^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Hướng đi mới cho việc phát triển du lịch gắn với các làng nghề thủ công truyền thống tại Hà Tĩnh

Hà Tĩnh là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch khá toàn diện. Với gần 137 km bờ biển, Hà Tĩnh có những bãi tắm giá trị như Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thạch Bằng, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Đèo Con … với nguồn lợi hải sản phong phú, là thế mạnh để phát triển du lịch biển, đảo. Hà Tĩnh cũng có nhiều di tích danh thắng nổi tiếng như núi Hồng - sông La, bến Tam Soa - Tùng Lĩnh, suối Tiên - Thiên Tượng, đèo Ngang - Hoành Sơn Quan, hồ Kẻ Gỗ, Vườn quốc gia Vũ Quang, thác Vũ Môn, Quỳnh Viên - Nam Giới... Đó là điều kiện cần để có thể phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao.

Hà Tĩnh có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, từ bao đời nay luôn nổi tiếng là vùng “địa linh, nhân kiệt”.Đây là quê hương của nhiều danh nhân gắn với di tích lịch sử - văn hoá như khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, di tích Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, khu lưu niệm Tổng bí thư Trần Phú, khu lưu niệm Tổng bí thư Hà Huy Tập, khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc…

Đây cũng là vùng đất nổi danh với đời sống văn hoá dân gian hết sức phong phú được phản ánh qua các làn điệu dân ca, câu hát, vần thơ, lễ hội, làng nghề thủ công như  hát phường vải Trường Lưu, Trường Nga; ca trù Cổ Đạm; hát ví dặm đò đưa dọc sông Lam; múa sắc bùa ở Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Khê; hò chèo cạn ở Cẩm Nhượng; hò Thạch Khê; các đình, chùa nổi tiếng như chùa Hương Tích, đền Chợ Củi, Quỳnh Viên - Chiêu Trưng, đền bà Bích Châu, Sơn phòng Hàm Nghi... luôn hấp dẫn du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu và chiêm bái.

Đặc biệt, Hà Tĩnh có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Khai thác các sản phảm thủ công truyền thống và khôi phục phát triển các làng nghề có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch. Kinh nghiệm cho thấy nhiều làng nghề truyền thống nếu được đầu tư xây dựng, khôi phục quá trình hoạt động có thể trở thành một điểm tham quan hấp dẫn, đồng thời có thể tổ chức bán được các sản phẩm lưu niệm cho du khách. Gần đây xu hướng phát triển làng nghề có sự tham gia của khách du lịch trong quá trình sản xuất đang được phát triển mạnh, càng nâng cao vị thế làng nghề thủ công truyền thống đối với hoạt động du lịch. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn những nghề phù hợp và những làng nghề có vị trí gần các tuyến, điểm du lịch để thuận tiện đầu tư phát triển và tổ chức khai thác.

Hiện nay, Hà Tĩnh có hơn 30 làng nghề và nghề truyền thống với quy mô rất lớn với hàng ngàn hộ gia đình tham gia sản xuất, có thể kể đến một số làng nghề tiêu biểu có thể khai thác phát triển du lịch:

- Làng mộc Thái Yên: Thuộc xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, là một làng phát triển nghề mộc lâu đời. Hàng mộc Thái Yên không chỉ nổi tiếng ở trong nước, được ưa chuộng ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh... mà còn nổi tiếng ở nước ngoài như Hồng Kông, Thượng Hải...Năm 2010, làng mộc Thái Yên được Hiệp hội làng nghề Việt Nam vinh danh là một trong chín  làng nghề tiêu biểu của cả nước.

Ảnh: Đĩa gỗ và biểu trưng gỗ (Nguồn: baohatinh.vn)

- Làng rèn Vân Chàng - Minh Lang: Thuộc xã Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh. Từ bao đời làng rèn Vân Chàng không chỉ có tiếng ở địa phương mà cả ở trong nước về sản xuất các mặt hàng như: dao, dựa, cuốc, xẻng, lưỡi cày và các hàng sắt gia dụng khác luôn được mọi người sử dụng ưa chuộng.

- Làng rèn Minh Lương: Làng nằm cạnh làng Vân Chàng, nay thuộc xã Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh. Làng phát triển nghề rèn nông cụ, hiện nay nghề vẫn được tiếp tục phát triển và mở rộng .

- Làng đóng thuyền Trường Xuân(nay là xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ): Một làng có nghề đóng thuyền nổi tiếng trong cả nước. Theo truyền ngôn và thần phả đền thờ tổ sư thì nghề này có từ đời Lê, thuộc xã Trường Xuân (Đức Thọ). Hiện nay có khoảng 170 hộ làm nghề đóng thuyền ở Trường Xuân đã phát huy, kế thừa ngành nghề truyền thống để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.

Ngoài ra, ở Hà Tĩnh còn có một số làng nghề khác như: làng gốm Cẩm Trang; làng đúc đồng Đức Lâm; mỹ nghệ vàng bạc Nam Tri; dệt vải Châu Phong, Hạ Hoàng; dệt thảm (Xuân Hội, Nghi Xuân); Nghề dệt chiếu cói (Thị trấn Nghèn, Can Lộc); Nghề đan lát đồ mây, tre nứa, đóng thuyền (Thạch Long, Thạch Hà); Nghề làm nón bài thơ (Phù Việt, Thạch Hà; Kỳ Thư, Kỳ Anh); nghề dệt vải và làm chăn, đệm (Thạch Đồng, thành phố Hà Tĩnh)...

Xác định được các tiềm năng to lớn đó đối với phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung, trong những năm qua tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chiến lược xây dựng thương hiệu, đầu tư xây dựng điểm đến, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo môi trường du lịch an toàn và thân thiện, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư quy mô lớn được triển khai thuận lợi và đúng tiến độ nhằm đưa ra các sản phẩm du lịch làng nghề mới, hấp dẫn du khách và có sức cạnh tranh so với các địa phương khác trong cả nước. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cần phải có những giải pháp cụ thể để phát triển du lịch gắn với các làng nghề thủ công truyền thống xứng với tiềm năng vốn có.

- Cơ quan ban ngành chuyên môn cần tổ chức một số cuộc điều tra, khảo sát về ý kiến du khách đối với hoạt động du lịch của các làng nghề, từ đó chúng ta mới biết nhu cầu thật sự của du khách là gì và khả năng đáp ứng của làng nghề đến đâu.

Ảnh: Sản phẩm gỗ nội thất Thái Yên (Nguồn: langvietonline.vn)

- Chính quyền địa phương cần có chương trình phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân địa phương đặc biệt là nhận thức cho thế hệ trẻ, bởi vì đối tượng duy trì hoạt động của các nghề truyền thống còn bị hạn chế, chỉ tập trung vào đối tượng trung và cao tuổi, giúp họ nhận ra những giá trị thiết thực của sản phẩm từ những làng nghề thủ công truyền thống mang lại.

- Tỉnh cần lựa chọn một số làng nghề có tiềm năng, lợi thế về sản phẩm, cảnh quan, môi trường, có khả năng kết nối và nghề đặc trưng nhằm phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch để có thể tổ chức đầu tư phát triển khai thác, xúc tiến, quảng bá giới thiệu các sản phẩm trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch.

- Cần có chính sách cơ chế “mở” để tập trung xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, hỗ trợ đào tạo nghề, khuyến khích các nghệ nhân, thợ lành nghề tiếp tục truyền, dạy nghề, vận động hình thành các HTX, doanh nghiệp trong các làng nghề để làm hạt nhân phát triển làng nghề.

- Cơ quan chuyên môn tỉnh cần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủ công, truyền thống; nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, phát triển sản phẩm đa dạng cả về mẫu mã, chất lượng và tạo ra các sản phẩm đặc trưng, phù hợp với hàng lưu niệm - quà tặng phục vụ du lịch.

- Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống đó chính là việc bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái. Thực trạng phổ biến hiện nay là sự phát triển của làng nghề truyền thống tại các điểm du lịch luôn đi kèm với sự ô nhiễm môi trường.

- Tiếp đến, một trong những yếu tố mà khách du lịch quan tâm tại các làng nghề truyền thống đó là bản sắc văn hóa, việc phát triển làng nghề cũng đồng nghĩa là việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng, có như vậy hoạt động làng nghề với hoạt động du lịch mới thực sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, để các làng nghề phát triển đúng với tiềm năng, trở thành một loại hình trọng điểm thu hút khách du lịch cần có sự hợp tác chặt chẽ, chung tay góp sức của các ban, ngành, chính quyền địa phương với các doanh nghiệp, cộng đồng người dân và những nghệ nhân, người thợ ở các làng nghề truyền thống.

Có thể nói rằng phát triển du lịch gắn với phát triển các làng nghề truyền thống đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc.Văn hóa các làng nghề truyền thống đích thực là một nhân tố hấp dẫn để phát triển du lịch.

 

Tài liệu tham khảo

 

[1]. Sở VHTT&DL Hà Tĩnh (2012), Đề án chính sách khuyến khích phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2010 - 2020.

[2]. Sở VHTT&DL Hà Tĩnh (2013), Báo cáo quy hoạch phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

[3] UBND tỉnh Hà Tĩnh (2013), Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 tầm nhìn 2050.

[4]  http://www.vietnamtourism.gov.vn

[5]  http:// www. dulichhatinh.com.vn

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube