^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Sáp nhập, hợp nhất - Xu hướng phát triển của các ngân hàng tại Việt Nam

Trong lộ trình xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngân hàng nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém và phát triển hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhấn mạnh: Sáp nhập, hợp nhất ngân hàng là xu hướng tất yếu khách quan hiện nay để nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngân hàng. Trong bối cảnh kinh tế còn chưa phục hồi sau khủng hoảng, thị trường chứng khoán ảm đạm, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng đang dưới mệnh giá thì việc tăng vốn để tăng năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh của các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là các ngân hàng hoạt động yếu kém. Trên thực tế, việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng đem lại giá trị gia tăng lớn hơn so với khi các ngân hàng đứng riêng rẽ nhờ đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô lớn hơn, tăng uy tín, thương hiệu, giảm chi phí, khai thác tối đa lợi thế kinh doanh của các bên tham gia, phát triển cơ sở khách hàng, mạng lưới phân phối…Việc sáp nhập không chỉ diễn ra giữa các ngân hàng yếu với ngân hàng mạnh hay giữa các ngân hàng yếu với nhau mà giữa các ngân hàng mạnh cũng cần có sự liên kết, sáp nhập, hợp nhất để tạo ra những ngân hàng lớn mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh như Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán; về phía lĩnh vực ngân hàng có Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, trên cơ sở các văn bản pháp lý có liên quan, ngày 11/02/2011 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 04/2010/TT-NHNN quy định việc sáp nhập, hợp nhất và mua lại tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng. Ngoài ra, NHNN cũng đã tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho ngân hàng nào có nguyện vọng sáp nhập, hợp nhất. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để các ngân hàng có thể cùng hợp tác và phát triển bền vững trong tương lai.

Cuối năm 2011, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đã chính thức chấp thuận hợp nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần được cho là hoạt động không tốt, gồm: Ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng Sài Gòn (SCB).Tên của ngân hàng hợp nhất từ SCB, Ficombank và TinNghiaBank, theo đề án hợp nhất và tái cơ cấu, được xác định vẫn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).Ngày 1-1-2012, SCB hợp nhất chính thức đi vào hoạt động. Sau 1 năm tái cơ cấu, SCB đã được những tiến triển tích cực, cải thiện đáng kể tình trạng thanh khoản, năng lực tài chính thông qua các giải pháp tăng vốn điều lệ, gọi vốn của nhà đầu tư nước ngoài, củng cố giá trị tài sản đảm bảo, đẩy mạnh xử lý nợ và huy động vốn từ nền kinh tế.

Ngày 28/8/2012, Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) chính thức sáp nhập vào ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Trước đó, ngày 7/3/2012, SHB và Habubank đã cùng nhau ký vào một biên bản được gọi là “Biên bản ghi nhớ số 01/2012 ngày 8/3/2012 HBB - SHB”. Trong đó, các bên thống nhất thực hiện phương thức sáp nhập theo Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/2/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.Cụ thể, kể từ ngày sáp nhập: Habubank sẽ chuyển giao toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ, lao động và lợi ích hợp pháp của mình sang SHB; đồng thời chấm dứt sự tồn tại của Habubank. SHB sẽ kế thừa toàn bộ các quyền, lợi ích hợp pháp, đồng thời chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ tài sản, công nợ, lao động và các nghĩa vụ khác của Habubank.Ngân hàng SHB sau khi sáp nhập Habubank có tổng tài sản gần 120.000 tỷ đồng , tổng vốn điều lệ xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.

Đầu năm 2013 đến nay, xu hướng sáp nhập, hợp nhất ngân hàng diễn ra khá sôi động. Ngày 29-1, Eximbank và Sacombank đã cùng ký một bản thỏa thuận hợp tác, trong đó có định hướng sáp nhập. Tại lễ ký, lãnh đạo Eximbank cho biết hai bên sẽ nghiên cứu, xem xét trình Đại hội đồng cổ đông và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc hợp nhất và sáp nhập trong vòng từ 3 đến 5 năm tới nhằm nâng cao thế mạnh, mở rộng thị phần, tăng cường sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.

Ngày 25-4, Ngân hàng Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank) tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2013. Tại đại hội, nhiều vấn đề quan trọng được thông qua, trong đó đáng chú ý là đại hội đã thông qua việc mua lại một công ty tài chính tiêu dùng để chuyển thành công ty con và trình phương án hợp nhất sáp nhập HDBank và Ngân hàng Đại Á (DaiABank). Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận chủ trương này từ năm  2012, tuy nhiên, thông tin chính thức và chi tiết về lộ trình sáp nhập chưa được các bên liên quan công bố.

Với xu hướng này, việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng được dự báo sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Xét trên lợi ích chung của toàn hệ thống, quá trình này mang đến nhiều lợi ích, giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam thanh lọc các ngân hàng còn yếu kém, đảm bảo việc phát triển vững chắc trong tương lai. Vì vậy, NHNN cần có sự nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này để đưa ra lộ trình và các bước tiến hành phù hợp nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho toàn hệ thống và bản thân các ngân hàng. Đối với các ngân hàng nói riêng, quá trình sáp nhập, hợp nhất mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tuy nhiên mỗi ngân hàng cần cân nhắc, đánh giá đúng thực lực của mình trước khi ra quyết định. Nếu các ngân hàng yếu sáp nhập với nhau thì phải có phương án hỗ trợ để cùng vượt qua khó khăn, nếu không có các kế hoạch rõ ràng có thể tình hình sẽ càng khó khăn hơn sau khi đã hợp nhất.

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube