Tóm tắt: Dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã làm thay đổi căn bản hành vi của người tiêu dùng. Các hạn chế về di chuyển do ảnh hưởng bởi dịch bệnh lại trở thành một động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của hành vi mua sắm trực tuyến, nhằm thay thế các hành vi mua sắm truyền thông tại các chợ, siêu thị,… như giai đoạn trước đây.
Thương mại điện tử từ năm 2015 tăng trưởng dần qua các năm và đặc biệt tăng mạnh sau khi dịch Covid xảy ra, cụ thể giá trị doanh thu đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tăng xấp xỉ 3,8 tỷ USD so với năm 2018 - thời điểm trước khi dịch Covid xảy ra. Mặt khác, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tỷ trong tổng doanh thu bán lẻ cũng đã tăng mạnh từ 2,9% năm 2015 lên 4,4% năm 2018 với tốc độ tăng trưởng hơn 24%/năm cho thấy xu hướng dịch chuyển từ hình thức mua sắm truyền thống sang mua sắm qua các giao dịch điện tử ngày càng tăng lên.
Biểu đồ 1. Doanh thu ngành bán lẻ và thương mại điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020
Nguồn:Báo Diễn đàn doanh nghiệp
Sự tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, do dịch bệnh Covid-19 và các chính sách hạn chế đi lại, giãn cách xã hội làm các hình thức mua hàng truyền thống như tập trung mua bán tại chợ, siêu thị, các cửa hàng gặp khó khăn, thương mại điện tử với ưu điểm về việc mua bán được thực hiện hoàn toàn thông qua giao dịch trực tuyến lại khắc phục được các vấn đề này.
Thứ hai, khoa học công nghệ phát triển, mức độ sử dụng internet và các thiết bị thông minh của người dân tăng cao. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày. Việc tỷ lệ sử dụng internet cao đã khiến cho việc dân cư tiếp xúc với thương mại điện tử dễ dàng hơn - là một điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Thứ ba, sự gia tăng của các trang thương mại điện tử lớn trên thị trường. Việc ngày càng có nhiều trang thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada,…tham gia tổ chức các gian hàng mua sắm online càng làm nâng cao tính cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử. Qua đó, thúc đẩy cải tiến dịch vụ, nâng cao trải nghiệm người dùng, đa dạng hóa mặt hàng, nhờ vậy, việc mua sắm online trở nên đơn giản, thuận tiện, ngày càng thu hút nhiều người bán tham gia, tạo thuận lợi chuyển đổi hành vi của người tiêu dùng từ mua sắm tuyền thống sang tiêu dùng thông minh.
Thực tế, thương mại điện tử đã và đang phát triển tại Việt Nam, dịch Covid-19 chỉ là một nguyên nhân khiến thương mại điện tử bùng nổ hơn. Dù vậy thị trường thương mại điện tử nước ta vẫn đang còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác được hết, đó là dù người sử dụng nhiều nhưng chưa rộng rãi, mới chỉ phân bổ chủ yếu tại các khu vực thành thị; một số vấn đề cần xử lý như tranh chấp trên giao dịch bằng thương mại điện tử, thông tin tài khoản cá nhân, tính chính xác của thông tin vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó cần có các giải pháp để hoàn thiện thị trường thương mại điện tử trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, rà soát, bổ sung, sửa đổi các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số. Trong đó, chú trọng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong các giao dịch trên thương mại điện tử.
Thứ hai, chú trọng nâng cao, phát triển các hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho phát triển thương mại điện tử như phát triển hệ thống nền tảng mạng, dịch vụ cung ứng internet, tư vấn xây dựng hoàn thiện các ứng dụng mua sắm trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch online, đặc biệt chú trọng đầu tư đồng đều cả thành thị lẫn nông thôn….
Đối với người bán là các tổ chức, doanh nghiệp cần đầu tư nâng cấp công nghệ, phần mềm và dịch vụ hỗ trợ người tiêu dùng, có các chính sách bán hàng hợp lý nhằm kích cầu người tiêu dùng như các chính sách khuyến mãi phù hợp, các hỗ trợ về vận chuyển,…
Thứ ba, tuyên truyền, khuyến khích và đào tạo kỹ năng tham gia thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ, tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong thương mại điện tử như lừa đảo thông tin, bị đánh cắp tài khoản,....
Thương mại điện tử là xu thế phát triển tất yếu trong thời đại công nghệ và chuyển đổi, phát triển kinh tế số như hiện nay. Thông qua phát triển thương mại điện tử, người dân tiếp cận được thị trường hàng hóa rộng lớn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tài liệu tham khảo
Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025;
Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (2019), Chương trình “Phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019-2025”
https://diendandoanhnghiep.vn/