^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ TRONG HOẠT ĐỘNG THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI TỈNH HÀ TĨNH

 

Quản lý thuế là hoạt động thường xuyên của cơ quan thu nói chung và cục thuế nói riêng hướng về các đối tượng nộp nhằm đảm bảo thu ngân sách đầy đủ, kịp thời, đúng luật định. Trong những năm gần đây, hoạt động quản lý thuế đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức chung, công tác này vẫn còn tồn tại một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục. 

Từ khóa: Quản lý thuế, ngân sách nhà nước, Tỉnh Hà Tĩnh.


1. Nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động thu ngân sách năm 2016 tại Tỉnh Hà Tĩnh

Năm 2016,  Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách nội địa cho Hà Tĩnh 5.415 tỷ đồng (trong đó thuế, phí là 4.765 tỷ đồng, tiền sử dụng đất là 650 tỷ đồng). Nhiệm vụ thu ngân sách Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh giao 7.500 tỷ đồng, bằng 139% dự toán Trung ương giao, Ngành Thuế xác định đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn, vì vậy đòi hỏi cán bộ, công chức toàn ngành thuế phải nỗ lực quyết tâm cao để thu đạt càng cao, càng tốt. Cụ thể, các nhiệm vụ trọng tâm được Cục xác định như sau:

-   Các đơn vị trong ngành phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tăng thu ngân sách, trên cơ sở đó lấy việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách tỉnh giao làm thước đo đánh giá năng lực, phẩm chất, trách nhiệm của cán bộ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nói đi đôi với làm. Đồng thời, các đơn vị động viên cán bộ, công chức làm việc có hiệu suất, chất lượng và hướng các hoạt động của ngành vào mục đích “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu năm 2016 được Bộ Tài chính và HĐND tỉnh giao”.

- Đẩy mạnh và thực hiện nghiêm túc chương trình cải cách hành chính thuế: xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, đơn giản, rõ ràng, minh bạch; sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính thuế đảm bảo nguyên tắc thủ tục phải đơn giản, cụ thể, rõ ràng, giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí cho người nộp thuế; đẩy mạnh việc nộp thuế bằng hình thức điện tử, thực hiện tốt cơ chế “một cửa” trong việc hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về chính sách thuế, quản lý thuế và giải quyết các thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế.

- Các Chi cục, các phòng Văn phòng và cá nhân trong ngành thuế làm việc với tinh thần trách nhiệm và hiệu quả cao nhất; tích cực tham mưu kịp thời với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đó tạo ra nguồn thu; thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ về những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tạo thuận lợi tháo gỡ khó khăn kịp thời cho người nộp thuế trong việc sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng thu cao nhất.

- Tăng cường kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ, công chức toàn ngành. Đổi mới phương pháp làm việc, củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thuế. Tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong hoạt động công vụ, tạo bước chuyển biến thật sự về kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành.

- Động viên các tổ chức, cá nhân không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị thu ngân sách, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, đạo đức cán bộ thuế. Thực hiện tốt phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan thuế.

2. Vai trò của Công tác quản lý thuế trong hoạt động thu ngân sách năm 2016 của Tỉnh Hà Tĩnh

Cục thuế Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2016 được cả hệ thống chính trị quan tâm và coi trọng công tác thuế; cán bộ, công chức thuế với tinh thần quyết tâm cao, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị thu ngân sách được giao. Đây là những yếu tố thuận lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách.

Bên cạnh thuận lợi thì công tác thuế năm 2016 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 17%, lĩnh vực có thuế phát sinh hàng năm lớn từ đầu tư xây dựng cơ bản thì năm 2016 vốn đầu tư phát triển giảm 54% so với năm 2015 và đạt 63% kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt thấp so với kế hoạch và giảm 7,2% so cùng kỳ. Bên cạnh khó khăn về kinh tế, thì một số nguồn thu giảm mạnh so với các năm trước, nhiều nguồn thu lớn không phát sinh hay phát sinh thuế thấp so với dự kiến đầu năm; sự cố môi trường biển xảy ra ở các tỉnh miền trung, đã làm khó khăn hơn cho việc lãnh đạo, chỉ đạo và ảnh hưởng trực tiếp kết quả thu ngân sách.

 

Bảng 1. Kết quả thu ngân sách nội địa năm 2015 – 2016

TT

CHỈ TIÊU

 TỔNG THU 2015

 TỔNG THU 2016

% THỰC HIỆN

 

2015/2016

 

CÙNG KỲ

DT NĂM TỈNH GIAO

DT NĂM BỘ GIAO

 
 

1

Doanh nghiệp Nhà nước

              879.236  

              941.089  

107%

62%

101%

 

2

DN có vốn đầu tư nhà nước

           1.357.198  

           1.063.372  

78%

70%

110%

 

3

Xổ số kiến thiết

                  5.413  

                  5.963  

110%

85%

 

 

4

Thuế ngoài quốc doanh

              981.356  

              800.775  

82%

52%

62%

 

5

Thuế thu nhập cá nhân

              196.928  

              192.338  

98%

64%

89%

 

6

Thu tiền sử dụng đất

           1.239.596  

           1.225.396  

99%

163%

189%

 

7

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp+ nhà đất

                11.100  

                10.333  

93%

86%

94%

 

8

Tiền thuê đất

              165.322  

              134.124  

81%

77%

298%

 

9

Thuế Bảo vệ môi trường

              373.878  

              530.716  

142%

88%

104%

 

10

Lệ phí trước bạ

              275.794  

              276.704  

100%

70%

89%

 

11

Phí + lệ phí

           1.181.777  

              136.474  

12%

72%

180%

 

12

Thu khác ngân sách

              150.268  

                96.151  

64%

45%

77%

 

13

 Thu tại Xã

                82.825  

                54.157  

65%

83%

175%

 

14

Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

              184.472  

                20.716  

11%

9%

8%

 

15

Thuế sử dụng đất nông nghiệp

                     542  

                     267  

 

 

 

 

16

Thu tiền bán, thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước

                     379  

                     425  

 

 

 

 

 

TỔNG

           7.086.084  

           5.489.000  

77%

73%

101%

 

(Nguồn: Báo cáo kết quả thu ngân sách nội địa năm 2015, 2016 – Cục thuế tỉnh  Hà Tĩnh)

Kết quả trên là sự nổ lực, góp sức của toàn ngành, toàn đơn vị, trong đó phải kể đến vai trò, đóng góp lớn của công tác quản lý thuế trong năm qua và được thể hiện rõ rệt ở các mặt sau:

* Công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (NNT)

Công tác tuyên truyền đạt được nhiều kết quả tốt, nội dung tuyên truyền phong phú và có chất lượng tốt. Toàn ngành đã có 181 bài viết đăng trên các báo về các nội dung như: Tuyên truyền các chính sách pháp luật thuế mới, sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Quản lý thuế, thuế GTGT, thuế Tiêu thụ đặc biệt, Lệ phí Môn bài vv…; cải cách thủ tục hành chính về thuế, phản ánh tình hình nợ đọng thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn, làm các phóng sự về quản lý thuế; Cung cấp 35.000 tờ rơi cho Người nộp thuế về hướng dẫn kê khai thuế khoán đối với hộ cá nhân kinh doanh năm 2016.  Cục thuế còn tổ chức 17 lớp tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng chính sách thuế với 2.811 lượt doanh ngiệp và cán bộ thuế tham gia; thực hiện biên tập và xuất bản 2 Bản tin Thuế Hà Tĩnh. Ngoài ra, cục còn khen thưởng và đề nghị các cấp các ngành khen thưởng, tôn vinh 193 người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế và 5 các tổ chức, cá nhân khác ngoài ngành thuế có thành tích trong việc tham gia công tác quản lý thuế. Cán bộ cục đã thực hiện hỗ trợ qua điện thoại 2.415 cuộc, hỗ trợ trực tiếp 1.648 trường hợp; trả lời 106 văn bản về vướng mắc của NNT.

* Công tác quản lý kê khai và kế toán thuế

Đẩy mạnh việc kiểm kê, rà soát mã số thuế luôn được cơ quan thuế các cấp quan tâm và chú trọng đảm bảo kiểm soát, nắm bắt kịp thời đối tượng nộp thuế, để đưa vào diện theo dõi, quản lý thuế. Chú trọng rà soát thông tin người nộp thuế, kịp thời đôn đốc người nộp thuế bổ sung thông tin để phục vụ cho công tác quản lý. Năm 2016813 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, bằng 95% so với thời điểm 2015; có 483 DN ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng 6% so với năm 2015,1.204 DN ngừng sản xuất kinh doanh đang đề nghị rút giấy phép kinh doanh; đến 31/12/2016, toàn tỉnh hiện có 4.414 DN có nộp thuế trong đó 1.774 DN chỉ nộp thuế Môn bài và1.992 doanh nghiệp có phát sinh thuế trong năm 2016. Tăng cường việc giám sát, đôn đốc kê khai thuế, nhờ đó công tác quản lý, giám sát kê khai thuế ngày càng chặt chẽ và tạo được những chuyển biến tích cực. Tổng số tờ khai thuế của toàn tỉnh đạt 98% trên tổng số tờ khai phải nộp, tỷ lệ hồ sơ nộp đúng hạn đạt 86%.

* Công tác thanh tra, kiểm tra thuế chống thất thu ngân sách

Giám sát khai thuế và kiểm tra, thanh tra thuế có vai trò hết sức quan trọng trong việc giám sát thực thi pháp luật thuế đối với NNT, vì vậy để giảm thiểu rủi ro về thuế ngành thuế đã tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, doanh nghiệp hoàn thuế lớn; doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh sử dụng hoá đơn bất hợp pháp.

Thực hiện Luật Quản lý thuế và quy trình kiểm tra thuế, năm 2016 ngành thuế Hà Tĩnh đã kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, qua kiểm tra đã điều chỉnh 64 hồ sơ khai thuế, số thuế điều chỉnh là 43.472 triệu đồng, điều chỉnh doanh thu 298.654 triệu đồng, điều chỉnh giảm số thuế đầu vào được khấu trừ 562triệu đồng; ấn định thuế 4 doanh nghiệp, số thuế 374 triệu đồng.

Ngành thuế đã thanh tra thuế tại 84 doanh nghiệp, đạt 123% kế hoạch; số thuế tăng thu qua thanh tra 22,6 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ; giảm khấu trừ 302 triệu đồng, giảm lỗ 4,4 tỷ đồng. Thực hiện kiểm tra thuế tại 922 doanh nghiệp, đạt 101% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ; số thuế tăng thu qua kiểm tra 63,3 tỷ đồng, giảm khấu trừ 6,4 tỷ đồng, giảm lỗ 95,1 tỷ đồng.

Việc quản lý hoàn thuế GTGT tiếp tục được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Năm 2016, tổng số tiền chi hoàn thuế GTGT là 1.428 tỷ đồng cho 57 DN. Trong đó, “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” 100 hồ sơ, số thuế đã hoàn 120 tỷ đồng và “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” 60 hồ sơ, số thuế hoàn 1.308 tỷ đồng, số thuế không được hoàn 6 tỷ đồng; có 4 hồ sơ doanh nghiệp đề nghị hoàn mà cơ quan thuế không giải quyết hoàn thuế do không đảm bảo yêu cầu, điều kiện hoàn thuế. Mặt khác thông qua kiểm tra và phúc tra hoàn thuế đã xử lý thu hồi 652 triệu đồng tiền hoàn thuế, xử lý vi phạm hành chính số tiền 601 triệu đồng.

Phối hợp với cơ quan công an trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm gian lận, trốn thuế, ngành thuế đã chuyển cơ quan công an 7 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế như trốn thuế, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, số tiền cơ quan thuế và cơ quan công an xử lý thu vào ngân sách 1.222 triệu đồng.

Trên cơ sở Kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước Khu vực II tại Văn bản số 591/KTNN ngày 02 tháng 12 năm 2016 kiểm toán chấp hành kê khai thuế năm 2015 của 81 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kiến nghị tăng thu 4.962,4 triệu đồng. Ngành thuế đã theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước, đã có 37 doanh nghiệp nộp 1.363 triệu đồng vào NSNN.

* Công tác thu nợ và giảm thiểu nợ đọng thuế

Tăng cường việc quản lý thu hồi nợ đọng thuế, hạn chế thấp nhất nợ thuế mới phát sinh, năm 2016 ngành thuế đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý nợ thuế, từ việc giao chỉ tiêu thu nợ cho các Chi Cục Thuế; tham mưu cho Ủy ban nhân dân các địa phương thành lập Ban chỉ đạo giám sát nguồn thu và đôn đốc thu nợ thuế trên địa bàn toàn tỉnh; phân công nhiệm vụ thu nợ thuế cho từng bộ phận, cá nhân ngành thuế; rà soát, phân loại tiền thuế nợ từ đó đề ra biện pháp quản lý thu phù hợp. Tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện kê khai thuế kịp thời, đúng quy định. Để thu nợ cũ và hạn chế nợ mới phát sinh ngành thuế đã phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đôn đốc thu hồi tiền nợ thuế vào ngân sách nhà nước. Đôn đốc thu nợ thuế bằng điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Năm 2016 ngành thuế ban hành 22.468 lượt thông báo phạt nộp chậm tiền nợ thuế 2.815 doanh nghiệp, với số tiền thuế, tiền phạt 932.293 triệu đồng; cưỡng chế về thuế 4.457 lượt doanh nghiệp với số tiền thuế qua cưỡng chế 278.657 triệu đồng, thu được qua cưỡng chế là 99.475 triệu đồng; trong đó ban hành 127 QĐ cưỡng chế hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Với việc sử dụng đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp quản lý nợ nêu trên, nên năm 2016 đã thu được 1.577 tỷ đồng tiền thuế nợ, tăng 6,2% so với cùng kỳ, làm giảm số tiền nợ thuế đến thời điểm 31/12/2016 chỉ còn 321 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ. Với kết quả thu nợ đạt được nên tỷ lệ nợ thuế Hà tĩnh đến 31/12/2015 là 3,9% thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước và một số địa phương lân cận (tỷ lệ nợ thuế bình quân chung cả nước đến 31/12/2016 là 10,6%, Nghệ An 9,7%, Quảng Bình 14,7%) góp phần vào việc chống thất thu ngân sách, bảo đảm pháp luật về thuế.

3. Hạn chế và giải pháp khắc phục

Mặc dù thể hiện đóng góp tích cực trong công tác thu, hạn chế nợ ngân sách tồn đọng nhưng trong những năm qua, công tác quản lý thuế tại Hà Tĩnh còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách một số đơn vị có lúc, có khi chưa thật sự chủ động tham mưu kịp thời với cấp uỷ, chính quyền biện pháp quản lý để khai thác tốt nguồn thu nên việc quản lý nguồn thu chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ chính trị thu ngân sách trên địa bàn.

Nợ đọng thuế một số đơn vị còn khá cao; một số lĩnh vực, địa bàn công tác quản lý chưa được quan tâm đúng mức, công tác quản lý phí, lệ phí, thuế thu nhập các nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp của một số đơn vị còn tiềm ẩn nguồn thu chưa được quản lý kịp thời, đầy đủ.

Vi phạm về thuế diễn ra có chiều hướng phức tạp. Việc giám sát kê khai thuế, thu thập thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro trên hồ sơ khai thuế còn hạn chế, việc kê khai của một số doanh nghiệp chưa sát thực tế phát sinh, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý và nguồn thu.

Ngành thuế thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ công chức, nhưng một bộ phận cán bộ năng lực trình độ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, nên hiệu quả công việc chưa cao. Việc tuyên truyền, hướng dẫn về thuế, văn hoá ứng xử với người nộp thuế còn hạn chế, nhất là ở cấp Chi cục.

Công tác phối hợp giữa ngành thuế và các ngành trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế có lúc, có nơi chưa thật kịp thời, hiệu quả.

Để khắc phục các tồn tại trên nhằm mang lại kết quả cao nhất trong công tác quản lý thuế, trong thời gian tới, Cục thuế Hà Tĩnh có thể áp dụng đồng bộ một số giải pháp sau.

ng dụng công nghệ tin học vào quản lý thuế

Bên cạnh nỗ lực kiểm tra, rà soát để cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, một trong các giải pháp thiết thực của cải cách hành chính là ngành Thuế đẩy mạnh kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử. Để việc cải cách hành chính thuế thực sự có hiệu quả, ngành thuế đã làm tốt việc tuyên truyền để NNT hiểu được lợi ích khi sử dụng dịch vụ kê khai qua mạng, nộp thuế điện tử và đã khuyến khích NNT tham gia thực hiện. Kết quả đã có 4.820  doanh nghiệp kê khai qua mạng, đạt tỷ lệ 100%; 4.311 DN đăng ký nộp thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99% chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao và 2.678 đơn vị thực hiện nộp tiền qua dịch vụ nộp thuế điện tử đạt 72%.

Trong năm 2016 được sự hỗ trợ của Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hà Tĩnh đã triển khai Ứng dụng Quản lý hỗ trợ cấp Chi cục thuế và Ứng dụng Chữ ký số. Thực hiện nâng cấp 34 lượt ứng dụng quản lý thuế cấp Cục và cấp Chi cục đáp ứng sự thay đổi của chính sách thuế. Tổ chức vận hành tốt hệ thống cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, đáp ứng được yêu cầu khai thác, sử dụng ứng dụng của các đơn vị trong toàn hệ thống. Năm 2016 đã tiếp nhận 6.845 lượt yêu cầu hỗ trợ qua hệ thống hỗ trợ và qua điện thoại, quản lý ứng dụng quản lý thuế tập trung 1.850 lượt, tỷ lệ giải quyết yêu cầu đạt 100%. Số lượt hỗ trợ cho NNT về các ứng dụng liên quan là 4.842 lượt. Các yêu cầu của NNT đều được cơ quan thuế thuế kịp thời giải quyết, tạo điều kiện tốt nhất cho NNT thực hiện nghĩa vụ của mình vào Ngân sách Nhà nước.

Công tác tổ chức cán bộ

Công tác tổ chức cán bộ luôn được ngành thuế quan tâm, năm 2016 toàn ngành đã thực hiện luân phiên, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác 65 cán bộ. Rà soát, bổ sung, quy hoạch cán bộ Lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016-2021 cho 253 đồng chí; bổ nhiệm mới 30 cán bộ, bổ nhiệm lại có thời hạn 15 cán bộ; giải quyết chế độ, trao quỹ tương thân tương ái cho 18 cán bộ số tiền 180 triệu đồng, nâng lương định kỳ 322 đ/c, nâng lương  trước thời hạn 39 đ/c. Công tác khen thưởng được thực hiện thường xuyên và kịp thời nên đã khuyến khích cán bộ, công chức phấn đấu vì sự nghiệp chung là phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời thường xuyên quan tâm xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết nội bộ; đã xử lý kỷ luật 16 cán bộ, công chức (4 cảnh cáo, 11 khiển trách, cách chức 1) do vi phạm công tác quản lý, vi phạm kế hoạch hóa gia đình và vi phạm những việc cán bộ công chức không được làm.

Để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ công chức, Cục Thuế đã cử 115 cán bộ tham gia tập huấn tại TCT để tiếp thu chính sách, pháp luật về thuế, các quy trình, quy định về quản lý thuế của ngành; Tổ chức tập huấn chế độ chính sách pháp luật thuế sữa đổi, bổ sung, các quy trình quản lý, ứng dụng tin học vào công tác quản lý thuế cho 291 lượt cán bộ công chức; cử 18 cán bộ bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo cấp đội; 107 cán bộ đào tạo ngạch kiểm tra viên trung cấp thuế; 33 cán bộ đào tạo ngạch kiểm tra viên thuế; 14 cán bộ đào tạo ngạch kiểm tra viên chính thuế; hiện nay có 32 cán bộ học cao học và 14 cán bộ đang học cao cấp lý luận chính trị.

Công tác kiểm tra nội bộ, phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 chủ yếu tập trung vào kiểm tra, giám sát quy trình quản lý thuế của ngành Thuế và kiểm tra cán bộ, công chức thuế trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế đối với người nộp thuế, kiểm tra việc xác định thuế theo quy định của các Luật Thuế, giám sát quản lý tài chính các đơn vị trong toàn ngành; bộ phận kiểm tra nội bộ ngành thuế thực hiện phúc tra hoàn thuế, kiểm tra quyết toán thuế. Thông qua công tác kiểm tra nội bộ đã giám sát thực hiện pháp luật về thuế của NNT và công tác quản lý của ngành thuế, trên cơ sở đó đưa hết đối tượng vào quản lý với mức thuế sát đúng.

Thực hiện 8 cuộc kiểm tra nội bộ tại 6 chi cục thuế và phúc tra quyết toán thuế đối với 17 doanh nghiệp; truy thu thuế và xử phạt 7.934 triệu đồng; giảm lỗ 2.479 triệu. Qua công tác kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại trong công tác quản lý thuế và việc thực hiện thủ tục cải cách hành chính tại các đơn vị ngành thuế.

Cùng với tăng cường kiểm tra, thanh tra, Cục Thuế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ thuế, về quản lý tài chính công, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tiết kiệm trong sử dụng kinh phí như: Hạn chế tối đa tiếp khách, hội họp; tiền lưu trú, công tác phí; sử dụng xăng xe, văn phòng phẩm, sử dụng điện; không mua sắm vật dụng, tài sản chưa cần thiết. Nguồn kinh phí tiết kiệm được phục vụ cho các hoạt động của ngành và tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức. Công khai số điện thoại đường dây nóng trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế, trang thông tin điện tử của tỉnh để người nộp thuế, nhân dân biết và phản ánh các vướng mắc cũng như giám sát việc làm của cơ quan thuế, cán bộ thuế, trên cơ sở đó tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính thuế, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương trong ngành Thuế theo hướng phát triển chuyên nghiệp, hiện đại hóa ngành thuế.

 

Về giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp nhận và giải quyết 8 đơn khiếu nại về công tác quản lý thuế và chi tiêu tài chính của một số đơn vị trong ngành theo thẩm quyền, đúng quy trình, không có hồi tố.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh (2016), Báo cáo tổng kết công tác thuế năm 2016 - nhiệm vụ và giải pháp công tác thuế năm 2017.

2.   Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh (2016), Báo cáo Kết quả thu ngân sách nội địa năm 2016.

3.   Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh (2015), Báo cáo Kết quả thu ngân sách nội địa năm 2015.

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube