thức cho các em học sinh, sinh viên; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, mời những doanh nhân thành công về nói chuyện, chia sẻ, truyền cảm hứng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên các diễn đàn sinh viên; khuyến khích sinh viên, đoàn viên thanh niên ý tưởng tham gia các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cấp trường, cấp tỉnh, thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp cho sinh viên. Thông qua các hoạt động này đã nuôi dưỡng những ý tưởng của sinh viên và cung cấp các kiến thức và rèn luyện các kỹ năng góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

Các hoạt động hỗ trợ phong trào khởi nghiệp cho sinh viên Đại học Hà Tĩnh được diễn ra một cách thường xuyên, liên tục. Trong giai đoạn 2017 – 2021, mỗi năm nhà trường đều tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ phong trào khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Kết quả của các hoạt động này là các ý tưởng khởi nghiệp đã được hoàn thiện sau các khóa học, đạt giải trong cuộc thi cấp trường. Một số ý tưởng cũng đã gửi đi dự thi cấp tỉnh và đạt giải.

Bên cạnh hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, hàng năm các Khoa bộ môn đều tổ chức các cuộc thi, hội thảo để định hướng việc làm, phát huy tính sáng tạo, đổi mới của sinh viên trong việc định hướng nghề nghiệp.

3.2. Hạn chế và nguyên nhân

Nội dung các khóa ươm mầm khởi nghiệp chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ hình thành và lập dự án cho các ý tưởng, chưa chú trọng nhiều và làm rõ ý nghĩa của khởi nghiệp sáng tạo, cho nên các ý tưởng khởi nghiệp của các bạn HSSV là những ý tưởng nhỏ, xuất phát từ sở thích bản thân, đa phần các ý tưởng đó không có tính mới, sáng tạo.

Các hoạt động khác chủ yếu tập trung vào tham gia các diễn đàn, chia sẻ kinh nghiệm, chưa có các hoạt động tham quan thực tế, học hỏi các mô hình đã được hiện thực hóa thành công. Điều này khiến cho các bạn sinh viên gặp khá nhiều lúng túng khi hiện thực hóa ý tưởng của mình do thiếu kinh nghiệm thực tế.

Bên cạnh đó, nhà trường chưa có cơ chế hỗ trợ để học sinh, sinh viên có thể hiện thực hóa ý tưởng của mình. Các ý tưởng kinh doanh của học sinh, sinh viên cơ bản vẫn chưa được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Các bạn sinh viên có tuổi đời còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như tài sản đảm bảo để vay vốn. Vì vậy, nếu không có các cơ chế hỗ trợ vốn hoặc các ưu đãi về vốn vay, rất khó để các ý tưởng khởi nghiệp này có thể hiện thực hóa.

4. Một số giải pháp phát triển phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh.

4.1. Tổ chức các hoạt động đi tham quan, học hỏi các mô hình khởi nghiệp thành công trên địa bàn

Song song với việc mở các lớp học ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp, tập huấn các kiến thức về khởi nghiệp cho học sinh sinh viên, nhà trường cần tổ chức thêm các hoạt động tham quan, học hỏi các mô hình khởi nghiệp thành công trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có rất nhiều mô hình khởi nghiệp đã thành công, vì vậy, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên có thể liên hệ với chủ các mô hình này để sinh viên có thể đến tham quan, học hỏi. Việc được tiếp cận thực tế sẽ giúp các em có những tư duy nền tảng cho việc hiện thực hóa các ý tưởng của mình. Đồng thời, trong quá trình tiếp xúc các em có thể hỏi những kinh nghiệm thực tế của chủ các mô hình, tìm hiểu kỹ hơn về những khó khăn có thể gặp phải khi đi vào thực hiện. Đồng thời, các em có thể bước đầu hình dung được việc kinh doanh thực tế là như thế nào, bố trí sản xuất, kinh doanh ra sao, các cách để có thể huy động được nguồn vốn cho dự án của mình. Thực hiện tốt hoạt động này sẽ tạo nền tảng giúp các ý tưởng kinh doanh của sinh viên được hoàn thiện hơn, đồng thời có thể giúp một số ý tưởng tốt có thể hiện thực hóa được thành công.

4.2. Xây dựng Không gian đổi mới sáng tạo tại Trường

Không gian đổi mới sáng tạo là một địa điểm, không gian được hình thành nhằm kết nối, hỗ trợ phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại cơ sở theo định hướng chung của Trường. Không gian đổi mới sáng tạo có nhiệm vụ gắn kết, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của HSSV, đồng thời có thể hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn trong việc nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm mới cho doanh nghiệp.

Việc xây dựng Không gian đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Hà Tĩnh là hết sức cần thiết, đó sẽ là môi trường nuôi dưỡng, ươm mầm các ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp của HSSV. Khi xây dựng Không gian đổi mới sáng tạo, trường Đại học Hà Tĩnh sẽ tập trung triển khai các hoạt động: cung cấp hạ tầng, đào tạo, truyền thông, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ trọn gói, kết nối thị trường công nghệ, và các hoạt động khác nhằm hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo.

