Thời gian qua, nhờ sự phát triển bùng nổ của nền tảng số và tác động của các hoạt động chống dịch như giãn cách, thói quen tiêu dùng và mua sắm của người tiêu dùng từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng trực tuyến đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các trang thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Lazada, Shopee... hoạt động sôi nổi. Quá trình giao dịch mua bán trên mạng với các mặt hàng thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm... được ghi nhận mức tăng rất mạnh. Điều đó đã góp phần giúp một bộ phận logistics đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 không bị thiệt hại quá sâu.
Covid-19 đã đưa nhiều người tiếp cận hình thức mua sắm online thông qua các cú nhấp chuột hay một chạm. ASEAN là khu vực chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của thương mại điện tử so với mức trung bình của thế giới cũng như nhiều thị trường trưởng thành. Năm 2021, với quy mô 13 tỷ USD, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ tư tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong dự báo của Google, Temasek và Bain & Co, cho rằng, chỉ cần 4 năm nữa, tức vào 2025, Việt Nam sẽ giữ ngôi vị "á vương" tại Đông Nam Á, với quy mô thị trường đạt 39 tỷ USD.
Quy mô thương mại điện tử tăng lên, các công ty dịch vụ hậu cần (logistics) ngành này cũng buộc phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu mới. Theo báo cáo "Logistics thương mại điện tử - Phân tích và quỹ đạo thị trường toàn cầu" của ResearchAndMarkets, thị trường toàn cầu cho logistics thương mại điện tử ước tính đạt 861,4 tỷ USD vào năm 2027, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 20,5% trong giai đoạn 2020-2027.
Tiềm năng thị trường logistics của thương mại điện tử
Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLBA) cho biết, ngành logistics tại Việt Nam chiếm tỷ trọng từ 20 đến 25% GDP tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ; và dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 12% mỗi năm trong tương lai gần. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử mang lại nhiều cơ hội hơn cho các công ty hậu cần để khai thác tiềm năng của thị trường.
Một kho hàng hóa của doanh nghiệp thương mại điện tử tại Đông Nam Á.
McKinsey ước tính rằng, dịch vụ hậu cần theo hợp đồng hiện chỉ chiếm hơn 20% thị phần phân phối đơn hàng của thị trường bán lẻ và hàng tiêu dùng toàn thế giới. Phần còn lại của thị trường được chi phối bởi ba đối tượng tham gia: những gã "khổng lồ" thương mại điện tử, các công ty khởi nghiệp, hoặc dịch vụ hậu cần nội bộ của các thương hiệu.
Theo tạp chí Nghiên cứu Nâng cao Quốc tế (IJAR), để đảm bảo tốc độ và độ chính xác, đồng thời tiết kiệm chi phí, một số doanh nghiệp thương mại điện tử đã thành lập các công ty hậu cần của riêng mình
Bên cạnh sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, vận tải và logistics trong thương mại điện tử của Việt Nam cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng tăng cao.
Nhiều tập đoàn và doanh nghiệp bán lẻ như Vincommerce, Thế giới di động, FPT, Lotte, Aeon... đang định hướng phát triển E-commerce. Với tiềm năng đầy triển vọng, thương mại điện tử Việt Nam cũng thu hút các đại gia đầu ngành của thế giới như Alibaba, Amazon... gia nhập vào thị trường, điều này cũng khiến cho lĩnh vực logistics trở nên sôi động hơn.
Đầu tư công nghệ logistics giúp tăng trải nghiệm mua sắm
Theo các chuyên gia, đầu tư vào logistics đồng nghĩa với đầu tư vào tương lai của thương mại điện tử, góp phần mang lại trải nghiệm mua sắm tối ưu cho người dùng, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử đang bùng nổ trên toàn thế giới. Do đó, ngoài đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thời gian vận chuyển cũng là yếu tố quan trọng góp phần định hình trải nghiệm mua sắm trực tuyến trên thương mại điện tử có hoàn thiện hay không.
Dây chuyền phân loại hàng hóa ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong hệ thống vận hành
Năm 2020, cuộc khảo sát do Retail Gazette thực hiện, ghi nhận 81% người tiêu dùng có trải nghiệm giao hàng không tốt, tăng gấp 5 lần so với năm trước; 1/3 người đổi sang mua sắm trên sàn thương mại điện tử khác sau sự cố giao hàng. Bằng cách cải thiện hệ thống logistics thời dịch, các sàn thương mại điện tử có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của việc trì hoãn giao nhận, đồng thời gia tăng uy tín và tỷ lệ giữ chân khách hàng.
Nếu thương mại điện tử là ngành công nghiệp của tương lai, thì logistics chính là "xương sống" giúp ngành phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Bối cảnh đại dịch đã chứng minh chỉ khi doanh nghiệp làm chủ được "xương sống" này thì chuỗi cung ứng và công tác giao vận mới không gãy đổ và doanh nghiệp nhanh chóng nhận được sự công nhận của người tiêu dùng. Đồng thời, điều này cũng mở ra tiềm năng phát triển không ngừng của thị trường e-logistics tương lai.