Việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của quốc gia nói chung và đối với cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình nói riêng. Giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trẻ là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo.
Việt Nam có một cơ cấu dân số tương đối trẻ, đây là một thế mạnh rất lớn để thực hiện mục tiêu “ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” dựa trên lợi thế và tiềm năng của nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng và cơ cấu lao động ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Xét trên tổng thể thị trường lao động, tình trạng dư cung vẫn còn phổ biến. Những năm trước đây, tỷ lệ lao động qua học nghề, nhất là đào tạo nghề chính quy còn thấp dẫn đến chất lượng lao động không đảm bảo, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong những năm gần đây, mặc dù tình trạng học vấn của lao động không ngừng được cải thiện, hệ thống văn bằng được nâng cao và mở rộng nhưng tình trạng thất nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng. Lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học,cao đẳng chính quy trong cả nước không có việc làm ngày càng nhiều, một bộ phận sau khi tốt nghiệp đại học trở đảm nhận các công việc không cần bằng cấp, hiện tượng sinh viên sau khi tốt nghiệp làm công nhân, hoặc làm các công việc không cần đến trình độ đại học đang dần không còn xa lạ. Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng này?
Thứ nhất, số lượng sinh viên đầu ra mỗi năm quá nhiều. Hiện tại, Việt Nam có hơn 500 trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Việc mở cửa ồ ạt các trường đại học với chất lượng đầu vào thấp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm tăng vọt.
Thứ hai, thực tế vấn đề việc làm ở Việt Nam cũng đang gặp khó khăn. Trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động như các công ty chứng khoán, công ty xây dựng…, một số doanh nghiệp giải thể, đóng cửa đã làm mất việc của hàng ngàn lao động.
Thứ ba, nguyên nhân xuất phát từ chính nguồn nhân lực được đào tạo nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc. Sinh viên sau khi tốt nghiệp không đủ năng lực, trình độ đảm nhận các vị trí trong doanh nghiệp, khiến các nhà tuyển dụng từ chối hoặc phải đào tạo lại.
Giải quyết vấn đề này như thế nào?
Trước hết, cần quan tâm hơn đến chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng mà đầu tiên là ở chất lượng đầu vào. Giáo dục đại học cần hướng tới năng lực và kĩ năng mà sinh viên thu nạp được sau bốn năm học. Cần phải có sự gắn kết giữa đào tạo nguồn nhân lực và nhu cầu của xã hội. Phải xác định rõ các doanh nghiêp, nhà tuyển dụng cần gì, để hướng tới mục tiêu đào tạo. Việc đào tạo đại học, cao đẳng cần mang tính ứng dụng thực tế, tránh tình trạng sinh viên sau khi ra trường vẫn chỉ có một lượng kiến thức lý thuyết mà chưa biết áp dụng như thế nào? Để làm được điều đó, theo tôi, nên tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với công việc thực tiễn của các doanh nghiệp, tổ chức nhiều hơn. Phải có sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhà trường nên dựa vào nhu cầu tuyển dụng trong tương lai của doanh nghiệp để đề ra chỉ tiêu tuyển sinh.
Thứ hai, đối với người lao động, trước tiên phải có định hướng việc làm tương lai ngay trong thời gian học tập, để tìm cách tiệm cận với thực tế công việc đó, trau dồi cho bản thân những kĩ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Một trong những giải pháp đó là vấn đề làm thêm, thực tập, sinh viên làm quen dần với công việc tương lai, để biết bản thân thiếu, yếu những khía cạnh nào để tự khắc phục
Thứ ba, cần có sự quan tâm, giải quyết của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề việc làm- một vấn đề nổi cộm hiện nay.
Tóm lại, tạo công ăn việc làm cho người lao động nói chung và sinh viên sau tốt nghiệp nói riêng là một vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, điều đó không thể giải quyết trong một sớm một chiều, mà đây là vấn đề xuyên suốt của xã hội từ thời kì này qua thời kì khác, cần được Nhà nước quan tâm giải quyết. Trong bài viết, cá nhân tôi xin được đóng góp một vài ý kiến, hi vọng có thể góp phần hạn chế tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp hiện nay.