Sáng 28/6, Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, Tổng cục thống kê đã trình Chính phủ đề xuất thay đổi gốc tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6.2016
Trước đây, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vẫn tính CPI với các các hệ so sánh là CPI tháng báo cáo so với tháng trước, CPI tháng báo cáo so với cùng kỳ năm trước, so với tháng 12 năm trước và CPI bình quân. CPI tháng 12 năm hiện hành so với tháng 12 năm trước hiện được lấy làm thước đo tính lạm phát của nền kinh tế, song cách tính này chưa theo thông lệ quốc tế. Chính vì thế, trong các đánh giá, dự báo về lạm phát của Việt Nam và các tổ chức quốc tế luôn có sự khác biệt. Theo cách tính cũ này, CPI còn bị phụ thuộc nhiều vào giá cả tháng 12, trùng thời điểm lễ tết nên giá thường tăng mạnh, trong khi giá cả các tháng khác trong năm không được tính tới. Trong khi nếu dùng CPI bình quân cả năm làm gốc so sánh, số liệu lạm phát sẽ thay đổi. Như giai đoạn 2011-2015, nếu tính CPI bình quân cả năm sẽ cho thấy số liệu lạm phát Việt Nam các năm đều cao hơn so với dùng CPI tháng 12 năm sau so với tháng 12 năm trước.
Mặt khác, các nước trên thế giới và các tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế đều dùng CPI bình quân năm để so sánh. Trước đây vào các năm 2009, 2014 và năm nay 2016 Tổng cục Thống kê đã đề nghị Bộ KH&ĐT, Chính phủ, Quốc hội thay đổi gốc tính CPI, để lạm phát phản ánh đúng bản chất giá cả năm và phù hợp thông lệ quốc tế.
Chỉ tiêu lạm phát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong theo dõi tình hình diễn biến của nền kinh tế và đưa ra các điều chỉnh cần thiết. Lạm phát được dùng làm cơ sở điều hành lãi suất, thời điểm và mức tăng lương… nên cần điều chỉnh cách tính cho hợp lý. Đồng thời, trước xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa mạnh mẽ của nước ta hiện nay, việc thay đổi các chỉ tiêu kinh tế thống nhất với thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế là hoàn toàn thiết thực.
(Theo Lê Hữu Việt – Tiền phong online/Kinh tế)