Với lợi thế có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện tại, không gian rộng lớn, nhà trường có thể tạo một không gian rộng rãi tại một phòng trong tòa nhà hiệu bộ 15 tầng, có đầy đủ các trang thiết bị về hệ thống máy tính, hệ thống mạng internet, tài liệu, sách kiến thức về khởi nghiệp. Trong không gian này, HSSV sẽ có cơ hội tiếp cận cách học tập, làm việc mới, tham khảo các kiến thức trong sách, tài liệu, một số mô hình khởi nghiệp thành công, từ đó có thể cùng nhau nghiên cứu, sáng tạo ý tưởng. Đồng thời, nhà trường cũng có thể triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất doanh nghiệp. Đồng thời, nhà trường có thể tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với cách vận hành các doanh nghiệp trong thực tế, từ đó có thể tích lũy kinh nghiệm để có thể hiện thực hóa các ý tưởng của mình trong tương lai.

4.3. Thành lập Nhóm tư vấn, đồng hành cùng ý tưởng khởi nghiệp

Việc thành lập một nhóm chuyên tư vấn, đồng hành cùng ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên là thật sự cần thiết, khi hiện nay các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên Đại học Hà Tĩnh đa phần còn nhỏ lẻ, chưa có tính sáng tạo và khả thi cao. Một trong những lợi thế của Trường Đại học Hà Tĩnh là có nguồn nhân lực chất lượng cao gồm các giảng viên có trình độ đào tạo từ thạc sĩ trở lên, nghiên cứu và có kinh nghiệm thực tế trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, công nghệ thông tin, kỹ thuật, xây dựng, nông nghiệp... Vì vậy, nhà trường có thể thành lập một nhóm tư vấn, đồng hành cùng ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, với đội ngũ các thầy cô nhiệt tình, giàu kinh nghiệm, thuộc các lĩnh vực khác nhau. Nhiệm vụ chính của Nhóm này đó là đồng hành cùng sinh viên, giải đáp các thắc mắc, hỗ trợ sinh viên từ khi sinh viên bắt đầu có ý tưởng cho đến khi hoàn thành ý tưởng đó, những ý tưởng nào không phù hợp và không khả thi sẽ được các thầy cô tư vấn chuyển sang hướng ý tưởng khác. Trên cơ sở các ý tưởng đã tư vấn, hàng năm Nhóm sẽ lựa chọn ra các ý tưởng tiềm năng để giúp các em hoàn thiện, gửi đi dự thi ở cấp cao hơn.

4.4. Thành lập, kết nối các Quỹ khởi nghiệp

Như đã đánh giá ở trên, một trong những nhược điểm của phong trào khởi nghiệp của sinh viên Đại học Hà Tĩnh là không có nguồn quỹ hỗ trợ. Hiện nay, kinh phí của các hoạt động hỗ trợ được trích ra từ nguồn quỹ dành cho các hoạt động của Đoàn trường, Hội sinh viên và các hoạt động của các đơn vị trực thuộc khác. Thực tế, chưa có một nguồn quỹ riêng được thiết lập để dành cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên.

Các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên Đại học Hà Tĩnh hiện nay đã có những ý tưởng đạt giải khi gửi dự thi cấp trường, cấp tỉnh, tuy nhiên hiếm có ý tưởng nào được hiện thực hóa thành công. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc không tiếp cận được nguồn vốn đầu tư. Thực tế, các bạn sinh viên có tuổi đời còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như tài sản đảm bảo để vay vốn, các ý tưởng mới được hình thành trên lý thuyết, chưa thực sự được hoàn thiện thì việc kêu gọi vốn đầu tư để hiện thực hóa ý tưởng của mình thực sự rất khó khăn.

 Nhà trường có thể kết nối với doanh nghiệp, hình thành nguồn quỹ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Sự đồng hành của các doanh nghiệp hỗ trợ về mặt tài chính để triển khai các dự án kinh doanh có tính khả thi là rất cần thiết, góp phần biến những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, những đề án khởi nghiệp có thể trở thành hiện thực, từ đó thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên.

5. Kết luận

Trong giai đoạn hiện nay, trước nhu cầu cần có những định hướng mới để phát triển phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, việc xây dựng những giải pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là hết sức cần thiết. Phát triển phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo góp phần phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tạo việc làm và phát huy vai trò tiên phong của giới trẻ trong phát triển kinh tế dựa trên tri thức. Xuất phát từ thực trạng của phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh, tác giả đã đề xuất một số giải pháp, định hướng nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là những giải pháp đòi hỏi sự phối hợp có hiệu quả của Trường, các phòng, ban, Khoa, bộ môn, các tổ chức đoàn thể, hướng tới mục tiêu chung hình thành, nuôi dưỡng và hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của HSSV.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

      1. BCH Đoàn trường Đại học Hà Tĩnh (2020), Báo cáo chính trị của BCH Đoàn trường khóa V tại Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh       trường Đại học Hà Tĩnh lần thứ VI

  1. CỤC THÔNG TIN KH&CN QUỐC GIA (2016), Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp: vai trò của chính sách Chính phủ
  2. Khoa Kinh tế - QTKD, Trường Đại học Hà Tĩnh (2017), Chương trình khóa học “ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp”
  3. Sở khoa học và công nghệ Tỉnh Hà Tĩnh (2018), Đề án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube