^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Vấn đề xử lý nợ xấu tại các ngân hàng

Nợ xấu là các khoản nợ dưới chuẩn, có thể quá hạn và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ lẫn khả năng thu hồi vốn của chủ nợ, điều này thường xảy ra khi các con nợ đã tuyên bố phá sản hoặc đã tẩu tán tài sản. Nợ xấu gồm các khoản nợ quá hạn trả lãi và/hoặc gốc trên thường quá ba tháng căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng để hạch toán các khoản vay vào các nhóm thích hợp.

Nợ xấu đã và đang tác động tiêu cực đến việc lưu thông vốn vào nền kinh tế và tính an toàn, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Mặc dù đã có nhiều ý kiến trao đổi về nợ xấu tại các ngân hàng thương mại (NHTM), nhưng cho đến nay, vẫn chưa có tiếng nói thống nhất nợ xấu về tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NHTM Việt Nam. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tại các NHTM khoảng 10%. Trong khi cơ quan Thanh tra NHNN lại đưa ra con số tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng khoảng 8,6%, tương đương với trên 200.000 tỷ đồng. Bên cạnh những con số được NHNN công bố nói trên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đưa ra tỷ lệ nợ xấu là 11,8%, tương đương với khoảng 270.000 tỷ đồng. Vậy nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam là bao nhiêu vẫn còn là ẩn số nhưng đa số các ý kiến đều cho rằng nợ xấu tại các ngân hàng là con số không nhỏ. Tại sao có sự khác nhau về tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng? Có thể lý giải về sự khác nhau này như sau:

Thứ nhất, do cách phân loại nợ: Theo quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN thì “nợ xấu” là các khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5. Ở Việt Nam còn có sự khác nhau về năng lực quản trị rủi ro và việc xếp hạng tín dụng nội bộ. Quản trị rủi ro tín dụng tại mỗi ngân hàng thường theo những khẩu vị rủi ro riêng. Vấn đề này đã dẫn đến một số bất cập trong việc so sánh, đánh giá cùng một đối tượng khách hàng nhưng lại có kết quả khác nhau

Thứ hai, thông tin về khách hàng vừa thiếu, vừa không chuẩn xác: ở Việt Nam, trên 90% là DN nhỏ và vừa, không ít DN có báo cáo tài chính không chuẩn xác, lại không qua kiểm toán. Việc dựa vào một số thông tin đầu vào để cấp tín dụng, đã dẫn đến một số khoản vay  vừa ra khỏi  ngân hàng đã khó có khả năng thu hồi.

Thứ ba, hoạt động thâu tóm, mua bán, sáp nhập, các công ty sân sau, sở hữu chéo trong ngân hàng... đã tạo ra những vòng luẩn quẩn của dòng tiền . Đây cũng là những hoạt động tiềm ẩn nhiều nợ xấu nhưng rất khó chỉ ra để xử lý, khi tính minh bạch và giải trình còn hạn chế.

Thứ tư, nợ xấu còn có nguyên nhân sâu xa từ đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ ngân hàng và khách hàng. Do nhiều nguyên nhân mà một số cán bộ ngân hàng đã cấu kết với khách hàng để che giấu sự thật, gian lận, cố ý làm trái quy định của NHNN, của NHTM. Mặc dù chưa có số liệu công bố nhưng trong tổng số nợ xấu đó, một tỷ lệ không nhỏ nảy sinh từ vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Tóm lại, những bất cập trong phân loại nợ, vấn đề sở hữu chéo, vấn đề đạo đức nghệ nghiệp... đã làm nảy sinh nợ xấu tại các ngân hàng và có chiều hướng ngày càng tăng. Cho dù nợ xấu ở mức nào thì hiện tại đã và đang tác động tiêu cực đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, đến việc lưu thông dòng vốn vào nền kinh tế và tính an toàn, hiệu quả kinh doanh của chính các ngân hàng. Chừng nào chưa xử lý được vấn đề này thì việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ không đạt hiệu quả.  

Theo kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các nước trên thế giới thì việc hình thành các công ty chuyên về xử lý nợ xấu của ngân hàng sẽ giải quyết được vấn đề này. Và việc xử lý nợ xấu của Việt Nam hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đã thực hiện.  Ngày 12/11/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành văn bản số 8421/NHNN-TTGSNH về việc triển khai thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, để triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 phê duyệt “Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai các nội dung sau: Xây dựng và triển khai Kế hoạch xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng giai đoạn 2013-2015 trong đó bao gồm các nội dung chính:

Một là, mục tiêu xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng là phấn đấu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay.

Hai là, đánh giá thực trạng nợ xấu, chất lượng tín dụng của TCTD trong hai năm 2011, 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 theo các tiêu chí: Thực hiện đánh giá thực trạng nợ xấu, chất lượng tín dụng bao gồm các khoản nợ xấu

Ba là, đề xuất các giải pháp để xử lý nợ xấu dự tính theo quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của Thống đốc NHNN. Đề xuất các giải pháp xử lý nợ xấu phù hợp với quy định tại Quyết định 843, chỉ tiêu nợ xấu xử lý được (kết quả dự kiến) theo từng giải pháp, theo từng năm đến năm 2015, bao gồm cả nợ xấu bán cho Công tyQuản lý tài sản.

Bốn là, giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng: Các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thẩm định, quyết định việc cho vay của các TCTD, các biện pháp tăng cường giám sát vốn vay, các biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ về chất lượng tín dụng, các biện pháp xử lý các khoản cho vay trả lãi trái quy định của pháp luật hoặc gây rủi ro cho TCTD

Các TCTD gửi Kế hoạch xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng giai đoạn 2013-2015 về NHNN (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) trước ngày 30/11/2013 để giám sát việc thực hiện.

Tài liệu tham khảo:

- Cafef.vn

- Tapchitaichinh.vn

- vi.wikipedia.org/wiki

- Giáo trình ngân hàng thương mại – Học viện Tài chính

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube