^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

So sánh Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp và Thông tư 133/2016/TT – BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thông tư 200/2014/TT-BTC ra đời thay thế quyết định 15/2006/QĐ-BTC, Thông tư 133/2016/TT – BTC  ra đời thay thế quyết định 48/2006/QĐ- BTC với nhiều sự thay đổi đáng kể, mục đích giao tính tự chủ cho doanh nghiệp nhiều hơn, quan tâm đến bản chất vấn đề hơn hình thức. Sự thay đổi đó thể hiện thông qua hệ thống chứng từ, sổ sách, tài khoản, báo cáo tài chính, thậm chí cả phương pháp tính giá và đồng tiền được sử dụng trong kế toán. Để thuận lợi cho việc nghiên cứu, học tập của giảng viên và sinh viên tác giả xin đưa ra sự so sánh cụ thể giữa Thông tư 200 và Thông tư 133 như sau:

Điểm giống nhau:

Thứ nhất, Về đồng tiền được sử dụng trong kế toán: Trước đây doanh nghiệp chỉ  sử dụng đồng tiền Việt Nam để ghi sổ. Hiện tai theo chế độ kế toán hiện hành các doanh nghiệp có thể sử dụng đồng ngoại tệ ghi sổ, lập báo cáo tài chính tuy nhiên báo cáo tài chính vẫn phải được chuyển đổi sang đồng Việt Nam khi công bố và nộp Báo cáo tài chính cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Thứ hai, Về chứng từ kế toán: Các loại chứng từ kế toán tại danh mục và biểu mẫu chứng từ kế toán đều thuộc loại hướng dẫn. Doanh nghiệp được chủ động xây dựng, thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của mình nhưng phải đáp ứng được các yêu cầu của Luật kế toán và đảm bảo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, kịp thời, dễ kiểm tra, kiểm soát và đối chiếu.

Thứ ba, Về hệ thống sổ sách kế toán: Doanh nghiệp được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho riêng mình nhưng phải đảm bảo cung cấp thông tin về giao dịch kinh tế một cách minh bạch, đầy đủ, dễ kiểm tra, dễ kiểm soát và dễ đối chiếu. Trường hợp không tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán, doanh nghiệp có thể áp dụng biểu mẫu sổ kế toán theo hướng dẫn ban hành kèm theo các Thông tư  nếu phù hợp với đặc điểm quản lý và hoạt động kinh doanh của mình.

Tùy theo đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý, doanh nghiệp được tự xây dựng hình thức ghi sổ kế toán cho riêng mình trên cơ sở đảm bảo thông tin về các giao dịch phải được phản ánh đầy đủ, kịp thời, dễ kiểm tra, kiểm soát và đối chiếu.

Điểm khác nhau:

Thứ nhất, Đối tượng áp dụng

 Thông tư 200: Thông tư này hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Như vậy các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể áp dụng theo TT 200

Thông tư 133: Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ) thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trừ doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, công ty đại chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại Luật Hợp tác xã.

Thứ hai, Áp dụng chuẩn mực kế toán

Thông tư 200: Áp dụng các chuẩn mực kế toán Việt Nam (26 chuẩn mực kế toán)

Thông tư 133: Doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện Chế độ kế toán ban hành theo Thông tư này và các Chuẩn mực kế toán Việt Nam có liên quan, ngoại trừ các Chuẩn mực kế toán Việt Nam sau:

STT

Số hiệu và tên chuẩn mực

1

CM số 11 - Hợp nhất kinh doanh

2

CM số 19 - Hợp đồng bảo hiểm

3

CM số 22 - Trình bày bổ sung báo cáo tài chính của các ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự

4

CM số 25 - Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con

5

CM số 27 - Báo cáo tài chính giữa niên độ

6

CM số 28 - Báo cáo bộ phận

7

CM số 30 - Lãi trên cổ phiếu

Thứ ba, Về hệ thống tài khoản

Hệ thống tài khoản theo Thông tư 133 đơn giản hơn tài khoản theo Thông tư 200 rất nhiều:

- Thông tư 133 về chế độ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng ít TK hơn nên không chia chi tiết nhiều tài khoản cấp 1 như Thông tư 200 mà gộp vào một tài khoản cho dễ. Cụ thể:

+ Không sử dụng các tài khoản: TK 212 , TK 213 mà chỉ sử dụng chung 1 TK 211 – Tài sản cố định, với các TK cấp 2: TK 2111- TSCĐHH, TK 2112 – TSCĐ vô hình, TK 2113- TSCĐ thuê tài chính. Trong khi đó Thông tư 200 lại chia các tài khoản cấp 2 của TK TSCĐHH, TSCĐVH TSCĐ thuê tài chính cụ thể theo loại tài sản.

+ Không sử dụng TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (Trước đây theo quyết định 48/QĐ-BTC ngày 14/9/2006 có sử dụng) mà nội dung hạch toán các khoản giảm trừ doanh thu như: Chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại được hạch toán vào bên Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

+ Không sử dụng các tài khoản tập hợp chi phí sản xuất: TK 621 – Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, TK 622 – Chi phí nhân công trực tiếp, TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công, TK 627 – Chi phí sản xuất chung như Thông tư 200. Các nội dung tập hợp chi phí được hạch toán vào TK 154 – Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

+ Các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp được tập hợp vào TK 642 – Chi phí quản lý kinh doanh trong đó chia cụ thể: TK 6421- Chi phí bán hàng, TK 6422 - Chi phí QLDN.

+ Không sử dụng TK 221, 222 mà gộp vào TK 228 - Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

- Thông tư 133 không sử dụng các tài khoản: TK 113 – Tiền đang chuyển, TK 158 – Hàng hóa kho bảo thuế, TK 161 – Chi sự nghiệp, TK 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu chính phủ, TK 221- Đầu tư vào công ty con, TK 412- Chênh lệch đánh giá lại tài sản.

- Thông tư 200 chia ra nhiều tài khoản cấp 2 cụ thể, còn Thông tư 133 không chia nhỏ như vậy, nếu doanh nghiệp muốn quản lý dễ hơn thì có thể thêm vào các tài khoản cấp 2 chi tiết.

Thứ tư, Về Báo cáo tài chính:

+ Về mẫu biểu báo cáo tài chính

Theo Thông tư 200 hệ thống  báo cáo tài chính bao gồm:

Bảng cân đối kế toán – Mẫu số B01 – DN

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh - Mẫu số B 02 – DN

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ - Mẫu số B 03 – DN

Bản thuyết minh Báo cáo tài chính - Mẫu số B 09 – DN

Theo Thông tư 133: * Hệ thống báo cáo tài chính năm áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng giả định hoạt động liên tục bao gồm:

- Báo cáo tình hình tài chính

Mẫu số B01a – DNN

- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Mẫu số B02 – DNN

- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính

Mẫu số B09 – DNN

Tùy theo đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý, doanh nghiệp có thể lựa chọn lập Báo cáo tình hình tài chính theo Mẫu số B01b - DNN thay cho Mẫu số B01a - DNN.

Báo cáo tài chính gửi cho cơ quan thuế phải lập và gửi thêm Bảng cân đối tài khoản (Mẫu số F01 - DNN).

Báo cáo không bắt buộc mà khuyến khích lập: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Mẫu số B03 – DNN)

* Hệ thống báo cáo tài chính năm áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đáp ứng giả định hoạt động liên tục bao gồm:

Báo cáo bắt buộc:

- Báo cáo tình hình tài chính

Mẫu số B01 – DNNKLT

- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Mẫu số B02 – DNN

- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính

Mẫu số B09 – DNNKLT

Báo cáo không bắt buộc mà khuyến khích lập:

- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Mẫu số B03 - DNN

* Hệ thống báo cáo tài chính năm bắt buộc áp dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ bao gồm:

- Báo cáo tình hình tài chính

Mẫu số B01 - DNSN

- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Mẫu số B02 - DNSN

- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính

Mẫu số B09 - DNSN

+ Trách nhiệm, thời hạn lập và gửi báo cáo tài chính:

Theo Thông tư 200 các doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính quý, năm với thời hạn nộp báo cáo tài chính quý (đối với doanh nghiệp nhà nước) là 45 ngày, thời hạn nộp báo cáo tài chính năm là 90 ngày. Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng Thông tư 133 chỉ lập báo cáo tài chính năm. Tuy nhiên ngoài việc lập báo cáo tài chính năm, các doanh nghiệp có thể lập báo cáo tài chính hàng tháng, quý để phục vụ yêu cầu quản lý và điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Nội dung hướng dẫn lập báo cáo tài chính cũng có sự khác nhau giữa hai Thông tư do hệ thống tài khoản có sự khác nhau

+ Việc lập và trình bày các chỉ tiêu trên Bảng cân đối kế toán đều dựa trên cơ sở doanh nghiệp hoạt động liên tục và doanh nghiệp hoạt động không liên tục. Tuy nhiên có sự khác biệt rõ ràng giữa Thông tư 200 và Thông tư 133:

Theo Thông tư 200 không phân biệt ngắn hạn và dài hạn áp dụng khi  lập và trình Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục. Tuy nhiên điều này lại áp dụng trong trường hợp lập và trình Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp  đáp ứng giả định hoạt động liên tục của Thông tư 133.

Thực ra Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa được xây dựng chủ yếu dựa vào chế độ kế toán doanh nghiệp nói chung, tuy nhiên chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa đơn giản, tinh gọn hơn. Trong quá trình giảng dạy và học tập các bạn sinh viên không được tiếp cận nhiều do đó tác giả đã đưa ra một số so sánh để có cái nhìn tổng quát và dễ hiểu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ Tài chính (2006), Quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 về việc ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp

[2]. Bộ Tài chính (2006), Quyết định 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/9/2006 về việc ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ.

[3]. Bộ Tài chính (2016), Thông tư 53/2016/TT-BTC ngày 21/3/2016 về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 200.

[4]. Bộ Tài chính (2016), Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 về việc hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa.

[5]. Bộ Tài chính (2014), Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 về việc hướng dẫn Chế độ kế toán Doanh nghiệp.

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube