Nền kinh tế xanh hiện nay đang là vấn đề nóng bỏng không chỉ của riêng Việt Nam mà là của cả thế giới. Trong đó, sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, tạo ra lợi nhuận hài hòa giữa sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường chính là trách nhiệm của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực này. Nguyên nhân chủ yếu chính là việc các doanh nghiệp thiếu kinh phí. Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, đã có nhiều ngân hàng, quỹ tín dụng đứng ra cùng chung tay với doanh nghiệp trong công tác cải thiện chất lượng môi trường sản xuất.
Qua phỏng vấn ý kiến phản ánh của một số giám đốc doanh nghiệp xanh, hiện hệ thống các khu công nghiệp ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường. Phần lớn hệ thống xử lý chất thải, nước thải và khí thải công nghiệp đã xuống cấp, đòi hỏi phải cải tạo, nâng cấp hoặc thay mới. Thế nhưng, vấn đề kinh phí để tái đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải lại hết sức nan giải, nhất là vào thời điểm nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn.Trong đó lãi suất là một trong những biến số được theo dõi một cách chặt chẽ nhất trong nền kinh tế. Diễn biến của nó được cập nhật hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng vì nó là nhân tố trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của nền kinh tế.
Trước thực tế đó, qua điều tra cho thấy rằng hiện nay Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cùng hợp tác với Ngân hàng Thế giới tiến hành cho các chủ đầu tư vay vốn ưu đãi để xây dựng mới, sửa chữa các dự án môi trường. Theo đó, các chủ đầu tư có thể vay tối đa lên đến 5 triệu USD với lãi suất 6,8%/năm. Thời gian cho vay cũng dài hơi hơn, linh hoạt từ 15 đến 20 năm. Những đối tượng được vay ưu đãi là doanh nghiệp Việt Nam - chủ đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung đang hoạt động, được mở rộng hoặc tiến hành đầu tư mới.
Tuy nhiên, để được vay vốn ưu đãi, các chủ đầu tư phải đáp ứng được một số tiêu chí như: cam kết hệ thống xử lý nước thải tập trung có kết nối với 100% các doanh nghiệp thuê đất trong khu công nghiệp; cam kết chỉ có một đầu xả thải; vận hành hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định hiện hành và nước thải sau khi xử lý phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy định.
Bên cạnh đó, đại diện Quỹ Tín dụng xanh (thuộc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam) cũng cho biết, quỹ đang triển khai chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư công nghệ sạch,có lợi cho môi trường từ trung hạn cho đến dài hạn với mức bảo lãnh tối đa 50%/tổng giá trị khoản vay. Những loại hình công nghiệp có tiềm năng được tiếp cận nguồn vốn này là ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất giấy, chế biến thực phẩm, sản xuất thép, luyện kim, da và sản xuất hóa chất.
Không dừng ở đó, tại các tỉnh thành Quỹ Bảo vệ môi trường cũng đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đơn vị, tổ chức tham gia đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt; nước thải, xây dựng các trạm xử lý nước thải tại các khu công nghiệp; dự án xử lý khí thải; dự án tiết kiệm năng lượng ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường… Theo đó, những đơn vị, tổ chức nào đầu tư những lĩnh vực trên được vay vốn với lãi suất ưu đãi 6%/năm và thời gian cho vay tối đa là 7 năm.
Có thể thấy rằng, việc tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi không còn là chuyện khó. Cái khó còn lại chính là các cá nhân, đơn vị, tổ chức ý thức như thế nào về việc cần thiết phải cải thiện chất lượng môi trường sản xuất hiện nay.
Tài liệu tham khảo
2. http://dalat-info.vn/TIPC-Lamdong